Cựu Thiếu tướng KGB tiết lộ về công việc nguy hiểm và khó khăn thời Xôviết:

Tôi vẫn tự hào

Thứ Hai, 19/05/2014, 14:31
60 năm trước đã thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB), cơ quan được coi là “kỳ phùng địch thủ” của các cơ quan an ninh tình báo phương Tây. Thiếu tướng Aleksandr Nezdolya từng phục vụ trong cơ quan an ninh Ukraina (từng là một bộ phận của KGB) trên dưới 30 năm. Và nếu xét theo những huân huy chương mà ông đeo trên bộ sắc phục, thì chắc là ông đã đạt được không ít những thành tích ấn tượng.

Trong những giai đoạn khác nhau, ông từng thực hiện những nhiệm vụ rất đa dạng, khi thì chống lại những cuộc thâm nhập của các trào lưu tư tưởng thù địch, khi thì chỉ huy lực lượng đặc nhiệm, có khi lại làm công tác tình báo và cũng có lúc đã phải tham gia đấu tranh chống lại các tội phạm kinh tế...  Năm 1996,  sau khi Liên bang Xôviết tan rã và Ukraina trở thành một nước cộng hòa độc lập, tướng Nezdolya đã nghỉ hưu. Tuy nhiên, ông lại trở thành một minh chứng của nguyên tắc, đã là cán bộ an ninh thì không có khái niệm cựu trào. Từ đó đến nay, tướng Nezdolya đã cho xuất bản nhiều cuốn sách về lĩnh vực hoạt động cũ của mình với những tư liệu được đánh giá là chuẩn xác và đúng mực... Mới đây nhất, tướng Nezdolya đã cho ra mắt bạn đọc tập sách thứ sáu của mình với nhan đề “Những vị Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Ukraina”. Và ông đã đồng ý trả lời phỏng vấn tờ báo rất được ưa chuộng ở Ukraina “Bulvar Gordona”... Xin trích giới thiệu cùng bạn đọc...

- Phóng viên: Thưa tướng quân, cuốn sách “Những vị Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Ukraina” của ông không chỉ khiến tôi kinh ngạc bởi sự sống động ẩn chứa trong đó mà cả vô số những sự kiện chấn động, gần như ở trang nào cũng có. Khi làm lộ sáng những bí mật của một hệ thống an ninh hùng hậu như thế, ông không lo ngại cho tính mạng của mình ư?

- Thiếu tướng Nezdolya: Không, hoàn toàn không. Thứ nhất là vì, đã không còn tồn tại quốc gia mà KGB đã từng phục vụ. Thứ hai, đồng tác giả với tôi là những vị tướng và sĩ quan cao cấp có uy tín nhất của KGB, phần lớn cũng là những người đã từng trực tiếp can dự vào các sự kiện được đề cập tới trong sách. Tôi đã dẫn ra những lời kể của họ một cách trung thực, ngay cả khi có điều gì đó mà tôi chưa hẳn đã đồng tình... Thứ ba, ngay từ năm 1971, Volf Messing (nhà ngoại cảm nổi tiếng thời Xôviết) đã tiên đoán rằng, với tôi thì mọi sự đều sẽ tốt đẹp...

- Ông đã từng gặp nhà ngoại cảm Messing trong công việc nhiều lần không? Ông có sử dụng ông ấy là đặc tình không? Người ta bảo rằng, Hitler từng sẵn sàng trả tới 20 nghìn mác Đức cho ai lấy được đầu của Messing...

- Không. Khi tôi mới chỉ là trung úy KGB ở chi nhánh Lvov, giám đốc Trung tâm khuyến nhạc Nikolai Kuli đã dẫn tôi tới làm quen với Messing. Kuli là một nhà tổ chức tuyệt vời mà ngay cả ở Moskva hay Leningrad đều biết danh nên rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thường xuyên tới  biểu diễn ở Lvov... Ông ấy đã giúp tôi làm quen với một số người, thí dụ như với Edita Piekha chẳng hạn... Và rồi có một lần, ông ấy gọi điện tới cho tôi: “Nào, tới ngay đi, tôi đã thỏa thuận để anh gặp rồi...”.

- Ông đã có ấn tượng như thế nào về ông Messing?

