Trung tướng Võ Trọng Việt: Giàu đức hy sinh

Chủ Nhật, 22/12/2013, 10:30

Võ Trọng Việt, bây giờ đã là một vị tướng, đã trở thành người anh hùng, đang đảm đương những cương vị quan trọng: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Dẫu vậy, anh luôn là người giản dị, dễ gần với cánh văn chương, báo chí từ rất lâu. Những câu chuyện, kỷ niệm về anh với tôi lúc nào cũng luôn tươi mới.

Năm 1975, tháng 3, sau khi học xong phổ thông trung học với thành tích học tập đạt loại giỏi, Võ Trọng Việt xung phong đi bộ đội vào Tiểu đoàn 22 của Khu Tư anh hùng. Huấn luyện gấp, hội nhập cùng đoàn quân lớn trong đại thắng mùa xuân. Sau giải phóng miền Nam, anh được chuyển sang lực lượng Công an Hà Tĩnh, đi học trinh sát và trở về Đồn biên phòng 94, Diễn Châu, Nghệ Tĩnh, nơi có nhiều đồng bào theo đạo Thiên chúa, làm Bí thư chi đoàn của Đồn.

Đồn biên phòng 94 đóng quân trên các xã Diễn Thịnh - Diễn Kim, nơi có đông giáo dân cũng là thử thách rất lớn trong ứng xử của đội quân chiến thắng. Chiến tranh đi qua, thời gian đi qua, cái đói nghèo, lạc hậu và dốt nát còn nguyên lại đó. Các chiến sĩ biên phòng vùng biên giới dù ở nơi nào nhiệm vụ cũng giống nhau: Ăn cùng dân, ở cùng dân và giúp đỡ mọi mặt cho nhân dân. Bí thư chi đoàn Võ Trọng Việt ngày đi dạy văn hóa, cuốc đất, bắc nước, trồng bắp, trồng sắn, đan lưới, vá thuyền... đêm đêm lại chong đèn tự học, tham gia chuyên án và phá án trên bờ, trên biển. Có những chuyên án đau lòng, do túng thiếu, đói kém và dốt nát, một số bà con phải buôn lậu, phải tiếp tay cho kẻ xấu để mưu sinh, điều này đã đem lại không ít những ngẫm ngợi suy tư với chàng thanh niên mảnh mai Võ Trọng Việt.

Sau đó anh vào công tác ở Tây Nguyên. Năm 1986, cấp trên điều Đại úy Võ Trọng Việt về Đồn Biên phòng Nghệ Tĩnh đảm nhận cương vị trợ lý tổng hợp Phòng trinh sát và ba năm sau chính anh đã tham gia phá chuyên án Q.890 rất nổi tiếng, được Chính phủ tặng bằng khen và được thăng quân hàm thiếu tá.

Xin nói thêm đôi nét về chuyên án Q.890, một chuyên án rất lớn lúc bấy giờ. Những năm 1988-1990 trong cái đói khổ cùng cực của nhân dân, nguy cơ lung lay về chính trị, tư tưởng của mọi tầng lớp khi hòn đá tảng Liên Xô sắp tan vỡ, một số kẻ xấu lợi dụng cơ chế bao cấp và nhân dân khó khăn đã tổ chức làm các loại con dấu giả, bằng giả, giấy tờ giả để giả danh cán bộ, viên chức, bộ đội, thương binh tiến hành các hành động trục lợi trắng trợn, công khai gây nên tâm lý hoang mang, làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước ở một thời điểm rất nhạy cảm. Nguy hiểm và táo bạo hơn, chúng còn giả mạo giấy tờ, con dấu để biến người ngay thành kẻ gian và ngược lại trong các cơ quan nhà nước, trong đội ngũ công an, bộ đội, thương binh khắp trong Nam ngoài Bắc.

Xác định rõ đây là một hoạt động phạm tội có tổ chức, có kẻ cầm đầu và sự tiếp tay của không ít cán bộ nhân viên biến chất, Võ Trọng Việt đã cùng đồng đội không quản ngày đêm, mưa gió và cả đói rét nữa vào Nam, ra Bắc lặn lội khai thác, tiến hành nghiệp vụ hàng tháng trời mới lần ra đầu mối quan trọng của chuyên án do tên Mạnh người ở Khâm Thiên - Hà Nội, một tên gian ngoan và cũng rất thạo nghiệp vụ công an, trinh sát cầm đầu. Song ở đời, cái xấu, các ác dù gian manh xảo quyệt đến mấy, dù biến hóa tài tình đến mấy, dù được ai che chắn tiếp tay vẫn phải phơi bày ra ánh sáng. Trong thời gian này, Phòng Trinh sát của Đồn Biên phòng Hà Tĩnh, bộ đội biên phòng và công an đã biết đến một Võ Trọng Việt giỏi nghiệp vụ và giàu đức hy sinh.

