Đại tá Ngô Vĩnh Bình, TBT Tạp chí Văn nghệ Quân đội:

Tôi sợ nhất những tiếng vỗ tay không đúng chỗ

Thứ Tư, 30/06/2010, 16:43
Tôi gặp anh lần đầu vào mùa hè năm 1982, khi tôi, một học viên quân sự từ Liên Xô về nghỉ phép, rụt rè tới tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội với cuốn vở có chép một số bài thơ sáng tác và vài ba bản dịch thơ từ tiếng Nga…

Tới đầu phố Lý Nam Đế, tôi chợt thấy một anh trung úy, trông cũng không trẻ lắm, có lẽ vì nét mặt tương đối khắc khổ, đạp xe táp vào cửa nhà số 4 trước tôi. Trông anh trung úy này có dáng điệu  gì đó chân chất rất khiêm nhường, thậm chí có thể như luôn cố thu mình lại, không muốn ai để ý tới mình, không muốn làm cho ai cảm thấy phiền toái cả nhưng cũng chính vì thế dễ khiến những người khác để ý…

Một lúc sau, khi tôi đang ngồi trong phòng làm việc của nhà phê bình văn học Hồng Diệu, thì anh trung úy ấy bước vào. Anh Hồng Diệu giới thiệu,  đây là "chú" Ngô Vĩnh Bình, tốt nghiệp Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp, từ Quân khu Thủ đô về Ban Lý luận phê bình… Tôi rụt rè chào anh, vì với tôi lúc đó, tất cả những ai làm việc ở ngôi nhà có "hoa đại rơi trắng đất, ai nhìn hoa nghĩ tóc bạc trên đầu" (thơ Nguyễn Đức Mậu) đều là những người khả kính cả, đều là những vị trí mà tôi dù trong mơ cũng khó nghĩ là mình một ngày nào đó có thể đạt được…

Thấm thoắt thế mà đã gần 30 năm. Trong quãng thời gian đó, chúng tôi đã bao nhiêu lần trò chuyện với nhau, cộng tác với nhau, chứng kiến bao nhiêu thay đổi trong cuộc đời của từng người. Thế nhưng, đây là lần đầu tôi trò chuyện với anh với tư cách một nhà báo đi thực hiện một bài viết cho Chuyên đề ANTG GT. Trong tháng lễ trọng của những người làm báo như tháng 6/2010, gặp gỡ và cùng suy ngẫm với nhà phê bình văn học mặc áo lính, vừa mới ngồi vào ghế cầm chịch ở một tạp chí rất giàu truyền thống văn chương như Văn nghệ quân đội cũng là một việc thú vị…

Hồng Thanh Quang: Anh có cảm giác thế nào khi nhận chức TBT Tạp chí Văn nghệ Quân đội?

Ngô Vĩnh Bình: Thực ra thì tôi đã làm việc ở VNQĐ hơn 30 năm rồi, trưởng thành từ một cậu trung sĩ lên đến cấp đại tá hưởng lương 8,6 thì cũng là ghê đấy chứ. 30 năm! Đi lên từ một phụ biên tập (lúc đó ở VNQĐ mới về chưa được làm biên tập viên ngay đâu, tôi và anh Nguyễn Bảo thoạt tiên đều phải làm phụ biên tập), rồi làm biên tập viên, Trưởng ban, Phó Tổng biên tập, rồi TBT… Nói chung, mọi chuyện cứ dần dà phát triển như thế thôi, cũng chẳng có gì bất ngờ lắm, mặc dù tôi trước đây cũng chẳng bao giờ nghĩ là sẽ có một ngày như hôm nay… Công việc ở đây thì mình đã quen lâu rồi, lại vẫn ở ngôi nhà này, vẫn nhiều gương mặt thân quen cũ…

Hồng Thanh Quang: Nhưng trách nhiệm thì nặng hơn?

Ngô Vĩnh Bình: Trách nhiệm thì rất nặng…

Hồng Thanh Quang: Phải bao quát hơn, phải làm cả những việc mình không hẳn đã thích nhưng là trách nhiệm bắt buộc của mình…

Ngô Vĩnh Bình: Đúng thế. Trước kia mình làm phó, mình phụ trách một mảng nào đó thôi, nay mình làm trưởng thì từ việc xin xe ôtô như thế nào, đến việc sửa sang lại ngôi nhà số 4... mình cũng đều phải lo tất. Nói thực, trước tôi cũng không bao giờ ước ao hay có tư tưởng phấn đấu phải lên làm TBT đâu, nhưng nhiệm vụ cấp trên giao thì mình sẽ phải hoàn thành cho tốt.

