Nhà thơ lớn Chilê, Pablo Neruda, giải thưởng Nobel văn học 1971:

Tình yêu không bao giờ tuyệt vọng

Thứ Ba, 11/09/2012, 15:00
Người vợ đầu tiên của Pablo Neruda là một người phụ nữ Hà Lan mà cho tới nay ít người được biết chi tiết về đời bà. Nổi tiếng hơn cả là người vợ thứ hai của ông, nữ họa sĩ người Argentina, Delia del Carril (1885 – 1989).

Dâng hiến cả chia ly

Câu danh ngôn này quả thực rất đúng, đằng sau sự nghiệp lớn của người đàn ông bao giờ cũng là sự hy sinh đến quên mình của ít nhất là một người phụ nữ nào đó. Với Neruda, một trong những “thiên thần hộ mệnh” của ông chính là Delia del Carril. Bà từng làm vợ ông tới gần hai thập niên.

Neruda và Delia gặp gỡ nhau lần đầu năm 1935 tại Tây Ban Nha, nơi ông đang làm trưởng lãnh sự ở Madrid. Lúc đó Neruda đã lẫy lừng danh tiếng thi sĩ. Delia đã theo học hội họa ở Paris với những ông thầy khét tiếng, quen biết với Picasso và Louis Aragon. Bà từng kết giao với Lorca, Rafael Alberti, Maria Teresa Leon, Miguel Fernandes... và thông qua họ, đã làm quen với Neruda. Khi đó bà đã 50 tuổi, nhiều hơn nhà thơ làm nghề ngoại giao tới hai thập niên. Trong giới tinh hoa văn học nghệ thuật thời ấy ở Madrid, Delia là một ngôi sao sáng, xinh đẹp, uy quyền, dũng cảm, với những quan điểm thiên tả rõ rệt. Bà rất say mê tư tưởng của nước cộng hòa Tây Ban Nha và điều này hiển nhiên là điểm chung lớn nhất giữa bà với Neruda. Cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha đã in hằn dấu ấn lên tâm hồn của cả hai người. Năm 1937, Neruda xuất bản tập thơ Tây Ban Nha trong lòng tôi với những vần máu lửa:

Bạn sẽ hỏi vì sao thơ tôi
Không nói đến mộng mơ, hoa lá,
Không nói đến những hỏa diệm sơn hùng vĩ
Của đất nước quê hương?
Hãy đến xem máu chảy trên đường
Hãy đến xem máu chảy
Trên đường
Hãy đến xem
Máy chảy trên đường...

Kết hôn với Neruda, Delia bỏ hội họa và dồn hết tâm sức giúp cho sự nghiệp thi ca của chồng. Chính bà đã biên tập tác phẩm lớn nhất của Neruda - tập sử thi về số phận châu Mỹ la tinh Tiếng hát của mọi người. Cũng chính bà đã tìm cách in ra cuốn sách này năm 1950.

Delia đã giúp Neruda có tiền để mua ngôi nhà tại Isla Negra bên bờ Thái Bình Dương năm 1938.  Khi ấy, ngôi nhà mới chỉ được dựng lên khiêm nhường  từ gỗ và đá. Neruda mời bè bạn tới Isla Negra và làng này đã trở thành nguồn cảm hứng lớn lao của ông. “Ở đây là ngôi nhà yêu quí của tôi. Tại đây tôi viết phần lớn thơ mình. Tôi giữ tại đây các đồ chơi lớn và nhỏ mà thiếu chúng, tôi không thể nào sống nổi”.

Cùng với Delia, Neruda đã trải qua những tháng năm sôi nổi và hoành tráng: những hoạt động chính trị sôi động cả công khai lẫn trong vòng bí mật, cảnh sống lưu vong nhất thời, cuộc trở về tổ quốc danh giá năm 1952... Lúc nào bà cũng ở bên cạnh nhà thơ, không sợ hãi bất cứ điều gì. Một nhân cách lớn, ai cũng nói về bà như thế. Tuy nhiên, là một nhân vật xã hội xuất sắc nhưng trong việc gia đình, Delia gần như chẳng có năng khiếu gì. Nói chung, bà hoàn toàn không hiểu những chuyện tề gia thì có ý nghĩa gì trong cuộc sống một nhà thơ như Neruda. Tuy nhiên, thi nhân thì ngày một nhiều tuổi hơn, cần tới những bàn tay săn sóc chu đáo hơn.

