Tổng thống Nga Dmitri Medvedev: Sau một năm cầm quyền

Thứ Hai, 18/05/2009, 15:22
Theo đánh giá của tờ Izvestia, Vladimir Putin ở giai đoạn đầu của nhiệm kỳ thứ nhất (năm 2000) và ở giai đoạn cuối của nhiệm kỳ thứ hai (năm 2008) trong Điện Kremli - đó là hai con người rất khác nhau. Công việc của một nguyên thủ quốc gia không thể không làm thay đổi con người. Và đương kim Tổng thống Nga Dmitri Medvedev cũng không thể là ngoại lệ.

Sau 12 tháng thay thế ông Putin làm chủ Điện Kremli, ông cũng đã có nhiều thay đổi kể cả với tư cách một cá nhân cũng như với tư cách một nhà lãnh đạo.

Thoạt tiên có cảm giác như ông Medvedev không được thoải mái lắm trên cương vị Tổng thống - Trưởng khoa Tâm lý chính trị học Elena Shestopal ở Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU), nhận xét. 

Nhưng giờ đây thì ông đã vào vai của mình rất "ngọt". Có những chính trị gia vươn tới quyền lực để khắc phục những mặc cảm bản năng, thí dụ như họ đã phải sinh ra, lớn lên trong một gia đình "có vấn đề", không được cha mẹ yêu thương chiều chuộng, hoặc họ rơi vào những hoàn cảnh như Tổng thống Mỹ Barack Obama chẳng hạn, luôn phải cố gắng chứng minh cho ai đó rằng  họ cũng không đến nỗi quá kém.

Theo bà Shestopal, ông Medvedev thuộc đội ngũ chính trị gia ngược hẳn lại với các thí dụ trên. Ông là một trong số ít những chính trị gia thành đạt không bị ám ảnh bởi các mặc cảm. Đối với ông, quyền lực là công cụ để nhờ thế có thể giải quyết những vấn đề thực tế, chứ không phải để xử lý các vấn đề nội tâm cá nhân. Đây là một vận may lớn đối với một đất nước, khi nguyên thủ quốc gia không phải là người có những mặc cảm cá nhân.

Tổng thống Nga Dmitri Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin.

So với người tiền nhiệm Vladimir Putin, ông Medvedev vào vai chính được nhanh hơn. Các nhà quan sát đến giờ vẫn còn nhớ chuyện ông Putin đã bị bối rối như thế nào trong giai đoạn đầu làm Tổng thống Nga, khi quyền lực được tập trung vào tay ông (thí dụ như những câu nói nhịu của ông trước công chúng).

Ông Medvedev đã hành xử hơi khác trên cương vị mới của mình. Theo Trưởng khoa Tâm lý chính trị học Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Peterburg Aleksandr Yuriev, ông Medvedev đã mau chóng trở nên tự nhiên hơn trong giao tiếp, xoá bỏ rất nhanh những nét quan cách cố tình nào đó. Ngay từ đầu, ông đã buộc phải cư xử đúng chất của mình, không cần phải sử dụng những từ mạnh, những tập hợp câu dân tuý, những dáng điệu đặc biệt... Và càng tự nhiên trong cư xử, ông Medvedev càng có sức thuyết phục và càng dễ được xã hội tiếp nhận và thấu hiểu hơn.

Một điều thú vị là cũng ở Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Peterburg, cả ông Putin lẫn ông Medvedev đã từng học trong những khoảng thời gian tương đương như nhau - khoảng 8 năm.

Ông Putin năm 1991 là trợ lý hiệu trưởng, còn năm 1999 đã trở thành người kế nhiệm vị Tổng thống Nga đầu tiên thời hậu Xôviết Boris Yeltsin. Ông Medvedev năm 1999 đã là phó giáo sư ở trường đại học này, còn tới năm 2007, được chọn làm người kế vị ông Putin. Tuy nhiên, theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, đã phải cần không chỉ nhiều thời gian hơn mà cả công sức hơn để thích ứng ở không khí trên đỉnh Olympus chính trị.

