Tiếng kèn Huy Sô vang mãi trời Phan Thiết

Thứ Hai, 17/09/2012, 11:35
Không ngờ Châu thổi hay đến nỗi, mỗi khi có lính mới đến học kèn, người đội trưởng phải nhờ cậu truyền nghề lại, để đi uống rượu, nhậu nhẹt với bạn bè. Sau đó, Châu còn được hiệu trưởng của một trường học tại Phan Thiết vời đến thổi kèn để cho học sinh chào cờ, vào thứ hai hàng tuần. Cậu bé Châu có biệt hiệu “Châu kèn” từ đó.

“Chiếc kèn đồng còn đó
Âm thanh sao chơi vơi
Đã tan vào vách đá
Đã hòa với biển trời…”.

Đó là những vần thơ do chính nhạc sĩ Huy Sô viết về cây kèn lịch sử, mà mình đã từng thổi làm hiệu lệnh tấn công cho các chiến sĩ chiến đấu chống giặc Pháp trên mặt trận sông Quao ngày nào. Ông đã tham gia nhiều cuộc chiến trên quê hương, cùng với tiếng kèn chiến thắng vang dội, tạo nên một khí thế hừng hực của quân và dân vùng biển Phan Thiết, trong những năm đầu của thập kỷ 50. Người ta đã dựng tượng ông, với cây kèn trumpet cùng chiến sĩ năm xưa để ghi dấu ấn một thời huy hoàng của lịch sử cách mạng tỉnh Bình Thuận.

Thật tình cờ tôi gặp nhạc sĩ Huy Sô và đi cùng ông tới mảnh đất chiến trường xưa, và đứng trước bức tượng, với bao cảm xúc khó tả. Đúng như ông đã từng tâm sự: “Tôi từ dưới thấp - Nhìn tôi trên cao/ Khoảng cách đâu xa lắm - Dường như mới ngày nào”.

Tiếng kèn đâu xa lắm…

Đúng là những ngày đó dường như mới ngày nào vậy, nhạc sĩ Huy Sô nhớ lại những ký ức không thể quên… Ngày thơ ấu lên mười, cậu bé Châu (tên khai sinh của nhạc sĩ) còn học lỏm cách thổi kèn, khi đội lính kèn của giặc Pháp đóng tại nhà mình. Cậu lấy trộm cây kèn để thổi, bởi đã thuộc rất nhiều điệu nhạc, mà chưa có dịp thể hiện. Nhưng mọi chuyện đâu có dễ, tiếng kèn thì như mèo hen, và cậu còn bị những tên lính kèn lột quần và phát vào mông vì tội nghịch ngợm.

Ấy thế rồi, cậu được chính họ dạy học và tiếng kèn của cậu ngày một lảnh lót và tươi sáng, mỗi khi bình minh thức dậy. Không ngờ Châu thổi hay đến nỗi, mỗi khi có lính mới đến học kèn, người đội trưởng phải nhờ cậu truyền nghề lại, để đi uống rượu, nhậu nhẹt với bạn bè. Sau đó, Châu còn được hiệu trưởng của một trường học tại Phan Thiết vời đến thổi kèn để cho học sinh chào cờ, vào thứ hai hàng tuần. Cậu bé Châu có biệt hiệu “Châu kèn” từ đó.

Nhưng mãi đến năm 1941, vào tuổi 13, khi vào Sài Gòn học trung học, cậu bé Châu mới có dịp học nhạc lý cơ bản, do thầy Lưu Hữu Phước giảng dạy. Trong ba năm liền, Châu học được nhiều thứ, rồi lang thang kiếm ăn, với bao sự nhọc nhằn, vất vả. Châu làm thêm nhiều nghề như thợ dệt, thợ may, phu hồ, nhưng cũng chẳng đủ ăn, rồi phải quay về quê hương, với cây kèn định mệnh của mình. Ở tuổi 17, Huỳnh Sanh Châu đi theo kháng chiến cùng bút danh Huy Sô, mỗi khi sáng tác bài hát để phục vụ cho công tác địch vận.

