Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi: “Chịu chơi sợ gì mưa rơi"

Thứ Năm, 24/11/2011, 15:46
Tối 8/11 vừa qua, sau khi Hạ viện thông qua quyết toán ngân sách năm 2010 của chính phủ, đương kim Thủ tướng Italia, Silvio Berlusconi đã chính thức tuyên bố rằng ông sẽ từ chức. Thậm chí ông cam kết sẽ không lại tham gia cuộc bầu cử mới có nhiều khả năng sẽ được tổ chức vào tháng 2/2012.

Ông còn tiết lộ, ứng cử viên cho chức Thủ tướng từ phía đảng Nhân dân Tự do (PDL) do ông sáng lập và lãnh đạo sẽ là cựu Bộ trưởng Tư pháp Angelino Alfano, một trong những cộng sự gần gụi nhất của ông.

Tuy nhiên, các nhà quan sát vẫn cho rằng, còn quá sớm để gạt bỏ ông Berlusconi khỏi các cuộc chơi chính trị lớn ở Italia, bởi lẽ, chính trị gia này từng vượt qua được hàng chục cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và nhiều lần trụ lại được ở thế thượng phong bất chấp việc ba lần phải ngồi vào ghế bị cáo ở tòa.

Ông Silvio Berlusconi, giữ chức Thủ tướng Italia từ ngày 8/5/2008 (trước đó, ông từng lãnh đạo nội các trong năm 1994 và trong giai đoạn từ năm 2001 tới năm 2006), đã bị mất đa số phiếu trong Hạ viện ngày 8/11 vì chỉ có 308/630 lá phiếu ủng hộ ông khi thông qua quyết toán ngân sách năm 2010.  321 nghị sĩ đã không tham gia bỏ phiếu.

Điều đáng suy nghĩ là trong số những người chống lại ông Berlusconi không chỉ có các nhân vật đối lập mà cả một số đảng viên PDL. Trong thế kẹt này, tối 8/11 ông Berlusconi đã khẳng định với Tổng thống Giorgio Napolitano rằng ông sẽ từ chức một khi các biện pháp cải cách kinh tế theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) được quốc hội nước này thông qua. Cũng phải nói rằng, Italia không phải quốc gia đầu tiên ở châu Âu diễn ra cảnh giải tán nội các vì khủng hoảng kinh tế.

Cũng trong ngày 8/11, Thủ tướng Hy Lạp đã tình nguyện từ chức sau khi phe đối lập và các quan chức EU lên tiếng phê phán kịch liệt dự định đưa ra trưng cầu ý dân về việc cắt giảm chi phí ngân sách của Thủ tướng  George Papandreou… Thế nhưng, trong trường hợp của Italia, khủng hoảng kinh tế chỉ là tác nhân thúc đẩy chứ không phải là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng chính trị.

“Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm”

Lần đầu tiên những đồn đại về việc Thủ tướng Berlusconi xuất hiện là trên tờ La Repubblica ngày 26/10. Nhưng những lý lẽ đưa ra trên đó với những gì về sau diễn ra trong thực tế không có mấy điểm chung. Trước cuộc gặp thượng đỉnh của các nước EU tại Brussels để bàn cách thoát khỏi vực sâu khủng hoảng nợ, ông Berlusconi đã phải thương thảo tới đêm khuya với thủ lĩnh của đảng Liên đoàn phương Bắc (NL) Umberto Bossi, đồng minh của PDL.

Chủ đề làm việc là nội dung bản báo cáo mà Italia phải trình tại cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels về cách thức mà nền kinh tế lớn thứ ba của châu Âu định thực hiện để thoát khỏi khủng hoảng. Bất đồng lớn nhất là việc nâng tuổi về hưu từ 65 lên 67 mà ông Bossi đã không chịu ủng hộ. Tờ La Repubblica khi đó đã viết rằng thủ lĩnh NL cuối cùng cũng đồng ý  nhượng bộ ông Berlusconi với điều kiện ông này sẽ từ chức Thủ tướng.

