Cựu Tổng thống Ba Lan Wojciech Jaruzelski

Tổ quốc trên hết

Thứ Bảy, 03/08/2013, 14:36

Cựu Tổng thống Ba Lan, Đại tướng Wojciech Jaruzelski là nhà lãnh đạo cuối cùng còn sống sót thuộc thế hệ những người từng đứng đầu các quốc gia trong hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trước kia. Lễ sinh nhật lần thứ 90 của ông đã trôi qua ngày 6/7 vừa qua. Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, ông đã phải đưa ra nhiều quyết định khó khăn và phức tạp.

Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa bị xóa bỏ ở Ba Lan, đã không chỉ một lần các đối thủ chính trị mưu toan đưa ông vào nhà giam với đủ các lý do. Thế nhưng, ở thời điểm hiện nay, ngay cả kẻ thù quyết liệt nhất của ông, cựu Tổng thống Lech Walesa cũng đã buộc phải công nhận rằng, chính ông Jaruzelski đã là người lập nên nhiều công trạng trước nhân dân và Tổ quốc Ba Lan.

Đại tướng Wojciech Witold Jaruzelski sinh năm 1923 tại thị trấn Curuvija, gần thành phố Lublin, phía đông nam nước Ba Lan hiện đại. Ông xuất thân từ một gia đình điền chủ quý tộc. Cha ông từng là sĩ quan. Cho tới trước năm 1939, vị Tổng thống tương lai đã có một cuộc sống khá sung túc. Thế nhưng, Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bùng nổ ngày 1/9/1939, khi quân đội Đức tấn công vào lãnh thổ Ba Lan. Gia đình Jaruzelski đã buộc phải tha hương sang lánh nạn ở Lithuania, nước cộng hòa ven biển Baltik mà chỉ một năm sau đó đã trở thành một thành viên của Liên bang Xôviết.

Giai đoạn đầu sống trên lãnh thổ Liên Xô đã không dễ dàng đối với những thành viên của gia đình mang họ Jaruzelski. Cha mẹ của vị Tổng thống tương lai đã qua đời trong những điều kiện làm việc thời chiến khó khăn. Bản thân ông cũng đã phải đi khai thác gỗ ở vùng Altai và trong các khu mỏ ở Karaganda. Cuộc sống lao động cực nhọc đã khiến cho vị Tổng thống tương lai bị tổn thương lưng vĩnh viễn và mắt ông bị suy giảm thị lực, một bên giác mạc bị cháy. Cũng chính vì thế nên sau này, lúc nào Jaruzelski cũng phải đeo đôi kính đen. Chính trong thời trai trẻ chìm nổi đó, vị Tổng thống tương lai đã học nói tiếng Nga một cách nhuần nhuyễn, không hề bị trọ trẹ chút nào.

Tới năm 1943, Jaruzelski đã đổi đời sau khi được gửi đến phục vụ trong Sư đoàn bộ binh Ba Lan đầu tiên mang tên Tadeusz Kosciusko được thành lập trên lãnh thổ Liên Xô (Tadeusz Kosciusko, 1746-1817, danh tướng, chính trị gia người Ba Lan, anh hùng dân tộc). Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Jaruzelski được huấn luyện trong trường quân sự tại Ryazan.  Và cũng ngay trong năm 1943, ông đã được tham gia các trận chiến đấu thực sự đẫm máu của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, sát cánh cùng Hồng quân Liên Xô. Tiếp theo, ông đã trải qua các trận đánh giải phóng Warsaw, vùng ven biển Pomorie và trận đánh trên sông Elbe. Jaruzelski khi kết thúc chiến tranh đeo quân hàm trung úy và nhiều huân, huy chương chiến đấu…

Trong những năm đầu tiên sau chiến tranh, Jaruzelski đã được phân công đi chiến đấu dẹp loạn từ nhóm quân nổi dậy Ukraina (UPA) và đạo quân Krajowa (AK) của nhóm người Ba Lan thân phương Tây. Trong hàng ngũ AK, người cha của cặp anh em song sinh Lech và Jaroslaw Kaczynski (Lech  Kaczynski, 1949-2010, Tổng thống Ba Lan trong giai đoạn 2005-2010, đã tử nạn trong vụ tai nạn máy bay ở Smolensk) từng giữ một vị trí không hề thấp chút nào). Có lẽ chính chi tiết này đã góp phần thúc đẩy cặp anh em song sinh  Kaczynski khi nắm được quyền lực đầu những năm 2000 rồi đã rất quyết liệt tìm cách để đưa Đại tướng Jaruzelski vào tù… Tuy nhiên, đó chỉ là những nỗ lực bất thành vì không thể có được lý do xác đáng…

Trong chế độ mới ở Ba Lan, ông Jaruzelski đã tỏ ra rất có năng lực và càng ngày càng được thăng tiến. Vào cuối những năm 40 của thế kỷ trước, vị Tổng thống tương lai đã tốt nghiệp Học viện Bộ Tổng tham mưu, gia nhập Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan (PZPR). Sau khi trải qua nhiều chức vụ trung cấp khác nhau, tới năm 1960, ông đã trở thành người đứng đầu Tổng cục Chính trị quân đội Ba Lan. Hai năm sau, Jaruzelski được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và tới năm 1965, làm Tổng tham mưu trưởng quân đội Ba Lan. Ở thời điểm này, dù mới 42 tuổi nhưng ông đã được phong quân hàm tướng.

