Thương khó, lặng im giữa thiên đường thứ bảy

Thứ Hai, 05/11/2012, 14:30

Lâu rồi tôi không nghe giọng nói ấy, giọng nói ấm, mềm mại nhưng luôn có một chút gì nghèn nghẹn trong từng câu chữ, giọng nói nam tính nhưng lại có phần yếm thế của những nghiệt ngã đã đi qua.

Trong một chiều Sài Gòn, nhận được điện thoại của anh, tôi bỗng thấy lại những háo hức, những hân hoan của mùa hè 2005, của những ngày sáng dậy thật sớm, bên ly cà phê, tôi và anh ngồi đối diện nhau cùng làm việc, một công việc của yêu thích, một công việc mà khi cả hai cùng đặt tay vào làm đều mặc định hình dung rằng để nó trở thành hiện thực chắc chắn sẽ là bất khả. Hôm nay, nó vẫn nằm đó thôi, ở trên kệ sách của tôi, trong máy tính của anh, một phác thảo định hình. Bao giờ? Câu hỏi đó dường như là câu hỏi muôn thuở.

Anh gọi để ngập ngừng mời tôi đến dự buổi ra mắt một sản phẩm mới của anh. Anh nửa muốn tôi đến; nửa không. Đơn giản, anh muốn tôi có mặt ở đó, trong buổi đầu tiên đứa con của anh chào đời nhưng anh lại không muốn tôi thấy một đứa con-không-phải-như-anh-đã-tạo-ra. Anh không thể sống chung với kiểm duyệt, với sự can thiệp của nhà sản xuất. Anh muốn đứa con trọn vẹn hình hài như anh đã hình dung nó từ ban đầu. Nhưng tôi vẫn quyết sẽ đến. Không có lý gì tôi lại vắng mặt ở một sự kiện quan trọng như thế của anh. Đã mấy năm rồi anh không giới thiệu gì mới.

Vì thế, tôi càng phải đến, bất chấp ngày hôm sau tôi sẽ lên đường đi công tác xa, một chuyến đi mà tôi gần như chưa chuẩn bị gì cho nó cả. Và vượt trên hết, tôi phải đến, vì đó là anh, người tôi thương quý, người tôi đã luôn dõi theo, người tôi mặc định một cách chủ quan rằng mình có sự đồng cảm, người mà tôi không bao giờ muốn gọi bằng cái nghệ danh nhiều người gọi là “đạo diễn Lưu Huỳnh” mà chỉ ngắn gọn kêu hai tiếng “anh Ba” như lũ chúng tôi vẫn thường gọi anh, gần gụi mà thân thương…

Sau buổi công chiếu đầu tiên bộ phim Lấy chồng người ta, anh gọi cho tôi lần nữa, đúng lúc tôi trên xe ra phi trường. Anh trách: “Em đi đâu mà xem phim xong anh không thấy mặt. Anh muốn gặp em để anh em mình tâm sự nhiều”. Tôi cũng trách ngược lại, một lời trách cho vui thôi, rằng anh mới chính là người trốn tiêu đâu mất. Trách vậy nhưng thực tâm tôi biết, anh luôn là như thế, không bao giờ muốn lộ sáng, không bao giờ muốn tiếp xúc đông người, cứ lặng lẽ, làm xong rồi lại thu mình về để chờ một cơ hội tiếp tục ở một dự án khác. Dường như, anh lướt qua những gì anh đã làm, rất nhanh, rất gọn và cũng rất vội. Nhưng thật ra, có gần anh, hiểu anh thì mới biết được rằng, mỗi bộ phim anh làm xong, đều đó đây, vô tình hay cố ý, để lại cho anh một vết thương nào khó nguôi ngoai.

