Trí tuệ nhân văn

Thứ Hai, 14/10/2013, 17:18

“Tư lệnh của Tư lệnh, Chính ủy của Chính ủy” - Thượng tướng Trần Văn Trà, cũng là một tài năng quân sự lớn của cách mạng Việt Nam thế kỷ XX, từng đánh giá về Đại tướng Võ Nguyễn Giáp như thế. Còn học giả quân sự, Thượng tướng Giáo sư Hoàng Minh Thảo khi được hỏi về đẳng cấp cầm quân của các vị tướng hàng đầu nước ta đã nói: “Tất nhiên, đầu tiên là Đại tướng Võ Nguyên Giáp…”. “Võ công” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nói theo cách của học giả Vũ Khiêu, xứng đáng “truyền quốc sử” cho nhiều đời sau ngưỡng mộ… Bên cạnh đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được tôn kính bởi “Văn đức quán nhân tâm”. Thực sự ông còn là một danh nhân văn hóa với trí tuệ nhân văn cao cả và sâu sắc.

Viết để làm công tác cách mạng

Nếu nhìn tổng quát thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước hết và hơn hết cần được đánh giá với tư cách là một nhà cách mạng. Ông đã tham gia vào các hoạt động yêu nước từ rất sớm, vào khoảng năm 1927, sau khi vào học tại trường Quốc học Huế được hai năm. Khi đó chàng thư sinh quê Lệ Thủy này đã cùng những bạn học giàu tinh thần yêu nước thương nòi như Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều), Phan Bôi… tổ chức bãi khóa đòi thả Phan Bội Châu. Cũng chính vì thế mà ông đã bị đuổi học và phải về quê Quảng Bình… Và rồi với sự dìu dắt của đồng chí Nguyễn Chí Diểu, chẳng bao lâu sau ông đã chính thức bước vào con đường hoạt động cách mạng, tham gia Tân Việt cách mạng đảng, một đảng theo chủ nghĩa dân tộc nhưng có màu sắc cộng sản được thành lập ở miền Trung năm 1924. Năm 1928, vào lại Huế, Võ Nguyên Giáp đã được chính đồng chí Nguyễn Chí Diểu giới thiệu đến  làm việc ở Quan Hải Tùng thư, một nhà xuất bản do Tổng bộ Tân Việt chủ trương, trụ sở đặt ở phố Đông Sa. Sáng lập viên của cơ sở này là học giả Đào Duy Anh. Tại đây, vị Đại tướng tương lai đã có thêm điều kiện để tiếp xúc với những nguồn sáng tri thức mới và tiến bộ. Ông đã được tìm hiểu sâu hơn về những học thuyết kinh tế, xã hội, dân tộc, cách mạng, đặc biệt là cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp và báo Người cùng khổ (Le Paria) do Nguyễn Ái Quốc viết từ Pháp gửi về. Chính trong môi trường đó, Võ Nguyên Giáp đã bắt tay vào việc viết báo, viết sách, không phải để cho vui, không phải để làm văn mà để làm cách mạng… 

Cũng do tham gia hoạt động cách mạng mà năm 1930, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyễn Giáp đã bị thực dân Pháp bắt giam vào nhà lao Thừa Phủ… Năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ Pháp, ông được trả tự do nhưng không được ở lại Huế mà phải ra Hà Nội và tiếp tục hoạt động cách mạng.  Chính trong giai đoạn đó, ông bắt đầu hoạt động rất tích cực vào làng báo cách mạng, tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các báo Tin tức, Dân chúng… Bút danh mà ông hay sử dụng là Vân Đình và Hải Thanh… Ngòi bút sắc sảo và hấp dẫn của chiến sĩ cách mạng kiêm nhà báo trẻ  này đã nhanh chóng tạo dựng uy tín cho ông. Từ năm 1936 tới 1939,  Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Và tác phẩm lớn đầu tiên mà ông đã có tên, đúng hơn là bút danh Hải Thanh, với tư cách người chiến sĩ cách mạng viết sách là cuốn Vấn đề dân cày xuất bản năm 1938, cùng với đồng chí Trường Chinh, tức Đặng Xuân Khu, lúc đó là Xứ Ủy viên Bắc Kỳ cùng  Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt, đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương trong Ủy ban Mặt trận Dân chủ Bắc Kỳ…  Sau đó, trong rất nhiều năm, Võ Nguyên Giáp đã phải dồn tâm huyết vào các công việc quan trọng hơn, không dính dáng gì tới việc viết sách… Chính vì thế nên tác phẩm lớn thứ hai mà ông đứng tên tác giả là Đội quân giải phóng được xuất bản năm 1950… Nói thế để thấy rằng, viết sách chưa bao giờ là công việc chính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cả. Với ông, đó chỉ là một trong những công việc để thực hiện nghĩa vụ của một nhà cách mạng, một chiến sĩ cách mạng. Nhìn theo góc độ này, thì những tập hồi ký rất nổi tiếng và quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở những giai đoạn hoạt động sau này, như Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng… cũng được hoàn thành như một phần công việc của nhà cách mạng lớn. Đại tướng đã dồn công sức vào hoàn thành các tập hồi ký này không phải để lưu danh cho cá nhân mình hay để “làm văn” như người ta vẫn nói, mà để góp phần lưu lại những điều tai nghe mắt thấy, những chứng cứ lịch sử về một giai đoạn rất hào hùng và khó khăn của đất nước, đúc kết những kinh nghiệm chiến tranh và cách mạng… Đó là những sử liệu chân thực và vô giá, có giá trị văn học và nhân văn cao cả, giúp hậu thế hiểu rõ hơn về con đường đã qua của dân tộc trong những thách thức nguy nan của thế kỷ XX. Tất nhiên, để phục dựng lại chân dung chân thực của lịch sử, cần không chỉ một nguồn tư liệu, không chỉ một người làm chứng, không chỉ một người trong cuộc nhưng rõ ràng là các tập hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn có thể được coi như những nguồn tư liệu quan trọng bậc nhất khi chúng ta muốn tìm hiểu về những sự việc, những giai đoạn chiến tranh và cách mạng của dân tộc trong thế kỷ XX mà ông đã từng là một trong những nhân vật chính, kiến trúc sư chính tác thành nên. Có lẽ không thể tìm hiểu ở đâu tốt hơn những bước phát triển của tư duy, của nghệ thuật quân sự Việt Nam là trong các tập hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chính ông là người đã kế thừa và phát huy nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại của các danh tướng tiền bối trong lịch sử nước nhà. Ông cũng là người góp phần xây dựng tư tưởng quân sự nổi tiếng của Đảng ta, do Bác Hồ đưa ra, mang tên Chiến tranh nhân dân, trên cơ sở tiếp thu  tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của tổ tiên, tri thức quân sự thế giới, lý luận quân sự Mác-Lênin cũng như từ những trải nghiệm thực tế…