Hồng Thanh Quang: Cờ tới tay thì phải phất cho "oách"…

Ngô Vĩnh Bình: Cũng phải tự lượng sức mình. Nói thực, làm TBT cũng có cái hay... Tôi cũng mới làm thôi, từ trước Tết, nhưng tôi đã kịp thấy nó cũng có cái rất hay. Trước kia, mình chủ yếu chỉ là một người viết, cứ túc tắc, nhưng giờ mình rất bận rộn, phải lo lắng tới việc ăn ở cho anh em, tới việc anh em có đi nghỉ mát hay không hoặc đi thì đi như thế nào… Trước kia mình không phải lo cái đó…

Hồng Thanh Quang: Tôi hiểu rồi. Như các cụ vẫn nói, sông có khúc, người có lúc. Các tờ báo, tạp chí cũng như vậy. Anh đánh giá thế nào về giai đoạn này của VNQĐ? Anh nghĩ thế nào về vai trò, về nội hàm và về triển vọng của nó?

Ngô Vĩnh Bình: VNQĐ tới 2012 sẽ là dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập. 55 năm thì có biết bao sự kiện, nhưng cái hay nhất của VNQĐ là: nó đã có một thương hiệu, hay nói như nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng, "VNQĐ đang ở mặt tiền của hệ thống báo chí". Hiện nay, VNQĐ vẫn phát hành tới 5 vạn số một kỳ, thế cũng là lớn đối với một ấn phẩm văn chương, phải không nào? Chúng tôi còn có cả tờ Văn nghệ Quân đội điện tử, cũng là một trong tốp 5 của các tờ báo điện tử văn học, theo người ta sắp xếp như thế. Nhưng trong tình hình hiện nay, mình cũng không thể kê cao gối ngủ kỹ được với những gì đang đạt được…

Hồng Thanh Quang: Đang tồn tại quá nhiều những thách thức đối với các ấn phẩm, đặc biệt là các ấn phẩm văn chương…

Ngô Vĩnh Bình: Đúng vậy. Thí dụ như Internet, đó là một phát minh rất vĩ đại nhưng có người nói, đó cũng là kẻ khủng bố đối với văn hóa đọc.

Hồng Thanh Quang: Sự dễ dàng truyền bá và tiếp cận thông tin trên mạng Internet cũng kèm theo hệ lụy là có nhiều sản phẩm thứ cấp về thông  tin, về thẩm mỹ cũng trôi theo dễ dàng như thế. Rốt cuộc là, không có gì dễ gây nên tác hại nhiều cho văn hóa đọc bằng chính sự dễ dàng đọc mọi thứ trên mạng Internet… Và nếu không có một căn bản văn hóa thì chúng ta rất dễ bị tha hóa theo những sản phẩm thứ cấp, những giả danh, giả hiệu…

Ngô Vĩnh Bình: Đó là thách thức mang tính thời đại. Thứ nữa, cũng phải nói rằng, VNQĐ bây giờ, cũng như đời một con người ấy, hình như đã qua cái thời mà ta có thể gọi là hoa niên, đã đến chỗ gọi là mãn khai… Thì nó cũng là quy luật bình thường thôi. Bây giờ chiến tranh không còn nữa. Trước kia những người giỏi nhất, những thanh niên trai tráng giỏi nhất đều vào bộ đội. Những người giỏi toán như Hoàng Lê Minh giải nhất toán, rồi như Trần Đăng Khoa hay sau này như nhiều anh em văn nghệ sĩ từng đi du học ở Nga về… đều vào bộ đội cả. Bây giờ không có thế nữa. Bây giờ ngoài Quân đội ra còn bao nhiêu chỗ khác cũng có thể thu hút được những người tài. Ngoài Tạp chí VNQĐ còn có bao nhiêu tờ báo khác, mà tờ nào cũng có cái hấp dẫn của nó… Tạp chí VNQĐ bây giờ phải đối mặt với những thách thức rất lớn, thách thức cả về thương trường, thách thức cả về con người…

