Tổng thống Ai Cập H.Mubarak - “Mr. Trung thực”

Thứ Ba, 17/01/2006, 08:33

Tháng 9 vừa qua, lần đầu tiên Ai Cập tổ chức thành công cuộc bầu cử Tổng thống với nhiều ứng cử viên. Đúng như dự đoán, đã không có sự bất ngờ nào trong cuộc bầu cử đó. Người chiến thắng vẫn là vị cựu tướng không quân đã nắm chắc trong tay bộ máy quyền lực cao nhất ở đây từ năm 1981, ông Hosni Mubarak, 77 tuổi, "Mr. Trung thực" như báo chí vẫn gọi.

Ngày 15/4/1975, ông Mubarak khi đó mới 47 tuổi, đang là Tư lệnh Không quân, đã được Tổng thống Anwar Sadat chọn làm phó tướng cho mình. "Tôi chọn anh ấy vì sự trung thành và tin cậy" - ông Sadat giải thích với những người thân tín. Bản thân ông Mubarak đã rất ngạc nhiên khi thấy vận may bất ngờ mỉm cười với mình vì nói thực lòng, lúc đó mơ ước cao nhất của tướng Mubarak là làm sao để phấn đấu ngồi được vào ghế Tổng Tham mưu trưởng... Vậy mà ông đã được trở thành cánh tay phải của Tổng thống Sadat, gắn bó với ông ấy như hình với bóng. Ông Sadat muốn tranh thủ sự ủng hộ của giới quân nhân Ai Cập và ông Mubarak đã giúp ông cảm thấy hơi ấm đó ở sau lưng. Tuy nhiên, chạy giời không khỏi nắng, cuối cùng thì Tổng thống Sadat vẫn bị những phần tử cực đoan Hồi giáo ám sát vì chúng cho rằng ông đã phạm lầm lỗi lớn khi ký bản hòa ước với quốc gia Do Thái Israel.

10cm - đó chính là khoảng cách mà ngày 6/10/1981, Phó Tổng thống Mubarak đã ở cận kề cái chết, khi mà Tổng thống Sadat bị sát hại trong lúc diễn ra lễ duyệt binh. Cho tới hôm nay, ông Mubarak như vẫn còn nghe rõ tiếng đạn rít lên và tiếng thét của một trong những sát thủ hướng về ông: "Tránh ra! Chúng tôi không cần ông, chúng tôi muốn giết Pharaon cơ!". Trước mắt ông Mubarak cho tới hôm nay vẫn hiện rõ mồn một cảnh ông Sadat nằm bất động trên vũng máu...

Tổng thống Ai Cập Mubarak trong vòng vây của vệ sĩ.  

Tối hôm đó, bàng hoàng nhưng không bị hề hấn gì, ông Mubarak đã chính thức đọc thông báo về cái chết của vị nguyên thủ quốc gia cho đồng bào mình hay. Một tuần sau đó, ông trở thành Tổng thống Ai Cập. Năm ấy, ông mới 53 tuổi và có lẽ là đã rất hài lòng với cương vị Phó Tổng thống.

Và rồi, không cầu mà được, không ước mà thấy, ông lại ngẫu nhiên được ngồi vào ghế nguyên thủ quốc gia. Tất nhiên, ở Ai Cập, vinh dự lớn này luôn đi kèm theo những bất trắc. Cả vị Tổng thống tiền nhiệm của ông Sadat là Gamal Abdel Nasser cũng đã qua đời năm 1970 trong những tình huống mà cho tới nay vẫn bị phủ kín những nghi ngờ về một vụ đầu độc... May mắn thay, cho tới hôm nay, sau gần một phần tư thế kỷ làm Tổng thống, ông Mubarak vẫn bình yên vô sự.

Khúc quân hành không lặng lẽ

Mubarak sinh ra ở một nơi hẻo lánh nằm trong châu thổ sông Nile. Cha ông chỉ có một mảnh đất nho nhỏ và làm việc trong Sở Tư pháp địa phương. Lúc nhỏ, cậu bé Hosni luôn phải sống trong cảnh tiệm tùng của một đời sống có nhiều thiếu thốn và vì thế, đã rất cố gắng học hành. Tốt nghiệp phổ thông, mặc dù cha mẹ khuyên nên thi vào Trường Đại học Cairo học một môn xã hội nhân văn nào đó, nhưng vị Tổng thống tương lai lại đưa ra một hướng đi khác...

