Nhà thơ xứ Dagestan, Rasul Gamzatov:

Tôi nói những gì tôi nghĩ

Thứ Năm, 11/08/2011, 13:53
Dễ từ hơn ba chục năm nay câu danh ngôn này rất được biết tới ở Việt Nam ta: "Nếu ai bắn quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào họ bằng đại bác". Tác giả của câu danh ngôn trên là Abutalib Gafurov, nhà thơ nhân dân của xứ Dagestan.

Còn người giúp cho chúng ta biết tới nó cũng là một nhà thơ nhân dân của xứ Dagestan, tác giả của tập tiểu luận "Dagestan của tôi" trứ danh mà hai nhà Nga học lỗi lạc là TSKH văn chương Phan Hồng Giang (phần văn xuôi) và thi sĩ Bằng Việt (phần thơ) đã chuyển ngữ sang tiếng Việt, góp phần quyết định tạo nên ở Việt Nam ta một làn sóng mạnh mẽ tìm đọc và hâm mộ nhà thơ người thiểu số trên vùng núi Cápcadơ này.

"Dagestan của tôi"  đã tập trung đậm đặc những anh minh và trữ tình của vùng đất mang nặng tính mã thượng của thi sĩ Gamzatov, hóa ra lại rất gần gụi với chúng ta về mặt tinh thần. Và với cá nhân tôi, Gamzatov luôn là một nhà thơ ruột rà đến mức tôi lúc nào cũng có thể tìm ở ông những suy tư đồng điệu nhất.

Khi còn là sinh viên ở Liên Xô (đầu những năm 80 của thế kỷ trước), tôi đã tìm dịch rất nhiều bài thơ của Rasul Gamzatov, cả thơ bốn câu, tám câu lẫn những bài thơ dài ngoằng như Anh phải lòng một trăm cô gái… Thuở ấy, mọi sự đều khó khăn, học bổng eo hẹp (chỉ có 70 rúp một tháng, nếu tính theo giá quy đổi hồi đó thì chỉ bằng đâu đó 20 USD) nên chắt bóp mãi vẫn không mua nổi cái máy chữ.

Thành ra, tôi cứ phải chép tay các bản dịch của mình, dễ phải tới vài trăm bài. Để lưu lại nguyên bản, cũng vì mua được sách của Gamzatov ở Liên Xô thuở đó là một việc gần như bất khả thi nên tôi đành phải nhờ một người bạn thân là Phạm Huy Dũng chép hộ bản tiếng Nga các bài thơ mà tôi đã dịch. Gom góp lại cũng được 5-6 cuốn vở dày. Những cuốn vở này, tôi đều mang về nước, dự định sẽ công bố dần trên báo chí.

Thế nhưng, ở thời điểm đó, in được một bài thơ dịch của một người dịch còn vô danh tiểu tốt như tôi là việc rất khó khăn, hơn nữa, thơ Gamzatov lúc ấy đang được các bậc đàn anh trong nghề phổ biến quá rộng rãi nên các bản dịch của tôi đành bị xếp xó. Rồi một lần, gặp một cô gái ngỏ ý rất thích thơ dịch của tôi, tôi đã cho cô ấy mượn toàn bộ các cuốn vở chép bản dịch thơ Gamzatov của mình.

Rồi quan hệ giữa chúng tôi bị gián đoạn và về sau cô ấy đi đâu tôi cũng không biết nữa. Thế là tôi bị mất gần như toàn bộ "di sản Gamzatov" của mình. Và đây là một trong những sự tiếc rất lớn của tôi. Giờ tôi chỉ còn các cuốn vở chép nguyên bản những bài thơ Gamzatov mà tôi đã dịch. Và chỉ nhờ thế nên Gamzatov đã không xa rời tôi trong những năm qua…

Với cảm giác "đồng hội đồng thuyền", khi đọc những bài trả lời phỏng vấn của Gamzatov dành cho đồng nghiệp, tôi luôn ngỡ như ông cũng đang trò chuyện cùng tôi. Và gợi mở cho tôi vô số những suy nghĩ để soi rọi lại ngày hôm nay của mình.

Nhà thơ Gamzatov thời trẻ và cha.

