Họa sĩ Trần Thị Mỳ - vợ của nhà phê bình Mỹ thuật Thái Bá Vân:

Tìm trong vô thường

Chủ Nhật, 21/10/2012, 12:50
Bước qua góc cầu thang cũ kỹ, qua những bức tường ẩm mốc, qua những ngổn ngang đồ đạc trong khu nhà tập thể Thanh Xuân cũ, tôi gặp một người phụ nữ, mà sự nhẹ nhõm và thanh khiết của tâm hồn bà đã làm tan đi những bức bối, chật hẹp của cuộc sống nơi đây. Bà chưa bao giờ xuất hiện trên báo chí. Bà nói, có lẽ đây là lần đầu tiên, bà trò chuyện với một phóng viên. Dẫu vậy, tên tuổi bà được nhiều người biết đến với hai tư cách, là họa sĩ Trần Thị Mỳ và là vợ của nhà phê bình Mỹ thuật Thái Bá Vân.

1. Thái Bá Vân đã ra đi 13 năm nhưng trong ngôi nhà nhỏ, chật hẹp ở khu tập thể Thanh Xuân, ông vẫn hiện diện trong cuộc sống và trong tâm tưởng người vợ, họa sĩ Trần Thị Mỳ. Bà sống giữa ngổn ngang đồ đạc, kỷ vật và ký ức về ông. Chất đầy từ lối đi vào nhà đến phòng khách. Hơn 20 năm, vợ chồng bà sống ở đây. Đồ đạc được gói ghém cẩn thận thành từng thùng, và được ghi chú cẩn thận. Những bức tranh cũng được bọc lại và xếp ngổn ngang ở góc nhà vì không có chỗ treo.

Tôi ngạc nhiên khi chứng kiến đời sống của một người nổi tiếng như vợ chồng ông bà lại giản tiện và chật vật đến vậy. Bà Mỳ cười, những vất vả của cuộc sống chỉ là thứ bên ngoài mình thôi. Bà không quan tâm đến điều đó. Thế mà, trong chính căn hộ chật hẹp này, một thời, bạn bè văn nghệ sĩ đã đến chén tạc chén thù. Nhiều khi, chỉ một ấm nước trà suông, mà Bùi Xuân Phái, Trịnh Công Sơn, Văn Cao... ngồi đàm đạo chuyện nghệ thuật, chuyện cuộc đời. Trên chiếc giường ngủ kê cạnh phòng khách treo bức tranh chân dung của Thái Bá Vân. Trông ông buồn và cô đơn lạ.

Bà Mỳ kể, đó là bức tranh Trịnh Công Sơn đã vẽ Thái Bá Vân, khi ông đang ốm, nhưng nhớ Trịnh quá, vẫn lọ mọ vào tận Sài Gòn để được nhìn thấy bạn. Sau lần đó về Hà Nội ít lâu thì ông mất. Đó là năm 1999. “Trịnh Công Sơn và Thái Bá Vân chơi rất thân với nhau. Ông Vân vừa định nói câu gì thì ông Sơn đã hiểu rồi. Họ đồng cảm với nhau, yêu quý nhau như người tình vậy. Đó là đôi bạn tri kỷ hiếm có. Trịnh Công Sơn cũng thường xuyên ra nhà tôi, ngồi chính ở góc bàn này, ôm đàn hát và nói chuyện nghệ thuật với ông Vân. Trong cõi đời hữu hạn này, họ đã gặp nhau và trân quý nhau. Đó là những con người suốt đời mải miết đi tìm kiếm cái đẹp mà không đòi hỏi gì cho riêng mình”.

Bà hồi tưởng lại những ký ức xa xưa. Hồi vợ chồng bà còn sống ở căn hộ chưa đến 10 mét vuông ở gần Nhạc viện Hà Nội. Khổ mà không thấy khổ. Khu tập thể ngày xưa toàn văn nghệ sĩ trí thức. Thời đó, kinh tế khó khăn nhưng tâm hồn con người trong sáng. Thời cùng chồng đạp xe ra quán cà phê Lâm ở Nguyễn Hữu Huân, trò chuyện với Bùi Xuân Phái, ngắm nhìn những bức tranh phố của Phái. Họ chỉ quan tâm đến nghệ thuật mà thôi.