- Tôi rất nhớ cái nhìn cực kỳ đặc biệt, như thể xuyên thấu người đối diện của ông ấy. Khi tôi tự giới thiệu về mình, ông Messing bỗng trở nên hồ hởi... Ông ấy nhớ lại chuyện theo lệnh của chính Stalin mà ông ấy đã tới thành phố Omsk và ở đó đã cứu sống một người bị kết án xử bắn vì bị vu làm gián điệp một cách vô căn cứ... Và cũng theo lời Messing, đó là trường hợp duy nhất mà ông ấy gọi là cộng tác theo kiểu đó vì ông ấy đã cho rằng, thật tội lỗi nếu sử dụng tài năng “đọc ý nghĩ” của mình trong công việc tư pháp...

Ở thời điểm đó tôi đang là bí thư chi đoàn thanh niên cộng sản của cơ quan KGB thành phố nên tôi đã nhờ ông ấy tới gặp gỡ ở phòng truyền thống của đơn vị. Ông ấy đã vui vẻ nhận lời. Ngày hôm sau, tôi đi chiếc Volga đen tới khách sạn Inturist. Tôi và ông Messing ngồi ở ghế sau, còn nữ trợ lý của ông ấy, một phụ nữ ngót 40 tuổi, ngồi ghế trước cạnh lái xe. Trên đường đi tôi kể cho ông ấy nghe về kiến trúc thành phố Lvov, về văn hóa và tập quán địa phương...

- Khi ấy ông có hiểu là mình đang được ngồi cạnh một con người rất đặc biệt không?

- Tất nhiên rồi! Lúc nào tôi cũng phải cố gắng thư giãn tâm trí để khỏi nghĩ tới một điều gì không hay ho. Nhưng trong đầu tôi vì sau đấy cứ quẩn quanh với ý nghĩ: bây giờ mình dẫn ông Messing tới cơ quan, giới thiệu ông ấy với chỉ huy, dẫn ông ấy vào hội trường đông nghịt các cán bộ chiến sĩ. Ông ấy không hề biết ai trong số họ cả nên có lẽ sẽ chọn tôi làm người cùng tham dự các thí nghiệm của ông ấy. Lỡ đâu ông ấy sẽ thôi miên tôi và lột hết quần áo của tôi ra thì sao...

Tôi đã cố gắng xua đi ý nghĩ đeo bám như ruồi này khỏi đầu mình... Và bỗng nhiên ông Messing nói: “Cậu đừng nghĩ xấu về tôi. Tôi sẽ không lột trần cậu ra đâu. Cậu đã dành cho chúng tôi rất nhiều thiện chí, tôi rất thích thú khi tiếp xúc với cậu...”. Tôi đã kinh ngạc vô cùng nên ngả ngửa người hẳn ra sau. Và ông ấy cầm lấy tay tôi: “Cậu có muốn biết số phận của mình không?”. Và im lặng giây lát rồi ông ấy nói: “Đời cậu có lúc lên voi lúc xuống chó nhưng cậu hãy cứ kiên cường đấu tranh. Mọi sự rồi sẽ đều tốt đẹp...”. Từ đó tới giờ tôi cứ chờ mãi xem tới bao giờ thì cái thời tốt đẹp mọi sự ấy sẽ tới với tôi...

- Thật tiếc là KGB đã không sử dụng những năng lực vô tiền khoáng hậu của các nhà ngoại cảm vào công việc của mình. Nếu làm thế thì có lẽ lịch sử đã tiến triển theo hướng khác rồi...

- Không phải thế. KGB có cộng tác với những người có năng lực nhìn xuyên thấu tương lai. Thực sự thì họ không phải là thầy bói mà là các nhà khoa học và để đưa ra dự đoán của mình, họ không phải nói lấy được mà dựa vào sự phân tích một cách có hệ thống. Theo sáng kiến của Chủ tịch thứ nhất KGB ở Ukraina, Vitali Nikitchenko, người mà ở sau lưng các đồng nghiệp đặt cho biệt danh “Phó giáo sư” (ông ấy ngay từ trước chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ), năm 1967 tại cơ quan này đã thành lập Cục Phân tích Thông tin.

