Giáo sư - Tiến sĩ - Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính:

Tranh là nhật ký trái tim

Thứ Bảy, 30/11/2013, 15:38

Nhiều người bước vào hành trình tìm lại chính mình bằng cách bước chân vào nghệ thuật, người làm thơ, viết văn, người sáng tác nhạc. Riêng ông, ông đã tìm đến với hội họa. Ông vẽ trong những cơn cảm hứng say mê mải, ngây ngất, “điên loạn” như lên đồng. Có cảm tưởng từng nét chấm phá trong tranh ông là những giọt máu đào hồng tươi, tích tụ trào ra.

Ông, một giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư (GS-TS-KTS) trên hành trình bảo tồn di sản đã đi tìm lại chính mình ở cuối chặng đường đời bằng những bức tranh ám ảnh, nhiều sắc màu tươi mới. Xem tranh ông có cảm giác lạc vào chốn thâm sơn cùng cốc, sơn thủy hữu tình, bầu bạn với thiên thần hoặc ác quỷ. Hư ảo. Mê hoặc. Huyền bí. Chốn đó mang đậm màu sắc liêu trai mộng mị, si tình…

Chiều muộn cuối thu, những cơn gió lạnh đầu mùa se sắt thổi, đình Kim Ngân trên con phố Hàng Bạc, một trong 36 phố phường xưa cũ, ngôi đình có từ cách đây hàng trăm năm tuổi sau đợt Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã được di dân và cải tạo, nâng cấp cơi nới, ngày 20-11, lấp lánh đèn lồng vàng và dưới là những khung tranh của GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính.

Sau đợt triển lãm tranh cá nhân vừa qua ở Huế, một thành phố mang đậm nét cổ kính, mộng mơ, trầm mặc, thì lần này tại thủ đô ông đã chọn địa điểm để triển lãm là một ngôi đình. Không gian tôn nghiêm mang đậm màu sắc tâm linh hiện diện ngay trong con phố sầm uất của một khu đô thị giao thương tấp nập. Vị giáo sư tất bật với việc đón khách.

Trước sân đình hai cây đại thân xù xì vươn dài. Đại nở hoa trắng rơi lả tả xuống sân. Sàn lát gạch vuông đỏ. Mái đình cong cong uốn lượn như những cô gái Chăm uốn mình múa hát điệu nghệ. Tranh của ông vẽ hiện ra trong không gian có chút gì phảng phấp nét mơ hồ, kì bí. Các bức vẽ ngôi nhà cổ, phố cổ, tĩnh vật và các loài hoa. Ở bức tranh nào cũng cho thấy nguồn năng lượng dồi dào, phong cuồng bung tỏa như vũ bão và một cách cảm về cuộc sống thật tinh tế, sâu sắc, mẫn tiệp. Ông vẽ như một sự thôi thúc. Như thể “không vẽ, tôi sẽ chết”.

Từng mái nhà nhỏ xiêu vẹo hiện ra trong một màu trắng sáng bảng lảng sương khói, vừa mơ hồ, kì bí. Những thân cây đa, cây si rêu mốc xanh rì, to lớn lộ cộ hoặc khẳng khiu trụi lá xơ xác ngả nghiêng buông mình trong không gian hư ảo hiển hiện trong trí tưởng tượng bay bổng thoát trần của người họa sĩ. Những phố cổ thân thương của đô thị, những làng quê, ở gần hay xa, đều được thu qua lăng kính của người họa sĩ.

Bằng cách cảm, cách nghĩ, bằng tâm hồn mơ mộng với quá vãng xa xôi, bằng cả chất bụi bặm lãng tử và cả học vấn uyên thâm của kiến trúc sư con nhà dòng tộc. Ông đang bay, bay trên thực tại. Tất cả những điều đẹp đẽ đó đã hội tụ trong tranh ông. Không thể nào khác được, tranh của ông khác tất cả những bức tranh của các họa sĩ khác. 

