Tiếng tụng kinh trong nhà một vị tướng

Thứ Ba, 05/01/2010, 16:09
Hơn 25 năm tôi mới lại gặp ông. Không ngờ sức khỏe của ông sa sút đến thế. Ông không còn giữ được vóc dáng mạnh mẽ, thân hình quắc thước như ngày nào tôi mới gặp. Ông vừa trải qua một trận ốm nặng vì bị tai biến mạch máu não, tuy đã dần hồi phục nhưng nói vẫn chưa thật tròn tiếng, trí nhớ không còn được như trước, đi lại vẫn còn khó khăn.

Tôi nhớ lại lần đầu tiên gặp ông cách đây 37 năm, lần gặp đọng lại trong tôi như là một kỷ niệm không quên…

Tấm ảnh và nụ cười của vị Chính ủy

Đầu năm 1972, tôi và anh Thanh Tụng, phóng viên nhiếp ảnh của Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ, từ căn cứ của Ban Tuyên huấn Khu ủy V nhận nhiệm vụ xuống Quảng Đà làm phóng viên thường trú tại chiến trường này. Sau mấy ngày đêm theo giao liên cuốc bộ từ Trà My về tới gần Sơn Phước, một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, chúng tôi được tin lính Sài Gòn đang mở chiến dịch tấn công lên đây, đường dây giao liên xuống căn cứ của Đặc Khu ủy Quảng Đà bị cắt đứt, không thể đi tiếp.

Cô giao liên dẫn đường cho biết, để đảm bảo an toàn, chúng tôi phải đi theo đường mới, vòng ngược trở lại trên núi cao để tránh các đoạn đường có lính Sài Gòn phục kích rồi mới có thể xuống Quảng Đà. Nếu đi theo đường cũ, chỉ còn gần hai ngày đêm chúng tôi đã có thể xuống tới căn cứ Quảng Đà, còn đi theo đường mới, vòng lên núi thì phải mất thêm ba ngày nữa mới tới nơi. Cả hai anh em chúng tôi đều rất ngại đi đường xa nên đề nghị cứ đi theo đường cũ nhưng không được. Giữa lúc còn đang "dùng dằng" đó thì bất ngờ chúng tôi gặp ba anh bộ đội giải phóng đi tới. Tôi đoán người đi giữa, cao to, đứng tuổi, có khuôn mặt chữ điền, đôi lông mày lưỡi mác rậm trên đôi mắt tinh anh, sắc sảo, chắc là thủ trưởng, còn hai người lính đi theo chắc là bảo vệ. Chúng tôi chưa kịp chào hỏi thì, có lẽ thấy cả hai anh em chúng tôi khoác ba-lô, có máy ảnh đeo trên người, anh bộ đội đứng tuổi hỏi ngay:

- Hai nhà báo hả? Có xuống Quảng Đà không đấy?

Chúng tôi quá mừng, như có "quý nhân phù trợ", nói luôn:

- Vâng, chúng tôi xuống Quảng Đà. Thủ trưởng có xuống đó cho chúng tôi đi cùng.

Anh bộ đội "thủ trưởng" đó cười rất tươi, rồi hỏi thẳng:

- Đường xuống đó đang bị địch phục kích, nhà báo có dám đi không?

Chúng tôi đều hồ hởi nói "dám đi", rồi tạm biệt cô giao liên "dân chính" để cùng ba anh bộ đội theo đường dây quân sự xuống Quảng Đà. Đến lúc đó chúng tôi mới biết "anh bộ đội thủ trưởng" tên là Mai Thuận, Trung tá, Chính ủy Trung đoàn 36, Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận IV Quảng Đà. Chiều hôm đó, trong lúc dừng chân nghỉ tạm trong một căn lán của một đơn vị bộ đội chờ trinh sát đi nắm tình hình để tối xuống là vượt qua đoạn đường thường hay có địch phục kích, tôi lấy chiếc máy ảnh Pratika cũ kỹ mang theo chụp mấy tấm ảnh kỷ niệm. Một trong những tấm ảnh đó tôi đã chụp Trung tá Mai Thuận ngồi giữa hai chiến sĩ bảo vệ, với nụ cười tươi, mà mãi 37 năm sau tôi mới có dịp trao tận tay ông.

Ông "Thuận khàn" và "Cả nhà tớ đều là lính"

Nhận tấm ảnh nhỏ chụp ông với hai người lính bảo vệ từ 37 năm trước, ông Mai Thuận rất vui. Vẫn nụ cười và ánh mắt như trong tấm ảnh chụp từ 37 năm trước, chỉ có điều trông hiền hơn, kém sắc sảo hơn, có lẽ vì ông đã bước vào tuổi 80 mà lại vừa trải qua trận ốm nặng, trí nhớ không còn được như trước. Nhìn tấm ảnh cũ, ông vẫn nhận ra mình và một người lính bảo vệ tên là Hành, còn người lính kia thì không sao nhớ nổi tên.

