Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên: Một thời tư lệnh kiêm bộ đội trồng bông

Thứ Bảy, 30/06/2007, 09:30
Trong thinh không yên ắng của khu K80, giọng nói sang sảng và tiếng cười rổn rảng của vị tướng vốn vẫn được mệnh danh là một trong những người "đẹp lão" nhất trong hàng tướng lĩnh Việt Nam vang lên rõ mồn một.

Thẳng thắn đến độ chân tình, nhiệt thành đến độ hào sảng... buổi trò chuyện với Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên đã kéo dài quá 3 tiếng đồng hồ mà cấm có thấy vị lão tướng ở cái tuổi bát thập tỏ chút mệt mỏi.

Quả đúng như lời phu nhân của Đại tướng Nguyễn Quyết, bà Võ Thị Hoàng Mai đã giới thiệu từ trước, hiếm thấy có vị tướng nào vẫn giữ được cái chất mộc mạc nguyên xi như bê từ thời chiến đặt lùi lại hơn 30 năm như ông. Và cũng đúng như lời Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã vui vẻ khẳng định, là "nói chuyện với ông Xuyên thì vui và cười cả ngày"...

Hoá ra riêng trong danh sách tướng lĩnh huyện Kim Động, xã Chính Nghĩa đã góp vào đó 2 ông tướng: Đại tướng Nguyễn Quyết và Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên, và xét về mặt vai vế trong họ, Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên và Đại tướng Nguyễn Quyết cũng là chỗ có quan hệ.

"Thế nên cái hồi ông Quyết làm Tư lệnh Quân khu III và tôi làm Phó Tư lệnh, trong công việc thì là cấp trên cấp dưới, nhưng hễ hai người ngồi với nhau là lại thành cậu - cháu ngay", ông cười vui vẻ.

Nhưng đó là mãi về sau này, khi đất nước đã thống nhất và các vị tướng sau những tháng ngày bộn bề trận mạc đã có thời gian thảnh thơi mà lần lại những trang phả hệ, hỏi han được kỹ càng bà con họ tộc, chứ còn bản thân ông khi mới 13 tuổi đã phải một mình tha hương, tự lên tàu lang thang sang tận Campuchia sống nhờ người chú để được ăn học, thì như Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên vẫn tự nhủ "không bao giờ dám mơ được rằng rồi mình sẽ được như ngày hôm nay". "Ông Xuyên ấy có tuổi thơ vất vả lắm", Đại tướng Nguyễn Quyết khi nhắc đến Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên từng có lần thở dài đầy thông cảm...

Mới được ba tháng tuổi, ông đã rơi vào cảnh mồ côi cha. Cha ông, người duy nhất trong dòng họ đủ can đảm đến quên mình, dám đi bộ lên Dốc Lã cõng người anh họ bị bệnh tả về làng để anh không phải chết ở nơi đất khách quê người, rốt cuộc cũng bị lây bệnh và không thoát khỏi bàn tay tử thần. Một mình mẹ ông bám vào mảnh ruộng nhõn nửa sào Bắc Bộ nuôi một mẹ chồng già, một con thơ. Rồi đến cái ngày gia cảnh không thể nào gượng nổi cho con tiếp tục học lên nữa, mảnh ruộng là nơi sự sinh tồn của cả nhà mẹ ông cũng phải đem cầm cố đi lấy 20 đồng bạc để con lấy tiền tàu xe sang tận Phnom Penh.

Trong ký ức của Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên, đó là kỷ niệm và cũng là hình ảnh đau buồn nhất ám ảnh suốt cuộc đời ông. Chỉ 2 năm sau khi ông rời quê, mẹ ông qua đời vì bệnh tật trong nghèo khó, mảnh ruộng đem cầm ấy vẫn chưa chuộc lại được, nhà cũng chẳng có tiền đủ mua nổi tấm áo quan, tưởng đã phải đến cái cảnh bó chiếu đưa ra đồng.

May thay, gia đình người bác họ đã chịu cái ơn của cha ông đến viếng 3 đồng để mua mấy tấm ván, mẹ ông mới được mồ yên mả đẹp. Mãi đến tận đầu năm 1944, nghe tin bà nội ốm nặng, ông mới có cơ hội theo chân chú về thắp hương cho mẹ. Bà nội ông đang ốm liệt giường thấy cháu về cố gắng trở mình dậy nấu được cho 2 chú cháu bữa cơm, rồi sáng hôm sau bà cũng qua đời... 16 tuổi, ông thực sự rơi vào cảnh mồ côi.

