Thiện tâm còn mãi

Chủ Nhật, 25/11/2012, 16:35
Ông là hiện thân của thế hệ những người lính đi qua chiến tranh, vào sinh ra tử, nếm trải đủ những chông gai, mất mát của một thời chưa bao giờ xa trong ký ức. Trở về sau hòa bình, người thượng tá cựu chiến binh ấy đã không có một ngày nào ngơi nghỉ với công tác mặt trận, vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Có ai đó từng nói rằng, công việc của ông là “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, nhưng ông chỉ cười sảng khoái nụ cười đậm chất lính: Tôi thầm nghĩ, mỗi con người sinh ra đều có một công việc xuất phát từ niềm đam mê, và để sống với niềm đam mê ấy, là cả một nghệ thuật chứ không phải nó nghiễm nhiên đến. Chỉ có điều, nghệ thuật ấy, là xuất phát từ một cái tâm trong sáng, một sự nhiệt tình sôi nổi của những người biết chắt chiu và chia sẻ những quan tâm đến tình làng nghĩa xóm, điều mà ở thời hiện đại, người ta đôi khi vô tình để mất…

Căn hộ trên tầng 9, khu đô thị Mỹ Đình II nơi gia đình ông Nguyễn Văn Việt, một thượng tá quân đội nghỉ hưu sinh sống nhiều năm nay, lúc nào cũng ồn ào khách khứa. Họ có người là tổ trưởng tổ dân phố đại diện cho gần hai nghìn hộ dân sống tại nơi đây với đủ thứ chuyện phải giải quyết đến xin ý kiến chỉ đạo, tham mưu của đồng chí Việt, người đã có thâm niên 20 năm trong công tác dân vận; có người lại đến để xin đăng ký tạm trú, tạm vắng, có người lại báo cáo có mâu thuẫn xảy ra trong việc xây dựng nhà cửa…

Tôi có cảm tưởng, căn nhà của đồng chí trưởng ban công tác mặt trận, trưởng ban vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu đô thị mới Mỹ Đình II như một cái trụ sở ủy ban thu nhỏ với đủ chuyện “đau đầu”. Vậy mà ông Việt, một người lính đi qua hai cuộc chiến tranh nay đã 76 tuổi, vẫn vui vẻ, niềm nở đón khách, chuyện trò và giải quyết êm thấm mọi câu chuyện lớn nhỏ, bức bách của những người dân sống trong khu đô thị mới. Khách ra về, ông lại trở vào rót một ngụm chè xanh đặc quánh hương vị miền trung, để hương vị ngọt chát thấm vào từng tia lưỡi, và kể tiếp cho tôi nghe những câu chuyện đã qua của một thời bão lửa mà ông nâng niu, trân trọng như không thể nào lãng quên những ký ức đẹp của cuộc đời mình.

Ông Nguyễn Văn Việt sinh ra tại mảnh đất đầy khói lửa chiến tranh Vĩnh Linh - Quảng Trị, bên cây cầu Hiền Lương thơ mộng hiền hòa nhưng cũng là chứng tích bền lâu của một thời kỳ lịch sử đầy đau thương của dân tộc. Cụ thân sinh của ông Việt, thời chống Pháp là một chiến sĩ hoạt động cách mạng, đã hy sinh trong một trận chiến đấu chống lại quân thù.

3 người anh trai của ông ở chiến trường đạn bom, cũng lần lượt hy sinh trên trận tuyến. Một thời gian sau đó, người mẹ tần tảo của ông, người sau này đã được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cũng đã ra đi vì không thể chịu được nỗi đau mất mát quá lớn lao này. Năm đó, ông Việt mới 8 tuổi. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, đối với một cậu bé như ông là một sự tổn thương khó có gì bù đắp nổi. Nhưng vượt lên tất thảy những nỗi buồn đau ấy, để trả thù cho cha mẹ, cho đất nước, cho 3 người anh trai, cậu bé Việt, 13 tuổi, đã tham gia du kích địa phương trong ý chí bền gan của một thanh niên đất Vĩnh Linh chống lại sự tàn bạo của kẻ thù.

