Nhân ngày giỗ hết của nhà thơ Phạm Tiến Duật

Tìm trong vô thường

Thứ Tư, 16/12/2009, 15:05

Người chết sau lần giỗ đầu tiên, đến lần giỗ thứ hai thì người miền Bắc gọi là giỗ hết, còn ở miền Trung quê tôi thì coi cái giỗ thứ hai là giỗ hết khó. Dù cho hai cách gọi khác nhau thì cứ người chết, sang đến lần giỗ thứ hai là coi như cái giỗ hết tang cho những người thân, gia đình sau hai năm để tang cho người đã khuất. Mới đó mà nhà thơ Phạm Tiến Duật mất đã tròn 2 năm, và ngày 25/10 (tính theo lịch âm) là ngày giỗ hết tang của gia đình thân quyến nhà thơ Phạm Tiến Duật.

1. Hà Nội đang là giữa đông, tiết trời mấy ngày hôm nay đẹp lạ. Sáng sớm, Hà Nội trễ nải thủng thẳng trong sương sớm buông dày thành từng màn mỏng bay la đà nhuộm nét âm u, tiêu điều lên không gian của mùa đông đặc trưng. Mặc cho dòng người từ khắp ngả đường đổ về thành phố Hà Nội tấp nập ngược xuôi. Mặc cho ai vội vã khép vạt áo bông dày trong gió lạnh buổi sáng, mặc cho ai toan lo, mặc cho nhịp sống vẫn cứ hối hả trôi đi, không gian và tiết trời Hà Nội như chùng xuống trong những ngày hiếm hoi ấm áp của mùa đông phương Bắc.

Hôm qua, mọi người trong toà soạn đã nhắc nhau chuẩn bị tới thắp cho nhà thơ Phạm Tiến Duật nén hương trong lần giỗ hết tang sắp tới. Tôi thảng thốt giật mình. Nhớ nhà thơ Phạm Tiến Duật quá, không hiểu trời xui đất khiến gì mà trước đó tôi rất ít khi trò chuyện với ông, gần gũi với ông dù công việc làm báo cho tôi nhiều cơ hội thường xuyên tiếp xúc với ông. Vậy mà, đúng vào lúc cuộc đời ông cam go nhất, bệnh tật và đau đớn nhất, tôi lại là người chứng kiến gần như trọn vẹn đoạn đời bệnh tật ngắn ngủi của ông cho đến khi ông từ giã cõi đời.

Những ngày này, đi trong sương sớm Hà Nội, nhác thấy trên khắp các ngả đường, người chở hoa tươi nối đuôi nhau vào thành phố, khác với mọi khi, bên rổ hoa, gánh hoa, xe hoa tươi thì cô hàng hoa, anh hàng hoa đã giắt vội giắt vàng những bó tầm xuân núi chúm chím nụ xanh nụ hồng, nụ đỏ và cơ man là hoa giấy, hoa lụa rực rỡ khoe sắc dành cho người dân quê ưa thứ hoa không tàn phai này sắm sửa cho dịp tết. Giật mình, tết đã len vào đâu đó từ trong ngõ ngách, nẻo đường của những người bán hoa. Tết đã thổi không khí rạo rực hối hả của ngày cuối năm trên từng gương mặt người. Đi trong sương sớm, chợt nhớ tới những câu thơ trong bài thơ: "Em ơi sắp sửa một năm tròn" của nhà thơ Phạm Tiến Duật mà nao lòng.

Em ơi sắp sửa một năm tròn
Ai sắm tết về kia: tà áo bay bối rối
Thời gian trôi như không chờ đợi
Hoa đúng mùa lại hẹn giữa đường đi  

Mùa xuân ơi hò hẹn những gì
Tin vui đến chẳng cần chờ cánh én
Hoa nở chậm hơn một lần hò hẹn
Tình yêu chẳng đến mùa mà đến mỗi ban mai  

Mấy cái hồ trong, một dãy phố dài
Cửa vẫn cửa, tường vẫn tường, thế thế
Một năm của đời sông? Vẫn là lời sông bể
Một năm của đời rừng? Vẫn khúc hát rừng xưa  

Một năm của đời vườn là mấy cơn mưa
Một năm của đời chim là mấy lần rời tổ
Chậm chạp quá trước tình yêu ta đó:
Mới giận ban chiều, đã thương nhớ ban mai…  

Một năm đời cánh đồng tấp nập những mùa.
Một năm đời con đê đắp nghìn nghìn khối đất
Một năm đời con đường bao nhiêu xe tấp nập
Em ơi em, ta chậm biết chừng nào…  

Đã lại một năm mừng đón hoa đào
Anh đi bên em giữa dòng người cuồn cuộn
Chuông thời gian đã điểm giờ tròn nhưng vẫn còn chưa muộn
Ta đi giữa dòng đời ríu rít thấy tin yêu.

