Thu Hà - “Bà tỷ phú”

Thứ Ba, 04/09/2007, 15:30
Vở diễn kinh điển "Bà tỷ phú về thăm quê" của nhà viết kịch người Đức Friedrich Duerrenmatt lần đầu tiên được dàn dựng tại Việt Nam đã trở thành một sự kiện nổi bật của sân khấu Thủ đô trong năm vừa qua. Và Thu Hà - trong vai bà tỷ phú Claire Zachanassian - cũng tạo ra một bất ngờ cho khán giả.

Một cú đá penalty ngoạn mục của người đàn bà dường như không phân biệt được nghệ thuật và kinh doanh đâu là đam mê lớn nhất của mình. Chỉ có hơn 10 ngày để hoàn thành một vai diễn lớn, chị nhận ra rằng, vẫn còn nguyên vẹn đó một tình yêu dành cho sân khấu mà chị tưởng rằng đã có lúc mệt mỏi, vô vọng rồi...

1. Tóc cắt ngắn cá tính, thêm mấy sợi light nghịch ngợm, chẳng ai biết NSƯT Thu Hà đã vào tuổi 50. Chị bận rộn suốt ngày với hàng núi công việc. Lái xe chạy chỗ này xem chỗ kia cả ngày cũng phát "nhược".

Nào là quán cà phê I-box tọa lạc ở địa điểm đẹp nhất trên đường Lê Thái Tổ. Nơi mà ở đó nhâm nhi một ly thức uống nào đó bạn có thể nhìn thấy Tháp Rùa Hồ Gươm gần trước mặt, như thể với tay là chạm tới.

Nào là quản lý trung tâm thể dục thẩm mỹ Eva. Thu Hà mở trung tâm Eva từ lúc còn ít người ở Hà Nội chưa biết thế nào là thể dục thẩm mỹ. Vậy nên, dân trong nghề sân khấu (vốn có nhiều nghệ danh Thu Hà) thường gọi chị là Thu Hà Eva cho dễ hiểu.

Rồi cũng phải quan tâm xem cổ phiếu ngày hôm nay lên xuống thế nào, giá cả đất đai trồi sụt ra sao. Nếu có lịch diễn thì cũng phải nhanh chóng về chuẩn bị để đến nhà hát, nhưng dù thế nào cũng phải dành thời gian mấy tiếng đồng hồ để tới sân golf đã chứ. Đấy, sơ sơ công việc mỗi ngày của chị là như vậy.

Thu Hà giỏi làm ăn tính toán thì nhiều người biết. Xưa nay, nghệ sĩ vốn chẳng mấy người giỏi làm kinh tế, nên người ta đã quen với khái niệm cứ nghệ sĩ thì là "hàn sĩ". Nhưng Thu Hà không chấp nhận cảnh ấy. Mạnh mẽ, quyết đoán, thông minh và tỉnh táo, chị nuôi khát vọng làm giàu để chứng minh rằng mình hoàn toàn có thể sống ung dung bằng trí tuệ của mình.

Và để thay đổi hình ảnh của người làm nghệ thuật. Chị làm đủ thứ việc, kinh doanh bất động sản, cổ phiếu, mở nhà hàng, quán bar, trung tâm thể dục thẩm mỹ cho chị em Hà thành.

Giới chơi golf đều biết tiếng Thu Hà sành điệu, bởi chị tham gia môn thể thao này từ rất sớm. 5 năm về trước Thu Hà là một trong hai phụ nữ chơi golf giỏi nhất ở miền Bắc.

Làm doanh nghiệp đau đầu lắm, ai mà chả biết điều đó. Riêng Thu Hà nhận thấy cái mệt mỏi của công việc cũng chính là niềm vui cuộc sống. Công việc kiếm tiền giúp chị nhận ra giá trị thật của đồng tiền. Và quan trọng hơn, nó giúp chị nuôi giữ một tấm lòng vô tư trước nghệ thuật.

Nhiều năm tháng đã qua, Thu Hà luôn xác định, chị không dùng nghệ thuật để mưu sinh. Chị đến với nghệ thuật vì một lòng đam mê thuần túy. Tâm sự ấy của chị có lẽ cũng được nhiều người chia sẻ. Nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng ở ta, chưa khi nào nuôi sống người làm nghề. Mà như một lẽ tự nhiên, những ai lụy nghệ thuật vì miếng cơm manh áo thường chẳng làm nên sự tích gì.

Có nhiều khi, câu chuyện áo cơm, tiền bạc làm xấu đi, nhếch nhác đi hình ảnh người nghệ sĩ trong mắt công chúng. Điều này hẳn không ít người trong chúng ta đã nhìn thấy đâu đó trong đời sống văn nghệ.