Cậu bé Việt 13 tuổi, dù nhỏ thó, gầy còm, nhưng vì bản tính thông minh, nhanh nhẹn, nên đã được tổ chức phân công làm tiểu đội trưởng du kích. Đã có nhiều lần ông Việt bị địch phục kích, bắt giam, thậm chí, đã báo tử… hụt về gia đình. Với ông Việt, đó là những lần may mắn thoát chết kỳ diệu mà số phận đã trao cho ông như một đặc ân.

Ông Việt nhớ lại: “Năm 1953, tôi và cậu Hưu trong đơn vị được phân công đi rải truyền đơn ở Dốc Miếu, chợ Đặng, dọc quốc lộ. Đêm đến, theo thường lệ, chúng tôi và cậu Hưu  bắt đầu cầm truyền đơn đi ra từ đường làng. Lần ấy, cậu Hưu đi trước đã nhìn thấy địch phục kích với những cái đầu đang di chuyển từ bên kia lề đường. Ngay tức khắc cậu ta bỏ chạy mà không nói gì, chỉ giơ tay vẫy vẫy ra hiệu nhưng tôi không hiểu nên vẫn tiếp tục đi. Khi cách bọn địch khoảng 20 mét thì tôi mới nhìn thấy chúng đang phục kích chờ đợi “con mồi” và tôi ngay tức khắc, theo phản xạ, nằm xuống để tránh đạn địch. Ngay khi thấy động, địch nổ súng và hô hoán: “Bắn, bắn bỏ!”. Tôi hoảng quá nên đã nhảy xuống cái ao gần đó, chui đầu vào bờ dứa dại, còn cả thân mình thì ngập xuống nước. Trên tay tôi vẫn cầm 2 quả lựu đạn, nghĩ bụng nếu địch bắt được thì tôi sẽ rút chốt để tất cả cùng chết. Biết tôi nhảy xuống ao nên bọn địch lùng sục, chúng bắn xuống nước liên hồi rồi bảo nhau: “Việt cộng chắc chết rồi chúng mày ơi, tìm thôi!”.

Kể lại câu chuyện đời lính, ông Nguyễn Văn Việt trở nên hào hứng, hăng say đến lạ. Dường như trong tâm trạng của người cựu chiến binh ấy, không có điều gì khiến ông có thể quên được những tháng ngày gian khổ mà hào hùng ấy. Ông trầm ngâm chốc lát rồi nói giọng đượm buồn, có lẽ vong linh của cha mẹ, các anh đã hy sinh luôn theo sát ông, chở che ông, nên trong suốt cả một đời lính nơi chiến trường, ông dù gặp phải nhiều hiểm nguy, có lúc đạn của địch xẹt qua rách cả áo, vậy mà ông vẫn thoát chết. Có những lần ông đã bị địch bắt, giam giữ, tra tấn dã man, tưởng không thể qua khỏi những đòn roi ghê người của địch, nhưng rồi ý chí kiên cường của người lính, cộng với nỗi nhớ thương khôn nguôn hình bóng cha mẹ nơi chín suối, những kỷ niệm vừa như mới hôm qua của những người anh đã ngã xuống nơi chiến trường đã là một động lực vô cùng lớn lao giúp ông đứng dậy, chiến thắng tâm lý với kẻ thù… để có một ngày ông được trở về sau hòa bình, được sống yên vui đầm ấm cùng gia đình, bên người vợ tần tảo và các con, để làm thêm những công việc mà ông yêu thích.

