Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Vị tướng chiến trường, vị tướng bóng đá

Thứ Ba, 22/12/2009, 08:58
Do nghề nghiệp và cơ duyên, tôi được làm việc và quen biết với khá nhiều tướng lĩnh, nhưng người luôn để lại ấn tượng sâu đậm, gần gũi, chia sẻ nhất là Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng - Anh hùng LLVTND - Tư lệnh Quân khu 4. Ông vừa được Đảng, Quân đội cho nghỉ hưu ở tuổi tròn sáu mươi.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng sinh năm 1949, nhập ngũ năm 1966 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt và có nhiều hy sinh. Ông quê gốc xã Bình Ngọc, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, nơi địa đầu đất nước và nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1975 lúc 26 tuổi khi mang quân hàm Thiếu úy, Đại đội trưởng Đại đội xe tăng 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273, Quân đoàn 3.

Thành tích được phong anh hùng của ông nằm trong chiến dịch Tây Nguyên (3/1975) khi ông chỉ huy Đại đội 9 phối hợp với Đại đội Bộ binh 1 đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, chiếm lại khu kho Mai Hắc Đế (Buôn Ma Thuột); tham gia đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy giải phóng Buôn Ma Thuột; trong trận đánh chiếm thị xã Tuy Hòa (Phú Yên), Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy xe tăng M41 vừa thu được của địch bắn 9 quả đạn diệt 1 trận địa pháo 105mm, bắn chìm 1 tàu chiến, 1 xuồng chiến đấu; 29/4/1975, ông chỉ huy đại đội phối hợp với Bộ binh và Đặc công chốt tại Cầu Bông diệt và bắt toàn bộ đoàn xe M113 (22 chiếc) sau đó chỉ huy phân đội cùng các đơn vị bạn đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu ngụy trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Khi ông được phong Anh hùng, tôi mới lẫm chẫm biết đi và đến bây giờ khi lục lại thành tích của ông vẫn luôn phải tra từ điển. Khi tôi trở thành chiến sĩ binh nhì Tăng - Thiết giáp thì ông đã ở cương vị Đại tá - Tư lệnh Binh chủng và đương nhiên những ngày ấy may mắn lắm mới được nhìn ông từ xa, trên lễ đài, lúc diễu duyệt, còn thì chẳng bao giờ nghĩ đến sẽ có một ngày được trò chuyện cùng ông.

Nhưng may mắn, do nghề nghiệp (báo chí - văn học) và cũng bởi ông luôn quan tâm nữa nên gần như ngay sau đó tôi đã được tiếp cận và làm việc, nhiều lần phỏng vấn ông, giãi bày tâm sự và được nghe ông tâm sự, tôi mới thấy, nhiều vị tướng lĩnh cũng rất dễ gần.

Tôi hiểu ông rất quý thời gian và tuyệt đối không lãng phí vào những chuyện dông dài. Tối hôm cách đây hai năm, trong men say chiến thắng của buổi lễ tổng kết bóng đá của Quân khu, ai nấy đều ngây ngất khi đội bóng đoạt chức vô địch, đồng thời thăng hạng đá giải V-League. Niềm vui quá lớn khiến mọi người đều ngỡ ngàng, dường như còn chưa tin đó là sự thực.

Vị tướng siết tay tôi rất chặt, nheo mắt cười. Bao nhiêu bận rộn bỗng lùi cả ra xa khi câu chuyện là bóng đá, ông hồ hởi: "Mừng lắm Khai ạ. Nghẹt thở. Có khác gì đánh trận ngày xưa đâu. Suốt một mùa chiến dịch anh em căng mình cho từng trận đấu. Chớp thời cơ trước từng trận, đội bóng luôn đánh chắc tiến chắc, lựa thế quật ngã đối thủ mạnh, không khinh suất trước đối thủ yếu, tự vượt lên chính mình, rút kinh nghiệm từng buổi tập, thậm chí từng tích tắc trong mỗi trận để có cuộc nước rút ngoạn mục giành chiến thắng toàn cục".

Tôi ngắm vị thủ trưởng cũ của mình. Ông như trẻ ra, rạng rỡ khi sát cánh cùng anh em đồng đội thực hiện được một chiến công kỳ diệu. Ông sảng khoái nói: "Bóng đá lạ lắm, nó cho mình trở lại thời chiến trận ngày xưa. Chỉ khi dám tin vào chính mình, dồi dào thể lực, tinh thông kỹ thuật, uyển chuyển trong chiến thuật, đá thực sự bằng đôi chân, trái tim và cái đầu của mình thì chiến thắng sẽ đến". Chiến thắng! Có chiến thắng nào không thấm đẫm mồ hôi, trí tuệ, nước mắt và có khi cả máu.

