Những trắc ẩn của gia đình kĩ sư Võ Qúi Huân, một trong bốn trí thức ở Pháp theo Bác Hồ về nước kháng chiến:

Tình thân lặn lội

Chủ Nhật, 02/02/2014, 11:00

Mùa hè năm 1946, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bác Hồ đã thực hiện chuyến thăm lịch sử tới nước Pháp nhằm hậu thuẫn Hội nghị Fontainebleau mưu cầu nền độc lập, thống nhất bền vững của Việt Nam; đồng thời tiến hành cuộc vận động ngoại giao rộng khắp tranh thủ cảm tình các tầng lớp nhân dân Pháp với dân tộc Việt Nam.

Vì nhiều lí do, Hội nghị Fontainebleau đã thất bại. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, tháng 9/1946, bốn trí thức người Việt đã thành danh ở Pháp gồm: Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân và Võ Đình Quỳnh, đã nhiệt thành theo Bác Hồ về nước tham gia kháng chiến… Gần 7 thập kỉ đã qua, còn nhiều bí mật phía sau số phận của một trong 4 trí thức đó, là kỹ sư Võ Quí Huân.

Bí mật về bức ảnh đứa trẻ con Tây

Ông Võ Quí Huân sinh năm 1912 trong một gia đình giáo học huyện Thanh Chương (Nghệ An). Những năm 1935-1937, ông tham gia phong trào Bình dân, làm Chủ nhiệm báo Đông Dương hoạt động (L’activité Indochinoise) xuất bản song ngữ Việt - Pháp. Cuối năm 1937, sau khi sang Pháp, Võ Quí Huân vừa đi học, vừa đi làm và giành được 3 bằng kĩ sư các ngành: cơ điện, đúc và kỹ nghệ chuyên nghiệp ở Pháp và Đức năm 1940, và đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ tại học đường Sorborn. Ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp từ năm 1939 và là Thư ký của Hội Pháp - Việt hữu nghị... 

Giữa năm 1946, đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sang Pháp tham dự cuộc hoà đàm Fontainbleau. Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức nước Pháp, với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp… Trong dịp này, ông Võ Quí Huân đã tham gia phục vụ và nhiều lần được tháp tùng Hồ Chủ tịch và phái đoàn ta đi thăm, tiếp xúc với chính giới và nhân dân Pháp. Khi cuộc hòa đàm Fontainbleau thất bại, trung tuần tháng 9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký kết bản Tạm ước với đại diện Chính phủ Pháp, nhằm kéo dài thời gian hoà bình cho Việt Nam.

Trước lúc rời nước Pháp, Hồ Chủ tịch đã mời một số trí thức tiêu biểu đến gặp. Người ôn tồn nói: “Bác sắp về nước. Các chú chuẩn bị để vài ngày nữa chúng ta lên đường. Các chú đã sẵn sàng chưa?”. Trong số 4 trí thức cùng Hồ Chủ tịch về nước, ông Võ Quí Huân có vợ và con gái mới tròn 2 tuổi. Vợ ông Huân là bà Vo Qui Irenè, một cô gái gốc Nga. Bà là chuyên gia ngôn ngữ học, nói và viết thành thạo 7 ngoại ngữ. Cô con gái có tên là Vo Qui Viet Nga (Võ Quí Việt Nga), là kết quả của mối tình đẹp Việt Nam - Nga. Lúc này, bà Irène đang đi thi Tiến sĩ tại Paris, ông Võ Quí Huân nuôi bé Việt Nga mới tròn 2 tuổi; nhưng trước nghĩa vụ với Tổ quốc, ông đã nén tình cảm riêng, quyết định về Việt Nam kháng chiến. Sau khi điện thoại thông báo và từ biệt vợ, ông Huân gửi Việt Nga cho một người bạn nuôi giúp…

Dấn thân vào cuộc trường kì kháng chiến của dân tộc, 4 trí thức Việt kiều được giao những trọng trách để phục vụ đất nước. Ông Võ Quí Huân là Giám đốc Sở Khoáng chất kĩ nghệ Trung Bộ. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông, chiều 15-11-1948, mẻ gang đầu tiên từ quặng sắt Vân Trì (Nghi Lộc, Nghệ An) đã được luyện thành công và từ đó những quả lựu đạn, trái mìn và nhiều loại vũ khí “Made in Vietnam” đã được xuất xưởng đại trà. Cuộc kháng chiến ngày càng khốc liệt và cơ hội của ông Huân trở lại nước Pháp đón vợ con về Việt Nam là điều không thể. Một thời gian sau, ông Võ Quí Huân thành thân với bà Tạ Kim Khanh, ái nữ của một gia đình gia giáo Thành Vinh và sinh được 4 người con. Những người con của ông bà đều được đặt tên gắn với nghề nghiệp và ước mơ của cả một thời đại, là Võ Quí Gang Anh Hào, Võ Quí Thép Hăng Hái, Võ Quí Yêu Hoà Bình (tức Võ Quí Hoà Bình), Võ Quí Quốc Hưng.