Đã lại sắp sửa một năm tròn nữa rồi. Đồng hồ thời gian đang rung lên những khắc cuối. Thêm một khắc trôi qua, nhà thơ Phạm Tiến Duật càng xa cõi nhân thế này hơn, càng cách trở hơn trong đường xa vạn dặm của cõi âm dương cách biệt. Nhớ nhà thơ Phạm Tiến Duật chỉ biết tìm trong mênh mông cõi vô thường này những mảnh hồn ông gửi lại.--PageBreak--

2. Năm nay ngoài đám giỗ tổ chức tại nhà riêng của gia đình còn có một nơi thứ hai mà bạn bè và những người yêu thơ Phạm Tiến Duật tới để tưởng nhớ anh. Đó là Chùa Linh Quang, ngõ Văn Chương, Khâm Thiên. Sinh thời, nhà thơ Phạm Tiến Duật sống lãng tử. Sự hào hoa phong nhã và nét đa tình của người lư äthứ  đã làm mê đắm không biết bao nhiêu trái tim người yêu thơ. Khi ông mất đi, có biết bao người hâm mộ ông, yêu ông tưởng nhớ đến ngày này. Ai ở Hà Nội thì đến nhà thắp cho ông nén nhang, người ở xa thì gọi điện thoại, thậm chí thắp cho ông một nén hương tưởng nhớ ngay tại nhà mình.

Có một người đàn ông đi xe ôm đến thắp hương cho nhà thơ Phạm Tiến Duật. Người đàn ông có vẻ ngoài bụi bặm của người lao động với chiếc áo khoác sờn vai. Ông đến trước di ảnh của nhà thơ Phạm Tiến Duật thắp cho ông nén nhang và trò chuyện với di ảnh như thể trước mặt ông là một Phạm Tiến Duật bằng xương bằng thịt: "Bác Duật ơi, trận bia hôm đó, bác say, bác thua em. Bác hứa với em sau khi đi viện về, tớ tỉ thí với cậu một chầu cho cậu biết tửu lượng của tớ. Vậy mà bác đi viện một mạch từ bấy cho đến nay em chẳng gặp được bác. Bây giờ mới tìm được bác, thì sao bác đã ngồi trên bàn ngắm chuối cả nải thế này rồi". Người đàn ông vừa nói vừa cười bông đùa, nhưng trên má ông hai hàng nước mắt vừa rơi.

Thật ra, dù trọng bệnh nhưng nhà thơ Phạm Tiến Duật không bao giờ nghĩ rằng thần chết sẽ đến bắt ông đi vào một ngày. Ông lạc quan và hồn nhiên ngay cả trong cơn mê, sau cơn mê. Những ngày trong bệnh viện lại là những ngày Phạm Tiến Duật đón nhận được tình cảm nồng nhiệt của bao người thân, bạn bè và đặc biệt là những người hâm mộ. Đông đảo những người yêu thơ Phạm Tiến Duật từ trong Nam ngoài Bắc, từ miền núi cao đến vùng địa đầu Móng Cái nghe tin nhà thơ Phạm Tiến Duật bị trọng bệnh đã tìm đến với ông. Họ ghé thăm ông, nhìn mặt thần tượng của họ, nắm tay động viên, dù chỉ là một câu nói, một ánh nhìn rưng rưng thì đối với họ hay về phía nhà thơ Phạm Tiến Duật đấy là niềm hạnh phúc tuyệt vời nhất mà đời một nhà thơ như ông may mắn được đón nhận.

Phạm Tiến Duật cũng không hình dung hết, thơ ông có một sức mạnh phi thường đến vậy. Những ngôn từ ông thốt viết trên dải Trường Sơn, hay trong khói lửa của trận chiến, hay dưới hố bom còn khét mùi bom đạn có sức lay động hồn người, tiếp thêm sức mạnh cho tinh thần yêu nước chí căm thù giặc của không chỉ những người lính mà của hàng triệu những người dân trên mọi mặt trận. Chính vì thế, những người nông dân hiền lành chất phác kia, đọc thơ Phạm Tiến Duật, nghe thơ ông, chỉ biết ngắm ông trong tưởng tượng, hay may mắn sau này được nhìn thấy ông trên tivi. Giờ đây biết tin ông ốm, họ lặn lội đường sá xa xôi với một mong ước rằng, lúc ốm đau, cận kề sống chết, thần tượng của họ rất cần sự động viên chia sẻ.