Huy Sô vừa thổi kèn vừa hát những ca khúc làm mủi lòng những tên lính đã trót theo con đường phản dân hại nước. Những bài hát ru của Huy Sô được truyền đi nhiều miền quê và phổ cập khắp mặt trận miền Nam. Những giai điệu quê hương đã làm cho không ít những người con lầm đường lạc lối, đào ngũ quay về với gia đình.

Mỗi khi vào trận đánh, tiếng kèn Huy Sô luôn vang lên như một hiệu lệnh thúc giục đoàn quân hăng say chiến đấu. Chiến thắng liên tiếp chiến thắng, từ mặt trận sông Quao, đến mặt trận Mũi Né, Tánh Linh… Những giai điệu bài ca Xung Kích của Huy Sô tạo nên âm vang lịch sử cách mạng kháng chiến trên quê hương Bình Thuận. Thế rồi đến 1954, nhạc sĩ Huy Sô được tập kết ra Bắc với nhiệm vụ mới.

Niềm vui  bạn bè và ngày gặp Bác

Nhạc sĩ Huy Sô tâm sự với tôi rằng không ngờ sau đó, năm 1962, ông trúng tuyển cuộc sát hạch rất khó khăn để đi học chỉ huy hợp xướng và sáng tác tại Nhạc viện Traicốpxki, ở Liên Xô. Không những thế, ông còn được bầu làm Bí thư Chi bộ của lớp học toàn những nhạc sĩ danh tiếng như Trọng Bằng, Đàm Linh, Nguyễn Đình Tấn, Bùi Gia Tường, Tạ Bôn, Lương Ngọc Trác, Vũ Tự Lân…

Nhưng sau hai năm học tập, năm 1964 về nghỉ hè tại quê nhà, thì giặc Mỹ bắt đầu có âm mưu đánh phá nước ta bằng cuộc chiến hủy diệt, nhạc sĩ Huy Sô đã nhận nhiệm vụ ở lại để tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Dù dở dang trong học tập nhưng tiếng kèn Huy Sô lại vang lên, trong những trận đánh trả quyết liệt của quân và dân ta chiến đấu chống máy bay Mỹ ném bom tàn phá các nơi trọng điểm. Nhạc sĩ Huy Sô làm Trưởng đoàn Văn công khu 4, rồi sau đó được điều sang làm Trưởng đoàn Ca múa Liên khu 5. Đây là mảnh đất ông phát huy được những sở trường của mình về âm nhạc quê hương.

Những sáng tác của ông liên tiếp ra đời trong giai đoạn này như: Tiến vào Khe Sanh, Cồn Cỏ anh hùng, Tình đồng chí, Dũng sĩ núi Thành… Vẫn những giai điệu kèn ấy, da diết trong veo tiếng của quê hương, rạo rực âm thanh biển trào lấp lánh trong mỗi bài ca của Huy Sô. Những ca khúc ấy đi vào từng trái  tim người lính Trường Sơn, như ấp ủ bằng những lời mẹ ru ca ngày nào. Và nhạc sĩ, chiến sĩ Huy Sô lại đêm đêm mang cây kèn quen thuộc ra thổi vang những bài hát về đất nước và phả vào tâm hồn từng chiến sĩ ngọn lửa chiến thắng trên mỗi bước đường hành quân ra mặt trận.

Và rồi thật vinh dự, nhạc sĩ Huy Sô được lệnh dẫn đoàn ra Hà Nội, biểu diễn tại Phủ Chủ tịch, năm 1968. Lần này nhạc sĩ được Bác Hồ tặng kẹo và khích lệ vì những thành tích phục vụ cho các chiến sĩ ngoài tiền tuyến, vì cuộc chiến giải phóng dân tộc dài lâu. Một kỷ niệm chẳng bao giờ phai trong ký ức của nhạc sĩ, ông khe khẽ hát lại bài hát mà ngày ấy phổ nhạc bài thơ Mẹ Suốt của nhà thơ Tố Hữu. Tôi lắng nghe, một giọng hát khê khàn theo năm tháng, nhưng lại tràn ngập với cảm xúc dâng trào. Dưới khóe mắt, những giọt nước mắt rơi trong nụ cười của người nhạc sĩ già đầy sương gió một thời.

