Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Zapatero: Bình tĩnh trong thời điểm khó khăn

Thứ Ba, 06/07/2010, 15:39
Từ "Zapatero" theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là người đóng giày. Thật tình cờ nhưng cũng có nhiều ý nghĩa nếu Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero bây giờ đang là người lo lắng để làm sao cho "bà cụ châu Âu" không phải đi đôi giày rách.

Tình hình kinh tế tài chính của Tây Ban Nha đang ở trong tình trạng khá thê thảm, có thể tác động cực kỳ xấu tới khu vực đồng euro. Và nếu ông Zapatero không cao tay ấn trong điều hành quốc gia thì một triển vọng rất đen tối sẽ tới không chỉ riêng với quê hương của Don Kihote.

Chính phủ Tây Ban Nha đã buộc phải công nhận rằng, các ngân hàng ở nước này đã lâm vào cuộc khủng hoảng về thanh khoản. Quốc gia có nền kinh tế lớn thứ tư trong khu vực đồng eurro tới tháng 7 này sẽ phải thanh toán chỉ riêng theo ngân phiếu nhà nước tới 16,2 tỉ euro.

Theo một số nguồn tin, Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Bộ Tài chính Mỹ đang cấp bách chuẩn bị tiếp sức cho Tây Ban Nha một gói cấp cứu khủng hoảng trị giá tới 250 tỉ euro. Đây có lẽ mới chỉ là khúc dạo đầu.

Mặc dù vấn đề Tây Ban Nha đã được báo động trước nhưng thực sự là không dễ gánh chịu đối với khu vực đồng euro đang phải liên tiếp đối mặt với các khó khăn trên diện rộng. Liệu Tây Ban Nha có làm lụt lút đến đâu "cả làng euro", điều này phụ thuộc rất nhiều vào chính bản thân "ông thợ đóng giày" Zapatero, vào uy tín và tài trị quốc vượt khó của ông.

Vị Thủ tướng theo đảng Xã hội này, cho tới ngày 1/7/2010 vẫn phải tiếp tục đảm đương vai trò Chủ tịch luân phiên của EU, đã được tính công về "phép lạ Tây Ban Nha" nhưng cũng là người phải chịu trách nhiệm chính về vô số những trục trặc đã dẫn tới việc Tây Ban Nha hiện nay được coi là cơn đau đầu thứ hai đối với khu vực đồng euro, sau Hy Lạp.

Trong suốt thời gian qua, ông Zapatero đã phải chịu nhiều thử thách nặng nề. Cựu Thủ tướng Tây Ban Nha theo xu hướng hữu khuynh Jose Maria Asnar trong bài trả lời phỏng vấn cho báo Pháp Le Figaro đã thẳng thừng đánh giá về đương kim Thủ tướng: "Sự xuất hiện của ông ta đã trở thành một thảm họa. Chính phủ mới đã thôi chịu bất cứ trách nhiệm nào về các quyết định của mình".

Theo ông Asnar, hơn bao giờ hết hiện nay Tây Ban Nha đã ở sát gần bờ vực vỡ nợ. Và để giật gấu vá vai, ông Zapatero sẽ phải cắt giảm ngân sách. Và một khi đã quyết định thực thi việc này thì chắc chắn sẽ phải tổ chức bầu cử trước thời hạn và trong trường hợp đó, nếu tin theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây, chắc chắn sẽ thất cử.

Trong chuyện này thì với Thủ tướng Zapatero, vừa có một tin vui lại vừa có một tin buồn. Tin vui là, Quốc hội Tây Ban Nha rốt cuộc cũng đồng ý cho cắt giảm ngân sách tới 18 tỉ USD trong lúc giữ nguyên mức lương hưu và cắt giảm lương viên chức 5%. Tin buồn là quyết định đó đã được thông qua chỉ với độ chênh 1 phiếu trong cuộc bỏ phiếu ngày 27/5/2010 và đang từ từ dẫn đến những rối loạn mới trong nền kinh tế đất nước.

Đã có lần ông Zapatero tâm sự với các nhà báo rằng: "Tổ tiên tôi luôn phù hộ cho tôi". Trong những bức biếm họa được đăng trên báo chí cách đây 10 năm, thủ lĩnh của những người xã hội được vẽ trong cái mặt nạ lừng danh của người báo thù huyền thoại Zorro (rất quen thuộc trong phim cùng tên của Hollywood qua sự thể hiện xuất sắc của ngôi sao Antonio Banderas) và với thanh gươm trong tay. Một sự trùng hợp tình cờ, họ của mẹ ông cũng bắt đầu bằng chữ Z. Rodriguez là họ theo cha.

Về đằng nội, người ông của đương kim Thủ tướng Tây Ban Nha, Đại úy bộ binh Juan Rodriguez Losano, đã là một nhân vật vừa đầy mâu thuẫn vừa gần như huyền thoại.  Những điểm rắc rối trong tiểu sử của ông cụ đã được những người viết tiểu sử cố tình lờ đi mà họ chỉ kể đi kể lại những hành vi hoành tráng đã diễn ra trong đời của cụ.