Bác Hồ bế bé Việt Nga (ảnh do ông Võ Quý Huân chụp tháng 7/1946 tại Paris.

Sau ngày tiếp quản thủ đô, kĩ sư Võ Quí Huân tiếp tục được giao nhiều trọng trách trong việc đào tạo cán bộ kĩ thuật về cơ khí, luyện kim... Năm 1966, ông bị một cơn đau nặng phải nhập viện Việt - Xô. Sang đến năm 1967, bệnh tình của ông thêm nặng. Chăm sóc ông Huân những ngày lâm trọng bệnh, ngoài người vợ chỉ còn cô con gái Võ Quí Hoà Bình, năm ấy tròn 13 tuổi…

Chị Võ Quí Hòa Bình nhớ lại: “Nằm trên giường bệnh, ba tôi thường lấy ra một số bức ảnh, tần ngần ngắm kĩ rồi thở dài; trong đó có bức ảnh anh trai tôi đang du học ở Cộng hòa dân chủ Đức và bức ảnh một đứa trẻ con Tây. Tôi hỏi thì ba tôi nói: “Đây là cháu ngoại của ba!”. Thấy tôi ngạc nhiên, ông giải thích: “Con còn một người chị nữa hiện đang ở Pháp; khi nào con lớn, ba sẽ cho con biết rõ hơn”... Nhưng linh cảm mình không qua khỏi bạo bệnh, ông Huân đã kể với con gái Võ Quí Hoà Bình câu chuyện biệt li đẫm nước mắt của mình trên đất Pháp: “Khi ba theo Bác Hồ về nước kháng chiến, ba có hứa với bà Irène và chị Việt Nga là chỉ vài tháng sau sẽ quay lại. Vậy mà ba đã không thực hiện được, ba rất ân hận. Cũng vì chờ đợi ba, chờ đợi một cách vô vọng mà bà Irenè không tái giá; chị gái con cũng rất vất vả vì thiếu cha… Sau khi về tiếp quản thủ đô, ba đã viết thư nối lại quan hệ với bà Irène. Việt Nga lúc này đã lập gia đình và sinh được một cậu con trai đầu lòng. Bà Irène đã hồi âm cho ba và gửi kèm tấm ảnh đứa cháu ngoại của ba”…

Bí mật về bức ảnh đứa trẻ con Tây, lần đầu tiên được ba tôi chính thức tiết lộ - chị Hòa Bình hồi tưởng. Ông Huân căn dặn: “Các con phải luôn yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Ba chết không nhắm mắt vì nỗi ân hận với bà Irène và không chăm sóc được chị gái con. Các con nhất định phải tìm lại bà ấy và chị Việt Nga, thì ba mới an lòng nơi chín suối”. Sau khi trải hết lòng mình với vợ con, cuối tháng 9 năm 1967, người trí thức yêu nước Võ Quí Huân đi vào cõi vĩnh hằng ở tuổi 56, khi mà trí tuệ, sức lực và lòng yêu nước của ông vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu được gặp Bác Hồ.

Cuộc trùng phùng sau gần sáu thập kỉ

Thực hiện di nguyện của người cha, chị Hòa Bình đã tự học tiếng Pháp để có thể giao tiếp được và sau này, cũng định hướng để hai người con sang Pháp du học. Người con gái là Vũ Quí Thuỳ Dương nay đã trở thành nha sĩ ở Pháp; con trai là Vũ Hồng Quân học trường Vatel, nơi nổi tiếng đào tạo về quản lý khách sạn và nhà hàng. Chị Hòa Bình nhớ về những manh mối đầu tiên để tìm người chị gái đang lưu lạc ở nước Pháp: Trong một lần lục tìm những tư liệu cũ, tôi thấy một lá thư của ba tôi ghi địa chỉ bà Irène. Tôi bèn nhờ thầy giáo dạy tiếng Pháp viết hộ hai bức thư gửi kèm những bức ảnh về Việt Nga (chụp lại để làm tin) mà cha tôi còn giữ được, cùng các bức ảnh anh em tôi ở Việt Nam; một bức cho bà Irène và một cho chị Việt Nga, thông báo ba tôi đã mất và tỏ tình cảm giữa gia đình tôi với mẹ con bà Irène… Bà Irène đã không hồi âm. Còn chị Việt Nga viết thư cho chúng tôi, nhưng giữ một thái độ khá xa cách! Sau này, thư đi, tin lại không nhiều vì bà Irène đã mất, còn chị Việt Nga thì tự bạch: “Với chị, hai từ Việt Nam gợi lên nỗi đau mất cha. Hiện giờ sức khoẻ của chị không được tốt. Chị không dễ vượt qua nỗi đau của quá khứ để có thể gặp mặt các em”…

