Thiên tài âm nhạc Chopin: Yêu là chết trong lòng một ít

Thứ Năm, 23/09/2010, 10:30
Frederic Chopin đang trong giai đoạn sức tàn lực kiệt. Điều này thì bất kỳ ai bước chân qua cửa phòng ngủ của thiên tài âm nhạc người Ba Lan này đều thấy rõ. Cho tới những ngày sau cuối của cuộc đời mình, Chopin vẫn không được yên tĩnh. Quá nhiều người ra kẻ vào nơi anh nằm đợi chết. Họ nói với nhau rất thì thào nhưng vẫn tạo nên sự ồn ã. Chỉ những khi Chopin ho xé gan xé ruột đến thổ huyết thì những tiếng rì rầm mới tạm lắng xuống.

- Nào, chú Chopin, để cháu dịch chú ra gần cửa sổ nhé. Ở đó sẽ có nắng soi vào chú và cháu sẽ nhìn rõ hơn, - tạc tượng gia Auguste Clesinger miệng nói tay làm ngồi xuống cạnh bên Chopin và vội vã ký họa hình ảnh nhà soạn nhạc. Clesinger là chồng của Solange Dudevant, con gái nữ văn sĩ George Sand, người đàn bà có quá nhiều "huyền tích" gắn bó với Chopin trong giai đoạn đời sống ở Paris.

Lúc này mỹ nhân tóc vàng đầy hợm hĩnh Solange cũng ở cạnh giường Chopin, ngồi phía đối diện với chồng và nói những câu vớ vẩn gì đó với nhà soạn nhạc. Chopin cố hé đôi môi tái nhợt để làm ra vẻ đang cười. Cô con gái bé xíu của Solanger cứ kéo tay mẹ vì đang rất muốn đi ra ngoài…

Theo dõi cảnh tượng này, Jane Sterling nắm chặt bàn tay đến ứa máu để khỏi phải gào lên phẫn uất, để khỏi xông tới đuổi tất cả những quái nhân nhẫn tâm này, ngay trong lúc một thiên tài âm nhạc đang hấp hối vẫn không quên lợi dụng hoàn cảnh để thu vén cho những mục đích ích kỷ của mình. Nhưng nàng làm gì có quyền? Dù nàng yêu quý con người đang đi nốt những bước cuối cùng trên cõi thế này đến đâu đi chăng nữa.

Chopin nằm gối cao đầu, trên một chiếc giường khá sâu lòng, dưới bóng của tấm khăn san mà Jane đã phủ lên khung màn. Cặp vợ chồng Clesinger còn chưa kịp ra khỏi phòng thì đã có ngay mấy ông cha đạo béo phục phịch xông vào và đưa lên miệng Chopin pho tượng chúa bị đóng đinh câu rút. Jane không thể chịu đựng thêm được nữa nên đã xô lại gần một cha đạo và nói như quát lên:

Phút hấp hối của Chopin.

- Anh ấy không có tội gì cần xưng cả, hãy để cho anh ấy yên!

Mọi cái đầu đều nhất loạt quay về nhìn nàng một cách tò mò. Nàng đứng trước họ trong bộ váy thẫm màu, gày gò, nhợt nhạt, xấu xí, má hóp và răng phô…

- Đấy là cái thị mà Frederic tội nghiệp định lấy làm vợ đó, - Solange ghé vào tai chồng, nói vang đến nỗi tất cả đều nghe thấy.

- Mời quý vị hãy rời khỏi nhà ngay, - Jane cao giọng.

Solange sững người:

- Sao cô lại dám đuổi tôi ra khỏi đây?! Chú Frederic, sao chú lại để như thế?

Chopin định nói câu gì đó nhưng lại chỉ làm bật lên những tiếng ho khan. Cái khăn tay trắng mà Jane đưa cho anh ngay lập tức đã trở nên đỏ máu.

Clesinger để tránh bùng nổ một vụ tai tiếng đã vội vã kéo vợ đi.  Nhà tạc tượng đã kịp hoàn thành những phác thảo của mình. Khi nào Chopin trút hơi thở cuối cùng, Clesinger sẽ là người đầu tiên trưng ra mô hình đài tưởng niệm…

Tới gần nửa đêm mọi người bắt đầu rời khỏi ngôi nhà trên quảng trường Vendome ở Paris. Khoảng mười hai giờ kém, khi không còn khách lạ nào nữa, Jane đã ngồi xuống cạnh giường của Chopin.

- Anh Frederic, chúng ta đừng cho ai tới nhà nhé. Anh đang bệnh lắm mà, anh cần được yên tĩnh, chứ thế này thì còn lâu anh mới lành được bệnh… - Jane nói gần như van vỉ.

Chopin cười gượng và nàng lảng mắt nhìn ra chỗ khác.