Mùa xuân năm 1968, tướng Jaruzelski trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan đã cùng binh lính sát cánh với các đơn vị quân đội các nước thành viên khác của khối Hiệp ước Warsaw đến Tiệp Khắc để dẹp cái gọi là cuộc nổi loạn “Mùa xuân Praha”. Ở giai đoạn đó, ngay trong đất nước Ba Lan cũng không yên tĩnh. Năm 1970, cuộc biểu tình của những người không hài lòng với tình trạng tăng giá đã bị xả súng tấn công, làm 44 người chết. Sau này, trong thể chế mới, có thế lực muốn buộc cho Jaruzelski trách nhiệm về vụ này. Tuy nhiên, xả súng bắn vào những người biểu tình không phải là các quân nhân Ba Lan mà là các cán bộ an ninh, không nằm trong quyền điều hành của ông…

Năm 1976, tại Warsaw lại có những người dân xuống đường biểu tình phản đối việc tăng giá hàng. Tuy nhiên, lần này thì không ai phải trở thành nạn nhân của bạo lực cả. Có nguồn tin cho rằng, chính Bộ trưởng Quốc phòng Jaruzelski đã dứt khoát bác bỏ phương án sử dụng quân đội đàn áp những người biểu tình…

Nhìn từ một góc độ khác, có thể do cách xử lý mềm mỏng quá của chính quyền Ba Lan thời đó nên ở đất nước này ngày càng lan rộng phong trào chống chính quyền và công đoàn Đoàn kết của thủ lĩnh Lech Walesa đã có thêm cơ hội để phát triển. Tới năm 1981, các đòi hỏi quyền lợi kinh tế từ tổ chức này đã được thay đổi bằng các đòi hỏi chính trị. Lãnh đạo PZPR Edward Gierek và người kế nhiệm Stanislaw Kania  đã không làm được việc gì đáng kể để cải thiện tình hình. Trong khi đó, phe đối lập đã được Giáo hoàng Gioan Phaolô II, vốn có uy tín rất lớn ở Ba Lan, đứng ra công khai cổ xúy. Hàng loạt những đài phát thanh nước ngoài phát bằng tiếng Ba Lan như Tự do, BBC.. đã công khai kêu gọi người dân Ba Lan đứng lên chống lại chính quyền…

Trong bối cảnh đó, dĩ nhiên Điện Kremli đã buộc phải rất chăm chú theo dõi những biến đổi thời sự ở đất nước láng giềng anh em Ba Lan, bởi lẽ, điều đó sẽ có ảnh hưởng rất to lớn tới chính sự tồn vong của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Phát biểu tại Đại hội XXVI của Đảng Cộng sản Liên Xô (KPSS) đầu năm 1981, Tổng Bí thư Leonid Brezhnev đã nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không để cho Nước Cộng hòa Ba Lan xã hội chủ nghĩa lâm nạn và sẽ không để bị xúc phạm. Cũng ở thời điểm đó, nhà tư tưởng chính yếu của chế độ Xôviết là ông Mikhail Suslov đã đến Warsaw, yêu cầu các nhà chức trách Ba Lan xử lý nghiêm với những kẻ thù của chủ nghĩa xã hội.

Trong bối cảnh đầy khó khăn và phức tạp đó, tất cả quyền lực ở Ba Lan đã được chuyển giao cho Jaruzelski, người vẫn giữ lại vị trí Bộ trưởng và đồng thời nắm cả chức lãnh đạo đảng và Hội đồng Bộ trưởng. Ông đã phải rất linh hoạt hành xử giữa sức ép từ sự bất mãn của người dân, những trò khiêu khích của phương Tây và nguy cơ quân đội Xôviết tràn vào… Ông đã can đảm từ chối sự giúp đỡ bằng quân sự từ Điện Kremli và cam kết sẽ xử lý được tình hình bằng chính sức mạnh nội bộ của người Ba Lan.  Chính quyết định này của Đại tướng Jaruzelski đã giúp Ba Lan tránh được những đụng độ vũ trang rất dễ cướp đi sinh mạng của nhiều người Ba Lan và  các chiến binh Xôviết…

