Nhạc sĩ An Thuyên:

"Tôi vẫn bật khóc trên những phím đàn"

Thứ Hai, 29/08/2005, 07:43

Là hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghệ thuật Quân đội, giữa bộn bề công việc và những lời mời, nhạc sĩ An Thuyên vẫn dành cho mình một khoảng trời riêng. Đó là khoảng trời của nắng, của gió, của nước dòng sông Lam biêng biếc xanh ngọt ngào, của những điệu dân ca được cất lên từ gan ruột những người dân nghèo một đời lầm lụi... Nơi ấy, tâm hồn ông được thỏa sức tự do, bay lên từ những khuông nhạc, phím đàn.

Người ta gọi An Thuyên là nhạc sĩ của đồng quê, bởi những sáng tác của ông neo vào lòng người nghe bằng nỗi nhớ niềm thương của đứa con luôn hướng về “bầu sữa” quê nhà.

Người của đồng quê

Sinh ra và lớn lên bên dòng Lam thơ mộng, đầy thơ và nhạc chảy qua, ngay từ thuở ấu thơ, trong tâm hồn An Thuyên đã ngân vang những cung bậc của sự thăng hoa trong cảm xúc. Tuổi thơ lấm láp cùng bạn bè đồng trang lứa chăn trâu cắt cỏ, ám ảnh cậu là những câu hát phường vải đằm sâu mà đau nhức nhối. Chính cha mẹ An Thuyên cũng là một “gánh hát” mà ông được nghe từ khi còn nhỏ. Ông đã đi qua nhiều miền quê, nghe bao làn điệu dân ca từ cái ngày đi làm công tác sưu tầm dân ca ở Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ An, nhưng ông vẫn cho rằng: “Không có loại hình dân ca nào hay mà buồn bằng dân ca xứ Nghệ. Trong câu hát, có nỗi buồn trong sự gian khổ, cùng cực, nhưng có lẽ chính vì thế mà con người ở mảnh đất này có những nỗ lực phi thường...”. Những câu hát ấy ngấm vào ông một cách tự nhiên, theo năm tháng, lắng đọng thành một thứ sa khoáng mặn mòi.

Ngày còn đi học, không ai có thể ngờ, cậu học trò An Thuyên học kém mà nghịch ngợm, ham chơi ấy sau này lại trở thành nhạc sĩ. Một lần về quê, người thầy của nhạc sĩ đã vỗ vai cậu học trò nay đã là Đại tá Quân đội ngạc nhiên bảo: “Thì ra là em đấy hả? Bấy lâu nghe nhiều bài hát của nhạc sĩ An Thuyên mà thầy rất thích nhưng lại cứ tưởng là An Thuyên nào cơ!”. Nhưng ẩn sâu trong cậu bé nghịch ngợm ham chơi ấy là một tâm hồn nhạy cảm, mà như ông nói, “đến khó hiểu ngay với cả chính mình”.

Cho đến bây giờ, cho dù đã ăn cơm gạo của bao miền, nhưng dường như lúc nào nhạc sĩ An Thuyên cũng thấy mình gần hơn với rơm rạ quê nhà. Ngay cả khi ông mang quân hàm đại tá quân đội, ngồi trong căn phòng mà ngoài cửa có tấm biển “Hiệu trưởng” của Trường cao đẳng Nghệ thuật quân đội, người ta vẫn thấy ở ông sự mộc mạc của... đất! Ông nói rằng, Nghệ An nói riêng và dải đất miền Trung nắng lửa với ông vẫn là khúc ruột, là ngọn nguồn của mọi cảm xúc. Và “miền Trung vẫn là cái gốc của tình cảm, trí tuệ, nhân cách, tâm hồn... tôi. Điểm xuất phát cũng là nơi cho tôi nhiều thứ nhất. Tôi viết về quê lặng thầm như một kẻ chịu ơn quê nhà!”. Tình cảm của người Việt ta là vậy, cho dù cánh diều ấy có bay cao bao nhiêu, vẫn hoài vọng về chốn quê bằng sợi dây buộc ở hòn đá đầu làng. Mỗi bài hát của ông đều là niềm thương nỗi nhớ đến cháy ruột gan như “Huế thương” dành cho mảnh đất cố đô, “Hà Tĩnh mình thương”, “Bến Ngàn Sâu” cho mảnh đất Hà Tĩnh khó nhọc mà sâu nặng ân tình, “Ca dao em và tôi”, “Neo đậu bến quê” cho những người xa quê luôn hướng về quê nhà cho dù khổ đau hay hạnh phúc...