Giờ đây, em yêu ơi, băng mình qua biển lớn
ta trở về như đôi chim sờ soạng
về tường ta, về tổ ấm của xuân xa,

bởi tình yêu không thể bay, bay mãi:
đời ta đến bức tường, đến đá nằm trên bể
những chiếc hôn trở về trên lãnh thổ của ta...

Thế là sau 18 năm chung sống, hai người li dị nhau trước sự ngạc nhiên của tất cả những ai biết họ. Rời bỏ Neruda, Delia không héo hon vì đau khổ mà trái lại, đã sống tiếp được rất nhiều năm. Bà thọ 104 tuổi! Cho đến cuối đời, bà luôn là nỗi ghen hờn của người vợ thứ ba, người vợ cuối cùng của Neruda, Martilde Urrutia. Bà vốn là một ca sĩ nhạc nhẹ, hoàn toàn không phải cỡ siêu sao nhưng bà lại biết cách tạo cho nhà thơ một tổ ấm cần thiết. Bước vào đời nhà thơ, Martilda đã giúp cho Neruda viết nên những vần thơ tràn trề những khát khao trần thế trong tập Một trăm bài thơ tình xuất bản năm 1959:

Từ trong lòng đất tay ta,
Mở làn xanh biếc để mà nhìn em
Còn em với bút nước êm
Em đang chép lại cọng mềm của cây

Chao ôi hoa lá trời mây
Con thuyền trên sóng nước quây dịu dàng
Ta em như thể ngọc vàng
Hai ta như tiếng chuông vang đổ hồi

Chỉ không khí tự do thôi
Với là gió thổi trái trôi bồng bềnh
Và trang sách mở trong cành
Ở nơi nhịp thở yên lành hoa tươi
Ta đan bộ áo bền dai
Để mang chiến thắng muôn đời chiếc hôn...

Martilde đã giúp cho Neruda cảm nhận sâu sắc hơn những được mất của cõi đời. Với bà, ông hiểu ra sự hữu hạn của kiếp người và viết nên những vần thơ cay đắng của một ý thức rõ ràng về sự bất lực hữu hình của con người trước cái chết. Và ông đã coi bà như nơi trú ẩn cuối cùng cho trái tim thi sĩ nhiều giông bão:

Anh thấy lạnh rồi, và chắc mình sẽ chết
cuộc đời anh chỉ còn lại có em thôi
miệng em là ngày, là đêm của anh trên mặt đất
và da em là xứ sở dựng lên bằng những chiếc hôn yêu.

Giờ phút ấy sẽ cáo chung tất thảy
sách vở, bạn bè, kho tàng tích lũy,
và ngôi nhà trong suốt tựa thủy tinh
đã dựng lên cho đôi lứa chúng mình
đều đã hết, chỉ mắt em còn lại...

Chỉ có mắt em mới đương đầu đối chọi
trước hư vô, chỉ ánh sáng mắt em ngời chói
chỉ có tình em mới khép được bóng đêm...

Khi Neruda qua đời ngày 23/9/1973 giữa những biến cố đẫm máu của cuộc đảo chính do viên tướng độc tài Pinochet gây nên, Martilde đã ở bên cạnh ông. Tuy nhiên, có lẽ mối tình lớn nhất của Neruda không phải là bà mà là một người phụ nữ khác.

Tình không thành nên không thể mất

Nhà thơ nào cũng phức tạp trong những chuyện riêng tư. Neruda cũng không là ngoại lệ. Ngoài những người vợ chính thức, ông còn yêu một phụ nữ 20 năm nhưng đã không cưới nàng, hai lần định tự tử vì nỗi niềm tuyệt vọng.