Những ông già trên những vùng núi Bắc Cạn, Sơn La, Lai Châu mang cả gánh thuốc lá về biếu nhà thơ Phạm Tiến Duật để chữa bệnh. Ai ai cũng mong cho nhà thơ qua khỏi cơn gian nguy, vì thế ai biết thứ thuốc gì hay đều cạy cục mang về hiến kế cho nhà thơ chữa bệnh. Hay nhất là giai đoạn nằm ở Bệnh viện 108, có một người nông dân ở Hà Tĩnh chỉ thuộc mỗi bài "Gửi em cô thanh niên xung phong" của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Nhờ bài thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật mà anh ta lấy được vợ nguyên là một cô thanh niên xung phong ở Hương Khê. Khi con trai là bộ đội, ốm nặng nằm Bệnh viện 108, ông theo ra Hà Nội chăm con. Biết tin trong bệnh viện có nhà thơ Phạm Tiến Duật, ông tìm đến giường bệnh của nhà thơ với 3 củ khoai rất to và ngon. Ông rơm rớm nước mắt, quệt mu bàn tay sần sùi, chiếc áo sờn vá và ngồi thụp xuống bên giường bệnh, nói với Phạm Tiến Duật: "Nhà tôi nghèo lắm, chẳng có gì đáng giá để làm quà cho nhà thơ, tôi chỉ có mấy củ khoai lang luộc mang từ quê ra, biếu nhà thơ nếm vị khoai cát của Hà Tĩnh".

Phạm Tiến Duật nhận 3 củ khoai của ông già, nước mắt chảy ra. Lần đó, Phạm Tiến Duật vừa tỉnh dậy sau cơn mê lần thứ 2. Ông đã nói với người thân túc trực cạnh ông rằng: "Đợt này, khoẻ, xuất viện, anh sẽ viết một ký sự dài "Hành trình nằm viện" để gửi cho báo của Hữu Ước. Cái ký sự này hay lắm, xúc động lắm, nó là một mảng vô cùng quan trọng trong tuyển tập sau này của anh. Có ốm đau, nằm xuống mới thấm hết được cái nghĩa tình đồng đội, bạn bè, nghĩa tình của nhân dân đã yêu thương mình như thế nào".

Cho đến lúc ấy, nhà thơ Phạm Tiến Duật vẫn tin rằng ông sẽ bình phục, sẽ khỏi bệnh. Ông nói với người thân rằng: "Ngày anh đi vào chiến trường B, rong ruổi trên dải Trường Sơn bom đạn mà không chết, thì bây giờ, không có lý do gì để thần chết đến và bắt anh đi". Tôi nhớ tới bài thơ "Đi trong rừng" của nhà thơ Phạm Tiến Duật và tự hỏi, không biết giờ này, Phạm Tiến Duật đang phiêu du ở đâu trong cõi tang bồng.

Anh đi trong rừng, lá vỗ trên cao,
Gió bốn bề cây; cây ngả nghiêng chào,
Lay bóng đậm gió thổi vào đốm nắng.
Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng
Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay;
Cây bồng bênh cười vui suốt ngày,
Thân thẳng cây chò, cành ngang cây bứa;
Cây nhựa trắng là cây si, cây sữa,
Nhựa vàng cây dọc, nhựa đỏ cây nò,
Cây nứa mọc đứng, cây giang mọc bò,
Cây tầm gửi mọc ngồi đỏng đảnh,
Cây lim uy nghi, sa nhân mà mỏng mảnh,
Dạ hương của đêm, mắc cỡ của ngày.
Da bàn tay thường chạm với da cây,
Khuôn mặt người chạm vào mặt lá…

Cách đây không lâu, Trung tâm Văn hoá Doanh nhân có trao giải thưởng cho tuyển tập thơ lần 1 của nhà thơ Phạm Tiến Duật với số tiền 50 triệu. Sau khi trích 4 triệu gửi cho 2 con trai của nhà thơ, Trung tâm quyết định đầu tư toàn bộ số tiền còn lại kết hợp với CLB Thơ Việt Nam để sử dụng vào việc đúc tượng và xây nhà lưu niệm cho nhà thơ Phạm Tiến Duật nhằm lưu giữ tất cả các kỷ vật liên quan đến nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Việc đúc tượng được tiến hành từ tháng 6 năm 2009 do nghệ nhân Phạm Văn Bảy ở Bắc Ninh thực hiện. Hiện nay bức tượng đang đi vào hoàn thành giai đoạn cuối. Để hoàn thành được nhà lưu niệm như dự định tốt đẹp của Trung tâm VHDN và CLB Thơ Việt Nam chắc chắn sẽ còn cần đến tấm lòng hảo tâm của các nhà tài trợ chung tay góp sức. Dự định nhà lưu niệm của nhà thơ Phạm Tiến Duật sẽ đặt ở Phú Thọ quê hương ông

.
.