Cục đó đã nhận được sự giúp đỡ phát triển rất lớn từ viện sĩ Victor  Glushkov, giám đốc Viện Điều khiển học kiêm Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học. Tôi sẽ không thống kê hết các thành tích của các chuyên gia phân tích của chúng ta. Tôi chỉ kể ra đây một thí dụ mà tôi đã được nghe từ Cục trưởng, Thiếu tướng Albert Dichenko. Năm 1969 trên đảo Daman giữa con sông Ussuri đã xảy ra vụ đụng độ giữa các đơn vị quân đội Xôviết và Trung Quốc. Quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng tới mức cùng cực. Trong Điện Kremli đã phải tính tới khả năng bùng nổ chiến tranh. Và người ta đã phải tới nhờ viện sĩ Glushkov giúp đỡ. Viện sĩ đã đồng ý thiết kế mô hình phát triển có thể xảy ra của sự việc với điều kiện phải nhận được các câu trả lời cho khoảng ba chục câu hỏi. Vì những tài liệu đó không có trên báo chí công khai nên KGB đã yêu cầu Moskva cung cấp những gì mà viện sĩ Glushkov muốn có. Sau khi xử lý các tài liệu đó theo phương thức riêng của mình, viện sĩ đã chứng minh rằng, xác xuất bùng nổ chiến tranh chỉ ở mức xấp xỉ 0... Đấy, công việc của một nhà khoa học mà đã giúp tiết kiệm một lượng nhân lực và vật lực khổng lồ đến thế...

- Ông không đồng ý với ý kiến của một số nhà báo cho rằng, KGB gợi nên cảm giác đen tối và rùng rợn?

- Tôi cảm thấy gần gụi hơn với đánh giá của viện sĩ Andrei Sakharov, người từng bị thiệt hại bởi KGB nhưng lại không bị cảm tính và đã giữ được thái độ khách quan của một nhà khoa học xuất sắc. Viện sĩ Sakharov đã gọi KGB là “cơ quan ít bị nhiễm bệnh tham nhũng nhất quốc gia”. Nói thực là tôi tự hào về điều này...     Tôi đã từng nói với cha tôi rằng, KGB, cơ quan được thành lập từ tháng 3-1954, đó là một tổ chức mới. Chúng tôi không mang sắc phục của tổ chức an ninh tồn tại trước đó và chúng tôi lên án những biện pháp an ninh tàn nhẫn từng được áp dụng thời quá khứ. KGB có thế hệ cán bộ mới với những nhiệm vụ và những ưu tiên mới. Từ một công cụ để trấn áp, nó đã chuyển dần thành cơ quan mang tính giáo dục và cảnh báo.

Mikhail Gorbachev và vợ.

- Thế nhưng ngay cả sau năm 1954  người dân Xôviết vẫn dè chừng với KGB. Điều kỳ lạ là không chỉ những người dân thường mà ngay cả các nhà lãnh đạo đất nước như Khrushchev, Brezhnev, Shelest (Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Ukraina trong những năm 1963-1972) và  Shcherbytsky (Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Ukraina trong những năm 1972-1989)... Thí dụ như  Mikhail Gorbachev trong lần trả lời phỏng vấn có kể với chúng tôi rằng,   ông ấy và vợ, bà Raisa, chỉ thảo luận về những vấn đề quan trọng trong lúc đi dạo lâu ngoài trời vì ông ấy sợ nếu nói trong phòng thì bị nghe trộm...

- Tôi không muốn buộc cho “cha đẻ của perestroika” tội thiếu trung thực hay nói không hết sự thât. Đơn giản là một khi bạn đã nghe bên này nói thì tôi đề nghị là cũng cần phải nghe cả bên kia nói nữa. Tôi xin nhắc lại, KGB, đó không chỉ là hoạt động tình báo, chống gián điệp, chống biệt kích tư tưởng, không chỉ là công việc đã được mã hóa mà còn là việc bảo vệ các vị lãnh đạo Đảng và chính phủ.

Tướng Piotr Laishev, ở thời điểm mà Gorbachev lên cầm quyền, đã là một trong những lãnh đạo của Tổng cục 9 KGB ở Krym, đã kể với tôi chuyện sau ba tháng được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Mikhail Gorbachev đã xuống đó nghỉ tại khu Orelanda. Đơn vị đã đón ông ấy. Và hai tiếng sau, chỉ huy đội bảo vệ riêng của Gorbachev, tướng Medvedev, đã xuống gặp đơn vị và nói: “Các cậu này, có lệnh là làm sao để không một người nào trong số các cậu được xuất hiện trước mắt của cả ông ấy lẫn bà Raisa...”.