Hồng Thanh Quang: Đúng như anh nói, VNQĐ là một thương hiệu rất lớn và cảm giác của tôi khi đến đây, đến ngôi nhà ở số 4 Lý Nam Đế này, bao giờ cũng thấy sừng sững bóng của các vị tiền nhân, những người đi trước mình, những người mình rất quý trọng. Tất nhiên, có một tâm lý là thông thường người ta chỉ hiện ra một người vĩ đại khi người ta đã rời khỏi cái nơi người ta đã ở, đã làm việc thôi… Nhưng dẫu sao anh đã từng làm việc hơn 30 năm ở đây rồi, anh được tiếp xúc với nhiều nhân vật mà hôm nay, có thể nói không quá lời, có những người đã thành huyền thoại nhất định trong văn học Việt Nam chúng ta, anh ấn tượng gì với họ và ai là người đã gây cho anh ấn tượng mạnh nhất?

Ngô Vĩnh Bình: Nói theo nhà thơ Xuân Quỳnh, trong những năm chiến tranh, ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế đã là trụ sở  thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam, đặc biệt nó rất thu hút những người trẻ. Hồi tôi mới về đây, tôi thấy, các anh trẻ, dù không phải là bộ đội hoặc không còn ở trong quân đội nữa, như Bùi Bình Thi hay Đỗ Chu cũng hay tới đây như thể đó là nhà mình. Thậm chí, ông Bùi Bình Thi có lần còn quát cả nhân viên hành chính như thể chính ông cũng là chỉ huy ở đây, vì ông bảo, phải biết là tôi đã đi mòn gót ở chỗ này rồi chứ! (cười).

Hồng Thanh Quang: Anh Bùi Bình Thi lúc nào cũng vậy, tôi thích anh ấy ở tính hồn nhiên, bây giờ ở gần tuổi "cổ lai hy" rồi mà vẫn hồn nhiên như chàng trai mới lớn…

Ngô Vĩnh Bình: VNQĐ đã là một trung tâm văn học không chỉ của riêng Quân đội mà của cả văn giới, nhất là những năm chiến tranh. Và cho đến những năm đầu thế kỷ này, nó vẫn giữ được cái đó. Và vì là trung tâm nên nó có nhiều gương mặt nổi bật. Những gương mặt mà sáng sáng, đi giao ban, ngồi trong phòng có treo những bức ảnh có các gương mặt đó,  chúng tôi nhìn và cảm thấy, nếu mình làm việc không ra gì thì rất ngượng với họ. Tôi có lúc đã nói một cách văn vẻ rằng, thương hiệu VNQĐ được dệt nên bằng những sợi dọc truyền thống và sợi ngang những tên tuổi, rất nhiều những tên tuổi …--PageBreak--

Hồng Thanh Quang: Tôi hiểu, nhưng tôi muốn anh nói ra những cảm nhận của anh về những tên tuổi ấy, nhìn ở góc độ của anh như một người viết, một nhà phê bình văn học, một thành viên  lâu năm của tạp chí?

Ngô Vĩnh Bình: Tôi về VNQĐ từ những năm 79-80. Đó là cái thời mà phụ trách VNQĐ là nhà thơ Thanh Tịnh, nhà thơ Vũ Cao, nhà văn Từ Bích Hoàng…

Hồng Thanh Quang: Thời kỳ Tịnh - Cao - Hoàng như anh em vẫn gọi…

Ngô Vĩnh Bình: Đó là "thời kỳ Nghiêu Thuấn". Khi tôi về thì nhà thơ Vũ Cao chuẩn bị nghỉ hưu và "thời kỳ Nghiêu Thuấn" ấy chuẩn bị kết thúc. Đó là một thời kỳ rất đẹp, như ông Vũ Cao nói, lúc ấy  lãnh đạo Văn nghệ tức là không lãnh đạo gì cả. Ông ấy nói thế để chứng tỏ, không lãnh đạo tức là rất phải lãnh đạo, bởi vì lúc đó, để lãnh đạo được một tập thể như VNQĐ với 30 con người là 30 cá tính, 30 tài năng, 30 thói quen... thì cực kỳ không dễ…

Hồng Thanh Quang: Vô chiêu trong lãnh đạo văn nghệ thì mới gọi là siêu… Nhưng muốn làm được như vậy thì người lãnh đạo phải thành tâm lắm, thiện tâm lắm, rộng tâm lắm…

Ngô Vĩnh Bình: VNQĐ trong thời kỳ đó có những người lãnh đạo như thế. Những người rất tầm cỡ. Ông Đỗ Chu kể rằng, hồi đó tới đây, tớ toàn phải đi nhặt bóng bàn cho anh Thanh Tịnh, tớ lúc đó cũng chỉ là người chầu rìa… Bản thân tôi khi mới về đây, tôi cũng phải thường xuyên đi nhặt bóng bàn cho anh Xuân Sách ấy chứ. (cười).

