Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev: Ghét nhất dối trá và phản bội

Thứ Hai, 18/06/2012, 15:15
Ngày 4/6 vừa qua trên kênh truyền hình Nga Pervyi đã có một chương trình đặc biệt: nhà báo lão thành, người được mệnh danh là đệ nhất chuyên gia về phỏng vấn, Vladimir Pozner, đã trực tiếp trò chuyện với tân Thủ tướng và cũng là cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.

Ngay ở phần đầu chương trình, nhà báo Pozner đã nói lời cảm ơn với ông Medvedev vì: “Ông thực sự đã làm tôi kinh ngạc gấp ba lần. Thứ nhất, thực sự tôi hoàn toàn không dám hy vọng là ông sẽ tới tham dự chương trình. Thứ hai, tôi lại càng không dám hy vọng là ông tới tham dự một chương trình truyền hình trực tiếp như thế này. Thứ ba, tôi rất ngạc nhiên vì không ai buộc tôi phải trình các câu hỏi trước… Chính vì thế nên tôi đã ngạc nhiên gấp ba lần, điều rất ít khi xảy ra với tôi, và tôi phải cảm ơn ông cả vì điều đó nữa…”.

Trong cuộc trò chuyện này, Thủ tướng Nga đã thẳng thắn và chân tình trả lời về những điều đang được người dân Nga (và không chỉ người dân Nga mà cả cộng đồng quốc tế) quan tâm trong đời sống chính trị xã hội Nga và cả trong những chuyện riêng tư của ông nữa.

Không định mới thành

V. Pozner: Nếu ông cho phép thì tôi sẽ có mấy câu hỏi trực tiếp về chính bản thân ông. Khi ông gặp gỡ với sinh viên Trường Đại học Tổng hợp ở Saint Peterburg và ông kể cho họ nghe về việc ông đã bắt đầu cuộc sống như thế nào, ông đã nói rằng ông từng làm người quét rác và nhận được 120 rub một tháng, và ông còn được nhận cả học bổng nâng cao 50 rub một tháng.

D. Medvedev: 120 rub, đó là cộng thêm cả tiền thưởng. Còn bình thường thì chỉ 80 rub thôi.

V. Pozner: Và ông đã nói rằng, đó là những khoản tiền rất khá để có thể sống một cách bình thường và thậm chí là cả để giải trí. Chính ông đã hồi tưởng lại như vậy. Nói chung với ông, những năm tháng đó có lẽ khiến ông nhớ lại một cách rất thích thú? Đó là những năm tháng hạnh phúc?

D. Medvedev: Tất nhiên. Với ai thì những năm tháng thơ ấu, những năm tháng sinh viên đều là những giai đoạn gợi lên những ký ức nồng ấm và mạnh mẽ nhất. Mọi thứ đều là lần đầu tiên, cảm xúc cũng là lần đầu tiên, ấn tượng cũng là lần đầu tiên. Tôi rất yêu quãng thời gian đó.

V. Pozner:  Có lần ông đã tâm sự: “Tôi đã không hề muốn đi làm việc nhà nước, mà cứ sống theo ý thích, làm những việc mình muốn. Tôi đã rất thích như thế. Và theo tôi, làm thế còn khá là được việc”. Vì sao mà mọi chuyện lại diễn ra như đã diễn ra? Ông không mơ ước, không ham muốn nhưng đã không chỉ trở thành người làm việc nhà nước mà còn trở thành Tổng thống. Làm sao không muốn mà lại được như thế?