- Họ đã ngạc nhiên lắm nhỉ?

- Tất nhiên. Thông thường các Ủy viên Bộ Chính trị khi đi nghỉ đều rất thích tiếp xúc với đội ngũ làm công tác phục vụ. Hơn nữa, tại khu Oreanda, tất cả các cán bộ nhân viên, kể cả những người làm vườn và dọn dẹp, đều là nhân sự của Tổng cục 9, đều đã được kiểm tra đến tận chân tơ kẽ tóc... Hơn nữa, cũng phải thấy rằng, rất khó đảm bảo trật tự trên một khu vực rộng mênh mông như thế mà lại không bị nhìn thấy.

Tướng Laishev lúc đó đã nghĩ ngay là: một khi Tổng Bí thư mới đối xử như vậy với những người bảo vệ ông ấy thì còn có điều gì tốt đẹp chờ đợi được từ ông ấy?

- Nỗi lo của tướng Laisehv về sau trở thành sự thật?

- Rất nhanh chóng. Ở Orelanda khi ấy không có bãi tắm theo nghĩa truyền thống của từ này, chỉ có một bể bơi nước mặn, đúng hơn, một phần mặt biển được ngăn ra bằng đá. Có thể tắm nước biển bằng cách bước xuống đó theo cầu thang đã được xây ở bến cảng. Nhưng bà Raisa đã tuyên bố: “Tôi muốn có một bãi tắm bình thường”, và dứt khoát không chịu nghe ý kiến khác. Để chiều ý bà ấy, người ta đã phải tốn rất nhiều công của để tạo nên một bãi tắm bình thường... Thế mà họ sau đó vẫn không hài lòng với khu Oreanda...

- Giờ thì có thể hiểu được tại sao khi đó lại phải vội vã bắt tay vào xây trung tâm nghỉ dưỡng của Tổng thống ở Foros, địa danh đã được ghi vào lịch sử sau vụ chính biến tháng 8-1991...

- Tướng Piotr Lishev nhớ lại là ông ấy đã phải hít bụi và quét bẩn hai năm rưỡi ở Foros. Ukraina đã phải bỏ vào công trình này 3,5 triệu rub. Người thì lo nội thất (35 nhà máy đồ gỗ đã phải chịu trách nhiệm mỗi nơi lo nội thất một phòng), người thì trồng cây trên đất cằn sỏi đá, người thì làm đường. Họ đã phải cố gắng hết sức nên đã hoàn thành công việc trong hai năm rưỡi thay vì ba năm rưỡi như kế hoạch.

Tiếp nhận khu trung tâm Foros có phái đoàn do Chủ tịch KGB Chebrikov và Bộ trưởng Quốc phòng Yazov dẫn đầu. Nhìn chung, họ thích mọi sự ở đó, ngoại trừ mùi sơn mới làm. Ai đó đưa ra sáng kiến bỏ chè xanh vào tất cả các loại tủ và ngăn kéo để nó hút hết mùi sơn. Hàng loạt chuyến bay đặc biệt đã chở cả núi chè xanh từ Krasnodar tới.

- Và việc đó diễn ra khi trong nước là tình trạng thiếu thốn hàng hóa  ngày một trầm trọng và nền kinh tế đầy rẫy những trục trặc, và “những khó khăn tạm thời” đã phát triển thành cả một cuộc khủng hoảng...

- Đúng thế. Sau đó thì công trình được nghiệm thu chính thức bởi một phái đoàn chính phủ từ Moskva tới, 120 chuyên viên kỹ thuật. Họ đã xem xét rất kỹ lưỡng mọi chi tiết và chấp nhận rằng mọi sự đều ổn. Sự cố lớn chỉ xảy ra hai tuần sau đó, khi gia đình Gorbachev tới đó nghỉ.

Khi chơi giải trí trong phòng ngủ trẻ em, con gái của họ, Irina, đã giẫm lên rèm cửa. Thanh treo rèm cửa rơi xuống, va phải gáy cô ấy. Và như người ta đã phát hiện ra sau đó, cái đinh vít để treo rèm cửa đó hóa ra lại bị hụt một chút so với tiêu chuẩn.