Năm 1984, sau 12 năm kể từ lần gặp đầu tiên ấy, tôi gặp lại ông Mai Thuận tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, khi ông về đây dự một lớp học Nghị quyết ngắn ngày dành cho cán bộ cao cấp trong Quân đội, còn tôi đang theo học một lớp tập trung, dài hạn tại đây. Lúc này ông đã là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn II, đóng tại Bắc Giang. Ông Mai Thuận là người cởi mở, vui tính. Nhưng những chuyện ông kể với tôi về đời lính của mình đến nay tôi còn nhớ không phải là trong cuộc gặp sau này mà là trong lần gặp đầu tiên với ông, trong gần hai ngày đêm cùng đi đường với ông từ 37 năm trước.

Ông quê ở Dư Hàng Kênh, Hải Phòng. Năm 17 tuổi, đang theo cha làm công nhân "dây thép" (bưu điện) thì chàng thanh niên Mai Thuận trốn nhà, khai tăng thêm một tuổi để đi bộ đội. Năm 1947, trong một trận chiến đấu ở Cầu Đuống, anh bị thương. Một viên đạn của địch xuyên qua cổ, chạm vào thanh quản khiến anh mất tiếng, gần một năm sau mới nói được, giọng cứ khàn khàn, nên đồng đội đặt cho anh biệt danh là "Thuận khàn". Cái biệt danh "Thuận khàn" ấy theo ông đến tận bây giờ. Sau này, trong những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Quảng Đà, ông bị thương lần thứ hai, vào sống lưng, đến nay mỗi khi trở trời các vết thương cũ vẫn còn hành hạ ông.

Năm 1954, ở tuổi 25 chàng trai Mai Thuận là Đại đội trưởng của Trung đoàn 36 - Trung đoàn bộ binh cơ giới mang tên Bắc Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang, tên địa phương nơi thành lập), thuộc Đại đoàn (sau này là Sư đoàn) 308 Quân tiên phong lừng danh, do tướng Vương Thừa Vũ làm Đại đoàn trưởng. Đại đội của anh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trong đội hình của Trung đoàn 36 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Hồng Sơn, cùng Trung đoàn tiêu diệt 5 cứ điểm: Bản Kéo, 106, 206, 311B, 316, sáng tạo ra chiến thuật đánh lấn, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Mai Thuận được điều về làm Phó ban Tổ chức của Đại đoàn 308 chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Năm 1956, ông cưới vợ. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Bảy, là cô gái vùng đất Quan họ Từ Sơn, Bắc Ninh, theo gia đình tản cư lên Thái Nguyên, năm 1953 theo anh trai vào bộ đội, làm y tá trong một Quân y viện ở Thái Nguyên, nơi ông Mai Thuận từng điều trị vết thương. Gặp nhau, yêu nhau suốt mấy năm, hai người hẹn nhau sau khi hòa bình mới làm lễ cưới. Điều thú vị là đám cưới của bà Nguyễn Thị Bảy lại diễn ra cùng một lúc với đám cưới của anh trai mình, một chiến sĩ trong đại đội do chồng mình làm Đại đội trưởng, ở hội trường của Nhà Bưu điện Bờ hồ Hà Nội trước đây.

Lần đi đường cùng ông Mai Thuận 37 năm trước, tôi nhớ mãi câu nói của ông: " Tớ, vợ tớ và con gái tớ đều là bộ đội. Cả nhà tớ đều là lính!". Sau này tôi mới biết, không những ông, vợ ông, con gái đầu lòng của ông mà cả hai người con trai và người con rể của ông đến tuổi trưởng thành đều vào bộ đội, cả nhà ông đều là lính!--PageBreak--

Tiếng cầu kinh trong căn nhà vị tướng

Đến thăm ông Mai Thuận vào một buổi sáng chủ nhật gần ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12 năm nay, sau biết bao lần tim kiếm điện thoại và nhà riêng của ông, tôi được gặp cả vợ ông, bà Nguyễn Thị Bảy, cô nữ y tá quân y năm xưa.

Ở tuổi 75, bây giờ bà Bảy vừa là bác sỹ, vừa là y tá, vừa là hộ lý của chồng mình, nâng từng giấc ngủ, lo từng viên thuốc, chăm từng bát cơm, thìa cháo cho ông. Bà kể với tôi về tình nghĩa vợ chồng suốt 53 năm qua, trong đó có hơn 30 năm vợ chồng thường xuyên xa nhau, bà một mình nuôi con, chờ chồng biền biệt suốt những năm chiến tranh.