Kèn ru vang mãi

Những lời hát cuối cùng ngừng lại, nhạc sĩ Huy Sô kể cho tôi nghe đến cái đận, năm 1971, ông được điều về buổi phát thanh binh vận (CP90), cùng với nhà thơ Tạ Hữu Yên, nhạc sĩ Nguyễn Thành và nhà văn Lê Phương. Thời điểm này cuộc chiến giải phóng miền Nam đang vào thời kỳ khốc liệt và chuẩn bị cho một thời kỳ Tổng tiến công, nên công tác địch vận quả là quan trọng hơn bao giờ hết. Nhạc sĩ Huy Sô như được trở về với sở trường của mình vì ông có nhiều kinh nghiệm trong thời kỳ làm địch vận ở quê nhà. Đặc biệt đó là những bài hát ru mang âm hưởng miền Nam, ông đã có từ trong máu sau bao năm nghiên cứu, học tập trong đời sống.

Thời điểm này nhạc của Huy Sô cùng với ca khúc của Nguyễn Thành, đã trở nên quen thuộc với bạn nghe đài. Nhiều bài hát và hợp xướng của Huy Sô được phát sóng hàng ngày, với các khúc như: Qua những nhịp cầu, Những tên làng gọi chúng ta đi, Tiếng hát người đi xa, Bài ca lao động… Từ đó những bài hát của ông đi theo từng bước chiến thắng của đoàn quân giải phóng; cùng với đó là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam 30-4-1975, thống nhất đất nước, trong niềm vui vô bờ bến.

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một nhạc sĩ kiêm phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng, Huy Sô trở về Phan thiết, với chức danh Trưởng đoàn Ca múa Thuận Hải. Sau thời điểm tách tỉnh, ông làm Phó giám đốc Sở VHTT, kiêm Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Bình Thuận, cho đến khi về hưu, năm 1991. Nhưng đặc biệt, trong thời kỳ này chính quyền thành phố đã dựng một cụm tượng, trong đó có hình ảnh ông thổi kèn, tiêu biểu cho một thời đoạn lịch sử tươi sáng, nằm trong quá trình phát triển cách mạng của tỉnh Bình Thuận. Nhạc sĩ Huy Sô trở thành một biểu tượng gắn liền với cây kèn của quê hương. Hiện cây kèn mà ông đã thổi bài ca xung kích được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, như một kỷ vật lịch sử thiêng liêng một thời.

Sau khi về hưu ông vẫn sáng tác đều đặn, với nhiều tác phẩm mới, trong đó là những hợp xướng về quê hương đất nước. Ông được không ít giải thưởng trong thời gian này và có thể nói, sức sáng tạo trẻ trung vẫn còn tràn trề trong ông, với nhiều dự định táo bạo.  

Ngay sau khi nhận giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, với tác phẩm Nam quốc sơn hà, vào đầu năm 2012; nhạc sĩ  Huy Sô đã bắt tay vào việc hoàn thành một  hợp xướng mới về Bác Hồ, có tiêu đề Cả cuộc đời thao thức. Ông cho hay đây là cảm xúc của ông về hình tượng một lãnh tụ qua những đêm không ngủ, trọn một đời lo cho nước cho dân. Trong hợp xướng này, sẽ có những giai điệu kèn xen kẽ, nổi lên như một tình cảm da diết thương yêu Bác, người đã một đời thao thức vì dân tộc. Những âm hưởng dân ca của một vùng đất Chăm, một thời nhạc sĩ đã từng học thuộc qua lời ru của người  mẹ thân yêu, lúc còn nhỏ, được lấy làm chủ đạo cho cấu trúc tác phẩm. Và giờ đây tiếng kèn và lời ru ấy lại vang lên với ánh sáng mênh mông của biển cả và ánh sáng lung linh, huyền ảo từ những cụm tháp chàm, trên mảnh đất Bình Thuận ngàn năm lịch sử; đang ngân nga trong con tim dạt dào cảm xúc của người lính thổi kèn năm xưa - nhạc sĩ Huy Sô

Vương Tâm
.
.