Đại úy Rodriguez Losano đã giành được những huy chương chiến trận đầu tiên của mình trong những cuộc tắm máu những người dân miền núi Morocco theo chủ nghĩa dân tộc trong những năm 20 của thế kỷ trước. Rồi ông cụ còn tham gia những cuộc đàn áp những người thợ mỏ gần gụi với tư tưởng Bolshevic năm 1934 ở Asturia, miền Nam Tây Ban Nha…

Người trực tiếp chỉ huy viên đại úy này là tướng Jose Sanjurjo, một trong những thủ lĩnh sau này của lực lượng phiến quân chống lại những người Cộng hòa. Tuy nhiên, tháng 7/1936, khi cả nước Tây Ban Nha bị lôi kéo vào xung đột thì Đại úy Rodriguez Losano, trung thành với lời thề quân nhân, đã không đi theo những kẻ nổi loạn.

Có thêm một lý do là sau khi tướng Sanjurjo bất ngờ bị chết trong một tai nạn máy bay, lên cầm đầu lực lượng phản loạn là tướng Franco, người xuất thân trong một gia tộc có mâu thuẫn sâu sắc tới tổ tiên của đương kim Thủ tướng Tây Ban Nha. Đại úy Rodriguez Losano vì thái độ cứng cỏi của mình đã bị những đồng đội cũ nhưng đã đi theo Franco sát hại vào tháng 8/1936 vì bị buộc tội là đã bắn các phần tử nổi loạn.

Về sau mới biết, trước khi bị giết, Đại úy Rodriguez Losano đã kịp viết di chúc trong đó bác bỏ tất cả những lời buộc tội bịa đặt của bè lũ Franco và kêu gọi con cháu mình hãy đứng lên theo ngọn cờ dân chủ và tự do. Như những tác giả tiểu sử của đương kim Thủ tướng Tây Ban Nha, chính vì đã đọc bản di chúc đó của ông nội nên chàng trai Zapatero mới quyết tâm gia nhập đảng Xã hội, từng bị đặt ngoài vòng pháp luật ở Tây Ban Nha trong gần 40 năm, cho tới tháng 2/1978…

Cũng phải nói thêm rằng, trong lúc ông nội Thủ tướng Tây Ban Nha bị bè lũ Franco sát hại thì ông ngoại của vợ ông, cũng đã bị sát hại trong cuộc chiến Tây Ban Nha đó, chỉ khác là bởi bàn tay những người Cộng hòa… Bi kịch thường thấy ở một quốc gia đã có lúc bị kéo vào cảnh nồi da nấu thịt…--PageBreak--

Tới tuổi 16 (năm 1976), Jose Luis Zapatero cũng như anh trai mình, đã là những người tả khuynh kiên định. Cùng với cha, một luật sư và mẹ, một bác sĩ, họ đã quyên góp tiền ủng hộ những người Xã hội và đi dán những tờ tuyên truyền cho các cuộc mít tinh của những người cộng sản.

Khi vị Thủ tướng tương lai bước vào tuổi 19, sau khi nghe thủ lĩnh trẻ trung và duyên dáng Felipe Gonsales của những người Xã hội diễn thuyết một cách đầy hấp dẫn đối với đám đông, ông đã quyết định đi theo con đường của nhà chính trị gia này. Ông gia nhập đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha. Và ông đã phát triển rất nhanh.

Tới năm 22 tuổi (1982), chàng sinh viên Khoa luật Trường Đại học Tổng hợp Leon, Rodriguez Zapatero, từng viết công trình nghiên cứu đầy hứng khởi về các chính sách cải cách ruộng đất ở Liên Xô và Trung Quốc, đã trở thành nghị sĩ trẻ tuổi nhất  trong lịch sử. Vị chính khách trẻ tuổi đã trở lại Trường Đại học Tổng hợp Leon để "làm thêm" việc giảng bài về luật hiến pháp.

Một số người ác ý cho rằng, sở dĩ ông Zapatero có được việc làm thêm này là nhờ các mối quan hệ gia đình để trốn đi quân dịch (chế độ quân dịch bắt buộc mới được xóa bỏ ở Tây Ban Nha vào năm 2001).

Còn các đồng chí trong đảng Công nhân Xã hội mỗi khi nhớ lại hình ảnh của người thủ lĩnh trẻ đều trầm trồ ca ngợi sự duyên dáng, lịch thiệp và khả năng hòa đồng với xung quanh hiếm có của ông. "Ngài Z" rất biết cách tạo dựng quanh mình một đội ngũ đồng tâm nhất trí, điều cực kỳ có lợi cho một chính trị gia.

Cũng phải nói rằng, mặc dù hoạt động của ông Zapatero rất tích cực giữa những nghị sĩ cánh tả nhưng uy tín của ông lại không cao trong quốc hội. Bản thân chính đảng của ông ở cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI cũng không có được vị thế mạnh trên chính trường Tây Ban Nha.