Bà Mỳ ngậm ngùi, khu tập thể cũ, và cả một số nơi ở Hà Nội đã bị phá vỡ hết những cấu trúc thuần khiết nhất.

Họa sĩ Trần Thị Mỳ và các tác phẩm của mình tại triển lãm năm 2008.

2. Họa sĩ Trần Thị Mỳ là con gái phố cổ, lớn lên và sống ở phố Hàng Dầu. Bố mẹ bà xưa là viên chức. Nên bà có điều kiện học hành. Bà là nữ sinh Trường Trưng Vương. Đó là những ký ức trong trẻo về một thời kỳ bình yên của Hà Nội và của những cô gái thướt tha áo dài lam đến trường. Mối duyên với hội họa đến với Trần Thị Mỳ cũng thật ngẫu nhiên. Một cô gái nền nã, không bon chen ngoài đời được, nên theo lời khuyên của những người lớn tuổi, Trần Thị Mỳ theo học Trung cấp Mỹ thuật và sau đó là Đại học Mỹ thuật. Bà về làm họa sĩ ở Xưởng phim đèn chiếu, gắn bó với công việc này đến khi về hưu. Nhưng đằng sau cái vẻ bình yên và có gì đó như an phận của họa sĩ Trần Thị Mỳ là một tâm hồn giông bão, là những khát vọng sáng tạo, là sự khắc khoải về thời cuộc. “Tôi có một cái nghề, một niềm đam mê, điều đó giúp tôi giàu có về nội tâm và vượt qua được những khó khăn, chông gai trong cuộc đời”.

Bà không kể những chuyện riêng tư. Bà nói, đó là một góc riêng, bà muốn giữ lại trong ký ức của mình. Từ lâu, bà đã chọn cuộc sống lặng lẽ bên cạnh người chồng nổi tiếng của mình. Vậy thôi. Đời sống phù du. Bà không ham sự nổi tiếng. Có những đoạn đời, bà muốn cất giữ lại trong ký ức của mình, chỉ riêng mình biết, chỉ riêng mình thấu hiểu mà thôi.

Bà nhớ lại, năm 1954, trong đoàn quân tiến về giải phóng thủ đô, có chàng trai Thái Bá Vân. Và trong đám nữ sinh mặc áo dài đi  đón các chú bộ đội có Trần Thị Mỳ. Nhưng lúc đó, họ không biết gì về nhau. Thái Bá Vân về Hà Nội, rồi sang Tiệp học mãi đến năm 1962 mới về công tác ở Viện Mỹ thuật Việt Nam. Thế rồi, đến năm 1972, bà gặp và lấy Thái Bá Vân. Bà nói, đó là một cơ duyên đã giúp bà thăng hoa trong nghệ thuật và cuộc đời.

Nói đến Thái Bá Vân là nói đến một nhân cách. Ở ông bao giờ cũng u uẩn một tình yêu thuần khiết trung thực với nghệ thuật và cuộc đời. Đó là một cuộc đời dấn thân trên con đường tìm kiếm và kiên trì bảo vệ cái đẹp. Tư tưởng của Thái Bá Vân đã ảnh hưởng sâu sắc đến người vợ của mình. Trước hết đó là một cuộc sống tinh thần phong phú, để giữ cho tâm hồn mình trong sạch, không bị cát bụi che phủ. Họa sĩ Trần Thị Mỳ tâm sự: “Cuộc sống bên cạnh ông đã giúp bà nâng cao hiểu biết, và biết thanh lọc tâm hồn mình, biết hướng tới những giá trị cao đẹp của nghệ thuật. Đó là những giá trị bên trong mình”.

Thái Bá Vân luôn dành những điều tốt đẹp nhất, thương yêu nhất cho bạn bè trong các bài viết và trong đời thường mà không hề đợi sự khen tặng trở lại. Tình yêu đó truyền sang người vợ hiền của ông. Có một thời đoạn, những trí thức của chúng ta đã tựa vào nhau để đi qua những ngày gian khó. Đó là thời của Văn Cao, của Bùi Xuân Phái, của Thái Bá Vân, của Đoàn Phú Tứ... Bà còn nhớ, tết năm nào, nhà thơ Đoàn Phú Tứ trước giao thừa cũng ghé qua nhà bà, ngồi trò chuyện văn chương nghệ thuật với Thái Bá Vân. Trước khi về, bà Mỳ đã kịp treo hai chiếc bánh chưng vừa gói còn nóng hổi vào ghi đông xe để ông mang về cho các con. Tấm chân tình đó của bà Mỳ khiến bạn bè Thái Bá Vân rưng rưng cảm động.