Hồng Thanh Quang: Thế hệ bọn tôi có lẽ sướng hơn, không phải đi nhặt bóng bàn cho ai cả. Nhưng biết đâu, đấy lại là cái thiệt thòi…

Ngô Vĩnh Bình: Đấy là tùy theo cách nhìn. Điều nữa tôi nhớ về VNQĐ thuở ấy là: có bốn "con ngựa" rất ấn tượng…

Hồng Thanh Quang: ???

Ngô Vĩnh Bình: Đó là bốn nhà văn cùng sinh năm Ngựa, năm Canh Ngọ 1930. Người giỏi nhất, theo tôi là con người tâm huyết với văn học nhất, gắn bó với văn học nhất, da diết với văn học nhất, và đồng thời cũng là người vất vả nhất, đó ông Nguyễn Minh Châu. Ông thứ hai là ông Hồ Phương, Thiếu tướng…

Hồng Thanh Quang (cười): "Ngồi buồn lại giở thư nhà ra xem…". Ông Xuân Sách viết như thế mà…

Ngô Vĩnh Bình: Ông Hồ Phương đã viết văn từ khi 17-18 tuổi, người Hà Nội, đã từng có rất nhiều cuốn sách, tới tuổi 80 tuổi vẫn viết, mới đây đã cho in cuốn "Cha và con" rất được. Trong cỗ xe tứ mã của VNQĐ thời đó thì ông Hồ Phương cũng là một tên tuổi và cũng là một trong 4 vị tướng của nhà số 4 chúng tôi. Người thứ ba là nhà văn Xuân Thiều. Theo tôi, Xuân Thiều là một nhà truyện ngắn. Nguyễn Khải cũng là một con ngựa chiến nhưng nếu chọn một truyện ngắn hay của Nguyễn Khải rất khó, nhưng với Xuân Thiều thì cần chọn truyện ngắn hay của ông là việc hoàn toàn không khó. Đó là một con người rất tâm huyết, con người rất khao khát đổi mới… Còn con ngựa thứ tư là ông Nguyễn Khải. Ông Nguyễn Khải là con người mà chỉ cần nói đến cái tên ông ấy thì người ta cũng đã biết đấy là một tài năng rồi. Bác Khải thì bác ấy có cái thông minh, có cái gọi là gắn bó với cuộc sống... Bác ấy là một nhà tiểu thuyết… Ngoài 4 nhà văn cầm tinh con ngựa đó ra, chúng tôi còn có nhiều tướng. Tất nhiên, trong văn chương thì quân hàm không phải là một thông số hay cái gì đó biểu hiện về kích cỡ văn học nhưng cũng phải kể đến. Anh Dũng Hà chẳng hạn, một TBT, một sĩ quan quân chính, chiến sĩ Điện Biên Phủ…

Hồng Thanh Quang: Một Chính ủy Đặc công…

Ngô Vĩnh Bình: Một Chính ủy Đặc công! Anh Dũng Hà là một TBT làm lâu năm nhất và thời kỳ đó cũng là thời kỳ bình yên nhất. Anh Dũng Hà cũng đã bắt đầu viết từ thời còn rất trẻ, khi còn là cán bộ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh ấy có tiểu thuyết "Sao Mai" được giải cao,  được dịch ra cả tiếng Nga. Sau này anh ấy viết "Cây số 42"… Anh ấy hay  nói rằng, tôi là nhà văn không phải chuyên nghiệp, nhưng mà thực ra anh ấy rất có tầm…

Hồng Thanh Quang: Sau này, nhà văn Dũng Hà còn có tiểu thuyết "Sông cạn" rất được…

Ngô Vĩnh Bình: "Sông cạn" sau này được in đúng nguyên bản thì rất có giá trị…

Hồng Thanh Quang: VNQĐ thời nào cũng có những gương mặt đáng nhớ

Ngô Vĩnh Bình: Nhắc tới VNQĐ, không thể không nhắc tới nhà văn, Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung…