- Vết thương có trầm trọng lắm không?

- Chỉ bị xước sơ sơ thôi. Người bình thường thì chỉ bôi thuốc mỡ vào là xong, nhưng đây lại là con gái của Gorbachev. Cô ấy được đưa tới quân y viện, ngoài sân có một máy bay trực thăng chờ sẵn để nếu cần thì chở đi... Ba Phó Tổng cục trưởng của Tổng cục 9 KGB bị dựng dậy giữa đêm lên nghe Tổng bí thư mắng mỏ, còn Tổng cục trưởng Plekhanov, ở thời điểm đó đang đi nghỉ tại Valdai, thì bị gọi về nhiệm sở, ngừng nghỉ phép. Suốt hai tuần họ phải thay lại toàn bộ các rèm cửa. Và phải làm sao để vợ chồng Gorbachev không nhìn thấy họ. Họ phải làm việc những khi mà vợ chồng Gorbachev ra bãi biển hoặc làm về đêm.

- Thế người ta có tìm ra ai là thủ phạm vụ xâm hại sức khỏe và cuộc sống của gia đình Gorbachev không?

- Tất nhiên là có. Một loạt các lãnh đạo cao cấp của Tổng cục 9 phải chịu trận. Tướng Berezin, từng được trao danh hiệu Anh hùng Lao động nhờ công trình xây dựng sân bay vũ trụ Baikonur, bị mất chức, cả tướng Orlov, lãnh đạo nhóm cán bộ Tổng cục 9 từ Moskva xuống Krym, cũng thế...

Piotr Laishev sau khi công trình được bàn giao thì có quyền được về Moskva để giữ một vị trí tương xứng với quân hàm tướng, ở cục quản lý 70 trại nghỉ công và Điện Kremli. Thế nhưng, ông ấy thay vì như thế đã phải xuống tỉnh lẻ Kirovograd... Của đáng tội, trước đó thì ông ấy cũng được mời vào một vị trí khác ở Kiev nhưng tới phút cuối cùng thì Chủ tịch KGB ở Ukraina, Nikolai Golushko, đã nhận được điện thoại từ Plekhanov: “Anh nên biết rằng Mikhail Sergeyevich với Raisa Maksimovna sẽ không hiểu được việc đó đâu. Tốt nhất là không nên mạo hiểm”. Và khi bà Raisa được báo cáo về việc tướng Laishev phải xuống tỉnh lẻ Kirovgrad thì bà ấy đã nở một nụ cười đắc chí...

Và cũng phải nói rằng đấy là trường hợp duy nhất mà Gorbachev “quan tâm” tới số phận của một cán bộ bảo vệ. Thường thì sau khi chia đường rẽ lối vì những nguyên nhân khác nhau thì ông ấy ngay lập tức quên lãng họ ngay và không bao giờ lo lắng cho tương lai của những người này. Nói chung, vợ chồng Gorbachev là cặp đôi sống rất khép kín và kém niềm nở.

- Nhưng nhìn những thước phim tài liệu thời đó thì không ai nói thế...

- Cặp vợ chồng ấy chỉ đeo lên mặt nạ tươi cười khi ra trước ống kính quay phim thôi. Theo lời kể của các cán bộ bảo vệ, cách cư xử của Mikhail Gorbachev rất khó được đoán trước – lúc thì ông ấy nổi cáu, lúc thì im lặng, lúc lại chợt vui... Còn bà vợ thì rất “Hoạn Thư”. Theo truyền thống thì mỗi khi có khách cao cấp từ Moskva xuống Krym thì đều được các cô gái xinh đẹp, cán bộ Tổng cục 9 mang muối và bánh mì ra đón. Và bà Raisa đã ra lệnh để họ phải mặc y phục cổ “kín cổng cao tường” nhằm giảm bớt nguy cơ quyến rũ...

- Hóa ra là những người cầm quyền giữ vai trò lãnh đạo cơ quan an ninh, nhưng nhìn từ góc độ khác, lại âm thầm e ngại chính cơ quan này?