Tối 12/12/1981, Đại tướng Jaruzelski đã lên truyền hình và tuyên bố tình trạng thiết quân luật tại Ba Lan. Liên lạc bằng điện thoại đã bị cắt đứt, tất cả các cơ quan báo chí đều bị đóng cửa, ngoại trừ hai ấn phẩm chính thống. Quyền lực được chuyển vào tay của cơ quan đặc biệt mới được thành lập là Hội đồng Quân sự cứu quốc. Đại tướng Jaruzelski đã bổ nhiệm các chức ủy viên đặc biệt tại các thành phố và nhà máy để duy trì trật tự an ninh. Xe tăng xuất hiện trên các đường phố. Các nhân vật chống đối, trong đó có thủ lĩnh công đoàn Đoàn kết Lech Walesa đã bị bắt giữ… Dần dà tình hình ở Ba Lan được cải thiện. Tất nhiên, không phải không có thương vong. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ tháng 12/1981 đến tháng 7/1983, tức là khi lệnh thiết quân luật đã bị hủy bỏ, chỉ có khoảng 100 người bị thiệt mạng. Các nhà quan sát đều cho rằng, những mất mát không lớn này đã giúp cho Ba Lan ở thời điểm ấy tránh được những vụ đổ máu khủng khiếp hơn.

Nhờ những nỗ lực của Jaruzelski, tình hình Ba Lan đã yên ắng được thêm một vài năm. Mặc dù Đại tướng Jaruzelski cũng bị phương Tây chỉ trích này nọ nhưng đã không có nước nào đưa ra bất kỳ một biện pháp trừng phạt nào đối với Ba Lan.

Tuy nhiên, con đường phát triển của Ba Lan đã phải chấp nhận những thay đổi căn bản. Cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô lớn vào năm 1988 đã đẩy hàng ngàn người dân xuống đường. Phương Tây ra mặt công khai ủng hộ công đoàn Đoàn kết, trong khi Điện Kremli lại cũng đang phải vất vả đối phó với những khó khăn mới nảy sinh nên không còn sức đâu để “canh chừng” quốc gia láng giềng.

Hiểu rõ rằng không thể tiếp tục duy trì quyền lực cũ, tướng  Jaruzelski đã ngồi vào bàn thương lượng với phe đối lập để tìm phương thức chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Năm 1989, ông đã trở thành Tổng thống Ba Lan (chức danh này đã được khôi phục lại sau 40 năm) và đã đồng ý tổ chức bầu cử tự do vào hai viện của Quốc hội. Và như đã rõ, trong cuộc bầu cử đó, chiến thắng  đã tới với công đoàn Đoàn kết. Tới mùa thu năm 1990, cuộc bầu cử Tổng thống mới cũng đã mang lại thắng lợi cho thủ lĩnh công đoàn Đoàn kết Lech Walesa…

Từ thời điểm đó, Jaruzelski đã thoát ly khỏi chính trường. Tuy nhiên, những kẻ thù chính trị vẫn không để cho ông yên. Đã rất nhiều lần vị tướng khả kính bắt buộc phải ra hầu tòa bởi những lời vu cáo. Người đặc biệt dữ dằn trong những cố gắng làm hại tướng Jaruzelski là vị Tổng thống thứ ba của nước Ba Lan hậu xã hội chủ nghĩa, Lech  Kaczynski. Tuy nhiên, buộc tội nhà lãnh đạo cao niên của một thời Ba Lan xã hội chủ nghĩa cho tới hôm nay vẫn là việc khó khả thi…

Trong lễ kỷ niệm ba thập niên sự kiện năm 1981, trả lời phỏng vấn báo chí, tướng Jaruzelski đã khẳng định rằng, ông đã hành động một cách chính xác ở thời điểm đó: “Nếu hôm nay rơi vào tình huống tương tự thì tôi vẫn sẽ hành động y như thế…”.

Có thể là lạ nhưng người được coi là kẻ thù quyết liệt nhất của tướng  Jaruzelski, cựu Tổng thống Lech Walesa, hiện giờ lại lên tiếng bảo vệ ông: “Trong chiến tranh, Jaruzelski đã chiến đấu cho một nước Ba Lan  tự do. Ông là một tướng quân. Trong một câu chuyện khác và những hoàn cảnh khác, ông ấy hẳn đã được đánh giá là một vĩ nhân”. Không phải đơn giản mà ông Walesa lại có những lời như thế…

Đối với Đại tướng Jaruzelski, phúc lộc của Tổ quốc luôn đứng hàng đầu. Trong bất cứ một hoàn cảnh phức tạp nào ông cũng cố gắng tìm ra được phương án tối ưu. Và hậu thế sẽ càng ngày càng thấy rõ hơn công lao của ông đối với đất nước Ba Lan trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động và rối lẫn đã qua…

Đinh Thế Cường
.
.