Thiếu Hạnh Nguyên: Bí ẩn về thời con gái ở rừng nằm võng

Thứ Tư, 14/09/2011, 14:49
Thiều Hạnh Nguyên vừa trở về từ TP Hồ Chí Minh. Chị vào đó, tất tả lo tổ chức tang lễ cho cha dượng mình, soạn giả kịch hát dân tộc Nguyễn Tường Nhẫn. Ông Tường Nhẫn giai tân lấy bà Lệ Thi khi người phụ nữ tài hoa và nhan sắc kia ly dị chồng, đã có 4 con thơ nheo nhóc.

Từ đó, cả ông cả bà, cả bố đẻ của Thiều Hạnh Nguyên, ngoài cái nghiệp sân khấu nặng mang, đều nương tựa bên nhau, gánh vác, sẻ chia bổn phận nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ những đứa con, không phân biệt riêng chung, trai gái. Thời gian, mới đấy đã trọn một vòng đời.

1. Là con của NSND Lệ Thi, Thiều Hạnh Nguyên đương nhiên thừa hưởng vẻ mặn mòi và cái  duyên Bài chòi từ mẹ. Cả cá tính bướng bỉnh ương gàn đặc chất miền Trung chứa chan nắng gió, Hạnh Nguyên cũng không kém phần ai. 16, 17 tuổi, chưa kịp tốt nghiệp phổ thông, Hạnh Nguyên đã nằng nặc đòi vào Nam chiến đấu.

Chiến trường khu 5 những năm 71, 72 của thế kỷ trước là nơi rốn bom túi đạn, mảnh đất ác liệt đến cây cối cũng không còn cơ hội nảy mầm, kết trái. Cô gái khu 5 sinh ở Hà Nội, mới quen ăn học, chỉ biết được chiều chuộng chứ chưa nếm mùi khổ ải, chạm vào tận cùng sự đói rét, ác liệt, chết chóc, đã khóc ngằn ngặt đòi về.

Nhưng cán bộ lãnh đạo nói độc một câu: "Đoàn viên ai lại thế, về là đào ngũ, là kỷ luật nặng lắm đấy", cô gái trẻ lập tức át đi nỗi sợ, lắng dịu nỗi nhớ mẹ, gác sang bên nỗi nhớ Hà Nội để tiếp tục bám trụ, chia ngọt sẻ bùi với đồng đội. Làm lính trong cùng một đơn vị với nhà văn Phan Tứ, Thái Bá Lợi, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Xuân Hưng, bà Nguyễn Thị Nhung, người sau này là Tổng biên tập Báo Nông thôn ngày nay, Thiều Hạnh Nguyên ngày ngày vác loa đi khắp nơi kêu gọi những người lính  ở bên kia chiến tuyến buông súng đầu hàng.

Nhiều buổi, chân trần lội bộ qua những cánh rừng cỏ tranh tới địa điểm biểu diễn văn nghệ cho bộ đội và đồng bào thưởng thức, lấy gương ra soi chuẩn bị hóa trang, mới thấy bầu má thiếu nữ của mình dọc ngang những vết cứa còn rơm rớm máu. Nhan sắc con gái bị bào mòn từ lúc nào, chính Hạnh Nguyên cũng không hay.

Giữa rừng, phông màn phục trang, âm thanh ánh sáng không có, đội văn nghệ vẫn dựng sân khấu, vẫn đàng hoàng diễn Thoại Khanh Châu Tuấn, Tấm vóc Đại Hồng, Chim chèo bẻo. Ca kịch Bài chòi là hồn cốt của người Quảng Nam, nên chả cách gì hữu hiệu để vận động đồng bào, khích lệ tinh thần binh sỹ bằng cách hát và diễn làn điệu dân ca thấm đẫm đất đai khí chất miền Trung ngay giữa những cánh rừng trụi trơ xơ xác vì chất độc da cam.

Những cánh rừng ngả nghiêng sau từng loạt bom rải thảm ngày đó còn đeo đẳng, theo đuổi Hạnh Nguyên đến tận những năm tháng sau này. Thời khắc ở chiến trường khu 5 cũng tạo thành tầng tầng ký ức và những trải nghiệm vô giá, làm vốn tích lũy, góp phần tạo nên tên tuổi một Thiều Hạnh Nguyên - nhà viết kịch bản sân khấu.

Theo chân bộ đội vào giải phóng sân bay Tiên Phước, Quảng Nam, cùng đoàn quân rong ruổi tiến về Nha Trang, dọc đường, bom nổ, ôtô bị lật chổng bốn bánh lên trời, nhìn rành rành thấy mảnh đạn găm vào vỏ cây, xé nát thân xe mà Hạnh Nguyên nổi hết da gà, hú hồn nghĩ sao nó lại chừa mình ra.