- Cứ để ai muốn nhìn thấy tôi thì cứ tới. Biết đâu bây giờ tôi lại được nghe từ họ điều gì đó… quan trọng đối với tôi…--PageBreak--

Jane ngoảnh mặt đi. Đúng rồi, làm sao mà nàng lại dám hoài nghi điều đó. Hiển nhiên là Chopin biết mọi sự sắp kết thúc. Nhưng người đàn ông vừa thiên tài vừa ngây thơ đến khờ khạo này còn chờ đợi gì nữa ở thế nhân? Có phải anh đang chờ rốt cuộc rồi cũng sẽ có ai đó tỏ lòng nhân hậu, cảm thông hoặc cả tình yêu nữa đối với anh? Anh chờ ai? Chờ bà George Sand ư?

Câu chuyện này cả Paris đã tỏ. Thoạt đầu nữ tiểu thuyết gia lừng danh đã muốn chăm lo bằng tình cảm gia đình cho người nhạc sĩ cầu bơ cầu bất, đang đau ốm và đã đưa anh về nhà mình ở Nohant cùng con trai và con gái. George Sand là một phụ nữ tư duy khoáng hoạt, đã li dị chồng từ lâu và không mảy may quan tâm tới những lời đàm tiếu của thiên hạ.

Người ta đồn rằng, Sand đã "ăn tươi nuốt sống" Chopin và không ai hiểu mối quan hệ giữa họ là theo kiểu gì. Jane đã vài ba lần nhìn thấy Sand trong các cuộc gặp mặt thượng lưu - yếm đào, giày nam, tóc ngắn, nói to giật cục như tiếng búa đóng đinh vào tường… Mà đối với Chopin, giọng nói, đặc biệt là của phụ nữ phải như chuông như khánh, cần phải thuận tai hơn mọi sự trên đời, vậy mà tại sao anh vẫn chịu được giọng nói của bà ta?

Và dù có chuyện gì đi chăng nữa nhưng nữ tiểu thuyết gia cũng đã tống cổ Chopin ra khỏi điền trang của mình ở Nohant sau khi làm lanh tanh bành lên mọi sự vì nghĩ rằng Chopin đã có tình ý với cô con gái Solange của bà ta. Cũng từ đó hai mẹ con Sand đã như mặt trăng mặt trời. Nữ tiểu thuyết gia thậm chí còn không buồn tới xem mặt cô cháu ngoại đầu tiên của mình.

Không lẽ Frederic lại mê cô Solange lòng nông như đĩa, chỉ được thừa hưởng từ người cha Dudevant của mình tính khí rỗng tuếch, đôi mắt màu xanh da trời và gương mặt khuôn trăng đầy đặn?! Dù gì thì bà mẹ của cô ta cũng thú vị hơn. Thế nhưng chàng Frederic bất hạnh luôn có xu hướng nâng niu bất cứ biểu hiện nào của sự thân thiện và cho tới giờ vẫn không biết cách phân biệt, khi nào anh được yêu thương thực sự, còn khi nào anh bị lợi dụng, lạm dụng, giả lễ chúa mường…

Cái gã chồng Clesinger của Solange đã vớ bở nhờ những bức chân dung và ký họa nhà soạn nhạc thiên tài và còn định kiếm ăn thêm nhiều nhờ Chopin. Gã hoàn toàn không khờ khạo và hiểu quá rõ rằng sau khi Chopin qua đời mọi hình ảnh về anh đều đắt giá. Mà gã thực ra chỉ là kẻ bất tài…

Dù thế nào thì Chopin cũng cố đợi George Sand tới - để vĩnh biệt nhau lần cuối. Chốc chốc anh lại lên tiếng hỏi: "Bà chủ đã tới chưa?". Khi trò chuyện, Chopin luôn gọi Sand là "bà chủ". Không biết còn có ai khác gọi người phụ nữ mà mình yêu quý là "bà chủ" hay không? Lẽ nào Sand không hay rằng Chopin đang quá gần đất xa trời - ở đâu mà người ta chẳng đang đồn thổi về việc này. Thế mà Sand mãi vẫn không thèm tới. Bà định trừng phạt người đang hấp hối chăng?

Sáng ra, Jane Sterling cùng người hầu phải vất vả lắm mới đưa được Chopin sang phòng làm việc và đặt anh ngồi cạnh cây dương cầm. Chân của nhà soạn nhạc được ủ kỹ trong tấm chăn chiên, như chân của đứa trẻ sơ sinh. Những ngón tay gầy guộc mỏng manh của Chopin lướt trên phím dương cầm những giai điệu của một trong những bản Polonaise thuở thiếu thời. Jane thu mình đứng bên cửa sổ.