Nhìn từ góc độ của ông Bossi, nếu ông Berlusconi chịu từ chức và cuộc bầu cử Thủ tướng trước thời hạn được tiến hành vào năm 2012, chứ không phải vào năm 2013 như dự kiến, thì NL sẽ đỡ bị mất phiếu hơn: trong hoàn cảnh hiện tại, nội các do ông Berlusconi lãnh đạo càng trụ lại lâu thì càng mất uy tín cho chung cả liên minh. Thế nhưng, khi trình bày bản báo cáo của Italia tại Brussles, ông Berlusconi đã bác bỏ tin đồn về những thỏa hiệp với ông Bossi.

Quan hệ giữa ông Bossi với ông Berlusconi còn có thể được xác định qua cả sự việc sau. Ngày 11/10, điều thứ nhất trong quyết toán ngân sách 2010 đã không được Hạ viện Italia thông qua. Chính khi ấy đã nảy sinh vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nội các do ông Berlusconi lãnh đạo. Và ông đã vượt qua được thử thách này với đa số tuyệt đối 316 nghị sĩ ủng hộ và chỉ có 301 trong số 617 lá phiếu chống lại ông.

Khi ấy, trả lời câu hỏi liệu nội các hiện nay có thể tồn tại tới năm 2013 hay không, ông Bossi đã nói rằng ông không biết nhưng “khi nào bỏ phiếu thì tôi quyết định”. Và chính trong lần bỏ phiếu đó đã có 12 đảng viên trong PDL đã không ủng hộ lãnh đạo của mình.

Tới ngày 8/11, Hạ viện Italia lại xem xét quyết toán ngân sách năm 2010 do chính phủ trình lên. Số phiếu ủng hộ chỉ còn 308, tức là ít hơn đa số tuyệt đối. Các cử chỉ của ông Berlusconi trong quá trình diễn ra bỏ phiếu đã thu hút sự chú ý cao độ của các phóng viên có mặt tại Hạ viện. Thủ tướng Italia đã ghi vào một tờ giấy nhỏ dòng chữ “308. Trừ đi 8 kẻ phản bội”.

Rồi kết thúc bằng hai từ “tổng thống” và “từ chức”. Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, ông Berlusconi đã tất tả đi lấy danh sách các hạ nghị sĩ mang về “nghiên cứu” để cố gắng tìm ra những “kẻ phản bội”. Và ông đã tìm ra. Trong số những nghị sĩ trung hữu vốn vẫn ủng hộ ông Berlusconi, đã có 11 người không có mặt để bỏ phiếu.

Một trong số họ là hạ nghị sĩ, đảng viên PDL Gennaro Malgieri đã biện bạch rằng ông đã ở trong nhà vệ sinh khi cuộc bỏ phiếu được tổ chức. Như chính lời ông nghị này nói với báo giới, lúc ông bước vào phòng họp sau khi phải uống thuốc đau bụng trong nhà vệ sinh (đây là lần đầu tiên ông bị như thế trong suốt 11 năm làm dân biểu) thì cuộc bỏ phiếu đã đi tới phần kết thúc!

Một đảng viên PDL khác là hạ nghị sĩ Alfonso Papa trong ngày bỏ phiếu lại gặp chuyện xui: bị giam giữ tại gia. Ông nghị Franco Stradella có mặt trong phòng họp khi cuộc bỏ phiếu diễn ra nhưng lại “án binh bất động”, không tham gia bỏ phiếu. Trong số 11 nghị sĩ trung hữu trên có các đảng viên  PDL và một thành viên của NL.

Sau khi kết thúc bỏ phiếu, ông Berlusconi đã lên gặp Tổng thống Giorgio Napolitano và nói rằng, ông hiểu rõ tình hình nên sẽ từ chức, sau khi quốc hội thông qua ngân sách mới. Tiếp theo, ông đã gặp lãnh đạo NL và PDL để thông báo điều đó. Ngày 9/11, Thủ tướng Italia trong cuộc trả lời phỏng vấn  tờ La Stampa cũng đã chính thức đưa ra tin này và đề nghị tổ chức bầu cử trước thời hạn vào tháng 2/2012. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào Tổng thống Napolitano.

Cũng trong cuộc gặp này, ông Berlusconi so sánh mình với trùm phát xít Benito Mussolini. Ông kể rằng, ông đã đọc những lá thư của Mussolini gửi cho nữ quý tộc Clara Petacci, cô nhân tình cuối cùng của đời mình.