Ròng rã hết địa phương này đến địa phương khác, lên cả Tây Nguyên, cho đến ngày cuối cùng của cuộc hành quân, 30-4, dừng chân tại thành phố biển xinh đẹp, nghe tin Sài Gòn giải phóng, Thiều Hạnh Nguyên, lẫn trong đám con trai con gái ngác ngơ giữa phồn hoa đô thị, không cách chi hình dung ra nổi, chiến tranh thế là đã đi qua.   

Ngày hòa bình đầu tiên, tiếp quản thành phố Nha Trang, được đưa về tạm trú ở khách sạn Thanh Bình đủ đầy tiện nghi, tối đến Hạnh Nguyên và đám bạn hữu vẫn mắc võng giữa các chấn song cửa sổ nằm ngủ, vì chưa kịp quen với chăn ấm nệm êm, nằm giường thẳng lưng duỗi chân duỗi tay thoải mái thành ra khó ngủ. 5 năm nằm võng ở rừng ngay lúc tuổi hai mươi vừa chớm, về lại cuộc sống đời thường, Hạnh Nguyên cảm thấy mình quá cách xa, lạ lẫm.

Không trở về Bắc, chị quyết định ở lại Nha Trang, thành diễn viên Đoàn Dân ca kịch Phú Khánh. Vừa tạo dựng danh tiếng, xác định cho mình vị trí "sô lít", được Huy chương vàng Hội diễn toàn quốc, Hạnh Nguyên đã gặp phải tai ương lớn nhất đối với một nghệ sỹ kịch hát: chị bị u thanh quản, phải mổ và mất giọng.

Đầy nghị lực và niềm lạc quan, Hạnh Nguyên không buông xuôi, chị chấp nhận rời đoàn hát, về phụ trách công việc hành chính của một rạp chiếu phim. Cái nhàn tản đều đặn của ngày thường vụn vặt không giữ được chân chị, cô gái đã bỏ lại một phần tuổi 20 ở chiến trường, Hạnh Nguyên tiếp tục đứng trước lựa chọn sinh tử nữa của cuộc đời, quay ra Hà Nội để ổn định gia đình và bắt đầu lại việc học, tâm nguyện mà chị chưa tròn vẹn hoàn thành vì còn rẽ ngang vào những năm tháng nơi chiến trường mù mịt khói súng.

2. Thiều Hạnh Nguyên luôn tâm niệm, dẫu đã trải qua biết bao cay đắng nghiệt ngã không gì đong đếm được, nhưng rút cục, số phận chỉ dành cho chị những chuỗi may mắn liên hoàn. May mắn vì thừa hưởng phần nhiều cái gien nghệ thuật của mẹ, bà Lệ Thi, người được phong tặng danh hiệu NSND ngay từ đợt đầu tiên, năm 1984.

May mắn vì có người cha dượng tử tế, sẵn lòng cáng đáng gánh nặng gia đình vợ, xắn tay lo cho con dâu, con gái lúc lâm bồn, chi chút con riêng của vợ không kém gì con mình. May mắn vì bố đẻ của mình, dẫu chia tay mẹ, vẫn không đi bước nữa, suốt phần đời còn lại lặng lẽ quán xuyến, canh chừng cho các con.

Gần như cả nhà chị đều vướng trong cái nghiệp sân khấu, ngay cả người anh trai thứ 2, Thiều Kiến Phước, vào năm 1968, đi biểu diễn phục vụ đoàn các Anh hùng chiến sỹ thi đua, đã nằm lại giữa rừng vì bệnh tật, khi đang thanh xuân vào tuổi 18. Ra Hà Nội, Thiều Hạnh Nguyên mày mò học, làm, không hát được nữa thì bắt đầu từ chính các công việc hành chính sự vụ của sân khấu.

Tự nhiên như lúc hăm hở hành quân ra chiến trường, Hạnh Nguyên lao vào cái đam mê chữ nghĩa. Một lần, giữa dịp tụ bạ nhân kỳ Liên hoan hội diễn, nhà báo Bùi Việt Phong hỏi chị, Nguyên ngày xưa học trường nào. Bảo, em vốn là học sinh chuyên văn, trò yêu của cô giáo Bội Trâm vợ nhà thơ Phùng Quán.

Nhà báo Bùi Việt Phong lành hiền dẫn dắt, vậy thì Nguyên viết đi, cứ thử viết báo về sân khấu đã nhé. Bài viết khai mào đăng trên Báo Lao Động là điểm tựa tinh thần vô giá với người đàn bà son trẻ, đang dần kiếm tìm lại thời vàng son của mình.