Buổi chiều, trong hội nghị tổng kết, ông đã rưng rưng khi nhắc đến thất bại ở những trận đánh mà mình từng tham dự. Có trận chiến đấu kết thúc, cả đại đội chỉ còn lại hai người trong đó có ông. Hai người lính im lặng không dám nhìn vào nhau, không dám tin những gì vừa diễn ra. Không còn nước mắt để khóc. Sự tàn khốc của chiến tranh để lại nhiều dư chấn đến mức mỗi khi nhắc về đồng đội hi sinh, người chiến binh đã trải qua hàng trăm trận, sau độ lùi chiến tranh hơn 30 năm vẫn không cầm được nước mắt.

Tôi đã xem nhiều trận đội Quân khu 4 đá trên đất khách mùa giải 2008 với những tên tuổi sừng sỏ như T&T Hà Nội, TĐCS Đồng Tháp, V.Ninh Bình, H.Cần Thơ, T.Quảng Ninh, H.Huế... những đại gia giàu tiềm lực tài chính và dàn sao nội ngoại binh hùng mạnh kèm theo những mức thưởng trên giời của từng trận đấu mà các doanh nghiệp hoặc lãnh đạo các cấp vung ra nhưng cục diện trên sân mà đỉnh cao nhất là chiến thắng lại luôn thuộc về đội bóng áo lính.

Cái gì làm lên điều kì diệu ấy? Cái gì làm lên những bàn thắng quý hơn vàng ở những giây bù giờ cuối cùng. Ngay cả khi có dấu hiệu của những bất công từ phía trọng tài. Ngay cả khi chỉ còn tám người chiến đấu với mười một đối thủ trên sân khách trong trận quyết chiến cuối cùng giành ngôi vô địch mà chỉ riêng tiền thưởng trận ấy của đối phương đã lớn hơn nhiều tiền thưởng của tất cả các trận đội bóng áo lính nhận được từ đầu giải cộng lại, nhưng điều đối phương tưởng như cầm chắc mười mươi là chiến thắng và chức vô địch lại thuộc về những chuẩn uý, hạ sĩ, thượng sĩ, binh nhất, binh nhì, những người con đất lửa kiên cường.

Khi được tin đội Quân khu 4 giành chức vô địch, trong rất nhiều lời chúc mừng, vị tướng đã để tâm nhiều đến tâm sự của một quan chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Sau bao nhiêu tiền bạc và thất bại, sau bao nhiêu lần thay quân đổi tướng, thuê mướn cầu thủ, tăng lương tăng thưởng đủ mọi cách mà bóng đá Việt Nam cấp quốc gia và cấp câu lạc bộ dường như vẫn chưa tìm được đường đi đúng đắn, dài lâu của mình và vị quan chức ấy cho rằng điều mà Quân khu 4 làm được hoàn toàn khiến Liên đoàn phải suy nghĩ.

Tôi nhìn vị thủ trưởng cũ của mình, muốn nói một điều gì đó về Liên đoàn, một điều gì đó về bóng đá Việt Nam dù biết rằng trong suy nghĩ của ông những điều ấy đã nằm lòng từ lâu, chỉ có điều nói ra có khi cũng chẳng giải quyết được gì.

Bóng đá gì mà những thứ bất tài, những thứ ngoài bóng đá lại múa may trên diễn đàn, diễn ra trơ trẽn trên sân cỏ, còn những gì đích thực là bóng đá, những mới mẻ sáng tạo cần biểu dương khơi dậy lại im lặng, tuồng như thu mình tránh những bất ổn không đáng có.

Cần nhìn vào sự thật một cách toàn diện và thực sự cầu thị để tìm một hướng đi mới phù hợp hơn, một tinh thần phê phán thẳng thắn hơn cũng là góp sức xốc vác tiềm năng còn ẩn chìm của bóng đá.

Xây dựng một nền thể thao chuyên nghiệp lành mạnh trong đó có bóng đá đòi hỏi một chế tài đủ mạnh, những con người thực thi tâm huyết, tài năng, sự trau dồi đạo đức nghề nghiệp từ người quản lý đến huấn luyện viên và vận động viên. Và một điều không kém phần quan trọng trong bóng đá chuyên nghiệp là chúng ta phải biết chấp nhận và tạo điều kiện cho từng cá tính đội bóng, tuyệt đối không phân biệt giàu nghèo, dám bênh vực họ bằng chính sự công bằng trong những ứng xử hằng ngày, từ những ứng xử nhỏ nhất.

