Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu:

Tìm lại một thời binh lửa

Chủ Nhật, 22/09/2013, 11:10
Luôn đọc, luôn nghĩ, luôn viết, luôn phải “tập thể dục cho trí não” đó là châm ngôn sống của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu. Có lẽ bởi quan niệm như thế, nên những ngày tháng nghỉ hưu của ông, lại là thời gian bận rộn nhất.

Ông lần lượt cho ra mắt những tập thơ, hồi ký, ghi chép hàng trăm trang sách. Ông chia sẻ rằng, đọc được những cuốn sách hay và viết được những trang văn lưu giữ một thời tuổi trẻ của cuộc đời, đối với ông là công việc cần kíp như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Ông viết chẳng phải để lưu danh, mà chỉ đơn giản là ông muốn nâng niu, trân trọng lưu giữ lại những kỷ niệm về một phần đời, một phần ký ức không thể nào quên lãng, không thể nào mất mát...

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu sinh ra tại mảnh đất xứ Nghệ nhiều thương khó. Tròn 16 tuổi, đất nước có chiến tranh, ông ra đi, đồng hành cùng đồng đội trên những nẻo đường chiến đấu khốc liệt. Đó là những năm tháng không bao giờ quên trong cuộc đời người lính đã có tới 45 tuổi quân và mang trên mình nhiều thương tích chiến tranh.

Ông kể lại: “Thực ra, tôi đã trốn cha tôi để đi bộ đội. Ngày đó, cha tôi đang tham gia khai hoang ở cách nhà 30 cây số. Tôi sợ nói ra cha tôi không cho đi vì thời điểm ấy tôi chưa đủ tuổi mà “tự động” khai tăng thêm tuổi để được nhập ngũ. Tôi nghĩ, khi vào đến miền Nam tôi sẽ viết thư về xin phép cha sau cũng chưa muộn. Ngày lên đường, mẹ trao tôi 7 đồng bạc. Tôi ôm choàng lấy mẹ trước giờ chia tay trong nước mắt. Và đó cũng là lần cuối cùng tôi được ôm mẹ vào lòng. Hai năm sau, ngày tôi còn ở chiến trường thì nhận được thư cha báo tin mẹ qua đời. Tôi chỉ biết khóc ròng như một đứa trẻ lên ba”.

Không ngờ rằng, cuộc trốn đi bộ đội trước tuổi ấy, đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời cậu bé Nguyễn Mạnh Đẩu. Từ một anh lính liên lạc nhanh nhẹn, hăm hở, mê say trong đơn vị đặc công, đi hết chiến trường Lào đến chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đường 9 - Nam Lào, trải qua những cái chết “hụt” khi chiến đấu trực tiếp với địch, có lúc tưởng sẽ là một phế binh mãi mãi, ông đã trở thành một vị tướng với những chức danh quan trọng: Cục trưởng Cục Chính sách, Phó Hiệu trưởng Chính trị Trường sĩ quan Lục quân 1, Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu nhớ lại: Trong chiến đấu, tôi có nhiều lần chết hụt. Đáng chú ý nhất là lần bị thương nặng khi tấn công Cao điểm 550 trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Địch phát hiện ra tôi đang chỉ huy ngắm bắn quả đạn B41 vào đại liên của chúng. Một loạt tiểu liên của địch bắn trả. Tôi thấy đau nhói ở lưng, tức ngực không thở được. Máu ở lưng trào ra, đồng thời cả mũi và miệng của tôi đều ộc máu, lại phì phò thành đợt theo nhịp thở. Sau này tôi biết là viên đạn đã xuyên qua sườn, cắm phập vào phổi, thủng phế quản.

Mặc dù đau lắm, nhưng tôi vẫn tỉnh táo. Lúc đó đạn của địch vẫn xối xả. Cậu Tấn liên lạc bế xốc tôi lên và dìu tôi vào một mô đất gần đó để tránh đạn và cấp cứu. Cậu Đỉnh y tá cầm cả cuộn băng ép chặt vào miệng vết thương và dùng mấy cuộn băng khác quấn chặt mấy vòng quanh ngực, máu mới cầm lại và tôi thấy dễ thở hơn. Lúc đó, cậu Dũng điện đài 2 oát, cách đó vài mét, gọi thẳng về Trung đoàn và Sư đoàn mà không còn dùng mật khẩu nữa: “Báo cáo Thủ trưởng, anh Đẩu đã hy sinh tại trận địa”.