Nhìn mình từ ngoài vào

Năm 1977, Gamzatov đã có một cuộc trả lời phỏng vấn dài với V. Korkin, một trong những dịch giả Nga ngữ rất quen thuộc với các sáng tác của ông. Tôi rất muốn lược trích một phần bài báo đó:

- V. Korkin: Trong cuốn sách "Dagestan của tôi", ông đã dẫn ra câu tục ngữ của người Avar: "Nhà thơ sinh ra bách niên trước ngày lập thế". Liệu điều này có đúng không đối với nhà thơ thời hiện đại, sinh ra sau ngày thế giới đã được tạo thành vô số năm như vậy?

- Rasul Gamzatov: Tôi không rõ liệu cái từ "ngày khởi đầu thế giới" có ý nghĩa như thế nào. Nhưng tôi vẫn tin rằng, Thi Nhân sinh ra trước đó.

- Tại sao lại một trăm năm mà không là hai hay ba trăm năm?

- Trong trí tuệ dân gian không có gì tình cờ cả. "Bách niên", đó là giới hạn của một đời người. Đó cũng là khoảng thời gian đủ để  những người đồng thời hoặc những thế hệ gần gụi về sau hiểu được ra lẽ hay, hay sự không phải của nhà thơ. Ngoài ra, sau bách niên rồi, những dòng thơ đích thực sẽ trở thành "vĩnh cửu". --PageBreak--

Nhưng vẫn không thôi là bí ẩn. Sự anh minh khi đã hóa thân thành thi ca sẽ giúp chúng ta sống lại tuổi thơ của nhân loại như thể đã quên mình đi. Đó là một trạng thái kỳ lạ khi mà ta có thể cảm nhận được khoảnh khắc của sự bất tử hay sự bất tử của khoảnh khắc.

- Marshak từng nói rằng, mỗi nhà thơ có một lứa tuổi của mình. Ông hiểu điều này như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng, lứa tuổi của nhà thơ - đó là bản chất những cảm giác của anh ta, của tình yêu theo nghĩa rộng nhất, thậm chí theo nghĩa bao trùm nhất của từ này trong lòng anh ta. Một lần, tôi bỗng chợt nhận ra rằng mãi mà mình vẫn không lìa bỏ tuổi thơ được. Thoạt tiên điều này đã khiến tôi hơi buồn nhưng rồi tôi lại thấy vui vì nghĩa: vậy là tuổi thơ không thể nào lìa bỏ tôi được. Như vậy chúng tôi là cần thiết đối với nhau.  Và những câu thơ đã mặc nhiên vang lên:

"Nhưng kết thúc bốn mươi năm có lẻ,
Tóc bạc rồi, tôi vẫn chửa trung niên.
Tôi vẫn luôn thích vui như cậu bé,
Vẫn cả tin, dễ đau đớn hồn nhiên..."

- Nói thực là tôi đặt câu hỏi này cho ông vì tôi nhớ tới những câu thơ khác mà ông đã viết: "Ta vẫn mới lên sáu thôi em hỡi/ Chắc bởi tình yêu không cho mình thêm tuổi...". Liệu ông có vô tình trở nên mâu thuẫn với điều mà Tvardovski đã viết: "Trẻ hơn mình đâu phải là chuyện giỡn/ Nhưng chín chắn hơn mới khó nhường bao"?

- Tại sao lại có thể mâu thuẫn được? Quả thực là Tvardovski luôn khó chịu với chủ nghĩa hư vô, với sự cưa sừng làm nghé, bầy trò bé bỏng chứ không phải bé bỏng thực sự như tuổi thơ mà ông rất dịu dàng nâng niu và cho tỏa sáng lộng lẫy trong rất nhiều vần thơ của ông.

Ký ức về tuổi thơ, đó là một mạch nguồn sáng tạo, một mạch nguồn vô tận mà không có nó, thi ca sẽ bị mất đi sự tinh khôi, chân thực và trong sáng của mình. Tôi có cảm giác rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới nỗi buồn không hiểu vì sao mà buồn mà chúng ta đôi khi cảm thấy trong "trạng thái người lớn", đó là mất đi sự tinh khôi của cảm xúc.