Cuộc chiến tranh năm 1948 với Israel đã làm rõ một điều: lực lượng vũ trang của các quốc gia Arab quá yếu ớt. Hiểu ra điều này, các nhà lãnh đạo ở Ai Cập đã cố gắng củng cố đội ngũ sĩ quan từ những nguồn lực mới, đặc biệt là dựa vào lớp trẻ nông thôn. Anh thanh niên Mubarak đã bị sức hấp dẫn của binh nghiệp cuốn hút và chọn cho mình nghề phi công quân sự. Tốt nghiệp xuất sắc trường quân sự năm 1949, Mubarak đã phục vụ ở Sinai, rồi trở thành hướng dẫn viên tại Học viện Không quân Ai Cập.

Trong những năm 50 của thế kỷ trước, Mubarak từng không chỉ một lần sang Liên Xô học điều khiển những mẫu máy bay mới mà Moskva khi ấy cung cấp cho Ai Cập. Năm 1956, Mubarak đã trực tiếp tham gia những trận chiến đấu chống trả lại cuộc xâm lược mà liên quân Anh - Pháp - Israel nhằm vào Ai Cập. Viên phi công trẻ đã tỏ ra rất can trường và dũng cảm. Thượng cấp lập tức để tâm tới Mubarak và năm 1959, anh trở thành Phi đoàn trưởng phi đoàn máy bay ném bom TU-16 và vài năm sau, được cử giữ chức Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Không quân. Năm 1962, khi tại Bắc Yemen bùng nổ nội chiến, Mubarak được cử sang tham chiến ở đó và tỏ ra mình là một phi công vừa dũng cảm vừa mưu mẹo. Rồi anh được đưa sang học tại Học viện Quân sự cao cấp Frunze ở Moskva trong hai năm 1964-1965... Quãng đời học tập ở Moskva đã để lại trong Mubarak những dấu ấn sâu đậm.--PageBreak--

Một tấn thảm kịch to lớn xảy ra với quân đội Ai Cập năm 1968: Israel đã gần như tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Không quân của xứ sở Pharaon! Trong tình huống đó, Mubarak đã được cử làm Hiệu trưởng Học viện Không quân. Ông đã làm được một việc phi thường: Trong một thời gian ngắn, giảm thời gian đào tạo từ 4 năm xuống còn 2 năm để gia tăng số lượng phi công thạo nghề lên gấp đôi. Hiệu trưởng Mubarak đã phải thay đổi lại toàn bộ hệ thống đào tạo và tỏ ra rất cương quyết, kiên trì trong việc huy động vật lực để đạt được mục tiêu đã định.

Được Tổng thống lúc đó là ông Nasser để ý, năm 1969, ông Mubarak đã được phong quân hàm tướng không quân và lên giữ chức Tham mưu trưởng Không quân Ai Cập. Năm 1972, ông trở thành Tư lệnh Không quân kiêm Thứ trưởng Quốc phòng. Cương vị này đã cho phép ông cách tân một cách căn bản lực lượng Không quân Ai Cập nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của thời cuộc, đối phó với Israel trong cuộc chiến tranh bắt đầu ngày 6/10/1973. Nói một cách công bằng, khi đó Không quân Ai Cập đã đạt được những thành tích đầy ấn tượng. Tướng Mubarak đã trở thành anh hùng dân tộc khi được vinh dự nhận từ chính tay Tổng thống Sadat Huân chương "Ngôi sao Sinai", vinh dự cao nhất của các quân nhân Ai Cập, cũng như quân hàm Thượng tướng.

Hosni Mubarak, vị tổng thống bình dân.

Một sĩ quan xuất thân bình dân mà lại lên được những bậc thang cao nhất của quân đội Ai Cập - chuyện này rất hiếm khi xảy ra ở xứ sở Pharaon... Và từ đó, các cánh cửa danh vọng cứ mở dần ra trước ông Mubarak. Và phải nói rằng, những vinh hoa mới không làm nhòa trong ông bản tính dung dị vốn có.