Tôi lặng người đi, nghĩ rằng mình khó có thể sống được, nhưng vẫn kịp nhắc anh Trần Viết Xuân, Đại đội trưởng xốc lại đội hình, dùng hoả lực chi viện, chỉ huy đơn vị nhanh chóng đánh thốc lên, bằng mọi giá phải dứt điểm sớm, ngập ngừng là hy sinh hết. Rồi với chút sức lực yếu ớt còn lại của mình, tôi ghé sát vào tai anh Hứa Tiểu Liên là đồng hương Nghệ An, nhắn với Liên rằng: “Ngày toàn thắng nếu Liên còn sống, trở về quê thì kể với cha mình là mình đã hy sinh ở đây, trong trường hợp này... Rồi tôi lịm đi và được đưa vào tuyến sau cứu chữa”.

Vết thương nặng đó đã không cho phép ông được tiếp tục chiến đấu trên chiến trận, mà ông phải trở ra Bắc sau hàng tháng trời nằm cáng, có lúc buộc phải nằm lại một mình trong rừng, có lúc tưởng không trụ nổi những cơn đau quằn quại. Ông ra Bắc và được cử đi học để trở thành một người cán bộ chỉ huy trên những mặt trận “chiến đấu” khác.

Hồi ấy, trong bối cảnh đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, bắt đầu công cuộc đổi mới, là Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Chính sách, ông đã chủ trì cùng tập thể Đảng ủy và Thủ trưởng Cục tham mưu đề xuất lên Tổng cục Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng về chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội như: Chính sách tiền lương, phụ cấp; Chính sách khen thưởng; Chính sách đối với người có công…

Đã đề xuất với Đảng ủy Quân sự Trung ương trình Bộ Chính trị và Nhà nước việc phong tặng, truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT cho các tập thể và cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến. Đặc biệt là, ông đã cùng tập thể Cục Chính sách tham mưu đề xuất lên trên việc phong tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng - một chính sách có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, được toàn dân hưởng ứng. Ông cho rằng, đó là những việc làm để trả nghĩa  đối với những người đã hy sinh nơi chiến trận - trong đó không ít người là đồng đội chung một thời máu lửa chưa bao giờ nguôi ngoai trong nỗi nhớ của ông.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu là một người trân trọng quá khứ. Dù biết số phận của mỗi con người dường như đều do ông trời định đoạt, song trong mỗi hoàn cảnh, ngược lại, chính con người mới đổi thay được số phận của chính họ. Cuộc đời ông, đôi khi nhìn lại ông ngỡ đó là một giấc mơ, một giấc mơ có thật mà ở vào cái tuổi ngót thất thập cổ lai hy, ông mới có thời gian ngồi yên tĩnh một mình trong phòng đầy những kỷ vật với một trái tim nóng hổi để hồi ức bằng những trang viết tâm huyết.

Tiếp theo cuốn Hồi ký Những nẻo đường thời gian (NXB Quân đội nhân dân - 2010), cuốn sách mới xuất bản trong những ngày tháng 8 lịch sử này với tiêu đề Những kỷ niệm đời tôi (NXB Quân đội nhân dân - 2013) như một thước phim quay chậm cuộc đời vị tướng trực tính, thẳng thắn nhưng cũng đầy chân thành như bản tính người dân xứ Nghệ. Trong đó, ông kể về ba lần được tiếp kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, viết về Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp…

Gần gũi hơn, ông kể lại những kỷ niệm với người cha kính yêu, với làng Đại Xá quê ông một thời nghèo khó, thân thương, về những ngày tết ở quê hay những lúc chơi cùng bạn trẻ quê nhà… Những trang sách của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, như lời nhận xét của Giáo sư Nguyễn Đình Chú: “Này đây là cái sự giàu. Không phải giàu ngọc ngà, châu báu. Mà đây là giàu quan hệ, giàu kỷ niệm, giàu trải nghiệm, giàu tình nghĩa để rồi được bình luận, được giãi bày sẻ chia, được nâng niu trên từng trang viết. Và tôi như được uống một cốc nước mát giữa những ngày nóng nực, oi bức…”.

Tôi hỏi Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu: “Mấy cuốn sách dày tới cả nghìn trang, có đến dăm bảy trăm con người trong đó, mà người nào ông cũng nhớ rành rẽ từng chi tiết, vậy đấy là vì lợi ích từ việc viết nhật ký chiến trường, hay đơn giản ông nhớ bằng ký ức?”.

