Thủ tướng Nga Vladimir Putin: Không cố tình làm lãnh đạo

Thứ Hai, 21/11/2011, 14:30
Ngày 16/10/2011, tại trang trại chính phủ Novo - Ogarevo ở Moskva, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã trả lời phỏng vấn với ba lãnh đạo các kênh truyền hình lớn nhất nước Nga: Russia, Kênh 1 và NTV. Đây là cuộc nói chuyện có nhiều nội dung nhưng một phần quan trọng là việc ông Putin lý giải nguyên nhân đã khiến ông quyết định ra ứng cử làm Tổng thống Nga trong cuộc bầu cử năm tới. Ông đã dành nhiều thời gian để tâm sự trước câu hỏi mà ông Konstantin Ernst, TGĐ Kênh 1 nêu ra: Vì sao ông trở lại Điện Kremli?

Cần thì làm

Thủ tướng V. Putin nói:

“Tôi biết là có nhiều câu hỏi đã xuất hiện về chuyện này và cũng xuất hiện nhiều bình luận trên cả mạng Internet, trên các phương tiện thông tin đại chúng điện tử cũng như trên các báo in. Và tôi muốn nói một số điều như sau. Trước tiên, điều này thì mọi người đều đã biết rõ, tôi cũng đã từng nói không chỉ một lần và trước đây ông Boris Nikolayevich Yeltsin cũng đã nhắc tới rằng, tôi chưa từng bao giờ có tham vọng chiếm lấy vị trí này.

Hơn thế nữa, dạo đó, khi tôi được đề nghị ngồi lên đấy thì tôi đã bày tỏ sự hoài nghi về việc liệu tôi có cần thiết phải đảm đương chức phận đó không, ý tôi muốn nói tới khối lượng khổng lồ của công việc và trách nhiệm vô cùng lớn đối với số phận của đất nước. Nhưng, tính tôi là, một khi đã nhận công việc gì thì phải làm tới kết cục hợp lý hoặc là làm sao cho đạt được hiệu quả tối đa.

Còn về những phê phán của các nhân vật phản biện chúng tôi thì tôi có thể nói rằng, tôi đã từng nghe thấy những người ủng hộ tôi (mà tôi rất hy vọng rằng họ là đa số!), những người dân bình thường mà tôi thường xuyên gặp ở những miền khác nhau trong nước, rằng, thực sự là nhiều người trong số họ mong muốn mọi chuyện diễn biến đúng như thế.

Nhưng cũng có những người có thái độ phê phán đối với chúng tôi, cả đối với tôi cũng như đối với Tổng thống Dmitri Anatolyevich Medvedev và họ nói rằng, nếu công bộc này đây của quý vị tham gia tranh cử thì sẽ hoàn toàn không thể có việc lựa chọn gì hết.

Thôi này, có thể đối với họ không có việc chọn lựa gì nhưng với người công dân bình thường của quốc gia thì luôn luôn có sự chọn lựa. Đối với những người nói theo cách đó thì có thể không có việc chọn lựa, nhưng họ, những người phản biện lại chúng tôi, họ cần phải đưa ra chương trình của họ và điều cốt lõi hơn là không chỉ đưa ra chương trình của mình mà phải chứng minh bằng công việc thực tế rằng họ có thể làm được tốt hơn.

Về chuyện này thì tôi cũng từng phải nghe những lời than thở theo kiểu: “Mọi sự đều tồi tệ đến mức không thể tồi tệ hơn”. Quả thực là đang tồn tại rất nhiều vấn đề ở nước ta, rất nhiều nhiệm vụ chưa được xử lý xong, và có một số việc đã có thể làm được tốt hơn là chúng tôi đã làm cho tới hôm nay, nhưng nếu bảo là sẽ không thể tồi tệ hơn thì xin lỗi quý vị, không phải như thế đâu…

Nào, có ai còn nhớ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước không? Có rất nhiều chuyện tiếu lâm về thời đó… Bạn bè tới chơi, chủ nhà hỏi: “Các bạn có rửa tay với xà phòng không? – Có! Thế thì lát nữa các bạn uống nước trà không có đường nhé!...”. Thế đấy, vì không chỉ các loại thực phẩm chủ yếu mà nói chung là mọi thứ vật dụng căn bản đều bị bán theo tem phiếu… Đấy là tôi còn chưa nói tới sự độc quyền trong tư tưởng, trong chính trị…”.

