Thuận chiều ánh sáng, khẽ, bước đi

Thứ Bảy, 21/12/2013, 09:00

Tôi ngồi trong quán café vắng gần Thảo Cầm Viên trong một buổi trưa Sài Gòn bình thường. Những vòng khói lơn mơn bay vẩn vơ như chính thân chủ của nó cũng đang vẩn vơ không suy nghĩ. Đã lâu rồi tôi không ghé những quán café trên phố. Cuộc sống đã dần quen với những ly espresso tự pha tại nhà, như một cái thú của mỗi đầu ngày.

Ngoài kia, vượt ra ngoài những vàng khói đang bay, là nắng. Thứ ánh sáng chói chang rọi thẳng lên khuôn mặt tôi, ấm nóng, ràn rạt. Những chói chang của luồng sáng ấy luôn gợi tôi nhớ về những ảo giác, những ảo giác như của Jim Morrison, trong cuốn phim năm 1991 của Oliver Stone, khi anh lội bộ trên những rẻo cát nóng như thể trên sa mạc Nevada, rồi ngồi xếp bằng lại, rồi hút, rồi mê man tưởng tượng về chiều dài của thời gian như một con rắn khổng lồ, rồi hình dung ra người Anh-điêng già nua nhảy múa, dắt anh đi đến một-nơi-nào-không-biết. Người ta có thể say nhiều thứ: say rượu, say cần sa, say đàn bà, say tình ái… Vậy mà ít ai nhận ra rằng mình cũng có thể say ánh sáng, những quầng sáng rực rỡ, chói chang, ràn rạt…

“Minh đợi anh lâu chưa?”, tôi trở về với thực tại của bàn không và ghế không với câu hỏi ấy. Anh nhỏ bé xuất hiện trước mắt tôi, vóc dáng nhỏ bé của gần 15 năm trước, vóc dáng có vẻ từ tốn nhưng không thể giấu đi sự nhanh nhẹn, thậm chí là thoăn thoắt. Và dù nhỏ bé nhưng vóc dáng ấy cũng đủ che lấp quầng sáng đang khiến tôi miên man kia, quầng sáng của cơn say, như ảo giác. Anh đến nhẹ nhàng như thế, ngồi xuống nhẹ nhàng như thế, cười hiền hiền như thế, giọng nói mềm mại như thế… Tất cả trong anh như thể một con nước chảy, từ tốn, yên. tĩnh. Tất cả trong anh như chính cái tên anh. Thuận, anh Minh Thuận…

Lâu lắm rồi chúng tôi không gặp nhau. Cũng bởi mỗi người mỗi việc và biên độ tiếp xúc thể lý giữa cả hai cứ giãn dần ra theo từng nhịp sống của mỗi người. Nhưng thi thoảng anh vẫn gọi tôi, để hỏi thăm thôi, hoặc rủ rê tôi tham gia chung vào một dự án nào đó nếu cả hai cùng có thể.

Song, dù cái biên độ thể lý kia có giãn ra đến đâu đi nữa thì giữa tôi và anh vẫn chung một mối thâm tình, chỉ riêng chúng tôi hiểu với nhau, chỉ riêng chúng tôi biết với nhau, chỉ riêng chúng tôi có thể cùng sẻ chia với nhau, bất chấp tôi không phải là người bạn thân nhất mà anh có.

Cũng bởi chúng tôi đã từng có một khoảng thời gian được run rủi đi cùng nhau, chung một đoạn đường nhỏ, chung một cung đường ngắn nhưng lại là một cung đường đẹp nhất của tình bằng hữu, một cung đường mà đến tận sau này, khi nằm xuống rồi, tôi vẫn sẽ còn nhớ về nó, với những chùm kỷ niệm được treo lên trên những cành thời gian, lúc.lỉu…

Thuận gọi tôi ra café hóa ra là vì anh mới nhận lời đóng một vai khách mời trong serie phim truyền hình ca nhạc mà tôi là người dịch các ca khúc của serie ấy sang tiếng Việt. Anh muốn thêm thắt một chút trong phần ca từ đã có để nhân vật của anh rõ nét hơn, có cá tính hơn và quan trọng nhất là “Việt” hơn nói chung và “Thuận” hơn nói riêng. Tất nhiên là tôi đồng ý với những bổ sung ấy của anh, một cách hoàn toàn sảng khoái và thoải mái.

Đó không phải là một thỏa-hiệp-nể-vì. Nó là sự ủng hộ một cách làm mà tôi đã quá quen, một cách làm đã treo nhiều chùm kỷ niệm trên những cành thời gian chung của hai chúng tôi, một cách làm mà tôi biết, ở xứ mình, chẳng một nghệ sỹ nào có thể xả thân như Thuận.