Ông cười hiền: “Thực ra, khi ở chiến trường tôi cũng đã viết nhật ký ghi lại những kỷ niệm trong ác liệt, gian khổ. Nhưng khi đi chiến đấu trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, tôi gửi nhật ký lại hậu cứ của đơn vị, và cuốn nhật ký khá dày đó đã bị cháy trong một lần máy bay địch oanh kích. Tất cả sự kiện, con người tái hiện trên từng trang viết của tôi được “rút ra” từ trong hồi ức. Dù đã rời cuộc chiến mấy chục năm, song chưa bao giờ lớp người chúng tôi thấy mình hết trách nhiệm với quá khứ.

Quá khứ vẫn còn hiện hữu trong những lần về thăm các gia đình liệt sĩ, thăm đồng đội cũ, hoặc bằng những lần viếng thăm của thân nhân những người bạn đã hy sinh mà đến nay chưa tìm thấy mộ. Mỗi dòng tên đồng đội được lưu giữ trên từng trang viết, với tôi, là một kỷ niệm đẹp, vì họ dù ít dù nhiều đã gắn bó với tôi trong một quãng đường đủ dài của hành trình sống.

Sau những lúc ngồi bên bàn viết, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu chăm chỉ tập thể thao, chơi tennis để rèn luyện sức khỏe. Giờ đây, niềm vui lớn của ông là được sum vầy bên con cháu, bên người vợ tảo tần - bà Trần Thanh Liễu, bác sỹ quân y nghỉ hưu - người đã tròn 40 năm bên ông trong những ngọt bùi của cuộc sống để vun đắp nên một gia đình hạnh phúc. Ông nghiệm ra rằng, sau mấy chục năm trong quân ngũ, nay trở về đời thường, không có gì vui hơn bằng việc làm người cha, người ông là tấm gương cho các con cháu noi theo.

Trong bài “Đôi lời tâm sự với các cháu thân yêu”, ông chia sẻ: “Trong cuộc sống, cái quan trọng nhất là thế giới quan và phương pháp luận. Câu chữ to tát là thế, nói một cách đơn giản dễ hiểu là, con người ta phải có cách nhìn đúng về mọi việc xung quanh và có cách xử sự hợp pháp, hợp lý, hợp tình trước các hoàn cảnh. Phật tổ dạy rằng: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Cả một đời, ông tâm niệm điều đó là hoàn toàn đúng. Trong cuộc sống, con người vừa là nhân vừa là quả của chính mình. Nói cách khác, con người vừa là tác giả kịch bản, vừa là đạo diễn, lại vừa là diễn viên của vai mình trên sân khấu cuộc đời…”.

Đồng chí Lê Khả Phiêu nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã viết khi đọc cuốn sách của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu: “Từ một chàng trai tình nguyện nhập ngũ khi chưa đủ tuổi, Nguyễn Mạnh Đẩu đã gắn bó cả cuộc đời với quân ngũ. Anh đã tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt, và sau này giữ nhiều cương vị quan trọng trong quân đội.

Nguyễn Mạnh Đẩu là một cán bộ nhiệt tình, xông xáo, quyết đoán, có tầm nhìn và sống tình nghĩa, nên ở mọi vị trí công tác, anh đều để lại dấu ấn cho đơn vị và ấn tượng, tình cảm tốt đẹp cho đồng chí, đồng đội”. Riêng với ông, những lời khen ngợi ấy một lần nữa thắp lên trong ông một ngọn lửa của niềm tin, của tình yêu vào những trang viết, bởi còn rất nhiều bạn đọc, những đồng đội trân trọng nâng niu những con chữ của ông, như nâng niu chính một quãng đời gian khổ mà oai hùng, bi tráng của họ.

Như lời thơ trong bài Về lại chốn xưa ông đã viết: “...Tìm lại dấu xưa một thời binh lửa/ Tuổi đôi mươi có ai còn nhớ/ Điệu khúc hào hùng khốc liệt một thời trai/ Bước chân ta qua biết mấy dặm dài/ Kỷ niệm còn đây từng lùm cây hốc đá/ Kỷ niệm còn đây bao người đã ngã/ Ta khắc tạc trong lòng bằng sắc đỏ máu con tim/ Về lại chốn xưa ta mải miết dõi tìm…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.