“Thơ mình mình đọc câu nào cũng thương”

Thứ Hai, 16/06/2008, 08:00
Đã có một thời, chị làm nên một hành khúc trong lòng người ra chiến trận, nuôi dưỡng ý chí cho họ chiến đấu và trở về với người yêu thương. Ngày ấy, trong ba lô của mỗi người lính và trong tiềm thức họ ai cũng thuộc "Hương thầm". Và chị, của bây giờ, là cuộc sống thầm lặng với cây bút và một tầm hồn nhạy cảm, của công việc, những cuộc tình đã vỡ và nỗi cô đơn...

Tôi hẹn gặp nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vào một buổi chiều trời phùn mưa lất phất vương vấn chút muộn màng cuối xuân. Chị mới chuyển nhà, nhà chị ở tầng 15 của một khu chung cư mới trên đường Lê Văn Lương. Khu nhà to đẹp và gần đường cái. Chị đón tôi bằng một nụ cười hồn hậu và chân tình như bao lần rồi chị bảo: "Xui quá mày ạ, mày đến đúng lúc mất điện luân phiên, đến 6h mới có cơ!". Rồi chúng tôi ra ban công, tòa nhà cao vút, gió, cơ man nào là gió, và lất phất phùn mưa phả vào khuôn mặt, phả vào làn tóc mát rượi.

Và mùi thơm ngào ngạt đâu đó từ ban công, cái mùi thơm dịu nhẹ, ngọt ngào, thoang thoảng mà bây giờ tôi mới chợt nhận ra: hương bưởi. Ban đầu tôi cứ nghĩ, bởi lẽ Phan Thị Thanh Nhàn và "Hương thầm" gắn bó với nhau quá lâu, quá gần gũi, gần cả trọn kiếp người, nên mình mơ hồ tưởng tượng ra như thế. Nhưng, thật ngạc nhiên, thật diệu kỳ, ban công nhà chị có một cây bưởi. Cây bưởi ngay cạnh khung cửa sổ. Một cây bưởi Diễn còn trên cây 4 quả vàng ươm. Và hoa, trời ơi, hoa bưởi chi chít trên cành, những đóa hoa trắng muốt lẫn phấn nhụy vàng trông vừa kiêu sa, vừa giản dị, vừa quyến rũ lòng người.

Dường như đoán được ý nghĩ của tôi, chị nói ngay: "Mình từng mơ ước có một cây bưởi trồng trong nhà, nhưng hiềm một nỗi, xưa nay chủ yếu ở nhà tập thể, lại chuyển liên tục, nên ước muốn đó không thành. Năm nay, vừa dịp mua được căn nhà mới, mặc dù tận trên tầng 15 nhưng, một cậu em quen biết, là bạn của em ruột mình, trong một lần đến chơi đã có nhã ý tặng mình cây bưởi, và Tết năm nay, mình có một cây bưởi xinh xắn, mặc dầu trồng trong chậu cảnh, nhưng mình chăm chút hằng ngày, có thể vì thế mà cây vẫn ươm hoa, đậu quả. Đây là món quà tặng rất ý có nghĩa đối với mình".

Câu chuyện quanh cây bưởi dường như kéo dài bất tận. Cây bưởi có trong đời thực và hương bưởi trong thơ như quyện hòa làm một. Tôi chợt hát lên "Nào ai đã một lần dám nói? Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối. Anh không dám xin cô gái chẳng dám trao. Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao. Không giấu được cứ bay dịu nhẹ".

Câu chuyện đó xảy ra đã lâu lắm rồi, người ra trận cũng đã hy sinh nơi chiến trường xa không bao giờ gặp lại. Bài thơ chị dành riêng tặng cho người em trai yêu thương của mình đã mang lại cho chị một cuộc đời, một cái tên ghi vào lịch sử văn học Việt. Chị của thời hoàng kim đó đi đâu cũng được đón nhận những tình cảm yêu mến từ phía độc giả. Chị đi đến đâu, nơi đó hát "Hương thầm". Nơi đó có những tấm lòng sẵn sàng sẻ chia những nỗi niềm của nhà thơ trẻ. Nhớ lại ngày đó, khuôn mặt chị bỗng tươi vui đến lạ.

Cuộc đời của mỗi người phụ nữ làm thơ đôi khi hạnh phúc chỉ cần đến vậy. Cái thuở hương thầm trôi qua trong bình yên, chị có một gia đình hạnh phúc, chồng chị, nhà thơ Thi Nhị, một người biết đồng cảm với chị và yêu chị, một bờ vai đầu tiên trong cuộc đời chở che cho những dông bão cuộc đời chị, an bình và sâu lắng. Kỷ niệm ngọt ngào những tháng ngày hạnh phúc bên người chồng nuôi sống tâm hồn chị cho đến tận bây giờ.