D. Medvedev: Ông có nhớ câu thành ngữ quen thuộc này không: “Đừng xin gì cả, người ta sẽ tự cho?” Có lẽ đã có một số nhân tố nào đó xoay vần trùng khít lại nhau. Từ một góc độ, có thể tôi có một số phẩm chất nào đó mà các đồng nghiệp của tôi biết được. Nhìn từ góc độ khác, nhờ thế sự vần xoay. Thực sự là tôi đã không hề phấn đấu gì cả, chỉ sống một cuộc sống bình thường, làm giảng viên, làm luật sư thực hành, làm luật gia cho doanh nghiệp, làm luật sư. Tôi đã cố gắng sống một cách bình thường, đảm bảo kế sinh nhai cho gia đình.  Nhưng rồi năm 1999 đã vang lên một hồi chuông điện thoại. Thoạt tiên là ông Igor Sechin  (lúc đó là lãnh đạo Ban Thư ký của Thủ tướng Nga Vladimir Putin) gọi tới. Và nói: “Anh Dmitri Anatolevich, Thủ tướng chính phủ muốn nói chuyện với anh”.

V. Pozner: Khi ấy ông đã biết ông Sechin chưa?

D. Medvedev: Tất nhiên là đã biết. Tất cả chúng tôi đã biết nhau từ năm 1991. Rồi sau đó Vladimir Putin đã nói chuyện với tôi. Ông ấy gọi tôi lên Moskva để bàn chuyện tương lai. Tôi khi đó đã hình dung được đại khái công việc mà họ định đề nghị tôi làm. Và thực sự đã có một vị trí khá thú vị, làm Chủ tịch Ủy ban về tiền tệ. Tôi rất thích thú công việc này – khi đó về khía cạnh khoa học, tôi cũng đang nghiên cứu về chuyện đó và trong công việc thực tế cũng đã va đập với nó. Tôi chỉ suy nghĩ chút ít rồi đồng ý. Và tôi đã có mặt ở Moskva. Và mọi chuyện tiếp diễn. Nhưng tôi thực ra đã không trở thành Chủ tịch Ủy ban tiền tệ. Cuộc đời đã đẩy tôi đi sang hướng khác. Tôi thoạt tiên đã trở thành Phó chánh văn phòng chính phủ, rồi Phó chánh văn phòng Tổng thống. Và sau khi ông Putin được bầu làm Tổng thống thì tôi đã trở thành Phó chánh văn phòng thứ nhất của Văn phòng Tổng thống, rồi làm Chánh văn phòng Tổng thống và sau đó chuyển sang làm việc trong chính phủ (trong giai đoạn đó tôi đã từng gặp ông không chỉ một lần để thảo luận về những công việc khác nhau). Rồi tôi được bầu làm Tổng thống và bây giờ tôi đang ngồi ở vị trí Thủ tướng.

V. Pozner: Tôi không thể không hỏi ông, ông không cảm thấy tiếc nuối gì chứ khi chỉ làm Tổng thống có 4 năm, có một nhiệm kỳ?

D. Medvedev: Ông có biết không, tôi có cảm giác như thế này. Làm Tổng thống là một công việc thú vị nhưng trọng trách tuyệt đối. Vì ở trên Tổng thống không còn ai cao hơn nữa. Tổng thống chịu trách nhiệm về mọi việc xảy ra trong nước. Làm Thủ tướng cũng là một công việc thú vị và cũng là một công việc có nhiều góc cạnh. Vì thế, nếu nhìn từ góc độ tung hoành năng lực hoặc tự thể hiện mình thì cả hai công việc ấy đều rất thú vị. Còn nếu nói về việc gì đó mà tôi đã kịp làm hay việc gì đó mà tôi chưa kịp làm thì có lẽ tôi cũng đã làm được một số việc và có một số việc quả thực tôi chưa kịp làm. Nhưng cuộc sống vẫn đang diễn ra và tôi hoàn toàn lạc quan và tích cực khi nhìn nhận vào những chuyện như thế. Lẽ ra có thể kịp làm được nhiều việc hơn. Nhưng đời là vậy, có sao đâu.

V. Pozner: Đã từng có giai đoạn mà ông lãnh đạo Văn phòng Tổng thống. Có khi ông không biết người ta đã đặt cho ông biệt danh gì.