Sự mệt mỏi tâm hồn tới cùng chúng ta theo năm tháng giết đi khả năng kỳ diệu là biết ngạc nhiên và cuối cùng là giết đi cả năng lực sáng tạo. "Tuổi thơ" không loại bỏ "sự chín chắn". Tôi nghĩ rằng, "sự chín chắn", như Tvardovsky đã hiểu, được tiếng ru bên nôi của người mẹ gìn giữ. 

Cảm giác yêu thương, danh dự, dũng cảm, khái niệm thiện và ác, niền tin vào tương lai - tất cả những điều này đều được gìn giữ trong thứ âm nhạc đơn giản và cực kỳ sâu sắc của tiếng nói vang lên từ trên môi những người bình thường, ngỡ như hoàn toàn không thi sĩ chút nào, biến điều đó thành lời thề hay câu cầu nguyện hoặc thành bài hát...

- Tức là ông khẳng định quyền "tuổi thơ" như một cơ sở đạo đức thẩm mỹ của thi ca?

- Phải, tôi tin rằng, chỉ giữ được "tuổi thơ", giữ được khả năng biết ngạc nhiên thì thi sĩ mới cảm nhận được tất cả sự đầy đủ của cuộc sống và ở mức độ nào đó mới diễn tả được nó.

- Ông nói là "chỉ giữ được". Điều này có nghĩa là thi sĩ phải gìn giữ được "tuổi thơ" từ ngày đầu tiên tới ngày sau cuối của đời mình. Nhưng ở đây, như tôi hiểu, luôn nảy sinh vấn đề phải lựa chọn. Có đúng vậy không?

- Có thể là như thế. Cá nhân tôi không vấp phải vấn đề này. Thi ca tới với tôi khi tôi còn chưa "chín chắn" tới mức sợ thổ lộ tình yêu với cả thế giới.

- Sau này nỗi sợ mới tới, khi đã "chín chắn" rồi?

- Giờ thì tôi sợ sẽ không đủ cuộc đời để bày tỏ tình yêu của tôi đối với mẹ mình, với quê hương mình, với thế giới, với tất cả những gì đã cho tôi những dào dạt không thể giải thích được để sáng tạo, buộc tôi nhận thấy mình là một con người ở giữa những con người. Nhưng cầu giời đừng cho tôi nghĩ rằng tôi đã kịp làm xong mọi việc rồi để có thể yên ổn tận hưởng tuổi già.

- Có phải ông đang quá sợ tuổi già nên không dám công nhận nó không?

- Tôi sợ không hẳn là sự già nua về thể chất mà sợ sự già nua về tâm hồn. Thi sĩ không thể già về tâm hồn. Đối với anh ta, như thế là chết. Tôi đã từng viết những dòng thơ như thế này và bây giờ tôi cũng vẫn sẵn sàng ký tên ở dưới chúng: "Hãy tin đi, người trên trần thế, Không phải ai cũng sẽ già đi. Các thi sĩ, giữa ngày sinh - ngày mất, Ngoài tuổi thanh xuân thì chẳng có thêm gì." Nhưng tuổi trẻ, đó chỉ là một khái niệm tương đối. Nhất là trong thi ca.

Ý nghĩa của sáng tạo, theo tôi, không phải là nhờ nó mà đeo mặt nạ một thanh niên vô tư lự hay trát những lớp kem tinh xảo lên trên những nếp nhăn của mình, mà là để chăm chú và nghiêm khắc nhìn sâu vào những gì đã trải qua để có thể phát hiện được trong đó những cảm xúc độc nhất vô nhị, thiêng liêng nhất mà nhờ chúng, bạn cảm thấy hạnh phúc vô bờ bến, hồn hậu, hào phóng tâm hồn, không nhớ dai thù lâu...

Và nếu như tới cuối con đường rồi, bạn có thể, ta vẫn có thể biện minh cho cuộc đời của mình với một trái tim trong trẻo thì liệu còn có điều gì đáng mơ ước hơn thế? Theo tôi, điều này đã được nhà thơ Luconin nói, không có nhà thơ già hay trẻ, chỉ có nhà thơ mới. Làm sao để luôn luôn mới là việc quan trọng và khó hơn nhiều giả bộ một thanh niên mãi mãi không già.