Ngắm tranh của ông, tôi cam đoan rằng người ta sẽ thoáng chút rùng mình, gai gai lạnh. Bỗng dưng những dòng suối như mạch ngầm của cảm xúc ào ạt xô tới, lấn lướt hiện thực, lấn lướt không gian và thời gian. Một cánh cửa quay ngoắt, đóng sập ngay trước mắt. Bạn hay tôi sẽ quay cuồng trong một không gian khác.

Không gian ấy, dù ông, một họa sĩ tay ngang không muốn, hoặc giả cũng không cố tình ép buộc  thì chúng ta ôi thôi, đã bị gói gọn, nhốt kín trong không gian ấy mất rồi. Trước mắt ta dù tranh về tĩnh vật, phố cổ hay hoa thì ông, bằng bút pháp tài hoa không ý thức của mình đã kéo ta vào một thế giới khác. Hàng loạt những câu chuyện Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh lại lần lượt hiện về. Ảo ảnh. Mộng mị. Bí ẩn.

Ông có hàng chục năm làm về nghiên cứu bảo tồn di sản. Với ông văn học, hội họa, âm nhạc, điêu khắc… đều có sức hấp dẫn gắn kết với nhau và không rơi ra ngoài quỹ đạo. Con người ông giàu mơ mộng, lắm hoài niệm, nhiều ưu tư. Ông phân tích rạch ròi, sắc bén giá trị thực ảo vốn văn hóa di sản của cha ông. Lại có những bài viết đau đớn, rỉ máu, rướm lệ của một người giữ gìn kế thừa vẻ đẹp di sản khi bị bàn tay của “quỷ dữ” hoành hành.

Suốt hành trình mấy chục năm đằng đẵng tháng ngày đi tìm “công lý” cho cái đẹp di sản mà ông cho đến giờ đã bất ngờ có một cú hích đột phá, đến với hội họa. Được tung mình, cảm hứng tràn trên khung giấy. Từ sau tết 2012 ông tìm đến với hội họa, để có 70 bức tranh là 70 lần tòa thành cảm xúc khổng lồ dâng trào đè nghẹt, bóp vụn trái tim đa cảm.

 Được hòa mình vào trong cảm xúc tranh của ông, chợt thấy, còn một con người nữa mà ta chưa biết tới. Người ta chỉ biết đến ông là một trong 100 hạt giống đỏ dạo nào được nhà nước cử đi đào tạo ở Liên Xô. Một cán bộ lãnh đạo ưu tú trong vấn đề bảo tồn di sản. Ông, một kiến trúc sư với công trình bề thế, người đã góp phần trùng tu di tích theo khoa học từ Tháp Chàm, Mỹ Sơn, cố đô Huế, phố cổ Hội An.

Nhiều công trình kiến trúc biểu trưng cho Hà Nội có ông trực tiếp tham gia cố vấn. Một con người hoàn toàn thú vị khác, không mang vẻ thường của một công chức thị thành, con nhà dòng tộc, hay một giáo sư hàn lâm với kiến thức uyên thâm, một thầy giáo khoan thai, hòa ái trên bục giảng. Ông, chính ông, qua tác phẩm mang đầy sắc tranh ấy cứ y như là một chiến binh La Mã cổ đại. Chỉ có đi và đến chứ không dừng, quay đầu là chết.

Kiến trúc sư tâm sự về những đứa con tinh thần của mình: “Từ khi vẽ tranh, tôi nhìn cái gì cũng thấy bố cục, nhìn cái gì cũng thấy màu sắc. Mỗi bức tranh như một khoảnh khắc”. Ông kể: Ngày còn trẻ, cách đây 30 năm ông cũng đã vẽ. Và, Giáo sư Tạ Quang Bửu, anh rể của ông đã từng nói rằng, tranh của Kính không bao giờ nên bán, vì tranh của Kính gần như là nhật kí của trái tim Kính.