Tự nhiên tôi nhớ lại năm xưa, hình như là tròn một chục năm về trước, khi tôi đặt lời mấy ca khúc nhạc Hoa và nhạc Ý cho Thuận hát trong album Người phương xa của anh, một trong những album cuối cùng anh theo nghiệp ca hát. Đến bây giờ, trên kệ đĩa nhà tôi vẫn còn nguyên album đó, với thiết kế bìa là chiếc hộ chiếu cách điệu, như thể Thuận đã mơ hồ về một chuyến đi xa từ ngày ấy, một chuyến đi bước ra khỏi thế giới bình thường anh đã sống mấy chục năm trường.

Và tôi thỉnh thoảng vẫn xem lại cái music video của bản nhạc mà tôi viết lời cho anh hát. Với tôi, nó là một kỳ công thể hiện đúng cái chất chơi là chơi hết mình của Thuận. Toàn bộ được quay dưới nước, với bối cảnh được dựng là một căn phòng nhỏ đầy đủ nội thất ngập trong nước mềm mại và lang mang thứ ánh sáng luôn mang lại cho tôi một ảo giác.

Thuận hát ở dưới nước, chìm.sâu. Nỗi buồn của ca khúc ấy cũng cất lên từ dưới nước, chìm.sâu. Chỉ có một thứ lúc nào cũng chực bay lên, ngập ngừng, trong chìm, sâu nước ấy. Đó là mái tóc anh, mái tóc dài đã từng gắn với anh suốt một thời trai trẻ.

Để làm cái video đó, Thuận đã phải tập lặn, tập hát dưới nước hơn hai tháng trời và tôi còn mài mại nhớ anh đã có một “take” hát dưới nước kéo dài tới mức kỷ lục, hình như là gần 2 phút liên lục thì phải. Ngày đó, tôi đã thấy sợ khi nghe kể lại câu chuyện anh quay music video đó như thế nào. Tôi thấy Thuận liều quá. Tôi cứ tự hỏi mình rằng có nhất thiết phải kỳ công đến mức ấy không. Nhưng Thuận là như thế, là đã làm thì phải làm cho tới, làm hết sức mình có thể, làm cặn kẽ nhất mà khả năng anh biết được. Để kết quả sau này có ra sao, anh cũng không phải ân hận vì mình đã không gắng hết sức một lần...

Hoá ra, trong vóc người nhỏ bé, hiền lành kia lại là một cá tính quyết liệt đến thế. Điều đó, nhiều người từng làm việc với anh đều đã được chứng kiến và đều phải nể phục. Nghệ sỹ xứ mình, mấy người dám làm đến quyết liệt như thế, như anh?

Năm 2006, tôi nhớ rất rõ, chính là năm Thuận lặng lẽ rời khỏi mọi sân khấu, cắt đi mái tóc dài của mình và trở thành một Minh Thuận rất khác. Lúc ấy tôi đã bất ngờ không thốt được nên lời khi gặp anh, trong văn phòng công ty mà anh làm việc. Từ một nghệ sỹ có tiếng, anh chuyển bất thần như một cú quẹo xe không phân vân để trở thành một con người công sở đúng nghĩa. Anh hài lòng với lựa chọn mới ấy và anh lao vào nó cũng quyết liệt như anh từng đầu tư tất cả những gì có thể cho nghiệp hát ngày xưa.

Lại thêm lần nữa Thuận làm việc mà không ai trong giới nghệ sỹ dám làm. Đó là từ bỏ một cách nhẹ tênh những hào nhoáng của sân khấu chỉ sau một đêm, để trở lại làm một người bình thường như muôn người trong xã hội. Ngày ấy gặp anh, tự nhiên tôi nhớ câu chuyện tôi nói với anh một đêm ngồi khuya ngoài Hồ Con Rùa hồi năm 2001. Tôi khuyên anh làm live concert riêng, như một đánh dấu cho cả nghiệp đi hát của mình.

Nhưng anh đã nhẹ nhàng từ khước lời khuyên ấy. “Anh làm để làm chi Minh ơi. Tuổi anh giờ làm thêm cái gì cũng muộn rồi. Bon chen chi thêm mệt em à”. Hoá ra, anh đã nghĩ đến ngày đặt dấu chấm cho chính mình từ lâu lắm rồi. Và đến tận bây giờ, một concert riêng cho chính anh vẫn chưa bao giờ tồn tại. Nhưng tôi biết anh không bao giờ hối tiếc vì điều đó. Có khi, nếu anh liều mình để làm, để đua tranh với đời thì bây giờ anh sẽ phải hối tiếc hơn bởi lẽ đường trở lại với đời thường của anh sẽ không còn dễ dàng như thế...