D. Medvedev: Biệt danh gì vậy?

V. Pozner: Tể tướng. Ông có biết chuyện này không?

D. Medvedev: Tôi có đọc  ở đâu đó về chuyện này. Nhưng nói một cách thành thật thì tôi chưa từng nghe thấy ai gọi tôi như thế. Không ai nhìn thấy tôi mà nói: “Xin kính chào tể tướng!”.

V. Pozner: Nhưng ông nghĩ thế nào, tại sao người ta lại đặt cho ông biệt danh này?

D. Medvedev: Rất khó nói. Nhưng nếu có lý do thì bởi tôi đã và đang có những mối quan hệ rất gần gụi với ông Putin, người khi đó cũng đã là Tổng thống. Và có lẽ cũng bởi tôi là người rất được ông ấy đối xử tốt và tin cậy.

Có công, không sợ bị phụ

V. Pozner: Một trong những dấu hiệu báo trước sự thăng tiến vượt bậc trong sự nghiệp của ông được nhiều người cho là việc ông được giao phụ trách các chương trình mang danh là quốc gia. Tại sao hôm nay chúng ta không hề nghe thấy gì về chúng cả? Vì sao đấy mà không ai nói gì về chúng cả. Hơn thế nữa, những câu như “nhà ở vừa giá”  bây giờ vẫn như trước kia vẫn chỉ là những lời có cánh, những khẩu hiệu chứ không có gì thực tế cả. Ông có thể nói gì trước việc này, thí dụ như là có tới 86% số người tham gia cuộc thăm dò ý kiến trên mạng do báo “Luận chứng và sự kiện” tổ chức cho rằng, không có một xu hướng nào của các chương trình quốc gia ấy cải thiện được tình hình. Họ nghĩ không đúng ư?

D. Medvedev: Tôi sẽ nói thế này. Thứ nhất, mỗi một sự lựa chọn đều là việc mang tính chủ quan rất cao. Nói theo cách của các nhà xã hội học, nó mang tính đại diện hay không đại diện đến đâu là chủ đề cho một cuộc nói chuyện riêng rẽ. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là, tôi hài lòng với mức độ tôi đã thực hiện các chương trình quốc gia. Và giờ tôi vẫn cho rằng, không cần phải tỏ ra khiêm tốn, chúng tôi đã đạt được nhiều thành tựu. Tất nhiên, không phải trong tất cả các hướng. Tôi cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp đã thay đổi thực sự trong 5-7 năm gần đây. Bất cứ ai làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đều sẽ nói với ông như thế. Còn về nhà ở thì quả thực là một chủ đề rất phức tạp.  Chúng ta bây giờ ngồi ở đây trò chuyện. Chúng ta đã bắt đầu từ việc khối lượng những căn nhà cũ nát cần phải đưa vào chương trình là khoảng 7 triệu mét vuông. Nhưng hiện nay thì con số này đã lên tới 10 triệu mét vuông. Vì nó cứ không ngừng tăng lên. Trong lúc chúng ta đang xử lý vấn đề thì một phần nhà ở đã xuống cấp và cũ nát. Và có một điều nữa là, bất cứ ai thì cũng không bao giờ hài lòng với điều kiện nhà ở hiện tại của mình. Đó là nhu cầu luôn phát triển suốt cả đời, từ ít đến nhiều. Nhưng chúng ta đã khởi động được cơ chế. Và điều cuối cùng tôi muốn nói về các chương trình quốc gia là: không phải chúng tôi không thực hiện chúng nữa. Vẫn đang tồn tại các cơ quan tiếp tục thực hiện chúng. Và khi tôi còn làm Tổng thống thì cả Tổng thống lẫn Thủ tướng đã thường xuyên đưa ra các biện pháp thực hiện. Chỉ còn lại vấn đề cung cấp tài chính cho các chương trình quốc gia. Một phần kinh phí đã được giải ngân cho các chương trình quốc gia. Đó là hàng chục triệu rub. Vì lẽ đó mà chủ đề này không hề bị bỏ bẵng mà vẫn tiếp tục sống. Có thể nó đã hơi cổ hủ một chút rồi, nhưng thế cũng là bình thường vì nó đã tồn tại suốt 6 năm nay rồi.