Trong đó, ông đã đọc thấy câu: “Chẳng lẽ em không hiểu rằng anh không còn quyết định được việc gì nữa mà chỉ có thể đưa ra các đề nghị?” và ông cảm thấy câu này thích hợp với tình cảnh của ông hiện nay. Thủ tướng Italia cũng nhấn mạnh, khác với Mussolini, ông không phải là nhà độc tài.

Nhưng ông cũng cho rằng, các tác giả của bản hiến pháp Italia hiện nay, vì ngại sự lặp lại của lịch sử, đã cắt giảm quá mạnh tay quyền lực của cơ quan hành pháp, tức chính phủ: “Tôi xin hỏi quý vị rằng, liệu đấy có phải là người đứng đầu nội các hay không, một khi  ta không thể buộc Bộ trưởng Bộ Kinh tế tiến hành chính sách kinh tế mà ta tin tưởng?”. Theo lời ông Berlusconi, ông đã mệt mỏi vì chán cảnh không thể áp đặt đường lối của mình và thực hiện chính sách mà mình thấy là đúng.

Triển vọng mù sương

Giới quan sát cho rằng, có lẽ đại đa số cử tri Italia đều cảm thấy vui mừng một khi ông Berlusconi từ chức. Tín hiệu cho thấy dư luận xã hội Italia ngày càng chống lại chính trị gia “chịu chơi sợ gì mưa rơi”, xuất hiện từ mùa hè năm nay khi lần đầu tiên trong suốt 16 năm qua, đa số người Italia đã đồng tâm với nhau trong cuộc trưng cầu dân ý chống lại hàng loạt các vấn đề và bỏ phiếu ủng hộ việc bãi bỏ quyền bất khả xâm phạm của các ông nghị.

Trước cuộc gặp thượng đỉnh tháng 10 của EU, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện tấm áp phích với hình Thủ tướng Italia kèm theo lời bình: “Berlusconi ở Brussels: 67 tuổi về hưu. Vậy ông còn chờ gì nữa?”. (Ông Berlusconi sinh năm 1936, tức là đã ở tuổi 75!). Tối 8/11 vừa qua trên trang chủ của tờ Corriere della Sera  đã xuất hiện hình vẽ Thủ tướng với cái ô như ô hiện điểm trên máy chơi bạc tự động với con số 308!

Trong liên minh cầm quyền tại Hạ viện Italia hiện có 215 ghế của PDL, 59 của LN, 25 của đảng Nhân dân và ruộng đất (PT), 3 của đảng Phương Nam vĩ đại (GS) cùng 18 nghị sĩ độc lập. Lực lượng đối lập chính là đảng Dân chủ với 206 ghế. Một khi ông Berlusconi từ chức, có thể diễn ra ba kịch bản.

Thứ nhất, ông Berlusconi có thể bàn giao quyền lãnh đạo nội các cho trợ thủ tin cậy như cựu Bộ trưởng Alfano  hay Chánh văn phòng nội các Gianni Letta. Thứ hai, ngồi vào ghế Thủ tướng mới có thể sẽ là một nhà kỹ trị như Mario Monti, hiện đang là Hiệu trưởng Trường Đại học Bocconi, trung tâm nghiên cứu kinh tế hàng đầu đất nước.

Kịch bản này xem ra khá hấp dẫn nếu nhìn từ lợi ích chung, vì trong quá khứ chưa xa, các chính phủ kỹ trị do các trí giả như Giulio Amato hay các thống đốc ngân hàng trung ương Carlo Azeglio Ciampi và Lamberto Dini lãnh đạo trong những năm 90 của thế kỷ trước đã thông qua được nhiều cải cách quan trọng và đưa Italia vượt qua được những cuộc khủng hoảng còn nghiêm trọng hiện nay.

Thứ ba, nếu việc hiệp thương không được đa số ủng hộ, Tổng thống Napolitano sẽ buộc phải giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm trước khi nhiệm kỳ của chính phủ kết thúc chính thức vào năm 2013

Nguyễn Hữu Huy
.
.