Sau 35 năm trong quân đội, 20 năm nghỉ hưu là 20 năm ông Nguyễn Văn Việt “chiến đấu” trên công tác mặt trận, vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới. Bên cạnh những huân huy chương của thời chiến, là hàng chục những bằng khen, huy chương mà ông nhận được trong thời bình: huy chương Vì thế hệ trẻ, huy chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc, gương sáng người tốt việc tốt…

Bà Lê, một người dân sống tại khu chung cư CT5 Mỹ Đình II, khi được hỏi về ông Việt, đã chia sẻ: “Tôi cũng đã chuyển vài chỗ ở, nhưng về đây, gặp bác Việt thì thấy thật may mắn vì khu đô thị này có bác làm công tác quần chúng. Bác Việt là một đảng viên gương mẫu, một người cựu chiến binh năng động, sáng tạo, hội viên người cao tuổi nhiệt tình trong mọi công việc xã hội với mục tiêu giản dị “vì cộng đồng, vì dân”. Lúc đầu, công tác mặt trận gặp muôn vàn khó khăn, tổ chức chưa hình thành, con người, tài chính chưa có để hoạt động, được sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban mặt trận xã Mỹ Đình, được các tổ dân phố ủng hộ, các tổ chức chính trị, xã hội hưởng ứng, nhân dân đồng tình, với tài khéo léo vận động quần chúng, các cơ quan trường học, các nhà hảo tâm trên địa bàn, bác Việt đã xin được một phòng tầng 1 làm nhà văn hóa - truyền thống của khu đô thị với kinh phí tôn tạo, sửa chữa, sắm sửa trang thiết bị, cơ sở vật chất lên tới hai trăm triệu đồng. Không những thế, các phong trào thi đua, thăm hỏi các gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ người nghèo, khen thưởng các cháu học sinh nghèo vượt khó đều vượt chỉ tiêu đề ra...”.

Tôi hỏi ông Nguyễn Văn Việt, điều gì khiến ông, ở tuổi 76 vẫn hăng say công việc được gọi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” đến vậy? Ông Việt cười sảng khoái rồi nói bằng cái âm giọng đặc sệt Quảng Trị: “Là vui, là vì một cộng đồng dân cư xây dựng đời sống văn hóa. Nói vậy thôi, tôi cũng xin nghỉ từ nhiệm kỳ thứ 2, nhưng rồi mọi người vẫn muốn tôi ở lại để đảm đương công việc đôi khi “ăn không ngon, ngủ không yên” này. Bà nhà tôi, các con tôi vẫn cứ khuyên tôi phải nghỉ để giữ sức, vì nói vậy thôi, công việc tưởng đơn giản, nhưng gần 2.000 hộ dân tứ xứ hội tụ về đây, là đồng nghĩa với hàng nghìn công việc khác nhau phải giải quyết ổn thỏa, để không mất lòng mất bề nhau gây mất trật tự cũng như mâu thuẫn tình làng nghĩa xóm. Có những công việc phải đi đêm về hôm, điện thoại, chuông cửa có khi nửa đêm vẫn cứ réo lên inh ỏi… Đôi khi nghĩ mình còn nhọc hơn con mọn. Nhưng tôi vui lắm, vui vì được mọi người tin yêu, tín nhiệm. Vui vì được sống trong nghĩa tình đồng đội với những cựu chiến binh già, để đôi lúc ngoài những giờ họp hành căng thẳng, là lại được ôn lại những kỷ niệm xưa, kể cho nhau nghe những câu chuyện nơi chiến trường khói lửa, để biết rằng, mình được trở về hưởng thụ hòa bình, là phải sống cho cả phần những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường xưa, để cuộc sống thực sự là một bài ca đẹp đi cùng năm tháng”.

Tôi tạm biệt ông Việt ra về khi trời đã nhá nhem tối. Trong bếp, bà Xuân vợ ông nhen lên mùi cơm thơm dẻo bắt đầu một bữa tối ấm áp gia đình. Tiễn tôi ra tới cửa, ông đã lại có khách, họ lại rôm rả họp bàn kế hoạch cho ngày hội Đại hội đại đoàn kết toàn dân diễn ra vào tuần tới

Kim Trần
.
.