Theo dòng thời cuộc

V. Pozner: Tôi muốn hỏi ông về việc đôi khi quan điểm của ông cũng thay đổi. Đó là việc khá thú vị. Thí dụ như về các cuộc bầu cử Thống đốc trực tiếp. Năm 2009, ông đã nói rằng, ông không nhìn thấy những điều kiện mà trong đó chúng ta có thể từ bỏ quyết định này bây giờ hay sau 100 năm nữa. Thế nhưng chỉ 2 năm sau đó thì ông lại tuyên bố rằng có thể lại thực hiện những cuộc bầu cử này sau mười, mười lăm năm nữa. Rồi một năm sau nữa, thì đã có bầu cử trực tiếp. Tất nhiên, với những bộ lọc khác nhau (dù thế nào thì cũng vẫn có chúng), nhưng vẫn là bầu cử trực tiếp. Xin hỏi, thứ nhất là, tại sao quan điểm của ông lại thay đổi? Liệu còn những vấn đề nào khác nữa mà quan điểm của ông cũng thay đổi một cách to lớn như thế không?

D. Medvedev: Tại sao ư? Tại vì tôi là chính trị gia đang thực hành và tôi hy vọng rằng tôi cũng là một người có tư duy lành mạnh, luôn theo sát sự phát triển của hệ thống chính trị. Và tôi hy vọng là tôi nhận được thông tin từ những nguồn đa dạng nhất. Tôi đã từng không chỉ một lần nói về chuyện này. Tôi không chỉ xem tivi, tôi còn đào sâu mạng Internet, tôi không chỉ nhận được những bức điện đã mã hóa với các bản báo cáo về những gì diễn ra trong nước mà tôi còn thu thập thông tin từ những nguồn rất khác nhau. Xã hội đang thay đổi. Và quan điểm của tôi cũng thay đổi. Tôi không thấy gì không phải trong chuyện này cả. Tôi đã rất chân thành, thậm chí có thể đã rất xúc cảm khi nói rằng 100 nữa cũng không cần. Khi đó tôi nghĩ thế. Quan điểm của tôi giờ đã thay đổi. Vì rằng tôi nhận thấy (và đó là điều quan trọng nhất), vấn đề thậm chí không phải ở trong việc một số tâm trạng nào đó đã thay đổi. Trong vòng hai ba năm, tôi đã nhận ra điều chính yếu – mọi người muốn bầu ra các nhà lãnh đạo khu vực. Đó là máy định vị quan trọng nhất. Điều đó buộc tôi phải thay đổi quan điểm của mình. Và tôi cho rằng, làm như thế là đúng. Bất cứ một chính trị gia nào, bất cứ một nhà lãnh đạo nào cũng cần phải nhạy bén trước những yêu cầu của xã hội, khác đi thì người ấy sẽ trở nên cứng nhắc và đưa ra những quyết định không đúng đắn.

