Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Những hồi ức rớm máu

Thứ Hai, 25/08/2008, 10:00
Năm nào ít nhất cũng tới 2 lần Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trở về Quảng Trị. Cốp xe chỉ dành để chất đầy hương, hoa, vàng mã. Bánh xe lăn về quá khứ,  ngược về ký ức oai hùng, đau thương và bi tráng.

Trong các khu nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9, Hải Lăng, Thành Cổ, đồng đội của ông đã ngã xuống, linh hồn mãi yên nghỉ nơi này. Nếu thắp lên nén hương thơm kia, đốt được một ít tiền vàng cho linh hồn người đã khuất mà đồng đội của ông ấm lòng hơn dưới đất lạnh kia thì ông muốn làm nhiều hơn thế nữa.

Chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm, chiến trường ác liệt năm xưa giờ đã trở thành tượng đài thiêng liêng ghi dấu những chứng tích hào hùng và oanh liệt của cuộc tử chiến giành độc lập cho dân tộc. Lần nào trở lại nơi này, ông cũng khóc.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu sinh ra ở xã Long Hải, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông là  hậu duệ của cụ Nguyễn Bặc, danh tướng đại thần nhà Đinh. Tuổi ấu thơ, cậu bé Hiệu đã được cha mình là cụ Nguyễn Văn Đáp, người trong bụng có cả bồ sách, dạy học chữ Nôm và kể cho các con nghe về dòng họ của mình.

Quê hương Hải Hậu trong ký ức của ông là một làng quê trù phú, thanh bình và thơ mộng, có cả nông nghiệp, cánh đồng lúa tám xoan, có cả ngư nghiệp, biển Hải Thịnh hoang sơ và yên bình, có cả diêm nghiệp với cánh đồng muối trắng bạt ngàn ven biển. Quê ông cũng là nơi có nhiều nhà thờ Công giáo nhất cả nước.

Mỗi buổi chiều, trong tiếng chuông nhà thờ thong thả ngân lên, từng đàn ngỗng trời, bìm bịp, hạc trắng bay rợp bầu trời về tránh đêm trên những rặng cây, đậu trĩu những cành cổ thụ, và đậu trắng cả cánh đồng. Cậu bé Hiệu lớn lên trên miền quê thanh bình yên ả và trù phú màu xanh, bốn mùa chim chóc cây trái ấy.

Từ nhỏ đã mê đánh trận giả, chơi trò đánh giặc, bắn nhau và niềm đam mê lớn nhất của cậu là đánh trận và mơ ước được làm chỉ huy. Mười tám tuổi nhập ngũ, ông đổi tên khai sinh Nguyễn Văn Hiệu thành Nguyễn Huy Hiệu với một khát khao ra trận được làm người chỉ huy.

Nhập ngũ năm 1965, Nguyễn Huy Hiệu đã hành quân trên khắp các chiến trường từ Quân khu IV, sang Lào, và tháng 2/1968 về tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị ác liệt.

Tại đây, trong suốt thời gian 5 năm, đối mặt với quân Mỹ ở giai đoạn ác liệt nhất, cam go nhất, ông đã góp phần làm nên những chiến thắng lẫy lừng trong các trận đánh không thể nào quên được trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Đầu tiên phải kể đến trận đánh ở Cồn Tiên, trung đội của ông được tăng cường 1 tiểu đội bắn tỉa.

Ông cho anh em luồn vào hàng rào thứ 5 căn cứ, lợi dụng những dù pháo sáng để ngụy trang xây dựng công sự trận địa. Qua 52 ngày đêm chiến đấu, trung đội của ông đã diệt nhiều tên địch. Khi được lệnh lui quân, trên đường gặp cụm bộ binh cơ giới Mỹ, ông đã ra lệnh tiến công diệt 2 xe bọc thép M113 và 1 tiểu đội Mỹ.

Sau chiến thắng này, từ Trung đội trưởng ông được bổ nhiệm thẳng lên giữ chức Đại đội trưởng. Trận đánh thứ hai hằn sâu trong ký ức trận mạc của ông phải kể đến trận đánh bại chiến thuật "Trâu rừng" của tướng Abram. Sau 5 ngày đêm trinh sát, ông đã thấy quy luật hoạt động của địch. Sang đêm thứ 6, ông cho đại đội tiến công địch từ phía Nam.