Nàng không muốn Chopin nhìn thấy nước mắt nàng đang trào dâng. "Chúa ơi, con thật chán Người, - nàng thầm thì trong nỗi kinh hãi vì biết mình đang báng bổ Đấng Tối cao, nàng vốn là một con chiên cực kỳ mộ đạo. - Con không thể tin là còn có Người trên cõi đời này? Sao Người lại hành hạ chàng tới thế?!". Nàng mở toang cửa sổ ra vì cảm thấy nghẹt thở. Rồi nàng giật cây thánh giá đang đeo trên cổ ném ra ngoài phố…

Cả Paris đã giễu cợt mối thâm giao giữa "bà cô" Jane Sterling và "cậu bé" Chopin. Nữ đồng trinh bốn nhăm tuổi người Scotland mới đây còn là học trò của Chopin và đã mê đắm ông thầy dạy nhạc thấp bé nhẹ cân, cầu bơ cầu bất của mình. Đối với Jane Sterling đây quả thực là mối tình đầu, xuất hiện quá ư muộn màng. Sterling là ái nữ cự phú quý tộc - cha nàng, một nam tước, đã để lại cho nàng vô số của cải.

Khi Chopin lần đầu gặp Jane tại nhà người quen, anh đã khen nàng vì tiếng nói "thiên thần" và Jane đã nghĩ đấy như lời tuyên án đối với ngoại hình xấu xí của nàng. Và sau này cũng thế, Chopin luôn nói là anh đã phải lòng giọng hát của nàng và Jane cũng đành phải coi như thế là quá đủ rồi.

Một ngày tháng 7/1848, Jane đến nhà Chopin để học đàn và nhìn thấy anh đang đau yếu, hom hem, ho sù sụ với tấm khăn tay thấm đầy máu. "Gọi bác sĩ đến ngay đi!" - Jane thét lên nhưng Chopin ngăn nàng lại: "Không cần, không cần đâu".  Gã người ở Pierre ghé vào tai Jane mách rằng, nhà chẳng còn gì để trả tiền công cho bác sĩ.

Jane lập tức chạy ngay vào phòng ngủ của Chopin và bảo rằng nàng muốn thanh toán trước tiền học cho mười buổi sắp tới. Ấy vậy nhưng mọi sự đều uổng công vô ích: căn bệnh lao của Chopin đã quá nặng rồi. "Cần phải đi nhiều hơn về miền Nam, về Italia, chứ không phải về Nohant. Nohant chính là nơi có điền trang của George Sand…

Đưa Chopin đã mệt mỏi vì chơi đàn trở lại phòng ngủ, Jane đi vào bếp để kiểm tra xem cô nấu ăn mà nàng đã thuê tới có làm đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ hay không khi chuẩn bị món súp. Cô nấu ăn cứ giải thích gì đó, nhưng Jane nghe chỉ câu được câu chăng vì lại mải theo đuổi những ý nghĩ của riêng nàng.

Chẳng lẽ nàng cũng đã không đạp trên dư luận khi chuyển tới ở nhà của Chopin ư, mặc dù nàng tới đây khi nhà soạn nhạc đã bán thân bất toại. Họ đâu đã đính hôn với nhau dù trong mục tin tức của các báo lá cải liên tục xuất hiện thông tin, dường như "ông Chopin chuẩn bị cưới cô nhân tình già Jane Sterling"… Ôi, giá như nàng được là nhân tình của Chopin! Nàng chấp nhận mọi sự để được như thế…

Kể cả đức chúa vạn năng cũng không thể nghi ngờ rằng nàng sẵn sàng làm như vậy. Nhưng, than ôi, nàng thực ra chỉ như một cô bảo mẫu. Nàng bón cho Chopin ăn, tự tay chuyển dịch anh từ phòng nàng sang phòng khác chứ không để cho người ở Pierre một mình làm việc này. Nàng đọc cho anh nghe dẫu rằng Chopin từ lâu đã không muốn nghe gì hơn ngoài những lá thư của người thân trong gia đình gửi tới. Anh cứ bắt nàng đọc đi đọc lại những lá thư này…

Đã gần 18 năm nay Chopin không được gặp gia đình mình, hiện đang ở Warszawa. Jane không thể nào hiểu được tại sao lại thế trong khi anh rất yêu quý họ. Ở tuổi 39, Chopin vẫn gọi cha mẹ mình là cậu mợ và luôn nóng lòng mong ngóng tin tức từ gia đình gửi tới. Trái tim của anh vẫn thuộc về họ như thời thơ ấu. Cũng lạ lùng. Jane cũng yêu cha mẹ nhưng lớn lên rồi, mối quan hệ ruột thịt trở nên như cách xa hơn, ngay cả nàng chưa có được một gia đình riêng.