GS Oksana Gaman - Golutvina ở Học viện Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO) nhận xét: Phần lớn quãng thời gian 9 năm trong giai đoạn đầu hoạn lộ chính trị của mình, ông Putin đã phải ở "vùng ngoại ô" của nền chính trị lớn, khi chỉ là Phó thị trưởng Saint Peterburg. Còn ông Medvedev trước khi lên làm Tổng thống đã được ở ngay trên đỉnh Olympus, ở ngay trung tâm của các sự kiện với những chức vụ như Chánh Văn phòng Tổng thống rồi Phó Thủ tướng Thứ nhất. Có lẽ đấy là nguyên nhân khiến ông Medvedev mau chóng thích ứng hơn với cương vị nguyên thủ quốc gia.

Nhưng cũng có thể yếu tố quyết định lại chính là thí dụ của người đỡ đầu cho ông, ông Putin. Như các chuyên gia nhận xét, trong những tháng đầu tiên, ông Putin đã dành nhiều thời gian để hướng dẫn cho ông Medvedev nắm vững nội dung các công việc. Và ông Medvedev cũng đã rất cố gắng học hỏi ở người đi trước.

Các nhà tâm lý học nhận xét: Ông Putin đã thẩm thấu nghệ thuật làm Tổng thống một cách trực cảm, còn ông Medvedev coi đó như một môn khoa học. Theo dòng thời gian từ vị Tổng thống trẻ trung đã bắt đầu toát ra năng lượng của quyền lực, trong đó có cả sự cứng rắn bất ngờ xuất hiện.

- Trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ Tổng thống, trong phong cách thủ lĩnh của ông Medvedev có thể nhận thấy một sự cứng rắn cố tình tỏ ra nào đó để nhấn mạnh sự không phải của những ai muốn nhìn thấy một Tổng thống dễ bảo, - GS Oksana Gaman - Golutvina nhận xét. - Phong cách như thế là một trong những yếu tố dàn xếp quan hệ giữa Tổng thống với đẳng cấp chính trị "sắc răng". Sự mềm mỏng của vị thủ lĩnh trong giai đoạn đầu nhậm chức có thể sẽ gây nên những vấn đề không đáng có với ông trong tương lai.

Hãy thử nhìn xem cách tiến hành các cuộc họp của Tổng thống Medvedev. Ông đều đặn tổ chức các cuộc kiểm điểm công khai đối với cấp dưới, thường xuyên nhấn mạnh rằng ông sẽ thúc giục thực hiện các chỉ định của mình, dù rằng ngay chỉ định của chính ông Putin cũng không phải lúc nào cũng được các Bộ trưởng thực thi nghiêm ngắn cần thiết. Ông hay sử dụng những từ như "thói vô kỷ luật" hay "thói giả lễ chúa Mường".

Theo các chuyên gia, ông Medvedev đã bày ra các chủ điểm để chứng minh rằng ông không phải là một Tổng thống dễ bảo và sẽ kiên trì đường lối của mình ngay cả trong trường hợp, đường lối đó có phần nào mâu thuẫn về chiến thuật và chiến lược đối với đường lối của những thành viên chủ đạo khác.

Nhưng nếu như ông Putin thường thể hiện mình như một lãnh tụ (hãy thử nhớ lại bài phát biểu của ông Putin trước cuộc bầu cử Quốc hội tại sân vận động Luzhniki trước những người ủng hộ) thì ông Medvedev lại thiên về vai trò của một thủ lĩnh nắm chắc công việc.

Ông Putin trong giai đoạn đầu làm Tổng thống của mình, hiểu rõ rằng những lực lượng chóp bu do ông Yeltsin xây dựng nên chỉ là một nền tảng không chắc chắn, đã chủ yếu dựa vào sự ủng hộ của các tầng lớp quần chúng. Còn ông Medvedev lại cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của tầng lớp trí thức và những người tư duy theo chủ nghĩa tự do.

