Kỷ niệm 107 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trường Chinh (9/2/1907 - 30/9/1988)

Tin ở thực tế

Thứ Sáu, 14/02/2014, 15:47

Trong lịch sử cách mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đồng chí Trường Chinh thực sự là, nói theo cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “một người cộng sản mẫu mực, một nhà lãnh đạo lớn”, với những chặng đường hoạt động rất vinh quang nhưng không hề đơn giản, thuận chiều. Hai lần làm Tổng Bí thư của Đảng ta, đồng chí đều có những đóng góp kiệt xuất giúp sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước phát triển đúng hướng ở những thời điểm cực kỳ khó khăn.

Tấm gương trung thực

Theo lời kể của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, người từng có một thời gian không ngắn làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng và được may mắn có cơ hội trực tiếp làm việc nhiều lần với đồng chí Trường Chinh, trung thực là nét tính cách nổi bật ở nhà lãnh đạo kiệt xuất này. Ông Nguyễn Khánh kể trong một lần trả lời phỏng vấn với phóng viên chuyên đề An ninh thế giới Cuối tháng: “Ấn tượng mạnh nhất đối với tôi về đồng chí Trường Chinh là sự trung thực của đồng chí ấy, trung thực với cách mạng, với nhân dân, với chính mình. Đó là một nhà chính trị luôn hành động nghiêm túc, với tính nguyên tắc cao để thực hiện những gì mình đã cho là đúng. Nhưng khi đã suy nghĩ lại, thấy được những điều không đúng hay không còn đúng nữa, thì đồng chí dồn tâm trí tìm hiểu, nghiên cứu để chứng minh là không đúng, là cần sửa và tác động vào cơ quan lãnh đạo để sửa cho được. Chính nhờ tính cách trung thực và thẳng thắn như vậy mà đồng chí Trường Chinh đã đóng vai trò rất lớn trong công cuộc đổi mới của Đảng ta, đất nước ta. Một phong cách, tính cách đặc biệt nữa của đồng chí Trường Chinh là hết sức cẩn thận, đã làm việc gì thì làm đến nơi đến chốn, từ chủ trương chung cho đến các chi tiết...”.

Ông Phan Diễn, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, từng làm thư ký riêng cho đồng chí Trường Chinh cuối những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Trong bài viết Bác Thận với chỉ thị 100 của Ban Bí thư (in trong cuốn sách Trường Chinh - một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 2002), ông Phan Diễn cũng nhận xét về những điều cần lưu ý trong công việc mà đồng chí Trường Chinh đã dặn dò: “Phải có tinh thần trách nhiệm cao, tuyệt đối trung thực và giữ bí mật...”. Ông Phan Diễn nhớ lại: “Về yêu cầu trung thực, bác Thận dặn: Khi tôi hỏi, cái gì anh biết rõ thì trả lời, cái gì chưa biết thì cứ nói chưa biết, tìm hiểu rõ rồi thì cho tôi biết sau, nhất thiết không được nói bừa vì như thế tôi tưởng thật, nghe theo các anh sẽ làm hỏng việc...”.

Trong bài viết Phong cách làm việc của anh Thận (cũng in trong tập sách trên), ông Nguyễn Khánh cũng đã nhắc lại những kỷ niệm của mình về cố Tổng Bí thư Trường Chinh:

“Hồi còn công tác ở Văn phòng Trung ương Đảng, hằng tuần Văn phòng xây dựng chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cứ chiều thứ năm phải gửi dự thảo chương trình đã có ý kiến của đồng chí Bí thư Thường trực để xin ý kiến các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sau đó Văn phòng tập hợp các ý kiến, giúp Thường trực sửa đổi bản dự thảo chương trình để đồng chí Tổng Bí thư duyệt lần cuối rồi thông báo chính thức vào sáng thứ bảy.

Anh Thận thường đọc rất kỹ bản dự thảo chương trình, hỏi ý kiến các trợ lý, có khi hỏi thăm các đồng chí lãnh đạo những ban, ngành có liên quan đến phần công việc mà anh phụ trách, rồi trực tiếp ghi ý kiến thêm, bớt, sửa đổi bằng mực đỏ vào bản dự thảo chương trình. Khi Văn phòng Trung ương thông báo bản chương trình chính thức thì anh Thận điều chỉnh chương trình làm việc riêng cho phù hợp. Rất ít khi thấy anh yêu cầu Văn phòng báo cáo với Tổng Bí thư và Thường trực đổi lại chương trình chung của Bộ Chính trị để đáp ứng yêu cầu của chương trình riêng. Anh Thận rất không bằng lòng khi thấy bản chương trình đã thông báo bị thay đổi. Nhiều lần, anh đã không đến dự những cuộc họp được bổ sung “bất thường” vào chương trình làm việc của Bộ Chính trị. Và cũng nhiều lần Thường trực có ý kiến thay đổi chương trình làm việc đã thông báo nhưng thấy anh Thận không tán thành thay đổi thì giữ lại chương trình đã định, không thay đổi nữa.

