Cựu phóng viên Báo Pravda, TS Piotr Tsvetov:

Tình cảm mà người Việt dành cho nước Nga không thể mua bằng bất cứ ưu đãi hay đầu tư nào

Chủ Nhật, 10/10/2010, 14:47
Tôi quen anh từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi tôi còn là một phóng viên trẻ măng của Phòng Thời sự Quốc tế Báo Quân đội Nhân dân, còn anh đang là đặc phái viên Báo Pravda ở khu vực Đông Nam Á. Người Nga vẫn nói: Để hiểu nhau, cần phải ăn cùng nhau hết một pud (16,38 kg) muối.

Trong những ngày trai trẻ ấy, có lẽ hai chúng tôi không chỉ ăn cùng nhau hết một pud muối mà còn cùng nhau uống hết vài thùng rượu vodka Nga… Cũng chính vì thế tôi đã thực sự xúc động và vui mừng khi gặp lại anh tại Hà Nội, chỉ trong một buổi trưa ngắn ngủi của tháng 9/2010, sau nhiều năm xa cách. Anh đã gợi lại cho tôi những gì tốt đẹp nhất ở nước Nga, từ nước Nga, về nước Nga…

Có lẽ là do tình cờ nhiều hơn mà chàng trai trẻ Piotr Tsvetov hơn ba mươi năm trước đã lựa chọn lịch sử Việt Nam và tiếng Việt làm đối tượng nghiên cứu của mình. Thế nhưng, gặp gỡ dù là tình cờ nhưng quá trình tìm hiểu và thấu hiểu Việt Nam đã khiến cho anh yêu quý đất nước và con người Việt ngày một nhiều hơn.

Không ngẫu nhiên mà trong giai đoạn Tổ quốc Xôviết của anh lâm vào những nhiễu nhương thời tan rã, Tsvetov cùng vợ và hai con trai đã lựa chọn việc ở lại công tác tại Việt Nam thay vì về lại Moskva thân thương. Không còn được giữ vai trò phóng viên Pravda thường trú tại Đông Nam Á và tại Việt Nam, anh đã chuyển sang làm Trưởng Cơ quan đại diện của Trung tâm hợp tác quốc tế về văn hóa và khoa học trực thuộc chính phủ LB Nga tại Việt Nam.

Khi đó, tổ chức này là một cơ quan cấp Bộ, do nữ phi công, anh hùng vũ trụ Valentina Tereshkova lãnh đạo. Gia đình Tsvetov đã ở TP HCM bốn năm và ở Hà Nội cũng từng ấy thời gian trước khi hồi hương. Thuở ấy, anh là một trong những "nam châm" thu hút những văn nghệ sĩ và các nhà khoa học Việt Nam có tấm lòng với nước Nga và quan tâm tới việc củng cố quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, bất chấp những gì có thể xảy ra ở Moskva. Sự hiểu văn hóa Việt và thiện cảm thực lòng của Tsvetov đối với Việt Nam khiến cho anh luôn được coi là "người nhà" giữa những bạn bè Việt…

Đầu thế kỷ XX, khi hai cậu con trai của anh đã ở tuổi sắp phải vào đại học, vợ chồng Tsvetov đành quyết định trở về Moskva, vì tương lai của các cháu. Tôi nhớ, trong giai đoạn này, gia đình anh đã phải ở trong những điều kiện vật chất khá là chật vật (tất nhiên, theo những tiêu chí của người Nga).

Sau nhiều năm làm báo và làm công tác hợp tác văn hóa khoa học ở Đông Nam Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng, Tsvetov vẫn giống như một viên chức điển hình của chế độ Xôviết, tốt bụng, thật tình và tùng tiệm trong mọi sinh hoạt.

Gặp lại anh ở Hà Nội, tôi mới biết anh giờ không còn làm báo nữa (nhưng vẫn viết báo thường xuyên). Sau nhiều vật lộn với đời sống bằng những công việc khác nhau, giờ anh là chuyên viên của Vụ Quan hệ Quốc tế thuộc Hội đồng Liên bang Nga (cơ quan tương đương như Thượng viện).

