Thủ tướng Anh Gordon Brown: Ghế nóng

Thứ Ba, 26/08/2008, 10:30
Mới chỉ hơn một năm ngồi trên ghế Thủ tướng Anh nhưng ông James Gordon Brown trong mùa hè năm 2008 đã bị nhiều cơn gió nóng thổi táp vào những dự định tương lai. Điều đáng nói ở đây là không phải những đối thủ ở đảng Bảo Thủ gây ra sóng gió cho vị Thủ tướng thứ 74 của Anh quốc, mà chính những đồng chí "cùng hội cùng thuyền" Công đảng đang khiến ông phải đứng trước nguy cơ mất chức cận kề.

Có không ít dấu hiệu cho thấy, người tiền nhiệm Tony Blair đang kết hợp với một số thế lực trong nội các hiện nay để tìm cách tiến hành thay đổi ngôi vị lãnh đạo trong ngôi nhà số 10 phố Downing.

Lý lịch hoàn hảo

Cho tới gần đây, ông Brown vẫn được đánh giá như một trong những gương mặt sáng giá nhất của Công đảng. Tiểu sử của ông rất chuẩn mực. Sinh ngày 20/2/1951 trong một gia đình có cha là mục sư ở Govan, Glasgow (Scotland), ông Brown đã được đào tạo rất căn bản theo đường hướng tư tưởng của Công đảng. Thậm chí, ông còn có học vị tiến sĩ nhờ công trình nghiên cứu về lịch sử Công đảng và những cải cách chính trị ở Scotland trong giai đoạn 1918-1929.

Ngay từ khi còn trẻ, bắt đầu từ lúc mới 12 tuổi, vị Thủ tướng tương lai của nước Anh đã là một ủng hộ viên tích cực của Công đảng. Tính tình nồng nhiệt đã khiến cho chàng trai Gordon với những tư tưởng tả khuynh quyết liệt trong những năm 70 của thế kỷ trước nhận biệt danh "Gordo Đỏ". Chỉ khi đã trở nên đứng tuổi hơn, ông Brown mới dần dà dịu lại tính tình và có thêm những quan điểm trung dung.

Trước khi đảm nhận những cương vị chính trị cao cấp trong bộ máy cầm quyền của Công đảng, ông Brown trong một thời gian không ngắn đã là một trong những viên chức giáo dục nổi bật ở Anh.

Từ năm 1972 tới năm 1975, ông là Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Edinburgh (ở Scotland, chức vụ Hiệu trưởng trường đại học đại diện cho quyền lợi của các sinh viên và theo thông lệ, được sinh viên bầu ba năm một lần; chức phận của người lãnh đạo trường đại học lại do phó hiệu trưởng thực hiện). Sau khi hết nhiệm kỳ làm hiệu trưởng, ông Brown giữ chân giảng viên thời vụ ở Trường Đại học Tổng hợp Edinburgh.

Trong những năm từ năm 1976 tới 1980, ông Brown là giảng viên môn chính trị học ở Trường Đại học Kỹ nghệ Glasgow. Năm 1979, ông lần đầu tiên ra tranh cử nghị sĩ nhưng đã bị phơi áo trước ứng cử viên của đảng Bảo thủ Michael Ancram. Trong giai đoạn từ năm 1980 tới năm 1983, ông Brown là phóng viên và biên tập viên Phòng Thời sự quốc tế của Đài Truyền hình Scotland. Năm 1983, ông trở thành nghị sĩ từ vùng Đông Dunfermline và cũng từ thời điểm này cho tới năm 1984, ông là Chủ tịch Công đảng trong Hội đồng Scotland.

Bắt đầu từ năm 1987, ông Brown dần dà xuất hiện trên chính trường quốc gia với hình ảnh một chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực tài chính. Trong giai đoạn từ năm 1987 tới 1989, khi Công đảng phải ở thế đối lập, ông Brown đã giữ chân phụ trách tài chính trong đội hình "nội các song song" của Công đảng. Từ năm 1989 tới năm 1992, ông là Bộ trưởng Công thương trong "nội các song song".

Từ năm 1992 tới năm 1997, ông Brown là Bộ trưởng Tài chính trong "nội các song song" của Công đảng. Khi Công đảng đánh bại đảng Bảo thủ và ông Tony Blair lên cầm quyền ở Anh, ông Brown từ tháng 5/1997 tới tháng 6/2007 đã giữ cương vị Bộ trưởng Tài chính, lập kỷ lục về "tuổi thọ" trên vị trí nhạy cảm này ở Anh kể từ năm 1820! Những thành tựu kinh tế của nội các Công đảng trong giai đoạn này được gắn với tên tuổi của ông Brown ở phần rất không nhỏ.