V. Pozner:  Ông cho rằng trước đó thì xã hội không muốn như thế ư?

D. Medvedev: Ông phải thấy rằng, đúng là như thế đấy. Vì rằng ở thời gian trước, nhu cầu bầu cử còn chưa cao. Đó là điều thứ nhất.  Xã hội chúng ta rất phức tạp, đất nước chúng ta rất phức tạp. Và ở trong một nhà nước liên bang, nơi tồn tại những xu thế khác nhau, kể cả chủ nghĩa li khai, - đây là vấn đề lớn nhất của chúng ta -, kể cả những hoạt động khủng bố, quyết định đó ở một tình huống nhất định đã là rất khó khăn để chuyển sang một hệ thống sắp xếp quyền lực khác. Hệ thống cũ đã làm xong phận sự, trách nhiệm, nó đã giúp củng cố đất nước. Nhưng nó đã hết hạn ngạch của mình ở một thời điểm nào đó. Và nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo quốc gia, của tôi trong giai đoạn đó với tư cách là Tổng thống là tuyên bố đúng lúc: “Đủ rồi. Cần phải chuyển sang một hệ thống khác”. Và mọi người đã ủng hộ tôi. Các nghị sĩ đã ủng hộ tôi. Điều quan trọng nhất là tôi đã nhận được sự ủng hộ từ những người đã thốt lên: “Phải, chúng tôi muốn điều này”.

V. Pozner: Và dẫu sao thì ông đã và vẫn cho rằng, vẫn cần phải có một sự thanh lọc nào đấy?

D. Medvedev: Quan hệ với vấn đề này phức tạp hơn. Tôi cho rằng, hệ thống chính trị cần phát triển không phải theo kiểu giật cục mà tiệm tiến. Theo phương thức thanh lọc. Còn nói về  những sự thanh lọc thì chúng ta đã có một đạo luật, có hiệu lực từ ngày 1/6, mà theo đó, nhìn từ góc độ thuật ngữ thì sẽ không có một sự thanh lọc nào cả. Chỉ có hai khả năng. Khả năng thứ nhất, Tổng thống tiến hành tham vấn. Nhưng chỉ trong trường hợp ông ấy muốn làm thế và cho rằng làm thế là hữu lý. Và với những hệ lụy luật pháp hoàn toàn chưa xác định vì Tổng thống không có quyền phủ quyết. Khả năng thứ hai hay chủ đề thứ hai xuất hiện trong quá trình thảo luận, đó thực sự là một sự cần thiết, thu thập được lá phiếu ủng hộ của các đại biểu hội đồng ở địa phương. Hệ thống này đang tồn tại ở Pháp  và một số quốc gia khác nữa. Và nó dẫu sao cũng cho phép lại gần với người dân hơn. Nhưng chúng tôi với quý vị cũng cần nhớ tới những gì đã diễn ra trong những năm 90 (của thế kỷ XX). Xuống địa phương “du diễn” về bản chất là những nhân vật kèm theo đội hình kỹ trị của mình và thế là trên vị trí thống đốc đã xuất hiện những nhân vật hoàn toàn xa lạ với các địa phương mà họ quản lý. Đôi khi đó là những thống đốc tài năng, đôi khi là những thống đốc bất tài, đôi khi là những người thạo việc, đôi khi là những kẻ vô công rồi nghề. Nhưng với những trò láu cá kỹ nghệ rốt cuộc họ đều đạt được kết quả mà họ mong muốn. Tôi cho rằng, dẫu sao với việc tập trung được sự ủng hộ của các đại biểu hội đồng ở địa phương thì ít ra cũng có thể tin rằng, những người này đã được chấp nhận ở địa phương đó…

Ai có việc nấy

V. Pozner: Chính phủ do ông đứng đầu đã được đổi mới tới ba phần tư. Đó là một sự đổi mới rất lớn. Nhưng nhiều người quan tâm không chỉ tới sự đổi mới mà còn tới việc dịch chuyển của đại đa số những thành viên rất có ảnh hưởng của chính phủ cũ sang Văn phòng của Tổng thống. Tôi xin trích từ tờ Nhật báo phố Wall: “Ông Putin đã biến họ thành đối trọng với chính những người kế vị họ trong chính phủ. Cái đó giống như một chính phủ song hành, một chính phủ trong bóng râm đưa ra những quyết định thực sự và chỉ để cho chính phủ của ông Dmitri Medvedev quyền chịu trách nhiệm về những thất bại”. Đấy là họ nói như vậy. Dẫu sao cũng cần phải hỏi: thế đâu là chính quyền hành pháp thực sự? Trong Điện Kremli hay trong Nhà Trắng Moskva? Thí dụ như thay vì cho ngồi vào vị trí Bộ trưởng của bà Golikova từng bị phê phán rất nhiều, lại là một quý bà từng làm phó cho bà ấy ở Bộ Bảo vệ sức khỏe và phát triển xã hội. Còn bà Golikova thì lại chuyển đi làm cố vấn cho Tổng thống. Vậy thì ai nắm quyền? Bà Golikova hay cấp phó cũ của bà ấy?