Anh sang Hà Nội lần này trong thành phần phái đoàn Hội đồng Liên bang Nga, khách mời của Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 31 (AIPA 31). Tuy nhiên, cuộc trò chuyện của chúng tôi không phải về nội dung của AIPA 31. Quá gắn bó với nhau trong quá khứ, nhưng quá xa cách nhau trong hiện tại, chúng tôi muốn "ôn cố" để "tri tân" hơn…

Hồng Thanh Quang: Trở lại Hà Nội lần này, anh cảm thấy thế nào?

Tsvetov: Còn thế nào khác được? Như trở về nhà…

Hồng Thanh Quang: Anh có còn nhớ bài thơ cuối cùng anh làm tặng Hà Nội mà tôi đã dịch ra tiếng Việt không?

Tsvetov: Sao lại không? Tôi thuộc lòng cả bản anh đã dịch ra tiếng Việt. Nói thật, không phải để khen bạn mình, nhưng quả thực tôi cũng không ngờ tôi lại viết được bài thơ mà khi vang lên bằng tiếng Việt, lại quyến rũ đến thế (cười hóm hỉnh).

Hồng Thanh Quang: Đó là sự quyến rũ của tình yêu, một người yêu Hà Nội, yêu Việt Nam như anh không thể không viết nên những câu thơ quyến rũ về Việt Nam, về Hà Nội… Nếu tôi có quyền, thì chỉ với bài thơ đó là có thể công nhận anh là công dân danh dự của Thủ đô Việt Nam rồi…--PageBreak--

Tsvetov: Thực ra tôi không chỉ còn nhớ rất rõ Hà Nội mà cả thành phố Hồ Chí Minh nữa. Cách đây hai năm, trong một chuyến công tác ngắn ngày đi qua TP HCM, lúc xuống sân bay, đi taxi để tới Lãnh sự quán LB Nga, anh lái xe cứ vòng quanh mãi mà không tìm thấy địa chỉ cần thiết, tôi đã phải chỉ cho anh ấy cụ thể cách đi. Và anh ấy đã rất ngạc nhiên, không biết vì sao một người nước ngoài lại thuộc lòng Sài Gòn hơn cả một lái xe taxi sở tại…

Hồng Thanh Quang: Tôi biết anh không chỉ thuộc lòng đường phố mà còn hiểu rất sâu cả tâm tính người Việt. Ở một mức độ nào đó, tôi thấy anh có quá nhiều điểm giống người Việt…

Tsvetov: Nói không phải để khoe, đã mấy thập niên rồi Việt Nam luôn là những gì canh cánh trong lòng tôi. Tôi đã là một người tham gia viết giáo trình lịch sử Việt Nam cho Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên M. Lomonosov (MGU); cho tới giờ tôi vẫn có những tiết giảng về lịch sử Việt Nam cho sinh viên MGU…

Tôi cũng là người thường xuyên viết bài về Việt Nam, về quan hệ Nga - Việt… Nếu thời tôi ở Hà Nội thì "Sóng sâm cầm nhè nhẹ vỗ mơ Nga", thì lắm khi tại Moskva, tôi đã có những giấc mơ về Hà Nội, tôi thấy lại trong mơ những nơi quen thuộc, những bạn bè người Việt quen thuộc, thân thiết như anh em…

“Ngồi trước Tsvetov trong buổi trưa mùa thu nhưng vẫn còn khá nóng bức, cạnh những ly rượu mơ mát lạnh trong quán Kiến trên đường Yên Phụ, tôi bỗng nhớ lại những hình ảnh  thân thương của gia đình anh, những người Nga (cộng sản) sống ở Hà Nội ở cuối thế kỷ trước.

Một nữ nhà văn trẻ, họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang, sau một lần tình cờ tới chơi với gia đình anh cùng một người bạn Hà Nội, đã viết hẳn một truyện ngắn rất hay: "Trở về tình yêu". Mặc dù có những chi tiết trong truyện ngắn này là hư cấu nhưng những nhận xét và mô tả của Nguyễn Thị Châu Giang về vợ chồng anh Tsvetov (trong truyện có tên giả định là I) rất tinh tế và lay động, đến mức ta cảm thấy cay cay trong mũi.