Ông đau đáu: “Cả đời làm về di sản nên lúc nào nỗi hoài niệm cũng vương vấn trong tôi. Gắn liền “bóng xưa” và “sắc hoa” vì tôi gắn kết dĩ vãng với ngày hôm nay. Gắn kết phải sống trong ngày hôm nay. Khi nghiên cứu về Hội An thì Hội An phải sống trong cuộc sống hiện đại, phải hòa nhập trong cuộc sống hôm nay.

Phố cổ ấy phải trở thành tổ ấm của hàng nghìn hàng vạn người. Đừng biến phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm thành những bảo tàng ngoài trời, mà phải nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai”. Có gì bền vững như là di tích, có gì mong manh như là hoa. Nhưng cả hai gắn kết vào nhau, cả cái lâu bền lẫn cái khoảnh khắc mong manh.

Nhà ông ở một khu chung cư ở khu Nghĩa Tân. Từ căn gác nhà ông có thể nhìn ra ngoài ban công là vòm trời rộng lớn, gió lao xao và mây trắng, nắng hồng. Những ngày đông ảm đạm xám xịt, mưa xuân lây rây, ngày hè nóng rẫy, hay cái đa cảm dịu ngọt của thu cũng làm cho lòng ông rung lên những cung bậc cảm xúc. Trong căn phòng rộng đó có ban thờ tổ tiên dòng tộc, và những câu đối cổ.

Ngoài ra, ở nơi trang trọng có treo một bức ảnh của cha ông, nhà văn hóa, người cách mạng Hoàng Đạo Thúy. Những chiếc tủ trưng bày đồ lưu niệm của người cha của ông. Mỗi một đồ vật hiện hữu trong căn phòng nơi ông ở đều gợi nhớ về một kỉ niệm quá vãng xa xăm. Chính trong những phút tĩnh lắng với những đồ vật cổ, sự đối diện với chính mình trong không gian riêng tư lại là nguồn dư lượng đưa ông đến với hội họa. Ông vẽ tranh sơn dầu vào ban ngày.

Vì chỉ có ban ngày mới mang tới ánh sáng thật. Ông vẽ nhiều loại hoa với những màu sắc, kiểu dáng, bố cục khác nhau. Khi dữ dội, lúc nồng nàn, hoặc mảnh khảnh run rẩy. Hoa e ấp, nương nép, bung tỏa rồi lụi tàn. Mỗi bức tranh, một cảm xúc. Ông vẽ mê mải quên mình trong vòng 2, 3, 4 tiếng đồng hồ không ngừng nghỉ. Bởi vì chỉ dừng một lúc thôi sẽ tắt mạch ngầm âm ỉ.

Ông luôn nhắc đến người bố với một sự kính trọng tột bực. Ông vẫn giữ những kỉ vật dù là nhỏ nhất của bố mình và âu yếm hào hứng kể về người cha với niềm thương cảm vô bờ trong dáng vẻ thành kính. Cụ Hoàng Đạo Thúy khi xưa cũng đã từng cầm cọ vẽ tranh. Cụ vẽ về trận chiến đấu chống thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Bức vẽ đấy bây giờ được Bảo tàng lịch sử lưu giữ. Lần này, khi đến với bộ sưu tập tranh hoàn toàn do ngẫu hứng chứ không chủ định trước, kiến trúc sư đã đi tiếp bức vẽ dang dở của cha mình.

Kiến trúc sư cảm nhận được tinh thần của cụ Thúy truyền lại cho con một tình yêu nồng nàn, sâu sắc với văn hóa tinh hoa dân tộc, cái đẹp của di sản vốn quý báu của ông cha, cả những ước vọng, hy vọng về một sự đổi thay sáng lạn. Những bức tranh thần bí, kì quái, ám ảnh, đi vào lòng, ru hồn, ăn sâu vào giấc chiêm bao, chập chờn ẩn hiện. Ôi! những bức tranh lòng

Mỹ Trân
.
.