Hồng Thanh Quang: Một con người tận tụy với cái chung đến nao lòng… Tôi rất kính trọng nhà văn này, từ thuở bé đọc "Bức thư làng Mực" của ông. Thế nhưng, lớn lên, vào nghề rồi, tôi rất ngại phải tiếp xúc với ông vì khi trò chuyện, tôi có cảm giác như ông đôi khi không chịu hiểu người đối thoại mà hay áp đặt những cái mà ông cho là duy nhất đúng… Mà cái uy của ông toát ra lại quá mạnh nên những sĩ quan cấp thấp như tôi dạo đó cứ chỉ muốn "kính nhi viễn chi" thôi…

Ngô Vĩnh Bình: Bác ấy là một người rất tốt…

Hồng Thanh Quang: Tôi hoàn toàn nhất trí…

Ngô Vĩnh Bình: Còn có một con người mà nói đến VNQĐ không thể không nói tới. Đó là Thanh Tịnh! Tác phẩm của "cụ" có vẻ mỏng nhưng đấy là một nhà văn hóa mà nói đến VNQĐ không thể không nói tới. Văn chương thì "cụ" để lại  không nhiều nhưng "cụ" có nhiều câu gọi là để đời cho "Phố Nhà binh" của chúng ta.

Hồng Thanh Quang: "Thống nhất mau thì tôi về Văn Lâu. Thống nhất lâu thì tôi về Văn Điển"…

Ngô Vĩnh Bình: Hay câu "Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong" mà sau này nhiều người vẫn nhắc lại, cả Bác Hồ cũng nhắc… Nếu xét về mặt tri thức, vốn sống, kiến văn thì Thanh Tịnh, theo tôi, là một kho từ điển sống, một bậc tiên chỉ. "Cụ" sinh năm 1911…--PageBreak--

Hồng Thanh Quang: Năm hoàn thành Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội...

Ngô Vĩnh Bình: Khi tôi còn làm trợ lý chính trị của tạp chí, tôi hỏi, bác sinh năm nào đấy nhỉ? "Cụ" trả lời luôn: Không cần phải nói nhé, lần sau cứ nhìn lên Nhà hát Lớn, hoặc nếu quên Nhà hát Lớn thì lấy năm cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc, hay nếu quên cả cách mạng Tân Hợi thì phải nhớ năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, xuống bến Nhà Rồng, đó là năm bác được sinh ra đấy (cười)…

Hồng Thanh Quang (cũng cười): Một người hóm hỉnh…

Ngô Vĩnh Bình: Có thể nói, đó là một nhà văn hóa. Nhưng cũng có một nhân vật nữa mà chúng tôi rất kính trọng và bây giờ vẫn còn cảm thấy mình còn chưa làm tròn trách nhiệm đối với anh. Đó là nhà văn Nguyễn Thi, Nguyễn Ngọc Tấn. Từ những năm mà anh ấy tập kết ra đây, năm 55-56, ông ấy đã có tập truyện ngắn "Trăng sáng đôi bạn", mà đọc đến bây giờ vẫn thấy rất thơ và cũng không cũ tí nào. Sau này trở lại chiến trường miền Nam, anh ấy cũng viết được những tác phẩm để đời, ví dụ như "Người mẹ cầm súng", "Khi mẹ vắng nhà", hay "Ở xã Trung Nghĩa"… Anh Tấn đã hy sinh ở Sài Gòn năm 1968. Và có một điều rất áy náy là cho đến bây giờ chưa tìm được mộ của anh ấy. Anh Tấn là người được giải thưởng Hồ Chí Minh, là liệt sĩ, được đặt tên đường phố ở trong Sài Gòn, được đặt tên trường học… VNQĐ từ rất nhiều năm, bằng rất nhiều con đường cũng muốn tìm được mộ anh Nguyễn Thi hoặc ít nhất cũng gọi là tìm cách đề nghị truy phong cho anh ấy danh hiệu Anh hùng LLVTND, cũng như cụ Huỳnh Văn Nghệ, cũng như anh Chu Cẩm Phong… nhưng chưa được. Vì thế, các thế hệ sau ở VNQĐ cứ cảm thấy áy náy… Sắp tới, chúng tôi sẽ có hội thảo về Nguyễn Thi ở thành phố Hồ Chí Minh… Hy vọng rằng trong những ngày tới, Nhà nước sẽ truy phong cho anh ấy là Anh hùng. Anh ấy là một trong những biên tập viên gạo cội của VNQĐ, một biên tập viên sáng lập, một người góp phần tạo nên các truyền thống cho VNQĐ để sau này nhờ những truyền thống đó mà chúng ta mới có Trần Đăng Khoa, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường, Vương Trọng, Anh Ngọc...