Giáo dục là quốc sách

Chúng ta đều biết rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ từng là giáo viên dạy môn sử ở Trường tư thục Thăng Long, Hà Nội năm 1938 (khi đó trường này do học giả Hoàng Minh Giám làm hiệu trưởng)… Sau này, trở thành vị Tổng Tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không thể có nhiều thời gian dành cho ngành giáo dục nhưng có thể nói, đó luôn là lĩnh vực mà ông quan tâm. Hơn thế nữa, ở những thập niên cuối đời, ông đã dành rất nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Theo hồi ức mới được công bố của GS - TS Trần Hồng Quân, người từng là Thứ  trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), đã có không chỉ một lần  được làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì: “Một nhân vật lừng danh thế giới như Đại tướng nhưng thái độ lúc nào cũng chân tình, gần gũi. Khi nghe báo cáo, ông kiên nhẫn, tìm hiểu cặn kẽ. Ông thường ngợi khen và khuyến khích những điều mới mẻ, sáng tạo. Khi phát biểu chỉ đạo, ông thường chỉ ra khái quát các phương hướng quan trọng để mọi người dễ hiểu và nắm bắt”… GS - TS Trần Hồng Quân cũng kể lại rằng, một lần đến làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở nhà riêng, ông được Đại tướng dặn dò hết sức chân tình về những điều cần quan tâm về giáo dục và đào tạo, về cả cách viết, phát biểu… Dù tuổi đã cao, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn nhận lời làm Chủ tịch danh dự Hội khuyến học Việt Nam…

Tháng 9/2007, tức là khi đã ở tuổi 97, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn công bố cả một bài báo dài hơn 4 nghìn từ, được chắp bút hết sức công phu và sâu sắc, bàn về các quan điểm giáo dục trong thời đại mới. Bài viết có nhan đề: Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà. Bài viết này tập trung lại cả những vấn đề đã từng được bàn luận nhiều lần và nêu 6 vấn đề “cơ bản và cấp bách” nhằm “triển khai có kết quả công cuộc đổi mới nền giáo dục và đào tạo”… Dưới góc nhìn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “giáo dục và đào tạo là nhân tố quyết định để phát huy tiềm năng trí tuệ và năng lực sáng tạo của con người Việt Nam và cộng đồng dân tộc Việt Nam, là động lực quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta tiến lên nhanh và vững, hội nhập quốc tế thắng lợi, sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới. Đúng như Đảng ta đã xác định: Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu…”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu rõ rằng, trong kỷ nguyên thông tin hiện nay, nền giáo dục của chúng ta phải là một nền giáo dục cho mọi người, tạo điều kiện để mọi người được học, giúp cho mọi người biết cách học, biết cách tự học, học tập liên tục, học suốt đời; là một nền giáo dục mở và liên thông, có khả năng hội nhập với nền giáo dục chung của thế giới…

6 vấn đề cơ bản và cấp bách mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu ra là:

Trước hết, cần tổ chức lại và kiện toàn Hội đồng giáo dục quốc gia cho ngang tầm với nhiệm vụ.

Hai là, tổ chức nghiên cứu rà soát lại hệ thống chương trình giáo dục và sách giáo khoa.

Ba là, cần nghiên cứu tổ chức hệ thống giáo dục quốc dân cho hợp lý.

Bốn là, cần triển khai tích cực công tác phát hiện, tuyển chọn nhân tài, tổ chức đào tạo trong nước và ngoài nước để sớm có một đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, bồi dưỡng thành đội ngũ giảng viên đại học, đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng của cấp đại học.

Năm là, cần tăng cường đầu tư thích đáng, và quan trọng hơn, cần quản lý và sử dụng có hiệu quả ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo.

Sáu là, nền giáo dục của ta là nền giáo dục của dân, vì dân, do dân. Dân chủ và công bằng là tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, trước hết phải được thể hiện trong giáo dục và y tế, hai lĩnh vực trực tiếp bồi dưỡng con người. Bác Hồ mong muốn “ai cũng được học hành”. Vì vậy, xu hướng đúng đắn là phải tiến tới bỏ học phí…

Thực sự, hôm nay đọc lại những lời này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta thấy rằng, đó vẫn là những nhiệm vụ còn nóng hổi, cần nhận được sự đóng góp nhiều tâm huyết, trí tuệ và sức lực của toàn xã hội…

Tuấn Phương
.
.