Trận đánh thắng lợi, Đại đội 2 đã diệt được 16 chiếc xe tăng và giết chết 95 tên lính Mỹ. Phía Đại đội 2 có 4 đồng chí hy sinh, Đại đội trưởng Hiệu phải ra lệnh cho anh em đưa thi thể của 4 liệt sỹ ra sông Cam Lộ buộc đá vào từng thi thể thả xuống sông để đêm hôm sau đưa anh em về mai táng.

Sau trận này, ông được bổ nhiệm thẳng lên chức Tiểu đoàn trưởng. Trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, khi thời cơ đến, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu vừa báo cáo Trung đoàn, vừa ra lệnh nổ súng tiến công tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn ngụy, mở màn cho chiến dịch giải phóng Quảng Trị.

Quyết định nổ súng sớm hơn 1 giờ so với quy định đã góp phần làm nên chiến thắng vang dội ở Quảng Trị…

Sau những ngày sống và chiến đấu oanh liệt, ngày 20/12/1973, Nguyễn Huy Hiệu được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong lời tuyên dương có đoạn: "Từ năm 1968-1972, đồng chí Nguyễn Huy Hiệu chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Trưởng thành từ chiến sỹ lên cán bộ trung đoàn, ở cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nguyễn Huy Hiệu đã đánh 67 trận, diệt 63 tên địch, phá hủy 3 súng đại liên, thu 15 súng AR15. Chỉ huy đơn vị diệt gần 600 tên Mỹ, gần 2 ngàn tên ngụy, bắt 155 tù binh, phá hủy hơn 100 xe quân sự, chiếm nguyên vẹn một xe tăng M41, bắn rơi 57 máy bay các loại. Ba lần bị thương, đồng chí không rời trận địa, tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu đến khi trận đánh kết thúc.

Đồng chí đã được tặng thưởng 5 Huân chương Chiến công Giải phóng (hai hạng nhất, hai hạng nhì, một hạng ba), 14 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt cơ giới và Dũng sĩ Quyết thắng, hai danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng và nhiều bằng, giấy khen khác".

Năm đó, Anh hùng Nguyễn Huy Hiệu vừa bước sang tuổi 25…--PageBreak--

Sau này, khi đã là Thượng tướng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng Nguyễn Huy Hiệu 11 năm phụ trách công tác đối ngoại của Bộ Quốc phòng.

Một vị tướng bước ra khỏi cuộc chiến tranh với một ký ức còn rớm máu, thông điệp của ông gửi đến bạn bè khắp năm châu bốn biển trên thế giới, dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình và mong muốn hòa bình. Chiến tranh là hủy diệt và tổn thất khôn cùng.

Riêng chiến trường Quảng Trị, có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ. Trong đó có 2 nghĩa trang quốc gia là nghĩa trang Trường Sơn với 10.263 mộ chí, và nghĩa trang Đường 9, nơi yên nghỉ của 10.420 chiến sĩ. Và trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa ở Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 cũng ngần ấy đồng đội đã ngã xuống.

Máu xương chiến sỹ ta là một phần trầm tích sâu dày của Quảng Trị. Dịp 27/7 vừa qua, Đại tá Lê Hải Triều và gia đình Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu lại làm cuộc hành hương lần thứ 2 trong năm 2008 về Quảng Trị để thăm lại chiến trường xưa, và thắp hương cho các đồng đội yên nghỉ nơi này, đồng thời về để dự lễ khánh thành ngôi đình cổ ở thôn Gia Bình, xã Gio An, nơi có cây đa và giếng nước lịch sử vừa được khôi phục.

Cây đa cổ thụ chính là đài quan sát của ta, còn giếng nước là nơi tất cả các liệt sỹ hy sinh còn nguyên vẹn thi thể được mang về giếng nước ở thôn Gia Bình tắm rửa trước khi chôn cất. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể rằng: Mỗi lần đi chiến đấu ở trong rừng, sau những loạt bom pháo, từng giò phong lan rừng bị pháo phạt ngang rụng xuống trận địa bời bời.

Có cả những tổ chim non cũng rớt xuống trên ngực chiến sỹ. Bao giờ cũng vậy, ông cố gắng mang những tổ chim non và những giò hoa phong lan rừng về hầm chỉ huy. Ông luôn nhắc đồng đội mang hoa phong lan về treo trước cửa hầm để làm bớt đi không khí chết chóc và bom đạn nơi chiến trường.

Những chú chim non được ông chăm sóc, đủ lông cánh lại bay về rừng. Còn những giò phong lan rực rỡ khoe sắc, mỗi một lần chôn đồng đội của mình vừa ngã xuống, ông bao giờ cũng cố gắng ngắt một nhành phong lan đặt lên nấm mộ của đồng đội còn tươi rói đất nâu như một lời cầu nguyện an lành.