Có thấu được tâm sự của những người Nga ấy trong giai đoạn đó thì ta mới thêm thấm thía rằng, giữa Hà Nội và Moskva cho tới hôm nay vẫn còn những mối dây tình cảm mà bất cứ cơ chế thị trường nào cũng không thể làm phá giá được. Xin mạn phép nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang trích một đoạn truyện ngắn "Trở về tình yêu" của chị:

"Sáu giờ kém hai mươi ba phút chiều, Chân từ chối không đi dự buổi chiêu đãi, có lẽ là vì Đăng. Nhưng thật ra cô luôn thấy lạc lõng giữa đám đông người với cười nói ồn ào chúc tụng, hoặc thậm thụt chê bai nhau sau lưng trong tiếng chén đĩa chạm lanh canh.

Những tiếng động, những gương mặt luôn nhắc nhở cô phải cố giữ cái mặt nạ hớn hở đừng để nó rơi xuống đất làm cô mỏi mệt. Đăng không hiểu vì lý do gì luôn miệng cảm ơn Chân. Chân giả như không nghe thấy gì để trả lời, đi thụt lùi phía sau. Cô nghĩ, cứ để anh nghĩ là cô đã vì anh cũng được, nếu điều ấy làm anh vui và xúc động đến thế.

Họ đến nhà một người Nga của Đăng nằm ngay sau khách sạn Chân trú ngụ trong mấy ngày họp. Một mùi không hẳn là thơm nhưng đậm đặc chất Nga, như những ngôi nhà chuyên gia Liên Xô cũ Chân đã từng đến khi còn bé, xộc vào mũi. Cô thấy hơi choáng váng vì theo sau mùi Nga đó là cả một khối ký ức về tuổi nhỏ đổ ập vào lòng.

Họ ngồi trong một căn phòng ấm áp bởi những ngọn đèn vàng và những kệ chất đầy sách bao quanh ba bức tường màu sữa cà phê. Chỗ cửa ra vào dán hình diễn viên hài nổi tiếng Nhiculin. Gương mặt nghiêm nghị nhưng tức cười. Không ai có thể cầm giữ được nụ cười khi nhìn ông. Chân thì không thể cười được khi cảm giác về sự cô đơn của người đàn ông đó lấn át cô.

Họ, hai vợ chồng người Nga tên I, chồng già vợ trẻ tóc hoe, mắt xanh xám, to béo, có cái nhìn nồng nhiệt và hiền lành; hai cậu con trai còm nhom với đôi má và chóp mũi nhọn đầy tàn nhang, không phân biệt được ai là anh, ai là em; Thên học ở Nga về đang bị thất sủng vì tiếng Nga bị thất sủng, có cái trán hói bóng đầy khát vọng nhưng nụ cười không bao giờ thoải mái báo hiệu những khát vọng ấy đã làm nguội lạnh đi; Đăng cũng học ở Nga về nhưng may mắn hơn Thên, có chân làm trong một cơ quan nhà nước, thu nhập thêm bằng công việc sáng tác ngoài giờ, da hồng hào, có tiếng cười to và sảng khoái, ngồi nói chuyện với nhau trong hơi men và khói thuốc.

Chân ngồi chung với họ nhưng tách hẳn ra. Cô muốn lặng lẽ nhấm nháp những miếng bánh mì đen có vị chua mốc, tiếng nhạc êm ái vang lên từ hai chiếc loa đen, một cái treo trên góc nhà, một cái đặt trên góc bàn salon phủ tấm khăn trắng thêu ren.

Buổi đầu câu chuyện họ chỉ uống rượu và cười với nhau rất lâu. Có khi cười thành tiếng với những cái đầu lắc lư, những gương mặt méo đi vì cảm xúc. Người chồng thốt nhiên bảo, tôi nhớ nước Nga quá. Mặt ngẩn ra, đôi mắt xanh xám chuyển sang màu vàng lục rơm rớm nước, những ngón tay đỏ hồng mân mê hàng ria mép màu xám bạc ánh đồng rất đẹp.

Tôi là một người xa xứ. Một người tha hương. Đăng cãi, ông là một người đại diện cho chính quyền Nga làm việc ở nước tôi. Những công việc ông làm là có ích cho xã hội tôi và xã hội nước ông. Chẳng lý gì ông nhận mình là người tha hương. I tỳ hẳn người lên mặt bàn, hắt ra một hơi thở sâu làm những sợi ria rung rinh. Khi Liên Xô mới tan rã, chúng tôi chưa ý thức được điều đó.