Ông Putin cho rằng, ở hơn một thập niên cuối thế kỷ XX, LB Xô viết đã bị rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, tạo nên những tiền đề dẫn tới sự tan rã mặc nhiên. Và người dân đã đánh mất bản năng tự vệ và sự thấu hiểu những hệ lụy của những sự đang diễn ra.

Và nói theo cách của một câu thành ngữ Nga, Moskva đã hắt cùng với những nước bẩn trong chậu từ một mô hình không thành công cả đứa trẻ ngồi trong đó. Tức là giận cá chém thớt, ném chuột mà làm vỡ bình quý:

“Chính chúng ta đã cho phép làm tan rã đất nước. Và khi đó người ta cũng nói: Không thể nào tồi tệ hơn được nữa! Thế rồi những năm 90 lại sầm sầm tới: hệ thống dịch vụ xã hội bị phá hủy hoàn toàn, không chỉ những nhà máy đơn lẻ mà nhiều ngành sản xuất bị đình trệ, lương hưu, tiền trợ cấp bị chậm, lương cán bộ công nhân viên cũng bị chậm nhiều tháng…

Mọi sự, cần phải nói thẳng, đã bị đẩy tới sát miệng vực nội chiến. Toàn bộ vùng Cápcadơ bị nhuốm máy, phải dùng cả máy bay, vũ khí hạng nặng, xe tăng… Cho tới bây giờ tại đó vẫn tồn lại nhiều vấn đề đối với chúng ta, trên bình diện chung và cả riêng trong lĩnh vực tội phạm và khủng bố. Nhưng thật may đã không còn như cũ nữa.

Vậy nên nói rằng mọi chuyện không thể tồi tệ hơn là điều mà theo tôi không nên làm. Bây giờ chỉ cần đi vài ba bước không chuẩn là tất cả những sự như trong quá khứ sẽ ập tới trùm đầu chúng ta ngay lập tức trong chớp mắt. Ở nước chúng ta mọi việc đang được làm một cách cực kỳ nhạy cảm, cả trong chính trị lẫn trong kinh tế…”.

Làm là tốt hơn

Ông Putin cũng tỏ ra tự tin về sự cống hiến của mình đối với “quốc gia đại sự” và cố gắng xua đi những lo lắng của một bộ phận xã hội Nga về việc nếu:

“Còn có một luận điểm khác nữa. Người ta bảo, chẳng mấy nả sẽ quay về như ở thời ông Brezhniev, trì trệ. Thứ nhất, cần phải nói rằng, mặc dù trong thời Xô viết và ngay cả trong những năm 90 của thế kỷ trước – tôi không muốn là kẻ vơ đũa cả nắm – đã có rất nhiều điều tích cực, nhưng tôi vì lẽ gì đó không thể nhớ được là ban lãnh đạo Xô viết sau thời chiến tranh cũng làm việc căng thẳng như tôi đang làm hoặc Tổng thống đương nhiệm Dmitry Medvedev đang làm. Vì sau đó, tôi không nhớ được chuyện gì như thế…”.

Lúc đó, trong khán phòng vang lên lời đệm: “Vì họ đã không thể…”. Và ông Putin trả lời: “Đúng là họ đã không thể làm, hoặc do thể trạng, hoặc do không hiểu hết những việc cần làm, hoặc cũng đã có thể động đậy tay chân nhưng không tường tận mọi việc… Và cũng không đủ quyết tâm để làm.

Và cuối cùng, cũng phải nhìn vào kinh nghiệm của những nước khác. Tôi trước đây đã thế, và quý vị cũng đã biết rõ, tôi đã không cố bám lấy cương vị hiện nay. Dù rằng tôi thừa điều kiện để làm như thế, tôi muốn nói tới đa số hợp hiến của Đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất để thay đổi Hiến pháp.