Có lẽ, chỉ có ai đã sống thấm đẫm mình trong tình quê hương, trong những lầm lụi nắng sương của người dân quê nghèo, mới có thể viết về quê chân thật và cảm động đến thế. Không chỉ có một dải đất miền Trung, ông còn có những miền quê khác nhau, từ đồng bằng lên miền ngược. Đang “Chơi trăng trên miền Quan họ”, ông lại vượt lên “Chín bậc tình yêu” để “Đi tìm bóng núi” ở những miền Tây Bắc núi non điệp trùng. Nhạc sĩ An Thuyên cũng đã lên đến Tây Nguyên để hát về “Lòng dân Tây Nguyên với Bác Hồ”, bởi theo ông, với nhân dân Tây Nguyên, hình ảnh Bác Hồ như niềm tin, như ánh sáng giúp họ chiến thắng và vượt qua gian khó.

Giọt lệ - giọt đàn

“Em chọn lối này” là sáng tác đầu tiên của nhạc sĩ An Thuyên khi ông mới 21 tuổi mà nhiều người thường gọi là “tuyên ngôn nghệ thuật” của An Thuyên về dòng nhạc trữ tình mà ông sẽ dành trọn cuộc đời. Với âm nhạc, nhiều lúc An Thuyên cảm thấy mình yếu đuối, bởi rất nhiều lần ông đã để cho cảm xúc dẫn lối đưa đường vào tác phẩm. “Tôi vẫn bật khóc trên những phím đàn khi ý tưởng sáng tác của tôi gặp được ngọn nguồn của cảm xúc! Đã nhiều lần tôi rơi nước mắt giữa những khuông nhạc, mà cũng không hiểu được nước mắt ấy đến từ đâu, từ nỗi đau trong câu hát phường vải hay từ tiếng đàn môi của các chàng trai cô gái vùng cao...”.

Giữa những bộn bề cuộc sống, công việc, nhạc sĩ An Thuyên còn nhớ những cảm xúc có từ cách đây hơn 30 năm, khi “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” ra đời bằng nước mắt. “Khi ấy, mình viết rất nhanh, viết như một “ông già” đã hiểu hết mọi lẽ ở đời và cũng không biết lời ở đâu tuôn ra mà nhiều, mà thắm đượm thế. Mỗi nốt nhạc như một giọt nước mắt! Nhờ thế, ai cũng bảo mình đã vẽ được một bức họa đẹp về Người...”. Năm ấy, nhạc sĩ An Thuyên mới 23 tuổi.--PageBreak--

Rồi đến khi ông viết “Neo đậu bến quê” như tìm được đúng vần điệu để gửi gắm vào đó những nỗi niềm, những yêu thương và trăn trở với quê hương. Từ ám ảnh về dòng sông tuổi thơ, từ day dứt trong câu đò đưa, nỗi nhớ cháy lòng những bữa cơm thơm mùi rơm rạ, An Thuyên đã để tình quê tưới đẫm trong ca khúc của mình. An Thuyên đã tạo ra một thứ âm hưởng riêng, một tiếng nói thầm thì mà lắng đọng trong tâm hồn nhiều người Việt yêu quê “đi xa muốn về, khổ đau cũng muốn về” để được quê mẹ ấp iu, ủ ấm và lại mang sức mạnh của đất mẹ ra đi...

Lần rơi nước mắt gần đây nhất mà ông nhớ ấy là khi ông viết bài “Mẹ Việt Nam anh hùng” - bài hát như lời tạ ơn những người mẹ Việt Nam nhiều lần tiễn con đi, có khi chẳng một lần được đón con trở lại trong nước mắt nghẹn ngào. Ông nghiệm ra rằng, mỗi nốt nhạc cũng phải như nước mắt, như mồ hôi; còn ca từ phải là lời mà từ thẳm sâu lòng mình muốn cất lên, mới trở thành một tác phẩm âm nhạc có sức lay động lòng người.