Nhưng, lại có một nghịch lý là, nghệ thuật cần một tình cảm đam mê có phần ảo tưởng của người nghệ sĩ. Nếu anh ta tỉnh táo quá, biết rành rẽ phân biệt mọi điều, có thể anh chẳng trở thành một điều gì đáng kể trong nghệ thuật. Thu Hà có "khôn" quá chăng khi biết phân thân một cách rạch ròi như vậy?

Tôi chắc chị cũng chẳng muốn tranh luận nhiều về điều này. Bởi chị muốn mọi người nhìn vào những lao động của chị. Chị hài hước cả với chính mình: "Mình là người đi ngang như con cua ấy. Khi người ta cần một nghệ sĩ thì mình lại là một doanh nhân, và ngược lại, khi cần một doanh nhân thì mình lại là một nghệ sĩ".

Doanh nhân nghệ sĩ ấy đang ngồi đối diện trước tôi là một người sang trọng. Hiển nhiên sự sang trọng ấy không chỉ toát ra từ chiếc xe đời mới chị sở hữu, những tài sản mà chị đang có. Nó tỏa ra từ một điều gì sâu sắc hơn, trong thần thái ung dung, trong cách ứng xử vô tư của chị với nghệ thuật.

Người giàu trong xã hội hôm nay chị đâu phải là một cá biệt. Nhưng người sang trọng thì bao giờ cũng hiếm hoi hơn. Và một nghệ sĩ, giữ được sự sang trọng của mình, cũng là đã giữ cho đời một phẩm cách của thứ nghệ thuật mà họ đang theo đuổi.

2. Thu Hà đến với sân khấu từ khi còn rất trẻ. Cho tới nay, chị đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề. Chị nhớ lại, ngày xưa vì mê sân khấu quá, chị đã viết thư cho đạo diễn Dương Ngọc Đức: "Xin chú mách cho làm thế nào để cháu trở thành một diễn viên". Rồi chị quyết chí đi thi tuyển diễn viên. Và trở thành nghệ sĩ "của hiếm" của Nhà hát Kịch Việt Nam những năm 70-80 của thế kỷ trước.

Trong đời diễn viên của mình, Thu Hà đặc biệt có duyên với vai bà già. Cách diễn của chị tự nhiên, ngọt, pha một chút thông minh, hóm hỉnh, vốn là bản tính ngoài đời của chị.

Thu Hà kể: "Thời trẻ mình yêu sân khấu cuồng nhiệt, yêu đến mù quáng. Trở thành nghệ sĩ là tất cả những gì mình mong muốn. Nhưng rồi một thời gian dài sân khấu rơi vào khủng hoảng. Mình không chịu được cảnh nhiều đêm diễn nhìn xuống phía khán giả thấy những hàng ghế trống không. Mình bị trầm uất, cảm giác như thể tình yêu bị phản bội. Chuyển sang kinh doanh là một cách tìm lối thoát của mình".

Thu Hà là vậy, bản tính mạnh mẽ của người phụ nữ tuổi Đinh khiến chị không chịu được những gì không mang lại cho mình một xúc cảm đủ mạnh để cống hiến cho nghệ thuật. Chị chỉ là một nghệ sĩ, một con chim muốn được hót trong bầu trời trong xanh, rộng lớn. Chị không đủ sức để làm thay đổi môi trường nghệ thuật khi nó đang ngày càng bị lay lắt dần đi.

Chị đi làm công việc khác để chờ đợi một ngày nào đó các nhà hát bừng ánh đèn trở lại. Cho dù sự chờ đợi ấy có khi là vô vọng. Vì chị chỉ có một cuộc đời, một tuổi trẻ để dành cho nghệ thuật. Sân khấu mất đi sự thiêng liêng trong lòng khán giả thì người nghệ sĩ cũng trở nên chật vật với nghề.

Nhiều đồng nghiệp của chị vẫn tiếp tục công việc với hy vọng chấn hưng nghệ thuật sân khấu một ngày nào đó, còn chị thì bước chân vào công việc khác. Tình yêu dành cho sân khấu buổi ban đầu chị dùng lý trí để cất kỹ nó đi, trong cái "rương" đời sống.

Rồi một ngày cái rương ấy được mở bung ra. Đạo diễn Rudolph Straub, trong khi dựng vở "Bà tỷ phú về thăm quê" tại Việt Nam đã bất ngờ thay vai chính vào phút chót. Và chị được lựa chọn để vào vai bà tỷ phú, chỉ 10 ngày trước khi vở diễn ra mắt khán giả. Nhận vai xong, nhiều người bảo chị "điên".