Chúng tôi đã sống ở Sài Gòn một thời gian dài và tự tin vào những gì mình có. Nhưng môi trường hoạt động của chúng tôi dần dà bị thu hẹp lại. Những trụ sở bị cắt xén dần đến khi chúng tôi không còn đủ sức thuê chúng nữa. Tôi và nhà tôi chuyển ra Hà Nội sống. Lúc này mặc cảm, không, đúng ra là nỗi đau đớn và sự cô độc bóp nghẹt lấy đời sống của chúng tôi. Thật khó mà sống được bình thường khi người ta đang đi trên đường bằng thì đột ngột phải lặn ngụp trong đầm lầy.

Vợ tôi bảo cô ấy muốn về quê, nhưng về đó chúng tôi chắc chắn không sống được như bây giờ. Quả là không còn sống được như bây giờ, vợ I tiếp lời, bàn tay cầm con dao nổi đầy gân xanh vì cố cắt miếng thịt rán chỉ chực nhẩy ra khỏi đĩa, chúng tôi mà về quê với đồng lương thế này chúng tôi sẽ không đủ sống. Các anh hẳn biết điều đó. Đăng và Thên im lặng đồng ý.

Chính vì thế chúng tôi quyết định trụ ở đây. Công việc thì chẳng có gì ngoài cái gọi là trông coi thư viện nước Nga này (chị khoát một vòng tay qua các giá sách) và làm vài công việc giao dịch đơn thuần. Chúng tôi yêu quê hương của các bạn nhưng đó không phải là nhà, là Tổ quốc của chúng tôi. Vì thế chúng tôi chỉ là những người tha hương.

Vậy thì tôi cũng là một người tha hương. Thên đặt bàn tay gân guốc có những móng tay to sứt mẻ màu chì lên ngực, một người tha hương ngay trên Tổ quốc của mình. Bởi vì theo như ông nói, không nhà cửa, không nghề nghiệp, không định hướng được gì cho cuộc đời mình là sống một đời sống tha hương. Ồ, anh chưa hiểu hết ý tôi. I. chuyển động nặng nề trong cái ghế làm nó rên lên ken két.

Sự tha hương mà tôi muốn nói là lý tưởng của con người dành cho đất nước mình. Khi Liên Xô tan rã, mọi thứ bị đảo lộn. Những người già không hiểu nên tin vào gì và lũ trẻ con thì không biết tin vào đâu. Không ai có đủ can đảm đánh đổi một giờ làm việc kiếm tiền để lấy một lý tưởng nào đó. Thậm chí vì tiền cũng có thể từ bỏ nguồn gốc, phẩm giá của mình. Điều này làm mọi người hèn đi, đất nước kém đi vì bị mất gốc…

Vì ông là một nhà văn hóa, Thên tớp một ngụm rượu lớn cắt ngang, nên ông mới suy nghĩ phức tạp như vậy. Mọi chuyện đơn giản hơn nhiều. Mục đích đầu tiên của con người là tồn tại. Mà để làm được điều đó, cách duy nhất là phải kiếm tiền nuôi sống mình. Dẹp cái lý tưởng sống vì người khác đi. Nó đã lỗi thời rồi.

Sống đến ngần này tuổi tôi mới hiểu rõ chứ không còn lờ mờ nữa, là sống có tiền vẫn là nhất. Tiền gần như mua được tất cả, sai khiến tất cả. Sống nghèo hèn như tôi nhục như chó. Mình có cố trương ra bao kiến thức của mình cũng không ai để ý, nói gì đến vì nể. Thế thì rõ ràng kiếm tiền nhiều cũng là một lý tưởng hay đấy chứ. Chà, I. đập đập hai bàn tay vào nhau và lại đập đập tay lên đôi má đỏ au của mình, chúng ta đang cãi nhau trên hai đường thẳng không cùng vấn đề.