Sau ngày cưới ít lâu, chị kể, anh đón chị từ Hà Nội lên miền Tây Bắc, nơi anh công tác. Lúc đó đang là chiến tranh, chị phải mất ba đêm đi xe đò mới tới nơi anh đón, thật mệt mỏi và vất vả. Nhưng có lẽ, đó là những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời chị, số phận đã may mắn cho chị được tay trong tay cùng người yêu chiêm ngưỡng rừng hoa ban nở trắng một màu tinh khiết, những chú sóc thì chạy tung tăng trong bụi cây, dọc theo bờ suối trong veo, những cô gái Thái cúi mái đầu đội khăn piêu rực rỡ, duyên dáng hái rêu. Chồng chị thỉnh thoảng nắm chặt tay vợ, dừng lại trò chuyện với các cô bằng tiếng Thái, chắc là đùa trêu gì đó, khiến các cô cười rúc rích...

Mà rừng ngày đó sao quá sạch, bầu trời sao quá trong, không khí lại còn thơm ngát một mùi hoa ban nở. Đôi khi, hồi tưởng lại, chị nghĩ, mình đã lạc vào một xứ sở thần tiên chỉ có trong cổ tích, đẹp đến nao lòng. Ngày ấy, chị đã có tất cả, chồng, con gái, tình yêu, sự nghiệp... Nhưng số phận dường như đã an bài, chồng chị đã ra đi vĩnh viễn vì bạo bệnh, chị một thân một mình nuôi con. Đã 30 năm có lẻ.

Chị từng viết: "Ước gì gặp lại anh. Dù chỉ trong phút cuối. Để nói một lời thôi. Em đã yêu anh nhất. Ước gì giọt nước mắt. Thấm được vào môi anh. Để trong giờ phút cuối. Anh biết em ở gần". Từ ngày đó, kể sao hết những khổ ải, cơ cực hai mẹ con chị đã phải trải qua trong cuộc sống. Con gái chị, tám chín tuổi đầu đã phải đi xếp hàng mua bánh mì cho mẹ, phải làm việc giúp mẹ như những đứa trẻ đã lớn... Trong nỗi nghèo khổ mẹ con có nhau, chị có lúc quên đi hạnh phúc riêng, có lúc cũng xiêu lòng trước sự ngọt ngào của giấc mơ hạnh phúc…

Nhưng bây giờ thì…, chị cười: "Chị chỉ có thơ thất tình thôi!". Quả thật, chị Nhàn có một bài thơ như là một đoạn tổng kết của đời mình, một bài thơ buồn, một đoạn đời buồn không dễ gì khỏa lấp nổi: Có kẻ bảo ta là đồ ngu, coi ta như đứa ở. Có người sàm sỡ như ta là cave. Có đứa khen ta bốc trời như ta là con ngốc. Có thằng nói yêu ta rồi mang gái đến khoe... Một mình mua nhà dọn nhà rồi lại mua lại bán. Ý Nhị đùa: "Khỏe và buồn thì làm vậy cho vui". “Ta thay đổi dẫu mệt nhoài cố tìm ra chỗ ở. Nhưng biết lục lọi từ đâu để chọn một người...".

Người phụ nữ tìm được một người hiểu mình, yêu mình đã khó, tìm được một người chung vai tắt lửa tối đèn ở cái tuổi lưng chừng của chị lại càng khó hơn. Mặc dù chị có tấm lòng hồn hậu của một người yêu đến trọn lòng, đam mê và tận hiến cho tình yêu ấy, nhưng thật khó để tìm được một tấm lòng sẻ chia và đồng cảm được. --PageBreak--

Người đàn bà làm thơ đôi khi lắm nỗi đa đoan. Huống hồ chị, lại mang cả tiếng đa tình, cho dù vui vẻ đấy, cười đùa đấy, nhẹ dạ đấy, tha thiết đấy nhưng đôi lúc dễ bị tổn thương, cái tổn thương của một người nhạy cảm và cầu toàn một số khoảnh khắc của cuộc sống.

Có người tình của chị ra đi nhưng vẫn nhớ và tìm đến chị mỗi khi trở về, bởi vì chị là con người đáng để cho người ta nhớ. Chị sống trọn vẹn và chia tay cũng đầy cao thượng, cái cao thượng của một người biết dừng đúng chỗ và biết tin vào chính mình, biết làm mình vui và làm cho người khác vui.

Những cuộc tình chóng vánh trôi qua trong cuộc đời chị, chẳng có ai đủ sự đồng cảm để neo lại cùng chị đến cuối đường đời.

Đó là một câu chuyện dài của cuộc sống.

Cho dù, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn luôn giữ nụ cười trên môi, nhưng tôi biết chắc rằng, bao nỗi buồn chị trút hết vào thơ, thơ với chị là một người bạn lớn. Tuy nhiên, giọng thơ trong trẻo thuở "Hương thầm" không còn nữa. Cái phần "thầm lặng" và phiền muộn lắng vào từng câu thơ chị như những hạt bụi cuộc đời. Giờ đây thơ chị tuy vẫn có nét hóm hỉnh của một người xem cuộc đời nhẹ bẫng, nhưng cũng có những nỗi buồn không thể nguôi ngoai.