Thay chồng đảm đương việc gia đình trong những giai đoạn khốn khó, họa sĩ Trần Thị Mỳ vẫn đau đáu một tình yêu. Đó là những lúc con đi học, chồng đi làm, bà ngồi trên chiếc giường cũ chật hẹp và vẽ. Bà vẽ khá nhiều chân dung, đặc biệt là chân dung tự họa và chân dung người chồng tài hoa của mình. Chỉ tiếc, một bức chân dung của Thái Bá Vân giờ không còn là của bà khi nó sang tận Bảo tàng Mỹ thuật Á - Âu ở Thụy Sĩ. Bà chỉ vẽ chân dung những người thân yêu nhất và chân dung mình. Bởi bà tâm niệm, không ai hiểu mình bằng mình. Chỉ người họa sĩ mới gợi tưởng nội tâm của mình lên từng nét vẽ. Nhiều khách nước ngoài thích, cứ năn nỉ bà bán.

Trong số những bức chân dung, bà rất thích chân dung cụ Hoàng Thị Thế, con gái của cụ Đề Thám. Cụ Thế sống ở Pháp, lấy chồng Tây, những năm cuối đời, cụ về Việt Nam sống một mình. Đó là một người phụ nữ trí thức có tâm hồn khoáng đạt và trí tuệ mẫn tiệp. Và Mỳ rất may mắn khi được gặp và vẽ lại chân dung cụ. Đó không chỉ là một bức chân dung đơn thuần, mà nó còn mang cả dấu ấn của lịch sử, dấu ấn của thời cuộc.

Quãng thời gian bà vẽ nhiều nhất là cuối những năm 60 đầu những năm 70. Những chuyến đi thực tế, không khí nghệ thuật và cả những ẩn ức trong tâm hồn bà gửi gắm vào trong tranh. “Nghệ thuật xuất phát từ tâm của mình chứ không phải từ đề tài. Đó là sự thấu hiểu tâm tưởng của mình mà không vì điều gì khác”. Họa sĩ Trần Thị Mỳ quan niệm về nghề giản dị vậy thôi: “Hội họa mà mọi người đạt được chút thành quả nào đó, một phần lo do sự say mê, thích thú và luyện rèn. Nhưng hơn cả phải có duyên trong nghề. có vậy mới truyền cảm được sự xao xuyến trong tâm hồn trước sự huyền linh của vạn vật và cái đẹp muôn màu của thế gian tới người thưởng ngoạn. Đó cũng là niềm vui của người họa sĩ”.

Tình yêu họa sĩ Trần Thị Mỳ dành cho nhà phê bình Thái Bá Vân là sự trân trọng một tài năng, hơn thế, một nhân cách sống. “Ngoài tình gia đình, tôi với ông còn có mối tình tri kỷ”. Một người đàn ông tài hoa, nghệ sĩ như Thái Bá Vân, chắc hẳn làm nhiều người ngưỡng mộ. Bà Mỳ đã hóa giải câu chuyện đó bằng chính vẻ đẹp trong tâm hồn mình. “Ông như một bông hoa có hương sắc riêng, bướm ong sẽ càng nhiều. Mình có muốn chụp giữ cho riêng mình thì hương vẫn tỏa ngát. Thế nên, mình chỉ biết làm sao để giữ nó mãi là của riêng mình”.

Giờ bà chỉ còn một ước nguyện, có một căn phòng nho nhỏ để bà có thể làm một góc tưởng niệm riêng cho chồng. Thế mà, tâm nguyện đó, thật khó khăn.

Gần 20 năm nay, bà tìm đến cõi Phật. Trong thế giới tâm linh đó, bà được giải thoát khỏi những buồn vui, trong cuộc đời. Những đoạn đời đã qua, những khổ đau, mất mát đều được hóa giải trong ánh sáng huyền vi của thế giới tâm linh. Và có lẽ, lúc này, tâm bà đã thực sự bình an

Khánh Linh
.
.