Nhưng tôi đã không làm như thế vì một con người cụ thể, đó là chính tôi. Trước hết là để mọi người hiểu ra rằng, không có gì bi kịch trong việc chuyển đổi tự nhiên chính quyền. Nhưng quý vị cũng thử nhìn xem những chuyện đã diễn ra ở các nước khác. Tại Mỹ cho tới cuối chiến tranh thế giới thứ hai không hề có sự hạn chế đối với số nhiệm kỳ bầu cho một Tổng thống…”.

Tới đây, ông Ernst đế vào: “Phải, Roosevelt đã ba lần được bầu…”. Thực ra, ông Ernst đã nhầm, ông Roosevelt đã bốn lần đắc cử Tổng thống Mỹ. Ông Putin nói tiếp:

“Trước đó các Tổng thống Mỹ cũng cố gắng để được bầu lại tới lần thứ ba. Và theo tôi là không ai làm được điều này, nhưng Roosevelt đã được bầu lại tới lần thứ tư. Ông ấy điều hành đất nước trong những năm nặng nề nhất của suy thoái kinh tế và trong chiến tranh thế giới lần thứ hai và được bầu tới nhiệm kỳ thứ tư vì đã làm việc rất có hiệu quả.

 Và câu chuyện không phải ở số lượng nhiệm kỳ hay số năm cầm quyền. Ông Helmut Kohl ở CHLB Đức cũng đã 16 năm cầm quyền. Ông ấy không là Tổng thống nhưng trong thực tế đã là ngôi vị thứ nhất trong quốc gia, trong cơ quan hành pháp. Một trong số các Thủ tướng Canada cũng như thế.

Còn ở Pháp sau chiến tranh thế giới thứ hai thì sao? Khi ấy nhiệm kỳ Tổng thống là 7 năm và không hạn chế số lượng nhiệm kỳ. Và chỉ mới đây người ta mới đưa ra những thay đổi trong Hiến pháp và giảm nhiệm kỳ xuống 5 năm và hạn chế hai nhiệm kỳ liên tục. Họ cũng đã làm về mặt nguyên tắc như chúng ta.

Điều đó nói lên cái gì? Nói rằng, khi đất nước chúng ta đang trong những điều kiện khó khăn phức tạp, đang nghẹt thở vì khủng hoảng, đang cố gắng gượng dậy thì những tình tiết như thế của sự ổn định, kể cả trong lĩnh vực chính trị, rất cần thiết.

Và chúng ta thực chất cũng đã phải trải qua cơn bĩ cực, trải qua sự tan rã của một quốc gia: Liên bang Xô viết bị đổ vỡ. Mà Liên bang Xô viết là gì? Đó thực chất là nước Nga, chỉ có điều là gọi theo một cái tên khác. Chúng ta đã trải qua giai đoạn cực kỳ phức tạp của những năm 90 và chỉ đầu những năm 2000 mới bắt đầu hồi phục ít nhiều, tái dựng thế giới nội tại, ổn định dần tình hình.

Và dĩ nhiên là chúng ta cần giai đoạn phát triển ổn định này. Nếu nói tới những việc mà chúng ta lập kế hoạch để làm và những việc mà cá nhân tôi lập kế hoạch để làm thì đó là việc chúng ta cần củng cố lại những nền móng căn bản của hệ thống chính trị của mình và những định chế dân chủ, cần tạo nên những điều kiện cho sự phát triển tịnh tiến và chuyển đổi nền kinh tế sang cơ sở mới, hiện đại, cần phải tạo dựng những điều kiện để nâng cao mức sống của các công dân… Đó chính là việc mà chúng ta sẽ làm.

Còn những gì liên quan tới các đàm tiếu về việc công bộc này của quý vị sẽ có thể trở về thì đó vẫn chưa phải là sự đã rồi, đó là việc cần để mọi người bỏ phiếu ủng hộ. Chuyện tôi nghe thấy ở đâu đó những câu nói thiện chí về việc này và những đề nghị của các công dân tại những khu vực cụ thể mới chỉ là một nhẽ, cái nhẽ khác là khi cả đất nước tới bỏ phiếu. Cần phải làm sao để các công dân tới và bày tỏ thái độ của mình đối với những việc mà chúng ta đã làm cho tới hôm nay…”

Huyền Trang
.
.