Anh Thận luôn nhắc Văn phòng Trung ương Đảng: Phải giữ nguyên tắc, đã lấy ý kiến rồi thì không được thay đổi, trừ khi có chuyện đặc biệt. Thay đổi chương trình làm việc một cách dễ dãi, có khi tuỳ tiện, là phá vỡ kế hoạch công tác của một loạt cơ quan, một loạt đồng chí có trách nhiệm và cũng làm giảm chất lượng các cuộc họp do không được chuẩn bị trước đầy đủ. Văn phòng Trung ương Đảng là một cơ quan làm việc có nền nếp, làm việc gì cũng chuẩn bị cẩn thận. Có nếp làm việc ấy là nhờ ảnh hưởng của phong cách anh Thận…”.

Cũng nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã viết về phong cách làm việc của đồng chí Trường Chinh trong các cuộc họp của Bộ Chính trị như sau:

“Cách thức anh Thận tham gia các cuộc họp của Bộ Chính trị là một mẫu mực về sự nghiêm túc, về ý thức trách nhiệm. Bao giờ anh cũng đến sớm khoảng 5 phút trước giờ bắt đầu họp theo giấy mời. Anh ngồi họp rất nghiêm chỉnh từ đầu tới cuối buổi họp, rất ít khi đứng dậy đi ra đi vào. Lúc nào anh cũng cầm bút ghi chép các ý kiến phát biểu trong cuộc họp hoặc ghi thêm ý kiến vào bản thảo phát biểu của anh. Rất ít khi anh ngắt lời đồng chí đang phát biểu. Thường là anh phát biểu cuối buổi họp nếu anh chủ trì buổi họp, hoặc trước khi đồng chí Tổng Bí thư phát biểu kết thúc cuộc họp. Bao giờ anh cũng có một bản đề cương phát biểu ý kiến đã chuẩn bị sẵn, được đánh máy hoặc viết tay cẩn thận. Ý kiến của anh bao giờ cũng được trình bày có hệ thống, thành các điểm 1,2,3… theo sát các chương, mục của bản đề án được trình bày tại cuộc họp.

Khi anh Thận phát biểu, bao giờ các đồng chí dự họp cũng lắng nghe nghiêm chỉnh, không ai nói chuyện riêng. Có lần đồng chí Tổng Bí thư ngắt lời khi anh đang phát biểu, anh nói ngay với nét mặt nghiêm: “Xin để tôi nói hết đã!”. Anh chị em cán bộ của Văn phòng Trung ương có nhiệm vụ ghi biên bản hội nghị rất yên tâm ghi lại một cách dễ dàng và chính xác các ý kiến của anh Thận, nhất là khi anh chủ trì, kết luận cuộc họp… Anh Thận hết sức cẩn thận trong việc chuẩn bị các văn bản, từ dự thảo nghị quyết, chỉ thị của Đảng, báo cáo, bài nói của anh tại các hội nghị của Đảng và Nhà nước, trong các cuộc đi thăm trong nước và ngoài nước đến thư anh gửi các đồng chí ở cơ quan Trung ương và địa phương… Theo tôi biết, cho đến nay không có đồng chí lãnh đạo cấp cao nào có thể so sánh với anh về sự nghiêm túc trong công việc về văn bản”...

Sự thật trên hết

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng hoạt động cùng đồng chí Trường Chinh từ cuối những năm 30 của thế kỷ trước, đã chứng kiến hầu hết những sự kiện lớn xảy ra trong đời của nhà lãnh đạo kiệt xuất này. Và Đại tướng đã đánh giá về đồng chí Trường Chinh như sau: “Đồng chí Trường Chinh là một nhà lý luận nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn nắm vững quan điểm thực tiễn của chủ nghĩa duy vật biện chứng, từ thực tiễn mà tìm ra chân lý, góp phần xây dựng đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng. Đồng chí là người có tinh thần chí công vô tư, luôn coi trọng chân lý, không hề chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân, đoàn kết lãnh đạo, đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân...”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nhấn mạnh rằng, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, khi nhận ra những khuyết điểm và sai lầm, đồng chí Trường Chinh luôn có thái độ trung thực, thẳng thắn: “Là người trực tiếp chỉ đạo công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, đồng chí đã nghiêm chỉnh tự phê bình về sai lầm nghiêm trọng của Đảng và của bản thân, tự nguyện rút khỏi chức Tổng Bí thư và đã góp ý kiến khách quan vào công tác sửa sai, giữ vững sự đoàn kết trong nội bộ Bộ Chính trị. Cũng như về sau, khi đã thấy khoán hộ là đúng đắn thì đồng chí đã công khai nhận sai lầm khi phê bình đồng chí Kim Ngọc và Tỉnh ủy Vĩnh Phú...”.

Giữa những năm 80 của thế kỷ trước, khi đất nước lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, cũng chính đồng chí Trường Chinh đã là một trong những nhà lãnh đạo ở cấp cao nhất đi vào theo dõi sát thực tế, ghi nhận đúng nhu cầu cấp bách phải đổi mới để khỏi đi vào ngõ cụt với phương châm: “Ta phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, phải từ thực tiễn khái quát thành lý luận”. Và trên cương vị là Tổng Bí thư Đảng ta, đồng chí Trường Chinh đã, nói theo cách của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, là “chủ biên” của đường lối đổi mới, được thông qua tại Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam... Mặc dù nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư lần thứ hai của đồng chí không lâu do tuổi cao sức yếu, nhưng theo đánh giá của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, đồng chí Trường Chinh với việc đề xướng công cuộc đổi mới, “đã có thêm đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, của dân tộc ta...”

Chính Nhân
.
.