Cái tôi nói không phải là cái anh cãi, cái anh đề cập không phải là cái tôi muốn nói. Tôi không phản đối sự kiếm tiền. Tôi chỉ buồn vì sự mất gốc của dân tộc tôi đang có nguy cơ diễn ra, mà hậu quả trực tiếp là những đứa nhỏ như lũ con tôi. Chúng hiểu tiếng Anh hơn tiếng mẹ đẻ.

Kiến thức về một nền văn hóa Nga vĩ đại thì mù mịt. Tôi muốn anh hiểu tha hương theo nghĩa đó. Thên cười để lộ những chiếc răng nhỏ và thưa, tôi hiểu ý tha hương theo nghĩa đó. Bề ngoài thì có vẻ ngược lại nhưng chúng ta đang nói đến cùng một vấn đề. Tôi nói đến vỏ bọc, còn ông nói đến cái nhân. Có một vỏ bọc tốt thì cái nhân được bảo quản tốt.

Kiếm được tiền là cách để con người sống thoải mái, tự tin. Khi tự tin người ta sẽ bình tĩnh nhận ra bản chất và nguồn gốc của mình để bảo vệ nó. Sự tha hương theo nghĩa đen, nghĩa bóng lúc ấy là không tồn tại.

Thất bại trong cuộc sống làm cho tôi có những ý nghĩ chua chát về nó, nhưng trong vấn đề này tôi khẳng định là mình đúng. Mặc cảm tha hương mà ông đang có rõ ràng xuất phát từ sự tuột dốc về kinh tế của đất nước ông, của gia đình ông. Không ngẩng cao đầu được, không vỗ ngực tự hào được, ngay lập tức hiểu là mình không đứng trên mảnh đất của mình…

Chúng ta sẽ làm một cái gì đó để thay đổi không khí. Vợ I. đi lại chiếc máy đĩa, tấm thân đồ sộ chuyển động nhẹ nhàng làm vang những tiếng sột soạt từ chiếc váy hoa sặc sỡ ngang gối. Chị quay trở lại bàn, hai cánh tay mập mạp ấp lên ngực. Chị hòa giọng hát với chiếc máy đĩa. Giọng chị cao, luyến láy nhịp nhàng. I chỉ ngồi nhìn chị, cười lặng lẽ.

Một lúc thì Đăng hát theo. Anh hát không hay nhưng giọng trầm và tình cảm, tự nhiên mà thành hai bè hòa hợp. Điệu nhạc và đôi mắt xanh màu trời chiều của người đàn bà làm lòng Chân se lại. Đó là một bài hát cũ, tiếng Thên thoảng qua tai. Em tự hỏi vì sao em lại yêu anh dù biết chuyện tình của chúng mình sẽ không đi đến đâu.

Dù trái đất có nhỏ lại thì anh vẫn ở xa em. Em nghe trong mưa gió tiếng ngựa đêm, tiếng thở mênh mang của những cánh đồng lúa mì và tiếng anh gọi tên em. Em cứ tự hỏi vì sao em lại yêu anh dù biết thế giới rộng lớn này không còn chỗ nào dành riêng cho đôi ta… Đăng không hát nữa.

Người vợ cũng dừng lại giữa chừng. Đêm lúc này dày đặc sau hai cửa kính trông ra vườn. Người chồng tựa hẳn vào tường. Người vợ và Thên châm thuốc hút. Dưới gầm bàn, bàn tay thô và ấm của Đăng vân vi những ngón tay mảnh của Chân làm cô phải kêu khẽ lên vì đau. Nhạc chuyển sang bài khác du dương và hùng tráng. Đó là Nga, quê hương của chúng tôi - I. nói, mắt mở to, câm lặng. Tất cả chúng tôi đều nhận ra điều đó. Đăng nói bằng giọng thương cảm, cũng như là hiểu nỗi nhớ của ông…".  --PageBreak--

                      *  *  *

Tsvetov: Chị nhà văn Châu Giang ấy bây giờ thế nào rồi?

Hồng Thanh Quang: Thực tình tôi chỉ biết là mọi việc của chị ấy đều ổn. Ít ra là ổn như hoặc hơn chúng ta…

Tsvetov: Thế là tốt. Phụ nữ mà có sắc có tài thì ở Việt Nam hay ở Nga cũng đều vất vả.

Hồng Thanh Quang: Có lẽ vậy… Thế còn gia đình anh, sau khi trở về Moskva, thì cuộc sống như thế nào?