Cái đó cũng chỉ giống như doping mà cuối cùng sẽ gây họa trong sáng tạo. Nhưng dù tôi đã chuẩn bị cho mình số phận gì, thì tôi cũng không từ bỏ những phát hiện của tuổi thanh xuân hồn hậu đã từng tới với tôi cả trong những ngày yên bình nhất cũng như những ngày buồn tủi nhất. Cũng chính nhờ thế mà giờ đây tôi hạnh phúc.

- Có nghĩa là tuổi trẻ luôn luôn phải?

- Thi ca phải. Thi ca như tương lai, trước khi thực sự tới thì thử thách ta bằng mơ ước.

- Thế xác định mức độ của những hành vi “điêu trùng tiểu kỹ” và cái giá để chuộc lỗi vì chúng như thế nào? Liệu có phải ông đã nói tới chúng không khi viết: "Phạt tôi đi, ơi vùng quê sơn cước/ Vì tôi đã phụ những non cao/ Vì tôi từng tin lầm điều bịa đặt/ Và phù hoa ăn bả nghẹn ngào...". Môtíp tội lỗi vì "những sai lầm thời trẻ" luôn xuất hiện trong các bài thơ của ông, đó là một mô típ ưa thích mà ông dứt khoát không chịu lìa bỏ...

- Tôi tin vào sự nhân văn của cuộc sống. Nhưng để được thế thì là quá ít nếu chỉ thừa nhận những lỗi lầm của mình, những lỗi lầm mà người đời sẽ luôn nhắc lại cho ta nhớ mỗi khi tiện dịp.

- Như tôi đã nhắc ư? Nhưng tôi vẫn nhớ điều ông đã từng viết: "Ở nơi thơ vẫn còn như thuở đó, Giống như ly rượu chuyển quanh bàn/ Xin bạn hãy yêu tôi không định kiến/ Đoán định tôi như một kẻ ngang hàng...".  Ai đó đã nói rằng, đọc nhà thơ thì còn là ít, trước nhất cần phải yêu anh ta đã.

- Không, tôi không tự ái đâu. Tôi sẵn sàng trả giá cho mọi tội lỗi của mình.

- Nhà thơ "trả giá" bằng gì? Bằng thơ?

- Không, bằng số phận, cái số phận dựng nên những câu thơ. Thơ không phải là sự an ủi, mà là sự gột rửa. Giúp vượt qua những bi kịch nội tâm, nó sẽ đánh thức ký ức. Mà ký ức - đó là lương tâm. Tòa án của lương tâm là tòa án nghiêm khắc nhất, nghiêm ngặt nhất. Nếu thơ không quay lưng lại tôi, nếu thơ không trừng phạt tôi bằng sự câm lặng, thì tôi phải biết ơn thơ và làm sao để xứng với một tấm lòng như thế.

- Ông nhìn nhận bài học của thi ca là như thế nào?

- Thi ca dạy chúng ta cách nhìn vào bản thân mình từ bên ngoài. Chỉ nhìn vào bản thân mình từ bên ngoài, con người, trong đó có thi sĩ, mới có thể thấu hiểu được cuộc sống, cảm nhận nó một cách tổng thể, trong tất cả những phức tạp bi thảm của các mối liên đới giữa "cái tôi" với nhân loại, với lịch sử, và diễn tả thái độ của mình với thế giới bằng ngôn ngữ của hiện thực.

Niềm tin vào cuộc sống, đó là thế giới quan đã xác định, như tôi nghĩ, nội dung tư tưởng đạo đức và ngôn ngữ thi ca từ thời Puskin tới ngày hôm nay. Người lãng mạn vô tình hay không vô tình vẫn lấy lòng cuộc sống quá khi tô vẽ nó mặc nhiên lý tưởng. Nhưng cũng chính anh ta sẽ báo thù nó khi không được đáp ứng các mộng ước: nếu anh ta buồn thì không ai được vui.

Người thực tế dù trải qua cảnh nếm mật nằm gai như thế nào cũng vẫn biết rằng, gì thì cuộc sống vẫn là tuyệt diệu. Câu thơ "Nỗi buồn của tôi sáng láng" mà Puskin đã viết không chỉ là biểu tượng của một mỹ học mới, nó trước hết là một công thức nhận thức triết học mới và cách cảm nhận cuộc sống mới. 