Những người Xã hội khi ấy đã bị buộc tội dính líu tham nhũng hay phản bội lại lợi ích của người lao động. Hơn thế nữa, tại cuộc bầu cử năm 1996, cánh hữu đã lên nắm quyền.

Trong hoàn cảnh khó khăn chung, ông Zapatero đã bộc lộ được khả năng sống sót và phát triển cao độ, "vượt qua mọi giới hạn có thể tưởng tượng được", như tờ Le Figaro nhận xét. Chàng nghị sĩ trẻ trung và năng động hiểu rất rõ rằng, không có vai trò thủ lĩnh trong đảng thì ông không thể có được một sự nghiệp lớn trong tương lai. Và đầu năm 2000, ông đã đứng ra lập trong đảng Công nhân Xã hội phong trào riêng mang tên "Con đường thứ ba", một mô hình tương tự như phong trào mà ông Tony Blair đã lập ra trong nội bộ Công đảng Anh.

Và chỉ chưa đầy nửa năm sau đó, tháng 6/2000, ông Zapatero đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử thủ lĩnh đảng Công nhân Xã hội, nhận được nhiều hơn 9 phiếu so với đối thủ là một bậc đàn anh nặng ký.

Trước cuộc bầu cử tháng 3/2004, tất cả các cuộc thăm dò dư luận đều dẫn tới kết luận là những người Xã hội sẽ thất trận. Bất chấp mọi đòn tấn công nhằm vào vị Thủ tướng cánh hữu lúc đó là ông Asnar từ phía ông Zapatero và các đồng đội của ông, uy tín của Charlie (ông Asnar có biệt danh này vì ngoại hình có nhiều nét giống danh hài vĩ đại) vẫn không hề suy suyển.

Thế nhưng, đúng ba ngày trước bầu cử, tại Madrid đã xảy ra một vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử Tây Ban Nha. 191 người bị sát hại và hơn hai nghìn người bị thương. Thế là gió đã đổi chiều, dư luận xã hội chuyển sang ủng hộ cánh tả.

Đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha đã nhận được 11 triệu phiếu bầu (nhiều hơn 3 triệu phiếu so với năm 2000), giành chiến thắng vang dội. Và ông Zapatero đã lập ra được một nội các độc đảng của mình. Ông đã trở thành vị Thủ tướng đầu tiên sau thời Franco ở Tây Ban Nha, đã lên được vị trí này chỉ sau một vòng bầu cử.

"Chưa bao giờ ở Tây Ban Nha lại có việc thay đổi chính phủ kèm theo sự thay đổi triệt để như vậy trong đối ngoại", - nhà nghiên cứu chính trị Carlos Luiz Miguel nhận xét. Đã xuất hiện ngày một rõ rệt hơn những đường nét chính trong "học thuyết Zapatero".

Đó là tránh né những hệ lụy không có lợi cho Madrid từ quá trình mở rộng EU, dẫn tới cắt giảm chi phí dành cho Tây Ban Nha từ các ngân quỹ của EU; điều chỉnh quan hệ với Washington trên cơ sở cân bằng lợi ích cho cả hai bên; nâng cao thương hiệu quốc gia (marca Pais)...

"Ông thợ đóng giày Tây Ban Nha" biết rõ điều mình cần và chỉ trong một thời gian ngắn, Madrid từ vị thế ngoại ô của châu Âu đã trở thành một thành viên nổi bật của cộng đồng thế giới, một cường quốc khu vực bậc trung với những lợi ích toàn cầu. EU cũng đã rất hậu hĩnh hỗ trợ cho Madrid.

Tới năm 2006, Tây Ban Nha đã được xếp ở vị trí đầu trong bảng xếp hạng của Financial Times về nơi mà người dân châu Âu muốn ở nhất. Đã có rất nhiều cải cách được đưa ra, khiến cho cánh hữu tức giận. Tuy nhiên, đảng Công nhân Xã hội lại giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 3/2008. Trong nội các mới, Thủ tướng Zapatero đã đưa vào một số lượng kỷ lục các Bộ trưởng là phụ nữ…

Mọi sự đang tốt đẹp thì trên thế giới lại bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính. Nền kinh tế Tây Ban Nha, vốn dựa trên các phi vụ kinh doanh địa ốc là chính đã bị suy sụp mau chóng. Đất nước mất dần khả năng cạnh tranh, thâm hụt ngân sách vượt quá 11% và nạn thất nghiệp lên tới 20% số dân trong độ tuổi lao động… Thủ tướng Zapatero đã không thể nào thực hiện được các lời hứa hậu hĩnh lúc tranh cử. Các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng nổ ở khắp nơi…

Tuy nhiên, ông Zapatero không phải là người dễ đầu hàng. Ông nói rằng ông đang có một siêu kế hoạch để đưa Tây Ban Nha thoát hiểm. Tháng 7 tới sẽ có nhiều điều trở nên rõ ràng hơn…

Phương Hà
.
.