D. Medvedev: Tôi trở thành Phó Chánh văn phòng Tổng thống ngày 31/12/1999 lâu lắm rồi. Và như tôi đã nói, tôi từng là Phó một của Chánh văn phòng Tổng thống, tức là Văn phòng đã từng là cơ quan làm việc của tôi. Là một người biết rõ tình hình từ bên trong, tôi có thể nói với quý vị rằng: Văn phòng, đó là một cơ quan quan trọng giúp việc cho Tổng thống, một tập hợp các trợ lý. Nhưng trong suốt thời gian tôi làm việc ở đó, tôi không thể nhớ tới bất cứ một trường hợp nào mà có ai đấy từ đó điều khiển chính phủ cả. Và chỉ có một nhân vật duy nhất có thể đưa ra những chỉ đạo trực tiếp. Và quý vị cũng đoán ra đó là ai. Đó chính là Tổng thống. Tất cả những người còn lại, trong trường hợp tốt nhất thì cũng chỉ là cố vấn. Điều nữa cần nói là: những người hiện giờ đã chuyển sang làm tại Văn phòng Tổng thống, tất cả đều là những chuyên gia giỏi và là đồng chí đồng đội của tôi. Một số người trong số họ đã từng được tôi trước kia giới thiệu với ông Putin vào các chức Bộ trưởng. Tất cả họ đều sẽ, như người ta vẫn nói, có sân chơi của mình. Nhưng sân chơi này không liên quan gì tới những quyết định mà chính phủ sẽ đưa ra, như đã từng tuyên bố trong một văn bản của Văn phòng. Và họ sẽ chỉ làm công việc của họ, thực hiện những nhiệm vụ cụ thể được giao. Chuyện này lúc nào cũng như thế và tôi không thể nhớ một cái gì khác.

V. Pozner: Vậy nghĩa là ông hoàn toàn yên tâm về chuyện này?

D. Medvedev: Tôi không chỉ yên tâm mà khác với những người ở tờ Nhật báo phố Wall hay ở những chỗ khác, những người mà tiếp nhận chúng tôi một cách rất nặng nề, tôi biết rõ tình hình từ bên trong  Văn phòng và bên trong chính phủ. Không thể có chuyện gì khác xảy ra. Dù ai làm Thủ tướng đi chăng nữa.

Định kỳ đổi mới

V. Pozner: Xin ông hãy nói, ông từng là đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô?

D. Medvedev: Phải, cũng như ông thôi. Nhưng thâm niên của tôi ngắn hơn của ông.

V. Pozner: Vì tôi nhiều tuổi hơn.

D. Medvedev: Đó là sự thật.

V. Pozner:  Đúng thế. Còn giờ thì ông đã gia nhập đảng Nước Nga Thống nhất?

D. Medvedev: Phải.

V. Pozner: Thế thì chúng ta hãy nói về đảng Nước Nga Thống nhất. Khi ông đồng ý làm người đứng đầu đảng Nước Nga Thống nhất, ông có đặt ra điều kiện gì không?