Giải quyết xong mâu thuẫn giữa "nỗi buồn" và "ánh sáng", Puskin đã mở ra rất rộng không gian tinh thần của thế giới nói chung và của từng con người nói riêng. Chủ nghĩa hiện thực của Puskin đã khẳng định sự thống nhất của cõi nhân sinh trong triển vọng lịch sử, mở ra quy luật hài hòa của thế giới hiện thực, phép biện chứng của tâm hồn. Thơ sinh ra trong sự đồng thuận giữa tuổi thơ và sự chín chắn, giữa "trái tim" và "trí tuệ"... --PageBreak--

Thi sĩ của số phận

Nhà phê bình văn học Bulgaria L. Georgiev đã tranh thủ những lúc giải lao giữa các cuộc họp của giới văn chương quốc tế ở Moskva để phỏng vấn Gamzatov. Về sau, L. Georgiev nhận xét về thi sĩ xứ Dagestan: "Nhà thơ luôn diễn đạt một cách rõ ràng, đầy hình ảnh, đầy thuyết phục và rất hùng biện.

Sự sắc sảo của ông là biểu hiện của những suy nghĩ mạnh mẽ và náo động, luôn đi tìm cách bộc lộ tương ứng với mình. Khiếu hài hước bẩm sinh đã giúp Gamzatov trở thành một người đối thoại rất thú vị. Và dẫu đôi khi ta có cảm giác như thể ông cũng hay "vui đầu chầu đấy" và không mấy tập trung trí lự vào một việc gì đó nhất định, nhưng trong lĩnh vực thi ca thì rõ ràng ông là người có hiểu biết sâu rộng. Ông có khiếu khi chuyện trò biết chọn ra một câu trích dẫn thích hợp nhất ở đoạn thích hợp nhất"…

- L. Georgiev: Ông đã bắt đầu làm thơ khi nào và như thế nào?

- Rasul Gamzatov: Tôi sinh ra trong một gia đình thi ca, cha tôi Gamzat Tsadasa là nhà thơ nhân dân của xứ Dagestan. Tất nhiên, một gia sản như thế không phải bất kỳ ai cũng được thừa hưởng. Ngay từ lúc bé tôi đã được nghe thơ của cha mình và rồi có lần tôi bắt đầu tự sáng tác. Sau đó những dòng thơ ấy lại bị người ta gán cho cha tôi và mọi người mới hỏi tôi: "Có chuyện gì xảy ra với cha cậu vậy? Trước đây ông ấy làm thơ hay lắm cơ mà, sao bây giờ lại viết kém vậy?!".

- Khi đó, ông bao nhiêu tuổi?

- Khoảng 11 tuổi. Tôi bắt đầu in thơ khi đã 13-14 tuổi rồi.

- Thế những câu thơ đầu tiên của ông đã được viết bằng thứ tiếng gì?

- Tiếng Avar. Thơ tôi được xuất bản lần đầu bằng tiếng Nga là vào năm 1948, khi tôi đã là sinh viên Trường Viết văn Gorky. Đó là tập Những bài ca của núi.

- Những ai là người thầy của ông trong thi ca?

- Cha tôi là người thầy của tôi. Nói chung, người thầy của thi ca - đó chính là cuộc sống với muôn màu muôn điệu của nó. Còn cụ thể những người thầy thi ca của tôi là Puskin, Lermontov, Blok, Mayakovski, Esenin - tôi dịch những nhà thơ này ra tiếng Avar.

- Ông thường xuyên học ở họ hay họ cứ thay thế nhau trong cảm nhận của ông?

- Thơ, đó là tâm trạng. Và thái độ của ta đối với các thi sĩ cũng tùy thuộc vào tâm trạng. Nhưng với Puskin và Lermontov thì tôi không bao giờ thay lòng đổi dạ cả.

- Một nhà thơ Xôviết có nói với tôi rằng, đang diễn ra quá trình tương hỗ giữa các nền văn học anh em, và nếu như trước đây thơ Nga đã ảnh hưởng tới các thi sĩ, các dân tộc khác thì hiện nay đang diễn ra quá trình "Gamzatov hóa" thơ Nga. Ông nghĩ như thế nào về quan hệ với nhau của các nền văn học anh em?

- Tôi nghĩ rằng ảnh hưởng đó đã được phóng đại. Tôi công nhận sự tự lập trong thơ. Tôi không thích những cách gọi như "Blok của xứ Bashkiria" hay "Esenin của xứ Dagestan"... Cần phải tự lập. Nhà thơ chỉ trở thành thi sĩ khi đã vượt qua được mọi ảnh hưởng của các thi sĩ khác.