Cuộc hẹn hò tâm sự phải dời lại vì chuyến đi công tác của tôi. Và kể từ khi tôi về, tôi và anh cũng chưa có dịp gặp lại để nói về Lấy chồng người ta, bộ phim mà anh Ba đã nói với tôi ngay từ đầu rằng “Anh chẳng coi nó là một tác phẩm hay nghệ thuật gì sất. Anh chỉ muốn ra mắt một bộ phim đầu tay cho hãng phim mới mẻ của anh và bạn bè thôi”. Tôi biết là anh nói thật, nhưng tôi cũng biết thêm một điều khác nữa. Dù cho anh không coi một bộ phim nào đó của mình là một tác phẩm nghệ thuật đi nữa thì anh vẫn chỉn chu cho nó, khắt khe vì nó như thể một tác phẩm thực sự. Không phải là như thế, sao có thể là anh Ba của tôi.

Tôi ngồi đây, trong quán cà phê vắng này, và tôi biết nếu bây giờ gọi anh, anh có thể sẽ có mặt ngay, để ngồi xuống bên tôi, sôi nổi, đôi khi lại dí dỏm, lắm khi lại cay nghiệt và nhiều lúc lại chùng xuống trầm ngâm. Nhưng tôi không gọi, vì tôi muốn hình dung ra anh, không sai lệch một li nào vì giữa anh và tôi đã có bao nhiêu ngày sát cánh. Anh, sẽ ở đó, đội chiếc mũ lưỡi trai, gương mặt điển trai nghiêng nhìn ra ngoài cửa sổ, đôi bàn tay ướt mồ hôi, cái đuôi mắt dài nheo nheo… như tôi đã thấy anh cả ngàn ngày trước. Và trong dáng hình ấy chứa đựng cả một khao khát kỳ vĩ, một khao khát hết mình vì điện ảnh, thứ mà có lẽ tôi tin, anh Ba yêu hơn cả mạng sống của mình.

Có nhiều người thường hay nói họ đến với nghệ thuật như một cuộc chơi, để chơi thôi. Nhưng anh Ba thì không. Tôi thấy anh trong thiên đường thứ bảy của nghệ thuật như một kẻ đang chịu những khổ hình, những thương khó vì nó. Những khuôn hình tưởng như giản đơn kia lại hành hạ anh mỗi ngày, hành hạ anh đến kiệt cùng. Những ước mơ kỳ vĩ của anh thì lúc nào cũng vẫn rất đầy nhưng cuộc đời anh lại kéo dài đi với những lần lệch pha triền miên với cơ hội. Lũ chúng tôi, nhiều khi, ngồi nói chuyện với nhau về anh, vẫn chung một nhận xét anh như kẻ lạc thời.

Anh chưa bao giờ thỏa mãn thực sự với điện ảnh, với tất cả những gì anh đã làm, với những gì anh từng trải qua. Anh vốn ghét những gì “line cliches” trong tác phẩm của mình và anh cũng rất tránh sử dụng thủ thuật “flash back” để làm điểm tựa cho câu chuyện trong phim. Ấy vậy mà cuộc đời anh hình như cứ lặp lại một cách “line cliches” trong từng dự án anh đã trải qua, như thể cái mới luôn chính là phản ảnh xuôi chiều của một “flash back” từ cái cũ. Bi kịch của anh Ba tôi, là thế…

Tôi không bao giờ quên được câu nói anh đã nói cùng tôi hồi 2005 rằng: “Anh muốn đối diện khán giả như hai võ sỹ đối diện nhau trên võ đài. Và khi mình đã dồn họ được vào góc võ đài rồi, mình phải dứt điểm knock out ngay, không cho cơ hội gượng dậy”. Thế mới hiểu vì sao phim của anh Ba nhiều khi cảm xúc bị đẩy đến cùng cực như những cái chết liên tiếp nhau trong Áo lụa Hà Đông là một điển hình. Dường như, khi anh Ba biết khán giả sẽ ứa lệ, anh không cho họ cơ hội ngăn dòng lệ nữa mà phải trào ra, phải bung phá, phải đè nén và phải giằng xé. Phải chăng, cá tính quyết liệt đến tàn bạo, kiên định đến không khoan nhượng ấy của anh Ba khiến cho anh khổ, khiến cho anh cứ thành kẻ nô lệ khốn khó của điện ảnh?

Điều đó, tôi không lý giải được. Nhưng tôi biết, chính vì sự quyết liệt của mình mà anh Ba để ý đến từng chi tiết nhỏ trong phim. Một kịch bản viết xong, anh sẽ gọi cho tôi nếu anh cần một người xem xét lại cho kỹ những câu thoại kiểu miền Bắc.