D. Medvedev: Tôi đã quen thuộc với  đảng Nước Nga Thống nhất từ lâu. Với cả những thủ lĩnh của chính đảng này. Tôi đã không hiểu ra ngay rằng, để thay đổi tình hình trong nước, cần phải gia nhập đảng. Tôi không giấu giếm rằng, đối với tôi, đó đã là một sự lựa chọn nhất định. Vì rằng, trong một giai đoạn nào đó, ở nhiều người từng là đảng viên đảng Cộng sản Liên Xô đã xuất hiện cái cảm giác là không nhất thiết phải thêm một lần gia nhập một đảng nào khác. Nhưng rồi tôi đã nhìn câu chuyện này bằng cặp mắt hoàn toàn khác – cặp mắt của người có trách nhiệm phải lập ra những điều kiện cần cho quá trình phát triển dân chủ của xã hội. Và rốt cuộc là tôi đã trở thành vị Thủ tướng có đảng phái đầu tiên của chính phủ Nga trong những năm gần đây. Và đấy là một sự việc đúng đắn. Đấy chính là nền dân chủ. Bởi vì khi ta luôn chỉ ở phía trên các đụng độ thì các chính đảng không thể phát triển được. Cả chính đảng nắm quyền kiểm soát lẫn những chính đảng khác. Thủ tướng phải đại diện cho một lực lượng chính trị nhất định và ông ta phải đứng không phải phía trên mà ở bên trong thời cuộc. Thế là mạo hiểm. Nhưng đồng thời thế mới là trung thực. Bởi vậy nên tôi đã đưa ra quyết định đó. Còn nếu nói về điều kiện thì nói chung, khi ta được mời làm gì đó thì có lẽ cũng không nên đưa ra các điều kiện. Nhưng tôi tất nhiên cũng có đề cập tới một số chuyện. Rất rõ ràng là như thế. Tôi đã đề cập tới việc cần phải tiến hành những cải cách thực sự trong nội bộ đảng. Theo tôi, việc này nói chung trong bất cứ một chính đảng nào cũng cần tiến hành cứ khoảng 12 năm một lần, ở bất cứ đất nước nào, dưới bất cứ chế độ nào. Và ở nước ta cũng thế. Bởi lẽ mọi người đã trở nên mệt mỏi vì một tập hợp những gương mặt nhất định, vì một tập hợp những quy chế và sự vật nhất định. Bởi vậy nên định kỳ đổi mới đảng. Đảng – đó là công cụ. Vì chính vì thế nên đảng Nước Nga Thống nhất sẽ phải đổi mới. Nhưng điều này không có nghĩa là cần phải chối bỏ những gì đã làm được. Rất nhiều việc có ích đã được hoàn thành với sự tham gia của đảng Nước Nga Thống nhất liên quan tới những quyết định về tất cả những vấn đề quan trọng trong đời sống nước Nga. Nhưng đảng cần định hướng mới. Đảng cần canh tân, cần những gương mặt mới, cần để có nguồn nhân lực xuất hiện trên cơ sở cạnh tranh. Đảng cần để các quyết định chỉ được thông qua sau khi đã được thảo luận ở những cấp thấp nhất, cấp cơ sở, chứ không phải chỉ từ trên ép xuống. Và nhìn từ góc độ này, tôi tất nhiên cũng thấy rõ những điểm yếu đã và đang tồn tại ở trong đảng Nước Nga Thống nhất.

V. Pozner: Bây giờ chúng ta cùng thử nhìn xem, thành phần nội các đã được đổi mới tới ba phần tư. Liệu có thể nói rằng ban lãnh đạo đảng Nước Nga Thống nhất nhìn chung đã được đổi mới không?

D. Medvedev: Tất nhiên là không.

V. Pozner: Ở đó vẫn chỉ toàn những gương mặt cũ.

D. Medvedev: Không, không phải chỉ toàn những gương mặt cũ. Có một người mới ở đó và người ấy đang ngồi trước mặt ông đây. Mà tôi thì có thể nói là người chủ đạo ở đấy.

V. Pozner: Tôi đồng ý thôi. Nhưng tất cả những người còn lại…

D. Medvedev: Nếu ta đọc điều lệ của đảng Nước Nga Thống nhất thì có thể nói rằng, quyền hành của Chủ tịch đảng cực kỳ to lớn. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là, tôi mới chỉ vừa nhậm chức thôi.