Nhạc sĩ An Thuyên sống rất giản dị. Ông là một người sợ sự “tráng men” của mọi thứ, sợ những thứ hào nhoáng mà khó bền. Ông sợ những lễ lạt rườm rà, sợ những cuộc gặp gỡ trở thành “hội họp hóa”, “mít tinh hóa”... Ông tâm niệm, phải giữ được cho lòng mình những khoảng lặng. Và vì thế, ông vẫn tìm về góc riêng của hồn mình là quê hương để “ẩn nấp”, để mơ mộng và sáng tạo cần mẫn như người nông dân gieo hạt lúa xuống đồng. Ở đó, ông thấy mình được thanh thản, hạnh phúc với những cung bậc của tình cảm mà bao năm tháng đã đi qua trong đời, ông vẫn giữ được làm của riêng mình.

An Thuyên cho rằng, cuộc sống hiện đại có quá nhiều vấn đề phải lo toan, tạo ra nhiều sự “sao nhãng” với những gì quen thân, những hạnh phúc giản dị, đời thường. Đã có những suy nghĩ lệch lạc, thiên về lối sống thực dụng, khiến người ta quên đi việc sống là phải có lý tưởng, có niềm tin ở cuộc đời, ở con người. Tâm lý ấy cũng phần nào ảnh hưởng, để lại dấu vết trong đời sống âm nhạc vốn đang hết sức lộn xộn về cả hai lĩnh vực sáng tác và biểu diễn hiện nay. Một tác phẩm âm nhạc đích thực không thể ra đời từ sự khiên cưỡng của cảm xúc sáng tạo, sự nhạt nhẽo, vô vị của ca từ. Vì vậy, cần phải khơi dậy những tình cảm nhân ái, chân thật trong lòng mỗi người, nhất là người nghệ sĩ. “Nghệ thuật là phải cảm xúc, không cảm xúc thì viết chỉ làng nhàng mà thôi. Xúc cảm càng mặn thì viết càng hay, càng tình cảm càng chân thật thì tác phẩm mới lung linh tỏa sáng được. Đề tài nào cũng vậy thôi!” - Nhạc sĩ An Thuyên tâm sự chân thành.

Với nhạc sĩ trẻ An Hiếu - con trai mình, ông cũng dành cho những lời khuyên như thế. Ca sĩ Bông Mai, nhạc sĩ trẻ An Hiếu cũng là sự hoài thai trong giấc mơ về những cung đàn của nhạc sĩ An Thuyên. Ông là người kiệm lời, càng kiệm lời khi có ai đó hỏi về con mình. Nhưng trong mắt ông, niềm tự hào về hai niềm hy vọng ấy vẫn cháy sáng. Cả hai đã chọn cho mình con đường đi riêng, nhưng Bông Mai và An Hiếu luôn cảm thấy người cha đáng kính của mình đang tỏa bóng mát xuống cuộc đời họ. Cả gia đình làm nghệ thuật, họ tìm được sự chia sẻ và  nhạc sĩ An Thuyên cũng dạy con phải biết quan tâm đến đề tài quê hương, phải chuẩn bị những tri thức văn hóa, để khi cảm xúc đến, là chỉ việc đón nhận nó vào tác phẩm của mình.

Gần đây, An Thuyên tìm thấy niềm vui với những cuộc phiêu linh cùng “phù thủy ánh sáng” - nghệ thuật nhiếp ảnh. Trò chơi ánh sáng cũng khiến ông đam mê không kém gì âm nhạc. Trong căn phòng làm việc của mình, ông treo những bức tranh có bố cục sắc sảo, được chụp từ những góc rất riêng, là thành quả sau những chuyến hành trình của ông. Ông vẫn tiếp tục sáng tác như chưa bao giờ mệt mỏi, vẫn phiêu linh trên phím đàn, trong tâm hồn đến với những miền quê, những điệu dân ca sâu nặng ân tình. Gia tài âm nhạc của ông, gia đình nghệ thuật của ông là niềm động viên, niềm tự hào mà ông đã xây dựng và gìn giữ suốt những năm tháng qua...

Nguyễn Thị Việt Hà
.
.