Chuyện anh cùng đồng đội Biên phòng Hà Tĩnh nhận nhiệm vụ cứu đồng bào dân tộc Chứt thoát khỏi họa tuyệt chủng, bây giờ đã ổn định và phát triển, đã sinh sôi nảy nở từ lúc tộc người này chỉ còn vài chục nay đã lên tới con số trên bốn trăm nhân khẩu. Đã có những chàng sĩ quan biên phòng lấy cô gái dân tộc Chứt làm vợ và sinh con là một chặng đường gian nan, dám nghĩ dám làm của Chỉ huy trưởng Biên phòng Hà Tĩnh Võ Trọng Việt. Ngày ấy, chưa lùi xa hôm nay là mấy và ai cũng còn nhớ như in hình ảnh bà con dân tộc Chứt ủ rũ, u ám, mông muội, lầm lũi trong rừng nơi sát biên giới Việt - Lào, địa phận Hà Tĩnh đang bên bờ tuyệt chủng.

Khi đi khảo sát biên giới thời gian ấy, Võ Trọng Việt cùng các đồng đội đã báo cáo thẳng với Bí thư Tỉnh ủy Đặng Huy Báu vấn đề nan giải này và xin nhận nhiệm vụ khó khăn là cứu trợ người Chứt. Bí thư Đặng Huy Báu hỏi: “Liệu có chắc chắn làm được việc này không? Nếu làm được thì giao cho Biên phòng. Nhưng này, tiền không có mấy đâu các đồng chí ạ!”. Tôi thấy anh bỗng nhiên mỉm cười, cái mỉm cười rất hiếm khi trong bao nhiêu cuộc chuyện trò, tâm sự. Thú thật như thế là thấy rõ tỉnh nghèo rồi còn gì. Nghèo, nhưng để bà con dân tộc Chứt lay lắt, tuyệt vọng là có tội. Những người lính biên phòng nhận nhiệm vụ và đã làm rất tốt. Tốt đến mức các nhà báo, nhà đài nghe rồi phải vào cuộc. Đã có không ít phim tài liệu, chương trình tivi, các báo phản ánh, miêu tả, biểu dương, chất vấn, gợi mở. Việc chỉ đạo bộ đội biên phòng Hà Tĩnh góp tiền, công, thời gian, trí tuệ và mồ hôi để tộc người Chứt tồn tại, sinh sôi, ổn định và nhìn nhận đúng về bộ đội là một việc làm xuất phát từ cái tâm, cái đức của nhiều người, trong đó có anh.

Dù đảm đương những cương vị quan trọng nhưng Trung tướng Võ Trọng Việt với tôi luôn là một người anh giản dị, dễ gần. Có nhiều cuộc, cần phải đến với các chiến sĩ biên phòng ở Tây Nguyên, Tây Nam, Tây Bắc, Đông Bắc viết về vấn đề gì đó tôi đều có thể trực tiếp điện báo cáo với anh. Anh luôn động viên, hỗ trợ tôi trong mọi cuộc lên đường. Thường những cuộc ấy, nhiều lúc ở ngay các đồn biên phòng hoặc sau chuyến đi, tôi báo cáo các vấn đề mình quan sát được với anh. Khi là vấn đề phát triển đảng viên mới với chiến sĩ nghĩa vụ người dân tộc do thời hạn ngắn nên gặp khó khăn. Có vấn đề hết sức tế nhị như cán bộ đồn từ Bắc vào Nam đã trên dưới bốn mươi chưa vợ con gì, có vợ thì hiếm muộn chiếm tỉ lệ không nhỏ tại các đồn biên phòng toàn quốc. Có khi là thiếu nước sạch đồn này, thiếu điện, thiếu đường đồn khác. Anh lắng nghe chăm chú, luôn khơi gợi hỏi thêm, thậm chí muốn người đối thoại có đề xuất riêng từ thực tiễn. Cũng không ít khi, ngày nghỉ, đã khuya mà anh vẫn điện thoại cho tôi nói rằng có chiến sĩ biên phòng vừa hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Tôi lập tức lên đường. Tôi cũng như anh, máu đồng đội đổ xuống đã cho chúng tôi những suy nghĩ và hành động đúng như những gì là lẽ sống của người chiến sĩ.