- Chính là như thế. Nhưng có thể lý giải được mâu thuẫn đó: kiểm soát  cơ quan an ninh là việc rất phức tạp, đặc biệt là người ít có hiểu biết về những chi tiết tinh tế trong hoạt động của nó. Ngoài ra, xương sống của cơ quan an ninh quốc gia là những người giàu trí tuệ, có khả năng hành động rất kiên quyết và cái chính là được nhận thông tin nhiều hơn tất cả  về những gì diễn ra trong nước, trong đó có cả về những “gót chân Asin” của đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Chính vì thế nên các nhà lãnh đạo dưới thời Xôviết luôn có những biện  pháp để hạn chế ảnh hưởng của cơ quan an ninh quốc gia... Ngay ở thời hậu Xôviết, khi KGB thôi tồn tại, thì cũng không có gì thay đổi so với trước. Nguyên Tổng thống Ukraina, Leonid Kochma, lúc còn đương chức, đã đưa vào sử dụng thuật ngữ “phi KGB hóa”...

- Ông đã có dịp được tiếp xúc với ông Andropov (Chủ tịch KGB trong giai đoạn 1967 tới 1982 và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1982 tới năm 1984) không?

- Không, tôi chỉ được nhìn thấy ông ấy như các anh thôi, trên các tấm ảnh chân dung và qua màn ảnh nhỏ, nhưng tôi cảm nhận được ông ấy nhiều hơn những người khác. Chính trong thời gian ông ấy ở KGB, tôi đã được nhận những giấy khen và hai lần được lên quân hàm trước thời hạn, được nhận cả huân chương. Tất nhiên, tôi đã được đọc những mệnh lệnh của Andropov, đã thấy quá trình dân chủ hóa xã hội diễn ra như thế nào... Tôi biết cả về nếp sống khiêm nhường của Andropov, khác với nếp sống của Bộ trưởng Nội vụ lúc đó là Schelokov... Trong suốt những năm tháng trước khi được bầu làm Tổng Bí thư, Andropov đã sống trong khu nhà gỗ cũ bên bờ sông Moskva. Trung tướng Vasili Petrov, một trong những lãnh đạo của Tổng cục I KGB kể lại rằng,  khi lần đầu tiên được nhìn thấy ông Andropov ở Yasenevo, trụ sở của Cơ quan tình báo đối ngoại KGB, thì ông ấy mặc một cái áo len được mạng lại ở khuỷu tay rất mộc. Ông ấy là người sống theo tư tưởng khắc kỷ...

- Chẳng lẽ ông ấy không có gót chân Asin nào ư?

- Ông ấy không ham săn bắn. Không có chuyện tình lãng mạn nào cả... Ông ấy là người trong sáng trên mọi phương diện. Tôi chỉ không hiểu một điều, đó là vai trò của ông ấy trong việc đưa Gorbachev lên cao.... Andropov không bao giờ nhận gì của ai cả... Và ông ấy cũng đã là người duy nhất trong số các Ủy viên Bộ Chính trị đã bàn giao lại tất cả những món quà được nhận...

- Thế Tổng Bí thư đầy quyền lực Brezhnev đã cư xử thế nào với ông Andropov?

- Tất nhiên là ông Brezhnev đã tin tưởng ông Andropov, rất gần gụi với nhau... Nhưng ông ấy cũng không bao giờ quên rằng, không có một sự đảo lộn quyền lực nào, không có một việc thay thế người mới nào lại diễn ra thiếu sự góp tay của các cơ quan an ninh. Chính vì thế nên Chủ tịch KGB Vladimir Semichastnyi, người từng tham gia trực tiếp vào việc loại bỏ ông Khrushchev đã bị tiễn “về hưu danh dự” Ở Kiev vào một vị trí xoàng xĩnh là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nước cộng hòa Ukraina. Và để “coi sóc” người kế nhiệm của ông ấy là Andorpov, ông Brazhnev đã đưa hai chiến hữu thân cận của mình vào ban lãnh đạo KGB là các vị tướng Semen Tsvigun và Georgi Tsinev từ đội hình cũ trưởng thành từ Dnevpropetrovsk. Hai vị tướng này có quyền chủ động tới gặp Tổng bí thư và báo cáo về từng việc làm của ông Andropov...

Huy Thanh và Huy Tuấn lược thuật
.
.