Chính vì thế nên ngày 24/6/2007, sau khi ông Blair rời khỏi chức thủ lĩnh Công đảng Anh, mặc nhiên ông Brown đã trở thành người kế nhiệm sáng giá không phải chịu bất cứ sự cạnh tranh nào trong nội bộ, mặc dầu khác với ông Blair, một người có khuynh hướng xã hội tự do trong Công đảng, ông Brown thường được biết đến như một chính trị gia có khuynh hướng dân chủ tự do. Và ngày 24/6/2007, ông Brown dễ dàng được nữ hoàng Elizabeth II bổ nhiệm vào chức Thủ tướng Vương quốc Anh…

Qua cầu không nên rút ván

Công bằng mà nói, ông Brown đã thực hiện không tồi chức phận của mình từ khi làm chủ ngôi nhà số 10 trên phố Downing. Thế nhưng, có lẽ ông đã phạm một sai lầm khó sửa chữa là, sau khi thay thế ông Blair ở cương vị Thủ tướng, ngay lập tức ông đã tuyên bố rằng, ông sẽ điều hành quốc gia theo những phương thức khác với người tiền nhiệm.

Về mặt chiến thuật, ở thời điểm đó, câu tuyên bố này có thể là đúng vì khi ấy, ông Blair đã lâm vào tình trạng mất lòng dân nghiêm trọng. Tuy nhiên, về lâu về dài, thái độ "qua cầu rút ván" như thế sẽ tất yếu khiến ông Gordon sa vào những rắc rối chiến lược vì tự ông đã loại bỏ mình ra khỏi vị trí người thừa kế chính thức những thành tựu mà nội các Công đảng cũ đã lập nên.

Hơn nữa, những toa thuốc mới mà ông có thể đưa ra trên cương vị Thủ tướng không hẳn đã mang lại tác dụng như mong muốn đối với nền kinh tế Anh. Họa vô đơn chí, cũng như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, những khó khăn kinh tế như khủng hoảng thị trường địa ốc ở Mỹ, sự gia tăng giá dầu mỏ và lương thực thực phẩm, nạn lạm phát phi mã… đã làm dội lên những vòng sóng đen tối trên chính trường nước Anh.

Như một phản ứng tự nhiên, lòng tin của các cử tri vào tài năng chèo lái con thuyền đất nước của nội các Công đảng cũng không ngừng suy giảm. Hậu quả là chỉ số tín nhiệm của Công đảng đã rớt xuống mức thấp kỷ lục từ năm 1987 tới nay. Bản thân ông Brown trong bảng xếp hạng uy tín với cử tri cũng bị rớt xuống thấp hơn cả vị Thủ tướng từng "đội sổ" John Major của đảng Bảo thủ.

Theo một cuộc điều tra xã hội gần đây, cứ hai người Anh thì có một người cho rằng, ông Brown nên rời khỏi cương vị Thủ tướng. Nhiều thành viên Công đảng cũng bị lây nhiễm tâm lý dân túy và bỗng nhiên quyết định rằng, có lẽ nên thay thế vị Thủ tướng kém may mắn như ông Brown bằng một nhân vật khác ít xui xẻo hơn thì danh dự của Công đảng mới có thể phục hồi và gia tăng. --PageBreak--

Sau thất bại của Công đảng trong cuộc bầu cử ngày 24/7 tại Glasgow, nơi vốn được coi là "căn cứ" của họ, một nhóm gồm 30 nghị sĩ Công đảng đã lên tiếng yêu cầu ông Brown tự nguyện từ chức. Theo họ, những ứng cử viên đang được dự kiến để thay thế ông Brown lãnh đạo nội các Công đảng là Bộ trưởng Tư pháp Jack Strau và Ngoại trưởng David Miliband. Tuy nhiên, ông Strau ngay lập tức đã tuyên bố rằng ông ủng hộ ông Brown một cách tuyệt đối.

Những thành viên nội các khác như Bộ trưởng Nội vụ Jacqui Smith và Bộ trưởng Giáo dục Ed Balls cũng chung vai sát cánh với ông Brown. Còn nguyên Phó Thủ tướng John Prescott, một chính trị gia rất có uy tín trong Công đảng, cũng lên tiếng kêu gọi các đồng chí của mình mau "chấm dứt những rắc rối vô nghĩa" chống lại ông Brown, vì rằng không một ai trong số các Bộ trưởng đương nhiệm có thể đảm nhận được trọng trách mà ông Brown đang gánh vác.

Đối thủ ở cạnh

Tuy nhiên, "những rắc rối vô nghĩa" cho tới hôm nay vẫn tiếp diễn và rất mạnh. Có một nguyên do nữa, không kém phần quan trọng, dẫn tới hiện tượng này: Đó là mâu thuẫn tuy ẩn mình nhưng không phải vì thế mà không gay gắt giữa ông Brown với người tiền nhiệm. Ông Blair chắc chắn không quên được những lời phủ nhận ông mà ông Brown đã nói sau khi vừa nhậm chức. Và bây giờ là lúc ông Blair có thể "rửa hận" nhờ những đồng minh thân cận nhất hiện đang có chân trong nội các Công đảng.