Tsvetov: Giai đoạn đầu cũng khó khăn lắm. Natasha (vợ Tsvetov - HTQ) có lúc phải làm tới ba công việc: dạy tiếng Anh trong một trường tư, dạy tiếng Nga cho trường đại học dành cho sinh viên nước ngoài, rồi dạy cả tiếng Ba Tư nữa, cô ấy là chuyên gia về tiếng Ba Tư mà. Tôi cũng phải xoay xở nhiều việc, viết báo, dạy học, dịch thêm… Cũng chẳng còn cách nào khác…

Khi chúng tôi rời Moskva thì đó là thủ đô của Liên bang Xôviết hùng cường. Khi chúng tôi trở lại thì Liên bang Xôviết không còn nữa. Mặc dù không phải chúng tôi khi ở Hà Nội đã quá xa rời hiện thực Nga trong thời đại mới nhưng rõ ràng là chúng tôi đã phải chịu không ít những chấn động khi thực sự sống lại trong những biến đổi ấy.

Hồng Thanh Quang: Đó là nỗi niềm không chỉ của riêng gia đình anh. Tôi biết, không ít người Nga cho tới nay vẫn còn cảm thấy ngỡ ngàng với hiện thực mới. Nhưng thực sự là đã không còn lựa chọn nào khác nữa. Ông Putin khi còn là Tổng thống Nga đã nói rất đúng là, ai không tiếc thương cho sự tan rã của Liên bang Xôviết thì là người ấy không có tim. Nhưng ông cũng nói thêm, ai muốn khôi phục lại Liên bang Xôviết thì là người ấy không có óc… Cay đắng nhưng thực tế… Thế còn bây giờ, gia đình anh đã "khổ tận cam lai"?

Tsvetov: "Khổ tận" thì đúng rồi nhưng "cam lai" hay chưa thì tôi không rõ (cười)…Giờ thì ở nhà chỉ còn tôi với Natasha thôi. Cháu lớn, Pavel giờ đang làm việc ở Đại sứ quán Nga tại Tehran, cháu đi theo con đường của mẹ nghiên cứu về tiếng Ba Tư. Cháu nhỏ, Antosha, đang là sinh viên Viện Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO). Antosha hiện đang yêu một cô bé mà cô bé ấy lại có căn hộ những năm phòng ở giữa thủ đô nên nó tới ở với cô ấy…

Hồng Thanh Quang: Thế cũng tốt chứ sao?

Tsvetov: Nhìn từ góc độ khác, như thế là rất buồn vì ở nhà giờ chỉ còn hai ông bà già sống với nhau.

Hồng Thanh Quang: Anh đâu đã già, mặc dù tôi biết anh đã ở tuổi 60.

Tsvetov: Chưa già nhưng nói thật, đôi khi tôi đã cảm thấy rằng những gì mình nhìn thấy đã là quá nhiều cho một đời người. Tôi đã được chứng kiến những năm tháng mà quan hệ giữa hai nước chúng ta rất mật thiết. Đó là những năm tháng của tình đồng chí anh em… Không thể nói quan hệ Nga - Việt hiện nay không tốt nhưng rõ ràng là đang chưa ở mức xứng đáng.

Hồng Thanh Quang: Thời thế khác, thì mọi sự cũng khác. Không nên quá lệ thuộc vào quá khứ để bỏ lỡ những vận hội mới trong tương lai.

Tsvetov: Đã đành như thế. Nhưng tôi vẫn có cảm giác rằng, những người Việt Nam trong mối quan hệ Nga - Việt ứng xử tình cảm hơn chúng tôi. Tôi còn nhớ, trong lần Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh của các bạn sang thăm chính thức nước Nga, tại buổi tiếp tân trong Điện Kremli do Tổng thống Dmitri Medvedev tổ chức, đồng chí ấy đã đọc thơ Puskin bằng tiếng Nga…

Hồng Thanh Quang: Đó là những câu thơ gì vậy?