Năm 1968 ông Mai Thuận vào Nam chiến đấu, còn bà trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc nhiều năm theo Đội Điều trị Quân y tiền phương vào Khu IV cứu chữa thương binh, nhiều lần gửi con cho cha mẹ, anh em họ hàng trông nom. Cả ba người con cứ đến tuổi trưởng thành đều theo con đường của cha mẹ vào bộ đội.

Người con gái đầu là đại úy ở Bộ Tư lệnh Thông tin trước khi về hưu, chồng là Thượng tá ở Bộ Tư lệnh Thiết giáp. Cả hai người con trai của ông bà cũng đều vào lính: một là chiến sĩ thông tin trước khi chuyển ngành, một hiện là thượng tá, công tác tại Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô. Còn bà, trước khi nghỉ hưu là đại úy, công tác tại Quân y viện 354.

Trước khi đến thăm ông bà, tôi cứ hình dung với chức tước như thế, công lao như thế, tướng Mai Thuận chắc phải ở trong một biệt thự rộng rãi, sang trọng. Nhưng không phải. Ông bà ở trong một căn hộ tầng một của ngôi nhà tập thể cao tầng xây từ hàng chục năm trước trong khu Nam Đồng mà ông Mai Thuận được cấp khi ông từ chiến trường ra và được thăng cấp tướng.

Trước đó, vợ con ông còn phải ở trong một căn phòng nhỏ ngăn ra từ một nhà tắm tập thể của quân đội. Căn phòng khách của ông bà hiện nay chỉ kê đủ hai chiếc ghế sa-lông, có lẽ chỉ rộng 6 - 7m2, đồ đạc chẳng có gì gọi là quý giá, ngoài một chiếc tivi kiểu cũ và những vật kỷ niệm một đời trận mạc của một vị tướng. Từ chiếc phích pha nước là tặng phẩm của Ủy ban nhân dân phường Dư Hàng Kênh, quê ông, tặng, đến những bức tranh, bức phù điêu sơn mài của "Ban Liên lạc cựu chiến binh E 36 - Bắc Bắc Anh hùng, F 308 Quân Tiên phong Quảng Đà, Quân khu V" hay của "Trung ương Hội Cựu chiến binh tặng nhân "Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điên Biên Phủ"… còn có nhiều kỷ vật gắn liền với đời lính suốt mấy chục năm của ông.

Năm 1993, Sau khi nghỉ hưu, Tướng Mai Thuận có 15 năm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Đống Đa, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc điôxin Hà Nội. Hai năm trước, hàng tuần, người lính già ở tuổi 80 vẫn tự đi xe máy tới trụ sở của Hội, chăm lo cho các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam.

Chỉ đến gần đây, sau một tai nạn xe máy và nhất là giữa năm nay sau lần bị tai biến mạch máu não, sức khỏe và trí nhớ giảm sút, Tướng Mai Thuận mới nghỉ hẳn công việc. Niềm vui của ông bà hiện nay là được ở gần các con cháu. Ông bà đã có 6 cháu nội, cháu ngoại, chỉ có điều, như bà nói vui với tôi: "Tất cả đều là công chúa, đều là "hoàng tử ngồi"! Căn hộ cũ kỹ của ông bà rộng hơn 60 m2 hiện được chia làm ba, ông bà ở phòng giữa, vợ chồng hai người con trai và các cháu ở hai phòng bên cạnh. Căn hộ đó không thể gọi là rộng rãi, đồ đạc không có gì là sang trọng như tôi hình dung.

Trong lúc ông Mai Thuận và tôi cùng xem lại tập ảnh kỷ niệm của gia đình thì tôi nghe thấy tiếng gõ mõ tụng kinh từ phòng trong vọng ra. Tiếng gõ mõ tụng kinh trong một buổi sáng Hà Nội yên tĩnh, trời se se lạnh, khiến lòng tôi bâng khâng, xao xuyến. Đợi bà Bảy ra, tôi chào ông bà ra về. Tiễn tôi ra cửa, bà Bảy nói với tôi:

- Mấy năm nay, nhất là từ ngày ông nhà tôi lâm bệnh, ngày nào tôi cũng tụng kinh niệm Phật, mong Trời Phật ban phúc lành cho ông nhà tôi sớm khỏi bệnh, cho gia đình, con cháu được vui…

Tôi ra về mà như còn nghe tiếng gõ mõ và tiếng tụng kinh từ căn phòng của vị tướng lừng danh trận mạc năm xưa vọng theo. Tôi cầu mong lần sau trở lại Tướng Mai Thuận lại khỏe mạnh và minh mẫn, lại cười sảng khoái nói với tôi: "Cả nhà tớ đều là lính!", như lần tôi gặp ông  cách đây 37 năm

Dương Đức Quảng
.
.