Không ngẫu nhiên mà Ngoại trưởng Miliband mới đây nhất đã tung lên tờ "The Guardian" một bài báo với nhan đề đầy hứa hẹn: "Bất chấp những thất bại, chúng ta vẫn còn có thể giành lấy chiến thắng trên cơ sở thay đổi một số việc". Ý tưởng chính trong luận văn mang tính học trò không mấy phức hợp này cực kỳ đơn giản: Các thành viên Công đảng cần phải tiến hành giải lao ngắn để suy ngẫm về tình thế hiện tại, hồi tưởng lại những thành tựu không nhỏ của mình và đưa ra những phương thức mới để giải quyết những vấn đề cấp bách.

"Những thành viên Công đảng mới đã ba lần thắng cử khi đưa ra những thay đổi thực sự không chỉ trong chính trị mà trong cả cách làm chính trị", - Ngoại trưởng Miliband nhấn mạnh.

Thế nhưng liệu Công đảng có đủ sức sáng chế ra một phương thức trị quốc nào thực sự mới mẻ không trong tình hình ảm đạm chung của nền kinh tế thế giới? Vị Ngoại trưởng 43 tuổi của Công đảng đã không đưa ra được câu trả lời rành rẽ cho câu hỏi này. Trong lúc kêu gọi thay đổi và tiến lên phía trước, ông Miliband đã không trình bày được thêm một phương án khả thi nào ngoài lứa tuổi tương đối trẻ và những tham vọng khó giấu giếm của mình. Chỉ trên cơ sở những suy tư của ông Miliband, Công đảng hiển nhiên là khó có thể xây dựng một đường lối trị quốc mới.

Về nguyên tắc mà nói, nếu không phải tình hình chính trường Anh đang ở thời điểm nhạy cảm như hiện nay, hẳn bài báo của Ngoại trưởng Miliband cũng không được mấy người để ý tới. Trong khung cảnh nội bộ Công đảng bất ổn như hiện nay, dư luận nước này không khỏi bàn tán về việc, liệu có phải ông Milband đang muốn dùng bài báo trên "The Guardian" như một lá đơn đề nghị cho mình nhảy lên thay ông Brown trên cương vị thủ lĩnh Công đảng hay không?

Bản thân ông Miliband cho tới gần đây vẫn cương quyết phủ nhận điều này và tuyên bố rằng, ông không muốn lật đổ ông Brown. Báo chí Anh cho rằng, trong trường hợp này, không thể hiểu được tại sao ông Miliband lại tung ra một bài báo như thế: hoặc là ông cực kỳ khôn ngoan và muốn tung hỏa mù để công luận tự suy diễn, hoặc là ông thực sự ngây thơ không biết rằng trong tình hình hiện nay, một bài báo như thế có thể làm chấn động xã hội tới đâu.

Một điều cần lưu ý là, hiện nay dư luận Anh bàn tán chủ yếu không phải về những suy tư lạ lùng mà ông Miliband đã viết, mà là về những gì mà ông không viết, thí dụ như về việc, khi nói tới tương lai của Công đảng, ông Miliband đã không một lần nào nhắc tới tên ông Brown. Điều đó có lẽ không phải ngẫu nhiên.

Nhìn chung, các nhà phân tích ở Anh đều thống nhất ý kiến ở chỗ: Khi nói về đổi mới trong Công đảng, ông Miliband trước hết đã chỉ nói về bản thân mình. Không rõ là bằng hành động đó, ông Miliband có củng cố thêm được vị trí của mình trong Công đảng hay không, nhưng rõ ràng là ông đã làm bối rối thêm nội bộ.

Có tin đồn là tới đại hội tháng 9 tới, ông Miliband sẽ đâm thêm một nhát dao nữa vào lưng ông Brown bằng bài phát biểu của mình. Chính vì thế nên hiện nay những người ủng hộ ông Brown đang yêu cầu Thủ tướng Anh loại ông Miliband ra khỏi nội các không chậm trễ. Tuy nhiên, hiện giờ ông Brown vẫn im lặng vì có thể ông đang suy tính những bước đi chiến thuật nào đó làm dịu tình hình.

Trong tháng 8 này, sóng gió có thể vẫn chưa nổi lên dữ dội trên phố Downing nhưng không phải vì thế mà cái ghế của ông Brown không tiếp tục nóng. Hiện nay, chỉ số tín nhiệm của Công đảng trong cử tri Anh không vượt được quá 26%

Long Trận
.
.