V. Pozner: Tức là ông muốn nói, sẽ có những thay đổi mới nữa?

D. Medvedev: Dĩ nhiên là như thế! Vì đảng mạnh không phải bởi ban chấp hành trung ương hay hội đồng chính trị mà mạnh ở những đơn vị cơ sở, những tổ chức cơ sở. Và trong thời gian gần nhất chúng tôi sẽ phải thay đổi tới 85 nghìn lãnh đạo ở các cấp khác nhau trong bộ máy lãnh đạo đảng. Kể cả ở cấp cao. Bằng con đường bầu lại hoặc bầu lại trên cơ sở cạnh tranh. Đó sẽ là một số lượng rất lớn các cuộc bầu cử nếu tính đến việc đảng chúng tôi ở cấp cơ sở có tới hơn 80 nghìn tổ chức đảng. Đó sẽ là một công việc mang tính hệ thống khổng lồ mà chúng tôi phải tiến hành trên những nguyên tắc mới. Tôi không thể nói rằng tất cả sẽ thích như thế. Nhưng bắt buộc phải làm việc này.

V. Pozner: Trong những trường hợp nào thì ông nói dối?

D. Medvedev: Tôi luôn luôn cố gắng nói thật. Vì trong thời sinh viên của tôi đã có một lần nào đó một vị giáo sư rất anh minh (ông ấy đã qua đời rồi, thực đáng tiếc!) đã nói một câu mà tôi nhớ suốt cuộc đời: “Khao khát hay ước muốn nói thật – đó là nhu cầu tự nhiên của con người. Ta hài hòa chính ở việc này”.

V. Pozner: Giờ thì điều gì làm ông nuối tiếc hơn cả?

D. Medvedev: Cuộc đời là sự quá ngắn ngủi. Và mỗi ngày chỉ có 24 giờ. Ta chẳng thể nào kịp làm hết việc.

V. Pozner: Đâu là điểm yếu chính của ông? Tất nhiên, theo ông nghĩ.

D. Medvedev: Rất khó nói về những điểm yếu của mình. Nhưng dẫu sao, đó có lẽ là sự cứng rắn hơi thái quá của tôi trước những câu hỏi mà các đồng nghiệp đã đưa ra cho tôi. Đôi khi tôi đã trả lời thẳng thừng quá, điều đó có thể làm cho ai đó tự ái, để rồi sau đó tôi ân hận. Thế nhưng, làm gì có ai hoàn thiện.

V. Pozner: Đâu là nét tính cách chủ đạo của ông?

D. Medvedev: Tôi có cảm giác tôi là một người kiên trì.

V. Pozner: Ông có thể nói tên họ ba nhà văn mà ông yêu quý được không?

D. Medevedev: Tsekhov,Dostoyevski, Nabokov.

V. Pozner: Những đức hạnh nào mà ông đánh giá cao hơn tất cả?

D. Medvedev: Trung thực, chung thủy.

V. Pozner: Điểm yếu nào mà ông dễ tha thứ nhất?

D. Medvedev: Cái điểm yếu không làm phương hại tới những người xung quanh. Thí dụ, thói phàm ăn chẳng hạn.

V. Pozner: Thói xấu nào mà ông không bao giờ tha thứ?

D. Medvedev: Dối trá và phản bội.

V. Pozner: Nhà soạn nhạc mà ông yêu thích nhất?

D. Medvedev: Tchaikovsky, một phần Beethoven.

V. Pozner: Khi ông phải đứng trước chúa trời, ông sẽ nói gì?

D. Medvedev: Tôi là người theo đạo, tôi sẽ xin chúa trời tha thứ cho tôi về tất cả những gì tôi đã phạm phải.

Huy Dũng - Huy Thanh
.
.