Con tạo xoay vần, đầu những năm 2000, sau khi con gái, rồi con trai của chị Hoà Bình lần lượt sang Pháp du học, họ tiếp tục viết thư thăm hỏi bác Việt Nga. Song, một cuộc gặp gỡ như mong đợi của chị Hoà Bình, cũng là ước nguyện của người cha Võ Quí Huân vẫn chưa thể thực hiện. Trong một lá thư hồi âm cho cháu gái Thuỳ Dương, bác Việt Nga tái khẳng định: “…Sẽ rất đau đớn cho bác nếu phải kết giao lại với gia đình ở Việt Nam. Bác không thể làm được điều này vì nó làm bác quá đau lòng. Bác rất muốn trao đổi thư từ thỉnh thoảng với cháu. Thế thôi!”. Trước thực tế này, những người thân trong gia đình và ngay cả hai người con của chị Hoà Bình đều khuyên: Bác Việt Nga tuy mang dòng máu của ông, nhưng là người Pháp hoàn toàn. Nếu người Pháp đã không muốn, thì rất khó lay chuyển; họ rất cần được tôn trọng sự riêng tư… Tuy nhiên, càng khó khăn thì chị Hoà Bình càng quyết tâm phải gặp bằng được người chị gái của mình.

Tháng 10/2007, chị Hoà Bình lên đường sang Pháp lần thứ tư. Cả 3 lần trước, dù đã liên hệ qua điện thoại nhưng chị Việt Nga đều khước từ việc gặp gỡ. Chị Hoà Bình kể lại: Chúng tôi được một người lái taxi nhiệt tình chở đi và hỏi thăm đường tới làng Moux en Morvan, cách Paris khoảng 500 km… Xe dừng lại trước một ngôi nhà ở cuối làng, cháu Quân xuống xe bấm chuông, tôi vẫn ngồi lại và nói với người lái taxi: “Nếu lần này chị ấy vẫn từ chối, thì chúng tôi sẽ về luôn”.

Chị Việt Nga, năm 2007 bước sang tuổi 63, nhưng sức khoẻ không tốt nên nhìn già hơn tuổi. Khi ra mở cổng nhà, chị sững sờ vì chưa bao giờ có một vị khách người châu Á tới nhà. Cháu Quân tự giới thiệu, bác Việt Nga lặng người mất vài phút mới mời khách vào nhà. Quân hỏi: “Cháu có thể mời mẹ cháu vào được không?”. Bác Việt Nga lúc này đã không thể từ chối tình cảm ruột thịt, chị Hoà Bình bước vào khu vườn và ôm lấy người chị gái của mình… Khi sự xúc động đã nguôi ngoai, họ cùng đi vào nhà. Lát sau chồng chị Việt Nga đi tập thể dục về, trên tay còn một giỏ nấm hái trong rừng. Chị Việt Nga chỉ im lặng lắng nghe những lời tâm sự của người em gái. Mãi lúc sau, chị mới hỏi: “Cha làm việc vất vả lắm phải không”? Trong nước mắt, chị Hoà Bình đã nói: “Ba rất nhớ bà Irène và yêu chị. Ba đã rất ân hận vì đã không trở lại với hai mẹ con chị, cho đến lúc mất đi ba vẫn ân hận và nhắc chúng em phải tìm lại chị để hàn gắn lại tình cảm mà khi còn sống tâm nguyện này của ba chưa thể thực hiện”… Hai mẹ con chị Hoà Bình được anh Michel (chồng chị Việt Nga) dẫn lên gác nhỏ, đâu đâu cũng thấy đầy ắp những hình ảnh, kỉ niệm về người cha Võ Quí  Huân và mẹ Vo Qui Irène, còn có cả một thùng gỗ đầy ắp những bức thư và ảnh từ Việt Nam gửi sang.

Một ngày cuối năm 2013, tôi đến căn nhà trên phố Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thăm chị Hòa Bình và bắt gặp ánh mắt tràn đầy niềm vui của chị. Chị tíu tít cho tôi xem một tấm bưu thiếp của chị Việt Nga gửi từ nước Pháp cho người “mẹ kế” Tạ Kim Khanh và gọi bà là “mẹ”: “Mẹ yêu quý. Con thường hay nghĩ đến mẹ… Con gửi đến mẹ một chút không khí của nước Pháp với rất nhiều tình yêu thương và trìu mến. Con mong muốn trong trái tim của mẹ luôn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Ôm hôn mẹ. Con gái Việt Nga”. Chị Hòa Bình cho biết: Gia đình chị đang chuẩn bị chuyến sang Pháp thăm bác Việt Nga vào nửa đầu năm 2014. Mong muốn lớn nhất của chị là trong một dịp gần nhất mời được vợ chồng bác Việt Nga về thăm Việt Nam, thắp hương cho người cha khả kính của họ và đi thăm phố Võ Quí Huân (tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã được gắn biển từ 2 năm trước

Trần Duy Hiển
.
.