Nhiều người không hiểu tại sao anh Thuận lại hiền đến vậy, mềm mại đến vậy trong ứng xử. Anh không hề có kẻ thù, không hề có đối thủ mà chỉ có bạn trong nghề. Nhìn vào anh, tự nhiên tôi thấm một điều rất rõ. Ngoài đó, bên kia, chỗ ấy, đằng này, phía nọ... làm chi có hằn thù tồn tại. Hằn thù chỉ tồn tại chính ở bên trong, trong chính mỗi chúng ta, trong chính mỗi con người. Đã gạt được cái chấp ra khỏi cõi lòng, hằn thù cũng không còn nữa và khi ấy, người ta sống nhẹ nhàng biết chừng nào. Nhưng để giải được cái chấp đó không phải dễ. Với Thuận nhiều khi cũng thế.

Ít ai biết khi bực bội anh Thuận giải tỏa thế nào. Tôi biết, anh chọn cách rất hài hước là về nhà và... cãi nhau với truyền hình. Anh sẽ vặn vẹo, la mắng bất kỳ điều gì truyền hình nói ra và sau một cữ cãi nhau long trời lở đất với cái hộp chữ nhật có hình ảnh chuyển động ấy, anh thoát hết khỏi mọi phiền toái đời gieo cho mình. Tôi cũng muốn học cách ấy nhưng chưa dám làm bao giờ. Có lẽ, mình sợ chính mình, hay mình vẫn còn muốn chấp thì đúng hơn.

Thuận cùng tôi làm một album cuối cùng của anh, một album mà anh nói: “Anh chỉ muốn làm để làm kỷ niệm, làm cho thỏa nỗi nhớ sân khấu mà thôi chứ không phải để mưu cầu quay lại ca hát làm gì”. Đó là năm 2010, khi anh vừa đóng xong vai Lâm ca-rô trong phim truyền hình Cô gái xấu xí. Album ấy mang tên ca-rô, với ý tưởng chủ đạo cũng là ca-rô và bìa đĩa là một bàn cờ vua mà ta có thể hình dung anh Thuận cũng như chúng ta, chỉ là một quân cờ, với những nước đi mắt xích đến tận sau này trong đời mình. Và đúng như anh nói. Album ấy xong là anh cũng xong luôn với âm nhạc. Không luyến lưu, không day dứt, không dằn vặt gì nữa. Hoàn toàn...

Bây giờ, Thuận ngồi đó trước mặt tôi, những nếp chân chim đã đậm hơn rồi. Nhưng tôi vẫn thấy anh là anh Thuận tôi từng biết của ngày xưa cũ. Vẫn là một Minh Thuận ở sân vận động Vĩnh Long, ào từ sân khấu xuống khán đài và lao vào lòng khán giả. Vẫn là một Minh Thuận tóc dài cười nhẹ, nói khẽ nhưng hút thuốc thì rất nặng với loại thuốc Zet truyền kỳ.

Vẫn là một Thuận ngay sau chuyến lưu diễn ở Nha Trang đã chạy từ phi trường Tân Sơn Nhất về thẳng nhà trọ của tôi ở Cổng xe lửa số 6 để ngồi uống rượu nghe tôi tâm sự, nghe tôi khóc vì tình cho tới tận nửa đêm về sáng. Vẫn là một Thuận mà những ngày tôi khó khăn đã luôn cùng người em tên Cường chìa bàn tay ra nâng đỡ lấy tôi, an ủi tôi, động viên tôi mọi nơi mọi lúc.

Vẫn là một Thuận không ngại khó khăn, mất cả một buổi tối ngồi hát demo ca khúc mới giúp tôi, ở vào cái thời anh còn là một ngôi sao đắt giá. Vẫn là một Thuận, như chính Thuận mà tôi đã viết những lời tự sự của album cuối cùng để anh đọc như lời từ tạ khán giả sau cùng, những lời kết thúc lại chỉ bằng một chữ Thuận.

Và bây giờ, anh là Thuận, Thuận của đời thường, Thuận bước đi trên đường đời bỏ lại những tháng ngày hào nhoáng ở sau lưng không hối tiếc gì, Thuận chiều ánh sáng, khẽ, bước đi...

Hà Quang Minh
.
.