Thiều Hạnh Nguyên xòe tay tính đếm, để có một chị như hôm nay, chị phải ghi nhớ ơn của rất nhiều người, những người dù dạy hay chưa một lần đứng trên bục giảng, chị vẫn âu yếm gọi một chữ thầy. Từ GS-TS-NSND Đình Quang, GS Hoàng Chương, Phạm Duy Khuê, PGS Tất Thắng, nhà viết kịch Trần Vượng đều cách này hay cách khác, khơi gợi được bản năng tiềm ẩn của người đàn bà viết trong con người Hạnh Nguyên.

Nhà văn Ngô Thảo, TS Trần Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội là những người bạn, người anh lớn mà chị luôn canh cánh bên lòng. Lúc viết xong kịch bản đầu tay, 150 trang đánh máy, hớn hở đưa đến nhờ đạo diễn Xuân Huyền đọc hộ. Ông đạo diễn mạnh mẽ và tài hoa, nức tiếng "giang hồ" vì "ác khẩu", cất cái giọng đồ gàn xứ Nghệ oang oang mắng: "Mi viết như chó rứa, chó nó dựng cho mi à? Kịch bản 150 trang thì diễn 6 tiếng mới xong".

Òa khóc, lủi thủi ra về, chả dám giận vì biết Xuân Huyền nói đúng, Hạnh Nguyên cặm cụi gọt gọt bớt bớt, sửa sang cắt xén được 70 trang, lại rụt rè tìm tới ông. Đạo diễn Xuân Huyền vẫn chưa hết cáu, nhưng giọng đã dịu đi phần nhiều: "Mi đã được đổi lên là lợn rồi. Kịch bản của mi diễn liền tù tì vẫn mất 3 tiếng. Có vở kịch nào diễn 3 tiếng mà khán giả ngồi xem không".

Lần này thì không ngượng ngùng nữa, sự tự tin trỗi dậy mạnh mẽ trong chị, Hạnh Nguyên trần mình với máy tính, với các nhân vật đan xen nhảy múa và những lời thoại giằng xoáy nhau. 40 trang viết chỉn chu, đạo diễn Xuân Huyền nhận lấy, chăm chú xem, và cười mãn nguyện: "Em làm tốt lắm. Yên tâm đi, thầy sẽ dựng cho em".

Bão không mùa lên sàn diễn Nhà hát Kịch Hà Nội, để từ đó định vị cái tên Thiều Hạnh Nguyên - nữ biên kịch của làng sân khấu với những sáng tác vào hàng đắt "sô", ăn khách: Cầu vồng trắng, Hoàng hôn mong manh, Người mắc bệnh tâm thần….

Tự coi mình là người bốc đồng, nói năng thiếu kiềm chế, nhưng Thiều Hạnh Nguyên, ngoài những giờ khắc của công việc, lại là người phụ nữ xốc vác, tận tụy với chồng con. Hạnh Nguyên ham học là thế, đã nửa chừng bỏ dở chương trình đào tạo tiến sỹ, buông xuôi luận án để dành thêm thời gian ở nhà chăm sóc cậu con trai út không may đổ bệnh.

Nỗ lực người mẹ đã được đền đáp, con trai chị, cậu bé rất khôi ngô tuấn tú, giỏi tiếng Anh từ nhỏ, mấy năm trước bố cõng vào phòng thi đại học, nay đã ổn định sức khỏe, ra trường, làm việc tại ngân hàng có tiếng HSBC.

Nhà chị lúc nào cũng có hàng hàng lớp lớp những bình rượu quý mà chị tự tay ngâm cho chồng, một đại tá quân đội, giảng viên đại học về hưu. Thích rủ rê bạn bè chồng, bạn bè mình về nhà tụ tập, để tự tay búi tóc vào bếp, khoe cái căn cốt đàn bà đảm đang, viên mãn vì gia đình hạnh phúc.

Nhìn Hạnh Nguyên, thấy tiếng là thấy cười, tự tay lái ôtô luồn lách giữa các con phố ăm ắp người, sành điệu và xởi lởi như một quý bà thành thị, khó ai mường tượng rằng, chị đã có một thời con gái sục sôi nơi chiến trường, cận kề cái chết chỉ trong gang tấc, má hồng để lại, tuổi đôi mươi rớm máu, chỉ có trái tim là lúc nào cũng ngất ngây niềm lạc quan, yêu cuộc sống

Ngô Hương Sen
.
.