Tsvetov: Tôi thử dịch sang tiếng Việt như thế này:

"Tôi là của Người - tôi yêu khu vườn ấy đầy bóng lá,

Với hơi mát tràn lan, với hoa nở muôn màu

Tôi yêu thảo nguyên ấy, ngan ngát hương bách cỏ,

Những con suối trong xanh len lỏi chảy quên sầu…"

Hồng Thanh Quang: Đó là đoạn trích từ bài thơ "Làng". Anh cũng đừng lấy làm lạ khi Tổng Bí thư của chúng tôi đọc thuộc lòng thơ Puskin bằng tiếng Nga. Đồng chí ấy từng học Đại học Lâm nghiệp ở Leningrad không chỉ một năm… Nói chung, sinh viên Việt Nam chúng tôi khi học ở Nga đều đọc thuộc nhiều thơ Puskin.

Ảnh: Minh Trí

Tsvetov: Tôi có ngạc nhiên đâu. Tôi còn biết rằng, tình cảm mà người Việt dành cho nước Nga không thể mua bằng bất cứ ưu đãi hay đầu tư nào. Tôi chỉ thấy tiếc là nếu các nhà lãnh đạo của chúng tôi cũng có thể am hiểu hơn văn hóa và văn học Việt Nam. Tôi cũng nhớ là khi tiếp xúc với chúng tôi trong Điện Kremli, đồng chí Nông Đức Mạnh sau khi tuyên bố: "Chúng tôi chào đón và khích lệ sự phổ biến văn hóa Nga, việc giảng dạy và nghiên cứu tiếng Nga ở Việt Nam" đã buộc phải nói rằng, "Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn nhân dân Nga anh em hiểu nhiều hơn và tốt hơn nền văn hóa Việt Nam với lịch sử nhiều nghìn năm của nó". Theo tôi, người Nga chúng tôi cũng nên nhớ rằng, tính về lịch sử thì Việt Nam có trước nước Nga ít nhất là nghìn năm.

Hồng Thanh Quang: Đúng, Việt Nam chúng tôi là một quốc gia cổ kính…

Tsvetov: Nói về sự cổ kính thì tôi xin có thêm một ý kiến như thế này: sang đây đúng vào dịp các bạn đang long trọng chuẩn bị Đại lễ một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, tôi bỗng nhớ là, thực ra thành Cổ Loa của các bạn đã có từ hai nghìn năm trước. Sao các bạn "khiêm tốn" thế, chỉ là Đại lễ Nghìn năm mà không làm Đại lễ Hai Nghìn năm cho Thủ đô của mình? Cổ Loa bây giờ vẫn là một phần của Hà Nội cơ mà.

Hồng Thanh Quang: Anh nói nghe cũng đúng đấy nhỉ. Thật lạ là trong chúng tôi không ai nghĩ theo cách đó… Xin cảm ơn anh! Chúc anh mãi mãi giữ được ngọn lửa nồng nhiệt cho Việt Nam của chúng ta!

Piotr Tsvetov (LB Nga)

Gửi Hà Nội

 

Thành phố này, tôi chưa xa đã nhớ,

Nét rêu xanh trong kỷ niệm

                                   bạn bè.

Hồ Gươm thẫm ánh mắt nhìn

                                 thiếu phụ,

Tiếng sấu rơi hút gió đêm hè...

 

Tôi xa lạ nhưng đã thành

                               thân thuộc

Với con đường ve inh ỏi đồng ca,

Em ngơ ngác và em

                        không quen biết

Mà nụ cười như môi nở ngàn hoa...

 

Thành phố này có bao nhiêu

                                    cổ tích,

Tôi ước thành Tháp Bút

                             một lần thôi

Giá tôi viết được lên xanh biếc

Những câu thơ hòa hợp với

                                   mây trời...

 

Ba sáu lối hay nhiều hơn nữa

Cũng đưa về bầu bạn

                        với thương yêu.

Thành phố này tôi chưa xa đã nhớ

Giọt nắng trong như giọt rượu

                                say chiều.

 

Tôi đã lớn cùng bạch dương

                                   xứ Tuyết,

Đến nơi đây thanh thản với tre ngà,

Tối Hồ Tây trong vòng tay

                                 ngủ thiếp

Sóng sâm cầm nhè nhẹ vỗ

                                  mơ Nga ...

 

 

Hồng Thanh Quang dịch từ nguyên bản tiếng Nga

H.T.Q.
.
.