"Bà tỷ phú về thăm quê" là vở kịch nổi tiếng của nhà viết kịch người Đức Friedrich Duerrenmatt viết cách đây đã nửa thế kỷ và đã có tới hơn 40 quốc gia dàn dựng. Đây là vở kịch nói về tình yêu, lòng tham và sự hận thù. Trong đó vai bà tỷ phú Claire được ví như xương sống của vở diễn. Một vai diễn không chỉ cần bản năng mà cả kỹ thuật.

Tại các nước đã dựng vở, diễn viên phải cần tới vài tháng để hoàn thiện vai này. Chạy đua với thời gian, sức làm việc của Thu Hà khiến cho đạo diễn Rudolph Straub "toát mồ hôi". Chị nhận ra tình yêu nghệ thuật trong lòng mình bấy lâu vẫn còn nguyên vẹn.

Vai bà tỷ phú Claire dường như là vai để dành cho Thu Hà. Thần thái sang trọng, cách thể hiện thông minh và cay nghiệt đến mức quá đáng của người đàn bà thành đạt trong đời nhưng cũng trải qua quá nhiều mất mát, là điều ít nhiều có sẵn trong con người chị. Bấy lâu Thu Hà thèm được đóng một vai diễn như vậy. Chị nhận ra đây là một cơ hội để tình yêu nghệ thuật trong mình được cháy lên.

Bà tỷ phú Claire, người đàn bà giàu có mang trong lòng bao nhiêu vết thương và sự hận thù vì mối tình bị phản bội thời tuổi trẻ đã trở về quê nhà sau nhiều năm xa cách, đòi lại món nợ mà kẻ bội bạc đã gây ra. Cũng là người đàn bà "dao kéo phẫu thuật đầy mình" ấy đã muốn trở về quá khứ "bằng bạc tỷ của tôi và bằng sự hủy diệt" là thông điệp về sức mạnh đồng tiền, tình yêu, lòng thù hận của con người. Đây là một vai diễn mang tính biểu tượng, và người diễn viên tài năng là người có khả năng lôi kéo khán giả trong trường liên tưởng của họ, để thấy được các lớp lang của vở kịch.

Thu Hà dường như đã chạm tới điều đó. Bằng chứng là chị đã chinh phục được tình cảm của khán giả và cả những đồng nghiệp, tạo ra một tiếng vang cho vở diễn. Thừa nhận, đây là một vai diễn lớn trong cuộc đời nghệ thuật của Thu Hà.

3. Trong đời thường Thu Hà là một người may mắn. Chị có một gia đình hạnh phúc, một người chồng thành đạt và hết lòng yêu thương, ủng hộ chị trong công việc kinh doanh cũng như làm nghệ thuật.

Vẫn cách nói hài hước đầy ẩn ý khi nói về các con, Thu Hà kể: "Mình hay nói với các con mình từ nhỏ rằng, các con làm nghề gì cũng được, nhưng đừng chọn nghệ thuật. Vì đây là nghề khổ ải, bạc bẽo. Cũng có thể có vinh quang, nhưng để có được vinh quang thì rất nhọc nhằn. Và quan trọng là làm nghề này, cái tâm con người lúc nào cũng dằn vặt, khổ sở. Các con mình đều gật gù nghe mẹ. Nhưng rồi một trong hai đứa bây giờ đã trở thành họa sĩ mất rồi". Và chị cười phá lên, vui vẻ.

Vậy đấy, nghệ thuật luôn luôn là một thứ bùa mê khó giải. Người ta thừa nhận những nhọc nhằn của nó nhưng sức hấp dẫn của nó còn khủng khiếp hơn thế nhiều. Nó chống lại mọi lý trí, mọi khuyên bảo thuần túy. Nó là máu chảy trong huyết quản của những người đã trót mang nghiệp vào thân.

Tôi nghĩ, Thu Hà đã chẳng bận lòng nhiều câu chuyện lựa chọn nghề nghiệp của con. Chị chỉ nói cho vui thôi. Vì chị hiểu hơn ai hết nghệ thuật đã mang đến cho chị nhiều ý nghĩa như thế nào trong đời sống. Mong rằng mỗi ngày chị vẫn tiếp tục bận rộn hơn nữa với công việc kinh doanh, vẫn đi đánh golf như một niềm yêu thích không thể rời bỏ. Và, vẫn phát điên lên mỗi khi được nhập vào một vai diễn phù hợp với mình...

Bình Nguyên Trang
.
.