Dạo này chị hay làm thơ năm chữ, tôi hỏi vì sao thì chị bảo, có một người bảo thích chị làm thơ năm chữ vì nó hay và dễ đọc. Chị trải lòng mình chân thật chứa chất trong những vần thơ ấy, nó như những trang nhật ký được viết bằng thơ vậy.

Chị là người không hợp với những điều hoa mỹ, lại càng không thể nói dối chính mình "Căn phòng vắng một người. Bỗng trở nên trống rỗng... Lòng em nghiêng về anh. Để tháng ngày vắng ngắt", hay "Nếu anh thực yêu em. Sao anh không tặng hoa. Nếu anh thực yêu em. Sao anh không giúp đỡ?", "Hay là yêu một chút. Cho đỡ buồn rồi thôi. Hay cưới xin nghiêm túc. Đỡ đần nhau cuối đời" và "Chỉ xin anh nhớ một điều nhỏ thôi. Con đường ta đã dạo chơi. Anh đừng đi với một người khác em" để rồi "Bây giờ tóc bạc, tuổi cao. Thơ mình mình đọc câu nào cũng thương"...

Khi không thể chia sẻ hết cho thơ, chị tìm đến bè bạn. Chị là người xôm trò và ưa tụ tập bạn bè, những người bạn gái, cũng là những nhà thơ nữ như Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Mai, Bùi Kim Anh, Tuyết Nga... Họ, mỗi người một cảnh đời, nhưng gặp nhau là tíu tít, là ăn uống, là hả hê bao câu chuyện tếu táo chỉ để cười, mà chị Nhàn thường là chủ trò, thiếu chị, bữa tiệc như thiếu món chính. Chị như một mắt xích quan trọng không thể thiếu trong chuỗi liên lạc đó.

Nhưng cũng có khi, chị trốn bạn bè để đi thật xa, đi đến những địa danh nổi tiếng mà chị chưa từng biết. Chị kể, năm vừa rồi, sau khi nhận Giải thưởng Nhà nước, được 60 triệu, chị đã tiêu tốn hơn nửa trong số tiền ấy và gần cả tháng trời, đi một tour du lịch vào tận Mũi Né, Vũng Tàu, Đà Lạt, Phú Quốc... Đi để lòng thảnh thơi, đi để lấy cảm hứng viết và có thời gian ngẫm ngợi về những tháng ngày mình đã sống, đã viết, đã hoạt động văn học. Bởi có những lúc chị đã làm Phó Tổng biên tập Báo Người Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội.

Sau những ngày tháng chu du trở về, chị lại lao vào công việc. Dạo này chị lại viết truyện thiếu nhi, chị bảo, thế giới tuổi thơ ngộ nghĩnh, trong trẻo cho mình thả sức tưởng tượng phiêu bồng và quên hết mọi muộn phiền, với lại, tập làm quen với trẻ nhỏ, để một ngày nào đó, lên chức bà ngoại không bị... bỡ ngỡ. Trên bàn làm việc của chị là tập truyện viết cho thiếu nhi "Học sinh lớp 9'' vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Trước đó, truyện dài "Bỏ trốn'' đoạt giải A của Nhà xuất bản Kim Đồng năm 1995, được nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát dựng thành phim nhựa và cũng đoạt giải Bạc của Hội Điện ảnh năm 1996.

Ngoài những giờ sống cùng trang viết, chị chơi thể thao, bơi lội, tennis và nhảy đầm là những món sở trường của chị. Chị rất lạc quan bảo: Phải có một sức khỏe tốt mới có một tâm hồn đẹp được. Tôi cười, biết rằng, ở CLB đó, chị có những người bạn đẹp, có người mê chị, tìm đến chị ngày Valentine, nó như một cách nuôi dưỡng cho hồn thơ chị luôn tươi trẻ, luôn có nhịp đập của trái tim đã thầm lặng quá lâu trong đời sống.                                                   

Tôi hỏi: Có bao giờ chị nghĩ rằng, mình là một người bất hạnh? Chị cười. Ai trong đời sống chả có một nỗi bất hạnh nào đó. Mình buồn cũng là lẽ thường tình. Có nhiều người còn khổ hơn mình thì sao. Mình nghĩ, cuộc đời mỗi con người đều đã được định đoạt bởi số phận, khó mà thay đổi được. Mình phải lạc quan sống tiếp và theo đuổi những đam mê của mình thôi.

Rồi chị bỗng nhìn xa xăm về cuối con đường có dòng người chạy xe dài dằng dặc. Phố sáng trưng ánh đèn cao áp và rực rỡ những ngôi nhà san sát cao tầng. Đã có điện lúc nào hai chị em cũng không biết. Chúng tôi không muốn vào nhà nữa, bởi không gian của đất trời cuối xuân cao vời vợi, cả cái lành lạnh phả vào khuôn mặt hơi sương buổi tối đầy quyến rũ.

Riêng với tôi, cái ban công nhà chị ám ảnh hơn tất thảy mọi ban công tôi từng ngồi, là niềm hạnh phúc được thưởng thức cái dịu nhẹ e ấp của hương hoa bưởi, và ngồi cạnh tôi, là tác giả của nó, người đã bất tử hóa loài hoa này trong thi ca: nhà thơ

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.