Ông Putin rất biết cách nghe ý kiến của các cụ già. Còn ông Medvedev lại biết cách đối thoại với những người bảo vệ nhân quyền. Không ngẫu nhiên mà những cuộc đối thoại trực tiếp hoành tráng vẫn tiếp tục được dành cho ông Putin, còn ông Medvedev lại cảm thấy mình như cá gặp nước trong không khí thính phòng ấm cúng của chương trình "Trò chuyện với Tổng thống", một chương trình truyền hình được xây dựng dành riêng cho ông.

Năm 2000, vị tân Tổng thống Vladimir Putin đã bị các đối thủ tiên đoán cho một sự từ chức trước thời hạn nhanh chóng. Năm 2008, vị Tổng thống trẻ Dmitri Medvedev bị dự đoán một vai trò thứ hai trên chính trường Nga. Cả hai vị Tổng thống này trong giai đoạn đầu cầm quyền đều bị coi là một sự kế nhiệm hình thức cho người tiền nhiệm bạo tay hơn. Nhưng như thực tế cho thấy, tất cả những sự dự đoán ấy đều chỉ là ăn ốc nói mò.

Lời hứa đầu tiên
Phát triển tự do. Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Medvedev ngay từ những câu đầu tiên đã tuyên bố rằng ông coi nhiệm vụ quan trọng nhất là "phát triển các quyền tự do cá nhân và kinh tế".

Sắc lệnh đầu tiên
Sắc lệnh về việc đảm bảo nhà ở cho các cựu chiến binh của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Theo sắc lệnh này, tất cả các cựu chiến binh cần nhà ở đều được đáp ứng trước ngày 1/5/2010.

Chuyến công du đầu tiên
Sang phía Đông, tới CHDCND Trung Hoa. Tới Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) - Kazakhstan. Sang phía Tây - tới CHLB Đức.

Vị thống đốc "của mình" đầu tiên
Tổng thống nước Cộng hòa Karachevo-Cherkesia, Boris Ebzeyev, trước từng là Chánh án Tòa án Hiến pháp. Ông Medvedev đã đề cử ông ta và ông ta được Quốc hội phê chuẩn tháng 8/2008.

Cải cách đầu tiên
Cải cách hệ thống chính trị. Ông Medvedev đã đề ra cải cách này ngày 5/11/2008 trong thông điệp gửi Hội đồng Liên bang và trong vòng nửa năm, tới tháng 5/2009, đã hoàn tất nó.

Ý tưởng đầu tiên làm rung chuyển thế giới
Ý tưởng về một đồng tiền thế giới mới. Ông Medvedev đưa ra ý tưởng này ngày 1/7/2008, trước hội nghị thượng đỉnh G20 tại Washington. Đó sẽ là một đồng tiền có thể thay thế được USD.

Câu chuyện cười đầu tiên
Vang lên ngày 20/5/2008, khi đội tuyển hockey Nga lần đầu tiên trong suốt 15 năm qua mới giành được chiến thắng trong giải vô địch thế giới. "Tôi thậm chí là không nhớ được trong những năm gần đây một chiến thắng nào như thế găm được vào trí nhớ, - có lẽ chỉ có những chiến thắng của những năm 80 và của trận đấu năm 1972, nhưng chuyện này tôi nhớ không rõ lắm" - vị Tổng thống trẻ đã bật cười sảng khoái khi tiếp đội tuyển Nga trong Điện Kremli. Năm 1972, ông Medvedev mới lên 7 tuổi.

Lời phê phán đầu tiên
Dành cho Washington. Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Peterburg đầu tháng 6/2008, ông Medvedev đã tuyên bố rằng, sự ích kỷ của Mỹ đã là một trong những nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng.

Phương Hà
.
.