Sự việc giật gân này chưa từng được phản ánh trong các bản tiểu sử chính thức và bất cứ tập hồi ký nào của nhà thơ. Câu chuyện chỉ được tiết lộ cách đây vài năm nhờ bà Alexandra Arosa, cháu gái của nhà thơ Chilê Omar Aros, sống tại Brazil. Omar Aros sinh thời là bạn chí thân của Neruda nhưng đã bị số phận run rẩy thành tình địch của ông.

Mọi sự đã diễn ra như sau: Năm 1921, Neruda vừa bước vào tuổi tam thập và cũng mới chỉ là một nhà thơ vừa bén duyên bút mực, đã gặp và yêu một cô gái tên là Laura Arrue. Cô gái cũng yêu người thơ, nhưng gia đình cô lại không chấp nhận anh. Ít lâu sau, để phá đám mối tình của con gái, bố mẹ Laura đã đưa cô tới thành phố khác. Đau đớn vì duyên phận dở dang, Neruda đã viết tặng Laura tập thơ trữ tình 20 bài thơ tình và một bài ca tuyệt vọng (xuất bản năm 1924). Trong xa cách, Laura càng cảm thấy tình cảm của mình dành cho Neruda sâu nặng biết nhường nào. Và cô đã cưỡng lại lời cha mẹ, một mình trở về Santiago. Tình yêu giữa hai người lại bốc cháy với một sức mạnh mới. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, người thơ lại phải đi xa trong một thời gian dài.

Trước lúc tạm biệt, Neruda ủy thác cho người bạn thân thiết nhất là Omar Aros (lúc đó đang làm việc ở bưu điện) đích thân chuyển hộ thư tới Laura. Nhưng đúng như câu tục ngữ Việt Nam, tin bạn dễ  mất người tình, Omar, vốn cũng mang một tâm hồn thi sĩ nồng nàn, lại phải lòng Laura và giấu không chuyển thư của Neruda tới cho Laura nữa. Đàn bà nhẹ dạ, Laura tưởng chàng đã quên mình rồi, tới dốc bầu tâm sự với Omar, tìm ở anh nguồn an ủi. Lửa gần rơm chóng bén và hai người đã cưới nhau.

Neruda, vì không nhận được thư từ Laura, cũng nghĩ rằng cô đã quên anh rồi. Bỗng nhiên, một lần Laura phát hiện ra những bức thư bị giấu và to tiếng trách móc chồng. Khi Neruda trở về, biết sự thật như sét đánh ngang tai, đã đòi anh bạn thi nhân của mình phải lý giải mọi sự. Omar biện bạch bằng tình cảm mãnh liệt mà anh dành cho Laura và đã được tha thứ. Laura lại trở thành người tình của Neruda. Omar  biết về mối quan hệ giữa họ và suốt 20 năm liền đã “chia sẻ” vợ cùng bạn. Cả bộ ba trong “hình tam giác muôn đời” này đã giấu kín câu chuyện, cố gắng không để cho ai biết cả.

Tình cảm lớn lao mà Neruda dành cho Laura đã không cản trở ông tới với những người phụ nữ khác. Omar thì lại có số phận bi thảm hơn: năm 1977, ông bị bọn tội phạm bắt cóc rồi thủ tiêu. Laura bị chết cháy ở nhà mình năm 1986.

Alexandra Aros đã tới được Chile gặp gỡ cùng những người ít nhiều có liên quan tới câu chuyện này. Thí dụ như vị bác sĩ từng hai lần cứu Neruda thoát khỏi tự sát. Vị bác sĩ đó đã chứng nhận tính xác thực của những gì cô viết. Alexandra Aros đã cho xuất bản sách về mối tình kỳ lạ này của thi nhân ở Brazil vì hiểu rằng, tại Chilê không ai cho phép cô đưa nhà thơ ra quá rõ ngoài ánh sáng

Huyền Anh
.
.