Trung thực tạo uy tín

Khi ngồi vào ghế Tổng thống Ai Cập thay cho ông Sadat, ông Mubarak phải thừa kế một chế độ gần như quân chủ, bị cách ly khỏi thế giới Arab và bị chìm trong những món nợ nước ngoài ngập tới cổ. Tuy nhiên, các giới ở Ai Cập lúc đó, kể cả giới đối lập từng bị tống giam nhiều người dưới thời ông Sadat, đều tỏ ra hy vọng vào những đổi thay sẽ tới cùng vị Tổng thống mới. Báo chí Ai Cập lý giải: "Nhà lãnh đạo mới được ủng hộ vì ông là người thích hợp nhất có thể xua tan những nỗi sợ hãi và chữa lành những vết thương tâm lý cho đất nước. Dân Ai Cập cần một người không bày ra những kế hoạch khổng lồ nhưng cũng không dồn đẩy quốc gia tới thảm họa".

Bình thản, khiêm nhường nhưng quyết đoán, với bản lĩnh can trường của một phi công quân sự từng vào sinh ra tử, Tổng thống Mubarak đã ngày càng củng cố vị trí của mình cũng như vị thế của Ai Cập trên trường quốc tế. Ông không lảng tránh những tình huống khó khăn người tiền nhiệm đã để lại mà trong nhiều trường hợp, đã khôn khéo tìm được lối thoát ngoạn mục.

Trong đối nội, với sự hỗ trợ của các cơ quan an ninh, Tổng thống Mubarak đã biết cách tách những nhân vật Hồi giáo đối lập nhưng trung dung khỏi các lực lượng cực đoan và phân hóa hàng ngũ thù địch. Chỉ trong 12 tháng đầu tiên cầm quyền, ông đã cho ra khỏi nhà tù tới 4.000 phần tử Hồi giáo từng bị ông Sadat tống giam. Hiểu rõ những nguy cơ từ phía các lực lượng cực đoan, Tổng thống Mubarak rất tránh những biện pháp quyết liệt trong chính sách tôn giáo. Ông không rời bỏ những vị trí đã có của mình nhưng cũng biết cách "trò chuyện" với các phong trào đối lập nhằm tìm các điểm tiếp cận hữu lý nhất của cả chính quyền lẫn những lực lượng này.

Càng ngày, phong cách làm việc của Tổng thống Mubarak càng thu hút được nhiều sự ủng hộ trong lòng xã hội Ai Cập. Nguyên tắc đầu tiên của ông là trung thực trong mọi công việc. Những nguyên tắc dân chủ được ông xây dựng rất từ từ nhưng chắc chắn. Ông không hay đưa ra những lời hứa hay ho nhưng luôn cố gắng tìm mọi cách để nền kinh tế phát triển, cải thiện đời sống nhân dân. Ông vẫn duy trì những mối quan hệ truyền thống với thế giới Arab nhưng không có những cử chỉ khiến cho Israel nhìn Ai Cập như kẻ thù tiềm tàng mặc dù cho tới hôm nay, ông vẫn kiên quyết từ chối lời mời tới thăm quốc gia Do Thái...

Những phẩm chất cá nhân của Tổng thống Mubarak đã củng cố vững chắc quyền lực chính trị của ông. Ông sống và làm việc rất khác so với người tiền nhiệm Sadat. Ông Sadat sinh thời rất thích tiệc tùng vui vẻ, xa hoa, còn ông Mubarak lại cực kỳ ghét nhậu nhẹt và những gì mà ông coi là lãng phí. Ông Sadat thích xuất hiện trước công chúng trong những bộ quân phục lộng lẫy gắn đầy huân, huy chương, còn ông Mubarak từ khi ngồi vào ghế Tổng thống đã không một lần nào mặc quân phục ra trước công chúng nữa. Ông Sadat vẫn bị coi là người có nhiều dính líu tới tham nhũng, còn ông Mubarak luôn được coi là một chính trị gia ái quốc không gì mua chuộc được. Ông Sadat sống trong những cung điện hoành tráng, còn Tổng thống Mubarak hiện giờ vẫn chỉ ở trong ngôi biệt thự nhỏ hai tầng mà ông đã bỏ tiền túi ra xây từ năm 1972, nhiều hôm còn tự nấu bữa sáng cho mình và vợ...

Không nhiều quốc gia có được một vị Tổng thống như thế

Nguyên Hương
.
.