Một hôm, đã khuya lắm, trời rất rét, tôi đang ở biên giới, bất ngờ nhận được một bài thơ hay, viết về biên cương cột mốc của nhà thơ Đỗ Trung Lai. Tôi điện thoại và đọc cho anh nghe. Bài thơ Đá và cờ ở Đồng Văn:

Dưới bóng vàng sao đầu Lũng Cú
Đá cũng là dân đất nước tôi
Chiều xuống, sương bò ra mặt đá
Như người giữ nước đổ mồ hôi

Cả đá lẫn người đều lẫm liệt
Muôn kiếp thi gan nhật nguyệt rồi
Ngậm gió cổng trời buông tiếng thét
Đá thề sống chết tựa người thôi

Sống chết, tận trung mà báo quốc
Chầu bên cột mốc chốn biên thùy
Ấm lạnh với người trong sương tuyết
Che đỡ cho người lúc hiểm nguy

Rồi đá cho người thân kiếp đá
Dựng thành chót vót với uy nghi
Hồn nước ngày đêm theo thạch trụ
Phần phật reo trên ngọn quốc kỳ.

Tôi cảm nhận được đầu dây bên kia anh đang lặng đi. Một lúc lâu, anh yêu cầu tôi đọc lại. Tôi đọc xong, im lặng một lúc, anh nhỏ nhẹ nói:  “Bài thơ hay lắm! Đợt tới mình nhờ Khai mời anh Đỗ Trung Lai đi biên giới một chuyến với mình. Biên phòng rất cần những bài thơ như thế”.

Tôi bỗng thấy anh như đang ở rất gần.

Trò chuyện nhiều lần cùng anh, tôi nhận thấy anh rất ít nói về bản thân mình mà ưa thích nói về công việc, đặc biệt là việc khó khăn chưa giải quyết được. Anh rất quan tâm tới một biên giới trên biển chẳng hạn. Và anh ao ước Việt Nam ta có những đội tàu thuyền đánh cá xa bờ vững mạnh, đông đúc, khai thác sản vật biển một cách bình yên và bình đẳng. Họ ra khơi ở những cửa biển, cửa sông nơi xóm mạc và trở về ăm ắp cá tôm với tiếng trẻ con cười. Người già, phụ nữ ở trần vá lưới ven sông, ven biển. Và đâu đó trên mấy nghìn ki lô mét đường biên đất liền và trên biển là sự giao lưu, học tập của các sắc màu văn hóa bên này bên kia cột mốc. Mơ ước của anh là một mơ ước giản dị, chính đáng, cũng là mơ ước của người chiến sĩ và của nhân dân.

Người con của làng Trung Hòa thấm thoát đã có bốn mươi năm cầm súng, cầm cày cầm cuốc, bút sách, phấn bảng và bây giờ là cầm quân, một đội quân tâm huyết và đông đảo đang có mặt ở những nơi gian khổ nhất trên mấy nghìn ki lô mét biên giới bộ và biên giới biển giáp ranh các nước bạn làm đủ mọi thứ công tác từ dạy chữ, dạy người đến nấu cơm, đối ngoại, bang giao, làm phên giậu, giữ gìn cương vực, nâng tầm và phát huy vốn văn hóa Việt Nam. Mái đầu anh dường như bạc nhanh hơn kể từ ngày đảm đương trọng trách cao nhất - Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Anh bảo rằng, anh vẫn mơ ước được làm thầy giáo làng dạy văn cho lũ trẻ nơi sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, nơi sông La, núi Hồng, nơi chợ Hà, chợ Giát, nơi cửa Sót, cửa Hội, cửa Lừng… Ước mơ thì giản dị như bao người lính khác chứ chẳng cao sang gì. Tôi lại chợt nhớ tới truyền thuyết về tướng quân Cao Thắng, một vị phó soái đắc lực nhất của cụ Phan Đình Phùng, mỗi khi hầu cờ chủ soái nơi căn cứ địa Vụ Quang - Hương Sơn chỉ ưa thích những nước cờ nhàn tản, khiêm cung, lấy chữ nhẫn, chữ tâm và chữ đức làm đầu để cảm hóa những bạo cuồng, loạn lạc, chỉ mong dân có ruộng cày, có lễ hội, có âm nhạc, trên dưới hòa mục, làng xóm yên vui mà không phải thành cao hào sâu, mà không phải phơi xương sĩ tốt nơi hòn tên mũi đạn.

Thì mơ ước nào về hòa bình, hòa hiếu với lân bang của con người chả thật gần nhau

Phùng Văn Khai
.
.