Hồng Thanh Quang: Kể cả Hữu Thỉnh nữa…

Ngô Vĩnh Bình: Hữu Thỉnh là một trong những lãnh đạo từ đây trưởng thành đi…

Hồng Thanh Quang: Tôi vẫn nghĩ là, dù đã tụ chung lại dưới một mái nhà số 4 Lý Nam Đế nhưng thực ra, các nhà văn ở đây trong giai đoạn sau năm 1975 cực kỳ khác nhau. Nếu các nhà văn của thời trước có nhiều cái chung hơn thì thế hệ thứ hai này, các nhà văn cùng một số nhà nhưng cá tính khác nhau và xu hướng, thiên hướng văn học cũng khác nhau, anh có nhận ra điều đó? Và nếu nhận ra thì anh thấy cái đó đã thể hiện như thế nào?

Ngô Vĩnh Bình: Nói cho cùng, làm nghề văn thì tài năng là do lộc giời, do ông bà cho, nhưng cá tính là do môi trường sống góp phần tạo nên. Nhưng dù ở chung một môi trường thì người ta vẫn có những phong cách viết khác nhau. Nói về thế hệ sau năm 1975 ở VNQĐ thì có người viết hiền hậu, đôn hậu như Nguyễn Trí Huân, nhưng cũng có người gân guốc, có phần nào gọi là...

Hồng Thanh Quang: Khuếch đại một ít, như nhà văn Chu Lai?

Ngô Vĩnh Bình: Cao giọng lên một ít, như nhà văn Chu Lai. Có những người viết như bổ củi mà rất gần gũi với đời sống bộ đội, như Khuất Quang Thụy. Về thơ chẳng hạn, anh Nguyễn Đức Mậu khác hẳn Anh Ngọc. Anh Ngọc là con người cũng lãng mạn, người Tây học nhưng  bác Mậu nhà ta thì như người ta nói, trên đường có người đi xe máy, xe phân khối lớn, rồi xế hộp, nhưng bác thì cứ lừng lững đi bộ trên phố, thây kệ thiên hạ... Theo tôi, cái tài văn là giời cho, nhưng môi trường cũng rất quan trọng.

Hồng Thanh Quang: Có thể nói là, ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế không thể đào tạo một người bình thường thành nhà văn nhưng có thể giúp những nhà văn tài năng thể hiện được hết sức mình?

Ngô Vĩnh Bình: Hồng Thanh Quang nói rất đúng.

Hồng Thanh Quang: Theo anh, liệu những cái mạch ngầm truyền thống ấy của VNQĐ nó tác động đến đội ngũ hiện nay ở đây như thế nào?

Ngô Vĩnh Bình: Theo tôi thì mỗi thời mỗi khác... Thời trước, tôi thấy các cụ viết văn linh thiêng lắm, trước khi viết còn phải sửa quần, sửa áo, có cụ còn thắp hương; có cụ như cụ Nhị Ca để cái bút phải đúng chiều thì mới viết… Sau này, đến thế hệ chống Mỹ thì lại viết ào ào hơn. Cho nên người ta mới nói có mấy thời kỳ, thời kỳ viết tay, thời kỳ viết bút máy Trường Sơn, sau đến thời kỳ gọi là đánh máy, thời kỳ sau giải phóng miền Nam có máy chữ là ghê lắm… Đến bây giờ là thời kỳ của Internet, thời kỳ của computer.

Hồng Thanh Quang: Phương tiện cũng có thể ảnh hưởng đến phong cách viết, nhưng không thay thế được tài năng…

Ngô Vĩnh Bình: Mỗi một thời, nhà văn có cách làm việc khác nhau… Và ở thời kỳ này, lý tưởng về văn học, sự thiêng liêng của thơ ca, của văn học phải nói thật là cũng giảm sút. Nhưng không phải bởi các em bây giờ không yêu văn học đâu, nhưng bây giờ áp lực cuộc sống lớn lắm. Thời bọn tôi mới về đây, nhà ở được Quân đội cho, thậm chí phát cả giấy, cả mực cho viết, bây giờ, các em phải đi thuê nhà, phải kiếm sống vất vả…