- Thơ sinh ra như thế nào?

- Người ta chờ thơ như chờ người yêu ở nơi hẹn. Bạn vật vã, bạn đau đáu trông mong mà mãi nó vẫn chưa xuất hiện. Và bỗng nhiên: "Thi hứng ơi, em thực đấy ư?!". Và bắt đầu khoảnh khắc hạnh phúc khi những câu thơ vang lên trong ta. Không ai hiểu nổi, ấn tượng nào, cảm xúc nào, yêu thương và thù hận nào đang lồng lộn trong từng mạch máu thớ gân của tôi, không ai có thể xác định rành rẽ được điều này. Và bài thơ xuất hiện, như một cái gì đó thiêng liêng cao cả nhất mà tâm hồn ta cùng những ấn tượng đời sống có thể góp tay vào làm nên.

- Bản chất của thi ca?

- Nếu không có thơ cũng như không có tình yêu, sẽ không có điều bí ẩn của cái đẹp, không có phép lạ của trí tưởng tượng. Núi cao không có thơ thì cũng chỉ những đống đá, mặt trời không có tình yêu cũng chỉ còn là một quầng sáng nóng giẫy, tiếng chim hót sẽ chỉ như tiếng con đực gọi con cái và nhịp đập trái tim sẽ chỉ là sự tăng cường máu chảy...

- Nhà thơ là người...?

- Blok từng nói, có những nhà thơ của công danh, có những thi sĩ của số phận. Tôi thích là thi sĩ của số phận.

- Tôi rất ngạc nhiên là làm sao ông lại kết hợp được hài hòa đến thế vai trò của một nhà hoạt động xã hội với vai trò của một thi sĩ?

- Nhekrasov từng nói rằng, đấu tranh gây khó cho làm thi sĩ, còn những bài thơ lại gây khó cho việc trở thành chiến sĩ. Nhưng tôi nghĩ nếu ông ấy không là thi sĩ thì ông ấy đã không thể là người chiến sĩ như chúng ta đã biết. Cái nọ gắn bó với cái kia. Là người ai cũng có nhu cầu gặp gỡ với những người khác. Tôi cũng hay tiếc rẻ vì những khoảng thời gian dành cho thơ và sách vở lẽ ra có thể dành để gặp gỡ những người bạn tốt.

- Lần này chúng ta có nên nói về phụ nữ không?

- Phẩm chất lớn nhất của đàn ông, đó là tình yêu dành cho phụ nữ. Ở người phụ nữ cái gì cũng tuyệt.

- Tôi nhớ là đến đâu ông cũng đặt "vấn đề phụ nữ" lên một trong những vị trí hàng đầu...

- Vấn đề này cũng ở một trong những vị trí hàng đầu trong luật pháp của xứ Dagestan. Đối với chúng tôi, một trong những thước đo lớn nhất đối với đàn ông là thái độ của anh ta đối với phụ nữ. Còn phẩm hạnh của phụ nữ thì ta không thể đo đếm được - không thể dùng thước để đo tình yêu và không thể đem cân nhan sắc xem nặng bao nhiêu ký.

- Thế ông nghĩ thế nào về lớp trẻ hiện nay?

- Trẻ nào chẳng như thế. Không bao giờ được các bậc bề trên đánh giá đúng cả. Lịch sử luôn đối xử với lớp trẻ hoặc đầy tị nạnh, hoặc đầy kiêu hãnh. Thời Socrates cũng than: "Ôi, cái lũ trẻ!". Piotr Đệ nhất cũng đã nghĩ: "Ôi, cái lũ trẻ này!". Cha ông chúng ta cũng lắc đầu: "Cái lũ trẻ này!".

Rồi nắc nỏm nhắc tới thời trẻ của các cụ, khi các cụ đi làm cách mạng. Nhưng lớp trẻ nào mà chẳng hay... Cá nhân tôi rất thích gặp gỡ với thanh niên, họ giàu cảm xúc hơn, tìm tòi thú vị hơn, trí thức hơn thời mà tôi bằng tuổi họ, vì họ biết nhiều hơn chúng tôi ngày xưa. Họ chỉ thiếu kinh nghiệm thôi nhưng kinh nghiệm thì sống lâu hơn sẽ tích tụ được.