Trở lại Phnom Penh, những ám ảnh về cảnh đời khổ cực của gia đình bủa vây tâm trí ông. May mắn thay, trong thời gian học việc tại một xưởng may, ông chơi thân với những người "bị cách ly" khỏi cộng đồng bạn nghề chỉ bởi một lý do: họ là những đảng viên Cộng sản. Cuối năm 1944, chứng kiến cảnh những người Việt yêu nước đang là công chức tại các sở ở Phnom Penh sẵn sàng vứt bỏ tất cả để về quê hương chiến đấu chống Pháp, ông quyết định xin đi theo.

Trong những ngày đầu chập chững ở đất Sài Gòn, ông theo những bậc đàn anh tin tưởng vào thuyết Đại Đông Á sát cánh cùng quân Nhật chống Pháp. Khi Nhật đã hất cẳng Pháp, chứng kiến cảnh quân Nhật lật lọng lời nói "trao trả độc lập lại cho Việt Nam" và được giác ngộ về một phong trào có tên là Việt Minh, ông rủ mọi người trốn khỏi trại lính Nhật để thành lập đơn vị theo Việt Minh.

Và thế là trong những ngày cả nước đứng lên giành độc lập, mới chỉ có 19 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Trọng Xuyên đã đảm nhận chức Trung đội phó của Chi đội Nguyễn Văn Vĩnh, lúc cao điểm nhất quân số lên tới hơn tám trăm người với năm trăm khẩu súng các loại.

Con đường đến với binh nghiệp của ông mở ra bắt đầu từ đó, là bước khởi đầu để sau này ông lần lượt kinh qua các trọng trách: Tham mưu trưởng Quân khu VI, Phó Tư lệnh Quân khu X, Tư lệnh Quân khu VI, Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Quân khu III, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, rồi Thứ trưởng Thường trực Bộ Quốc phòng...

Trong những chuỗi ngày dằng dặc miên man qua những chiến dịch ấy, thời điểm đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp mà Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên vui vẻ kể lại chính là lúc ông được cử làm "Tư lệnh chiến dịch trồng bông". "Mình đánh giặc nhiều nó quen rồi, nhất là khi Khu VI nằm trong lòng địch, đánh quanh năm suốt tháng.--PageBreak--

Đến năm 1976, Khu VI sáp nhập với Khu V, mình về tỉnh Thuận Hải làm Chỉ huy trưởng thì nhận được lệnh cấp trên chủ trương thực hiện kế hoạch xây dựng đơn vị trồng bông trên quy mô lớn, phấn đấu đảm bảo một phần sáu "cái mặc" cho cả nước. Năm đầu tiên tổ chức hai vạn rưỡi quân trồng hai vạn hécta, để rồi thấy rằng làm kinh tế chẳng dễ như đánh trận", ông cười ha hả tự trào bản thân.

Đứng trước tình hình đó, ông báo cáo lên trên nói thực "trong chúng tôi không ai biết kỹ thuật trồng bông". Có lẽ binh nghiệp của ông sẽ gắn mãi với chiến dịch trồng bông nếu không có chuyện một lần Đại tướng Văn Tiến Dũng vào Thuận Hải công tác thấy ông Tư lệnh Khu VI oai phong một thời một thuở đang tất tả chỉ đạo cải tiến công cụ trồng bông. Ngay lập tức, ông được điều ra Hà Nội tham dự khóa 1 Học viện Quân sự cao cấp.

"Ngẫm lại đúng là một thời chúng ta mắc bệnh chủ quan duy ý chí, định biến khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận thành khu vực chuyên canh bông... mà không chú ý đến những yếu tố thiết thực như cán bộ khoa học kỹ thuật, trang thiết bị, cơ sở kỹ thuật cho đến giống, thuốc trừ sâu...", Thượng tướng cười buồn. Và như ông tâm sự, bài học vỡ lòng ấy đã giúp ích cho ông rất nhiều trong những cương vị cao hơn sau này...