Hồng Thanh Quang: Tôi nghĩ là thời ngày xưa, một mặt vì xã hội lo đủ phần nhu cầu thiết yếu rồi, dù là nhỏ, nên nhiều nhà văn sẵn sàng lao mình vào văn học mà quên những chuyện khác. Còn bây giờ, trong điều kiện hiện nay, người ta dù yêu văn học đến đâu người ta vẫn phải nghĩ đến sinh kế. Điều đó tạo ra những phong cách mới của những thế hệ nhà văn mới và không biết rõ là nó xấu hay tốt, nhưng đó là một thực tế mà chúng ta phải chấp nhận. Và nó sẽ là như thế…

Ngô Vĩnh Bình: Đúng rồi. Trước kia mình chỉ có một đích của dân tộc, không có gì quý hơn độc lập tự do, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng bây giờ đang còn bao nhiêu thứ phải làm. Ngày trước, anh Hữu  Thỉnh in trường ca "Đường tới thành phố" được những 80.000 bản, anh Xuân Đức in "Cửa gió" tới 50.000 bản

Hồng Thanh Quang: Tràn ngập lãnh thổ được...

Ngô Vĩnh Bình: Tràn ngập được. Bán hết. Nhưng bây giờ, bán được 1.000 bản đã là oách rồi. Nhuận bút hồi trước thì thời bao cấp, anh Nguyên Ngọc viết "Đất nước đứng lên" được nhuận bút đủ mua cả cái biệt thự… Bây giờ, văn chương phải cạnh tranh quyết liệt quá. Ngày trước...

Hồng Thanh Quang: Nhiều người đọc, ít người viết…

Ngô Vĩnh Bình: Nhiều người đọc, ít người viết, không phải cạnh tranh, ít nhà xuất bản. Bây giờ mấy chục nhà xuất bản, hàng trăm tờ báo, đấy là chưa nói tới việc mạng Internet bùng nổ, gõ cửa mọi nhà... Cho nên, trong một lần trả lời phóng vấn, tôi đã nói, các nhà văn thời chống Mỹ sướng, mặc dù về vật chất họ chỉ có xe đạp để đi và "áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá", nhưng mà lòng thanh thản, chỉ dồn cho việc viết thôi. Còn bây giờ, chúng ta phải lo nhiều thứ. Nếu trước kia nhà văn trung úy cứ túc tắc, có tài là được, nhưng bây giờ có tài chưa chắc đã thành công...

Hồng Thanh Quang: Tôi hiểu. Thực ra điều kiện xã hội lúc nào cũng thay đổi, mỗi thế hệ đều có cái khó của nó, nhưng nếu bây giờ chúng ta chưa có được tác phẩm lớn thì theo tôi, lỗi trước hết là ở chúng ta, ở những người viết chứ không phải hoàn cảnh. Anh nghĩ thế nào? Hoàn cảnh lúc nào nó cũng thay đổi, ngay thời xưa cũng có cái khó của thời xưa, nhưng mà nó vẫn có những tác phẩm lớn. Hay bây giờ chúng ta đã có những tác phẩm lớn nhưng chưa kịp nhận ra?

Ngô Vĩnh Bình: Cái đó thì Hồng Thanh Quang nói đúng. Hoàn cảnh chỉ tạo nên những tác động thôi, chứ còn cái cơ bản thì có tác phẩm hay hay không là phải do người viết chứ, do nhà văn, do tài năng của nhà văn chứ. Nguyễn Khải  từng nói: việc viết văn khó như việc bắc thang lên giời, mà khó nhất là cái cách viết. Nhưng có khi mình không tìm đến cách viết được mà cách viết nó tự tìm đến mình, cho nên trước hết phải ngồi vào bàn. Ngồi vào bàn, ví dụ như tôi chẳng hạn, viết xong vứt sách mới biết là mình có cách viết mới… Nguyễn Khải bảo nó như là cái duyên phận, cái giời cho, nó như là cái cơ may… Thế còn cái hoàn cảnh nó như cái điều kiện để cái cơ may đó, cái duyên phận đến nhanh, cái cơ may đó có thể nó đến. Hoàn cảnh như kinh tế, nhuận bút này, tài trợ của nhà nước, rồi thì sự quan tâm của các báo, PR của nhà phê bình thế thì nó cũng chỉ là những điều kiện nhất định chứ không phải quyết định để nhà văn có các tác phẩm lớn… --PageBreak--

Hồng Thanh Quang: Tôi đồng ý với anh... Tôi muốn hỏi thêm, với tư cách một nhà phê bình, anh nghĩ gì về phê bình văn học hiện nay?