Dường như ai cũng có những suy nghĩ như thế. Phía trước là cả một bầu trời rộng lớn, một biển cả bao la mà trang bị của những người lính chỉ có sự trung thực, lòng dũng cảm, ý chí và quyết tâm, tài năng và tâm huyết để tranh tài mà trong sân chơi V-League vẫn còn không ít những bất cập đã kéo dài nằm ngoài mong muốn của những người yêu bóng đá thật.

Vị tướng cũng nói nhiều về việc phải phấn đấu tính chuyên nghiệp của một tập thể và mỗi cá nhân. Chỉ khi tính chuyên nghiệp trở thành nền tảng tiên quyết thì bóng đá Việt Nam mới có thể vươn lên tầm khu vực một cách vững chắc. Chỉ một điều ấy thôi cũng đủ đặt ra rất nhiều điều, đó là sự thách thức không nhỏ trong thời cơ chế thị trường hôm nay.

Trong mùa giải chuyên nghiệp ngay sau đó, đội bóng Quân khu 4 phải nói là rất chật vật trong hành trình trụ hạng của mình mặc dù ban đầu được nhận diện là ngựa ô của giải. Những lúc khó khăn nhất, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng luôn ở bên cạnh anh em đội bóng và lúc đó chúng tôi đã nhận ra vẻ thâm trầm của vị tướng in hằn vào từng quyết tâm nhỏ mà ông biết quá rõ nếu chỉ buông xuôi trong một tích tắc, mọi việc sẽ rất khác.

Đội bóng đã trụ hạng một cách nghẹt thở trong sự ngạc nhiên của nhiều người nhưng với tôi thì không. Tôi cho rằng đó là sự công bằng với tâm huyết bóng đá của ông, người thuyền trưởng đích thực trong những cơn sóng gió. Tôi im lặng và đã nghĩ đến sự phân vân của ông trong quyết định chặng đường tiếp theo của đội bóng.

Ngày 27/10/2009, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã quyết định chuyển giao đội bóng cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Việt (NaViBank) quản lý. Đội bóng sẽ mang tên NaViBank Sài Gòn và tiếp tục thi đấu ở V-League 2010. Huấn luyện viên Vũ Quang Bảo đã nhận lời làm huấn luyện viên trưởng đội bóng này.

Tôi biết đó là quyết định vô cùng khó khăn của vị tướng từng dày dạn chiến trường nhưng ở một lĩnh vực khác, ở một phương diện khác sẽ là một thách thức lớn, một thách thức không dễ gì vượt qua, nhất là điều đó lại là bóng đá. Và ông đã vượt qua một cách nhẹ nhàng. Không như Thể Công, còn có dằn dỗi, còn có vân vi, phản ứng, thậm chí hình thành cả một liên danh ý kiến không đồng ý thay tên Thể Công. Nhưng đội bóng Quân khu 4 lại khác. Họ biết chấp hành mệnh lệnh của ông. Mà ông luôn chấp hành quy luật của cái đúng, của lẽ phải, của sự phát triển tất yếu.

Cũng như lần đội bóng trụ hạng, tôi im lặng theo cách nghĩ của mình và chợt nhận thấy, ở bóng đá, điểm rất dễ gặp gỡ của những người trung thực, của những trái tim lương thiện, trong việc này, ông đã có một quyết định hết sức đúng đắn, chuyển giao đội bóng cho một thương hiệu khác để hành trình vươn tới chuyên nghiệp của đội diễn ra thuận chiều và sòng phẳng hơn, cho dù có đớn đau, và với ông là đớn đau lắm, nhưng ở một người ích kỷ và tư vị sẽ không bao giờ có được quyết định ấy.

Cũng như bây giờ đây, khi ông thông báo quyết định là mình đã nghỉ qua điện thoại di động, đồng thời mời anh em vào để tiếp tục công việc đã đặt ra từ trước tôi càng thấy rõ sự tĩnh tâm của ông, đã luôn gạt được mọi thứ tầm thường để đạt đến một điều giản dị. Tôi lại một lần nữa cảm thấy mình may mắn khi trở thành người chiến sĩ, trong đó có thời gian từng làm chiến sĩ của ông, và chợt thấy xung quanh luôn có rất nhiều người đã cho mình niềm tin và lẽ sống, từ người dân bình thường đến những vị tướng lĩnh như ông

Phùng Văn Khai
.
.