Tình yêu và niềm say mê cảm hứng với thiên nhiên, với cỏ cây hoa lá, với chim muông ở bất cứ trận địa nào, nơi nào ông đặt chân tới trong suốt chiều dài những năm đánh giặc đã làm cho tâm hồn ông thanh thản hơn, trong trẻo hơn và cũng lạc quan hơn trước sự khốc liệt và nghiệt ngã của bom đạn.

Cũng với tình yêu này, giúp cho ông tự tin hơn, dũng cảm hơn và mưu lược hơn trước quân thù. Phải sống để trở về, để bảo tồn thiên nhiên, để yêu cái đẹp thanh bình của quê hương đất nước là khát vọng mãnh liệt trong trái tim của người chỉ huy trẻ tuổi, giúp ông vượt qua mọi khó khăn gian khổ, mọi hiểm nguy nơi chiến trường…

Còn sống để trở về là một may mắn lớn, là hạnh phúc tột cùng. Cảm giác cuộc sống của mình hôm nay là món nợ lớn với đồng đội đã khuất làm cho ông luôn day dứt.

Mang nỗi ám ảnh đó, trong suốt 11 năm làm công tác đối ngoại của Bộ Quốc phòng, những lần sang công tác ở nước Mỹ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu luôn đấu tranh để kẻ thù năm xưa của đất nước mình phải nhìn nhận lại những vấn đề của hậu chiến mà Mỹ đã gây ra cho đất nước Việt Nam.

Ở Mỹ có 2.000 bà mẹ mất con trong cuộc chiến ở Việt Nam chưa tìm thấy hài cốt, nhưng Việt Nam có tới 300 ngàn bà mẹ có con mất tích trong chiến tranh. Nỗi đau của những bà mẹ Mỹ và những bà mẹ Việt Nam nào có gì khác nhau.

Những cuộc đấu trí kiên nhẫn không khoan nhượng, Mỹ đã buộc phải cung cấp cho Việt Nam 180 CD ghi lại các cuộc tàn sát thi thể bộ đội Việt Nam đã hy sinh trong các trận chiến nhưng ta không có điều kiện để mang được thi thể các chiến sỹ ra vùng tự do để mai táng chôn cất.

Lính Mỹ đã gom những thi thể bộ đội Việt Nam lại và hầu hết dùng bom napal để tiêu hủy, hoặc ủi xuống một hố chôn tập thể vừa đốt cháy, vừa vùi đất đá lại. Chính vì thế mà lâu nay, người dân Việt Nam thi thoảng vẫn đào được những hố chôn liệt sỹ tập thể.

Cũng nhờ 180 CD phía Mỹ cung cấp mà quân đội ta đã tìm được một số hố chôn liệt sỹ tập thể ở Quảng Trị, Biên Hoà và một số địa danh khác, xác định được danh tính hàng trăm liệt sỹ mất tích…Tôi may mắn được đọc cuốn hồi ức "Một thời Quảng Trị" của Thượng tướng, Tiến sỹ Nguyễn Huy Hiệu do Đại tá, nhà văn Lê Hải Triều thể hiện.

Cuốn sách mà theo nhà văn Chu Lai thì nó không chỉ là một biên niên sử chiến trận sinh động, lấp lánh của một vùng đất, một chiến dịch, một chủ nghĩa anh hùng hào sảng, một quy luật thắng thua, hơn thế nó còn là số phận của một con người, số phận của những con người, từ người lính binh nhì đến vị tướng chỉ huy cấp cao.

Nó là bài ca về chủ nghĩa nhân văn một khi con người biết đứng dậy mang hết tâm sức, máu xương của mình để giữ gìn non nước. Và trước hết đó là một bài ca bất hủ về người lính. Một bài ca trải dài, bay lên trên các tầng địa danh nay đã trở thành huyền tích, thành ẩn số tâm linh, thành niềm tự hào khôn cùng: Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đường 9 Khe Sanh, Tà Cơn, Thành Cổ, sông Thạch Hãn, suối La La...

Trong cuốn hồi ức này, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nói rằng, cuốn sách sẽ thay ông chuyển ba thông điệp lớn tới tất cả mọi người. Đó là thông điệp về hòa bình, thông điệp bảo vệ môi trường và thông điệp về tình yêu thương giữa con người với con người

.
.