Ngô Vĩnh Bình: Theo tôi, phê bình văn học hiện nay nó cũng phù hợp với sự phát triển của văn học. Bởi vì sao? Vì có nhiều nhà phê bình đích thực mà người ta có một thời đau đáu với văn chương, nhưng văn chương bây giờ có thể nói là đang có sự nhiễu loạn, trắng đen lẫn lộn, là vì cứ có giấy phép là được in ra, chả cần hậu  kiểm, cho nên có khi không cần phải hay hay đúng  gì cả. Bây giờ ông anh tôi ở quê có thể làm ba bốn tập thơ. Hiện tượng này làm nhiễu loạn các thang giá trị.

Hồng Thanh Quang: Ngày xưa, tác phẩm trước khi xuất bản đã được chọn lọc theo những tiêu chí nhất định rồi, còn bây giờ đôi khi không cần phải  chọn lọc nữa.

Ngô Vĩnh Bình: Cái tội này cũng không phải chỉ là do các nhà xuất bản mà do cơ chế thị trường. Các nhà xuất bản cũng phải sống… Cho nên cái sự ồ ạt ra đời của các tác phẩm vàng thau lẫn lộn, theo tôi cũng là cái quy luật tất yếu của cuộc sống thôi. Nhưng cách nhìn nhận của những người phê bình văn học, theo tôi, thực ra không có được sự đồng thuận. Bây giờ có những người phê bình đích thực thì lại nghĩ, bây giờ tôi cứ nghiên cứu Kiều, nghiên cứu giá trị gọi là đã ổn định như Nguyễn Huy Tưởng chẳng hạn thì còn sướng hơn là tôi chơi với mấy ông ...

Hồng Thanh Quang: Mà hiện tại mình còn chưa biết rồi sẽ như thế nào?

Ngô Vĩnh Bình: Thí dụ như Vương Trí Nhàn, một người phê bình rất giỏi nhưng bây giờ ông ấy cũng không thích gọi mình là nhà phê bình, mà gọi là nhà nghiên cứu văn hóa… Thành ra trong giới phê bình bây giờ  đang có những hiện tượng như phê bình cánh hẩu, phê bình bầy đàn, phê bình băng nhóm… Lại cũng có những nhà phê bình nhận thức không đúng, cứ cho mình là người đứng trên các nhà văn. Theo tôi, xưa cũng vậy mà nay cũng vậy, nhà phê bình bao giờ cũng phải tìm ra cái đẹp, tôi thường nói nhà phê bình là gạch nối giữa nhà văn và bạn đọc. Chứ không thể...

Hồng Thanh Quang: Ông muốn cho ai nổi tiếng thì nổi tiếng, muốn vùi dập ai thì cũng được...

Ngô Vĩnh Bình: Kinh nghiệm cho thấy, những người được giới phê bình tung hô nhiều nhất mà không có tài năng thì rốt cuộc cũng sẽ chìm nghỉm…

Hồng Thanh Quang: Chìm còn tệ hơn bình thường…

Ngô Vĩnh Bình: Chìm tệ hơn. Xưa kia cũng vậy mà nay cũng vậy.  Nhà phê bình, theo tôi, là phải cố xúy động viên bầu bạn với các nhà văn, chứ không phải là đứng trên các nhà văn... Có thể anh không thích cá tính của ông này, nhưng văn người ta hay thì ông vẫn phải viết, còn ông không viết thì thôi chứ ông không được phép thấy ông này hay uống rượu, lại chê... là không được.... Nhà phê bình quan trọng nhất là anh phải cảm nhận, chứ phê bình mà đàn gảy tai trâu thì phê bình làm gì… Về phần mình, tôi nhận tôi chỉ là một cái gạch nối giữa nhà văn và bạn đọc, nhà văn và xã hội, nhà văn và công chúng, gạch nối nhỏ. Nói thật, tôi rất thích những tiếng vỗ tay nhưng tôi vô cùng sợ những tiếng vỗ tay không đúng chỗ…

Hồng Thanh Quang: Nhà thơ Hy Lạp Yanis Ritsot từng viết: "Những tràng vỗ tay phải đâu cái tát, sao mặt bạn tím bầm?". Tức là những tràng vỗ tay không đúng chỗ chỉ là một sự nhục mạ chúng ta mà thôi... Xin cảm ơn anh!
H.T.Q.
.
.