Tưởng chừng như cái đận "đại công trường" làm kinh tế ấy chỉ mãi là một góc nhỏ trong binh nghiệp của Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên, hoá ra nó vẫn còn đeo đẳng ông dài dài. Nhận công tác với cương vị Phó Tư lệnh Quân khu III, ông lại được giao nhiệm vụ phụ trách công tác quân sự địa phương, kinh tế và tài chính.

Làm kinh tế đơn thuần thì chưa chắc, nhưng chuyện gắn liền kinh tế với chiến đấu thì 21 năm gắn bó với Khu VI vốn nằm trong lòng địch, ban ngày cầm súng đánh địch, ban đêm đốt đuốc trồng sắn tự cung tự cấp là ông rành lắm. May mắn thay, ông được sát cánh cùng vị Tư lệnh Nguyễn Quyết, và đội ngũ lãnh đạo Quân khu III khi đó thấm nhuần tư tưởng "Thực túc, binh cường". Và thế là phong trào "Làm giàu, đánh thắng" tại Quân khu III ra đời, tạo điều kiện cho Quân khu có đủ điều kiện vật chất để thực hiện tốt các chính sách với gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, chi viện cho tiền tuyến và cho cả các quân khu bạn.

Cũng từ phong trào này, Quân khu III tự lo được nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ. Và có thể nói, cũng từ tiền đề này, mô hình này, Nghị quyết số 47 chuyên về công tác hậu phương quân đội, đặc biệt là lo vấn đề nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ đã ra đời... với kết quả là hàng chục vạn cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng đã có nhà ở, có chỗ trú mưa trú nắng...

Thấy ông vui chuyện, tôi đánh bạo hỏi ông rằng có phải sau những thành công từ mô hình Quân khu III, Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên đã được tín nhiệm cử vào vị trí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần ngay trong quãng thời gian sau đổi mới hay không, ông cười mà rằng kể cũng là may mắn khi những điều mình tâm đắc nhất khi đó hợp lại thuận với thời và thế của đất nước, và ở cương vị này, ông lại càng có điều kiện để thực hiện mong muốn ấy.

Thượng tướng cười cho biết mô hình của Quân khu III khi đó không chỉ có tiếng vang trong nước mà còn được bạn bè quốc tế ghi nhận. Đoàn đại biểu quân sự Cuba khi sang thăm Quân khu III đã rất ấn tượng, và chỉ sau đó một thời gian, ông đã nhận được lệnh sang Cuba đảm nhận chức vụ Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Cuba. Tấm Huân chương Che Guevara hạng nhất do đích thân Chủ tịch Fidel Castro trao tặng là một kỷ niệm đáng nhớ nhất của Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên trong quãng thời gian "đánh giặc đói, giặc nghèo, giặc khổ" này...

...Bàn tay tôi như lọt thỏm trong lòng bàn tay to lớn của vị lão tướng đã bước sang tuổi 82 rồi mà vẫn tráng kiện, vẫn lừng lững như một pho tượng, giọng cười vẫn sang sảng như chuông. Thảo nào, trong tấm ảnh chụp từ tận năm 1973 tại Ban liên hợp quân sự bốn bên Khu vực 4 Phan Thiết, cái vóc dáng to lớn đường bệ của Thượng tá Nguyễn Trọng Xuyên khi đó đảm trách vị trí Trưởng đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam vẫn được anh em mình tự hào là át hẳn cả đại diện đoàn Mỹ lẫn đại diện của đoàn chính quyền Sài Gòn.

Ông kéo nhẹ khách lại, chân tình chỉ vào đĩa hoa ngọc lan được xếp cầu kỳ trên bàn uống nước, nói: "Hai cây ngọc lan trước cửa đấy, để tôi bốc một nắm bỏ vào túi cho nhé, thơm lắm". Thấy Thượng tướng chẳng nề hà chuyện khoảng cách, tôi đánh bạo thổ lộ với ông rằng cứ ngỡ được gặp các vị tướng thuộc bậc công thần là khó khăn, là nguyên tắc lắm, ai ngờ họ lại nhiệt tình, lại chân thành, lại dễ chịu, lại gần gụi đến vậy...

Ông cười vỗ vai khách mà quả quyết rằng: “Anh cứ đi gặp hết cả một lượt đi, chả cứ phải những ông tướng Kim Động như chúng tôi, mà cả cái đất Hưng Yên ấy, cấm có thấy một ông tướng nào quan cách cả đâu”...

Việt Đông
.
.