- Theo ông, trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật thì nghệ thuật có phải gánh thêm những chức phận gì mới không?

- Tất nhiên là có vì cách mạng khoa học kỹ thuật tạo ra những nhịp điệu mới và những hình ảnh mới. Nhưng bản chất muôn thuở của thi ca thì vẫn thế. Lá rơi đi nhưng rễ và cội vẫn nguyên như cũ.

- Không biết các đại diện của tiến bộ khoa học kỹ thuật có đồng tình với ông hay không?

- Tôi thì cũng chẳng cần tới sự đồng tình của họ. Tôi nói những gì tôi nghĩ. Màu sắc và giai điệu, đó là cội gốc của thi ca. Nếu kỹ thuật mang vào cuộc sống thêm màu sắc và giai điệu thì thực tốt, vì rằng thơ quan tâm không phải tới tên lửa mà tới con người trong tên lửa.

- Thái độ của ông như thế nào đối với giới phê bình văn học?

- Như của tài xế đối với anh cảnh sát giao thông...

- Rõ rồi, lúc nào cũng nghĩ là mình vừa phạm phải một điều luật gì đó... Thế khi ông đọc những bản dịch thơ ông, ông có nhận ra thơ mình không?

- Tất nhiên là có.

- Chủ yếu theo giai điệu?

- Tôi cho rằng, chủ yếu vẫn hạt giống hợp lý, là nội dung. Tôi đánh giá cao trong bản dịch sự chuẩn xác. Còn về giai điệu thì khó mà dịch chuyển được một cách chính xác...

- Liệu ông có những dòng thơ mà bây giờ ông muốn chối bỏ và vì sao lại chối bỏ?

- Có những câu thơ lẽ ra ta đã không nên viết. Nhưng cũng có những câu thơ lẽ ra cần phải viết nhưng cho tới giờ tôi vẫn chưa viết được.

***

Khi được yêu cầu nói cụ thể hơn, Gamzatov đã nêu ra cho nhà phê bình văn học Bulgaria tên một tập thơ đã được in bằng tiếng Avar khi tác giả của nó chưa tới 20 tuổi. Và trong tập thơ đầu tiên của ông in bằng tiếng Nga cũng có những bài được viết dựa trên những tin tức lao động sản xuất in trên báo.

Gamzatov cũng lấy làm tiếc vì trong quá khứ, ông đã bị lôi cuốn theo làn sóng bôi bác người anh hùng Shamil của xứ Cápcadơ khi nhân vật này bị cho là gián điệp của Anh và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói: "Khi đấy tôi còn chưa hiểu gì về lịch sử cả, tôi đã không nắm bắt được bản chất của sự việc nên giống như một anh miền núi cứ lần giở kinh Coran ra xem và dù không biết chữ vẫn cảm thấy phấn khích…".

Về sau, những thí dụ cay đắng đó đã giúp Gamzatov đúc kết được những suy tưởng không thể gì bác bỏ được: "Tất cả chúng ta đều đứng trước tòa án lương tâm, trước tòa án của chân lý. Người ta gọi nhà thơ là nhân chứng trước phiên tòa vĩ đại của lịch sử. Và nhân chứng này, như tòa án yêu cầu, chỉ được quyền nói ra sự thật, khác đi sẽ bị tòa phạt. Nếu thi sĩ nói ra những điều không thật thì bản án có thể cực kỳ khủng khiếp: anh ta sẽ không tồn tại như thi sĩ nữa, anh ta sẽ không tránh khỏi cái chết. Nhưng người sáng tạo không chỉ là nhân chứng. Tiếng nói nội tâm của anh ta cũng chính là tòa án đối với anh ta. Thà bất tài còn hơn là đem tài năng của mình phục vụ cho sự dối trá bằng cách đưa ra những minh chứng không trung thực trước tòa án của lịch sử. Tác phẩm, đó là phiên tòa mà ở đó thi sĩ trả lời về những gì anh ta đã làm để tôn vinh cái thiện, để con người đỡ phải đau khổ hơn, về những việc mà anh ta đã bảo vệ, đã giúp đỡ con người..."

H.T.Q.
.
.