Thế nên, trong phim của anh Ba luôn tồn tại nhiều chi tiết nhỏ thôi nhưng nó lại thể hiện được những thông điệp cụ thể. Ví như con ốc sên bò trên thân cau của Áo lụa Hà Đông; như con gà trống vươn ức gáy trên nóc nhà trong Lấy chồng người ta chẳng hạn. Anh muốn thế, anh muốn biểu đạt một cách ẩn dụ bằng các chi tiết như thế. Và việc anh kỹ quá, anh khắt khe quá khiến nhiều người sợ phải làm việc cùng anh. Song chẳng ai trách anh bao giờ bởi vì trước khi anh đặt ra cho họ một tình huống khó thì chính anh đã là người lăn xả ra tuyến đầu của khó khăn trước nhất. Làm việc với một người như thế, người khác không phải gắng mình đến mức căng thẳng mới lạ.

Bây giờ anh đang chuẩn bị cho dự án nào? Tôi không biết được nhưng tôi biết anh lại đang nung nấu một điều gì mới sau khi Lấy chồng người ta đã khép lại rồi. Anh không thể ngồi yên, anh không thể bất động được. Sự im lặng của anh Ba chỉ là sự im lặng của một người không thích đối diện sự hào nhoáng của số đông, của truyền thông, của giải trí mà thôi. Còn anh đích thực lại là một người không nói nhưng lao động rất nhiều, làm với kỳ vọng một ngày nào đó từng trang kịch bản trên giấy sẽ trở thành từng thước phim chào đời.

Và khi một tập kịch bản được hoàn thành, anh sẽ để nó vào vòng chờ đợi để bắt tay vào một kịch bản khác. Anh Ba không thể không vận động, không thể không sáng tạo. Sự đợi chờ của những kịch bản đã thành hình chẳng qua là vì đặc thù của công việc anh làm nó là như vậy. Sản xuất một bộ phim không dễ dàng như sản xuất một ca khúc khi nó đòi hỏi rất rất rất nhiều tiền. Mà tiền thì là thứ nghệ sỹ sáng tạo không bao giờ có nhiều hay nói đúng hơn, chẳng có nguồn tiền nào đáp ứng nổi nhu cầu sáng tạo của một người nghệ sỹ, trừ phi người ấy là một nghệ sỹ lười lao động.

Cuốn kịch bản tôi viết chung cùng anh 7 năm qua cũng nằm trong vòng đợi chờ như thế. Cuốn kịch bản tôi rất thích có tên Nửa hồn thương đau cũng đã nằm trong vòng đợi chờ còn lâu hơn thế. Cuốn kịch bản mà tôi gợi ý cái tên Thiên đường hằn dấu sẹo cũng đã gần nửa thập niên tuổi chờ. Chợt nghĩ đến thiên đường, điện ảnh cũng như một thiên đường, với hào nhoáng, với minh tinh, với những thước phim lộng lẫy, với những khúc nhạc cuốn hút mê hồn, với những thảm đỏ, những giải thưởng, những tung hô, những ồn ào, những lấp lánh…

Nhưng ở nơi thiên đường thứ bảy ấy, anh Ba tôi như người tù khổ sai, oằn lưng ra kéo cày trả nợ đam mê và tôi hình dung ra anh, mình trần giữa nắng, mồ hôi lấm tấm trên trán, trên vai, trên mắt và trên tay. Tự nhiên, tôi lại ước gì anh Ba tôi nhẹ nhàng đi một chút, dễ dãi đi một chút, phiên phiến đi một chút, khinh thường điện ảnh đi một chút, có khi anh đỡ cực hơn nhiều. Nhưng anh Ba tôi không thể như thế, không thể trở thành dễ dãi, không thể trở thành kẻ không tôn trọng những việc mình làm. Để rồi, giờ này, anh lại đang thương khó, đâu đó, ở nơi mà người ta đang tôn vinh là thiên đường, nơi chưa chắc gì đã tồn tại những vòm cây nguyệt quế…

Hà Quang Minh
.
.