Qua các lá thư, Jane hình dung ra người cha của Chopin, trần tục và ham lợi. Trong các lá thư của ông gửi cho con trai cứ lặp đi lặp lại những từ như "tiền bạc", "sinh kế", "miếng ăn"…--PageBreak--

Trong gia đình có bốn người con. Chopin là con trai duy nhất, trên anh là một người chị và sau anh là hai em gái. Cha mẹ Chopin từng là những người khá giả ở Warszawa. Và vì thế họ đã có điều kiện để chăm lo cho cậu con trai thần đồng của mình…

Frederic viết bản Polonaise đầu tiên khi mới lên 9 tuổi. Người thầy dạy nhạc đầu tiên của Chopin, Pan Zhivnyi, cả đời hành nghề ở nhạc viện Warszawa, đã giơ ngón tay chỏ lên trời và thốt ra câu nói đầy ẩn ý: "Tôi cảm thấy đây là một thiên tài âm nhạc!". Khi cậu bé Frederic lên 10 tuổi, nghe cậu chơi đàn đã là Angelica Catalani, nữ danh ca Italia lừng danh thế giới, tới du diễn ở Warszawa.

Catalani đã đánh giá cách chơi đàn của cậu bé Ba Lan là "huyền diệu" và tất cả các tờ báo khi đó đã nhắc lại lời này. Ông bố Nicolas đã không bỏ phí tài năng xuất chúng của cậu con trai và cùng Frederic tới rất nhiều nơi để cậu chơi đàn cho các bậc quyền quý nghe. Tất nhiên, ông đã nhận được những món tiền thưởng hậu hĩnh nhờ thế…

Cũng phải nói rằng, Frederic Chopin, không bao giờ quên tuyên bố rằng mình là người Ba Lan, thực ra chỉ mang một nửa dòng máu Ba Lan, mà lại là từ đàng mẹ. Mẹ anh, bà Justyna Krzyanowska, dòng dõi quý tộc, nhưng gia cảnh đã sa sút nhiều. Cha anh gốc là một người nông dân Pháp, sinh ra ở xứ Larraine, sang Ba Lan vì công việc nhưng đã ở lại đây dài lâu vì những biến thiên chính trị ở quê hương. Và rốt cuộc, ông Nicolas đã lấy con gái của một dòng họ quý tộc Ba Lan thất thế làm vợ và sinh ra được một thiên tài âm nhạc…

Jane thầm cáu kỉnh: trong những bức thư của người thân gửi Chopin có biết bao câu nói dịu dàng, nào là "thân yêu", nào là "quý giá", nào là "niềm an ủi duy nhất"… Bây giờ, những "thân yêu", "quý giá" đó đang ở đâu khi "niềm an ủi duy nhất" của họ đang hấp hối đơn côi nơi quê người đất khách ở tuổi 39? Không thân bằng cố hữu, không một xu dính túi?

"Em Izabella bất hạnh trong cuộc hôn nhân với chồng" - người mẹ viết thư cho con trai. Chopin đã thở dài. Anh rất xót xa cô em gái tính tình đỏng đảnh của mình. Anh cũng rất quan tâm tới cuộc sống của chị Ludwika. Chính chị đã là người thầy âm nhạc đầu tiên của anh. Ngay từ năm lên 4 tuổi, Frederic đã nài chị dạy cho mình chơi những nốt đầu tiên trên đàn dương cầm…

Jane cũng biết rằng Chopin còn có cô em gái Emilia nữa. Emilia đã qua đời sớm ở tuổi 14 cũng bởi căn bệnh bây giờ đang hành hạ Chopin. Hóa ra căn bệnh lao là bệnh di truyền trong gia tộc Chopin. Frederic kể với nàng rằng hồi nhỏ, anh gày như một cây bút chì và rất dễ bị cảm lạnh. Từ tuổi lên 10 anh chỉ ngủ được sau hai giờ đêm vì sau buổi biểu diễn cùng cha mình ở những nơi quyền quý còn bao nhiêu việc xã giao cần thực hiện…

Khi Frederic vừa bước vào tuổi 20 và tốt nghiệp một cách xuất sắc Nhạc viện Warszawa, người cha đã chuẩn bị kế hoạch đưa anh tới Paris. Trước đó Chopin đã vài ba lần xuất ngoại và biểu diễn rất thành công ở Vienne, một trong những trung tâm âm nhạc lớn nhất thời đó. Nhưng với người cha gốc Pháp, chỉ ở Paris thì một thiên tài âm nhạc như con trai ông mới có thể thể hiện đầy đủ nhất những gì thiên phú.

Jane có lần đã hỏi Chopin:

- Anh cũng muốn tới Paris như cha mình dự định ư?

- Không, anh chỉ muốn ở lại Ba Lan thôi.  Anh đã nài nỉ cha mẹ anh cho anh ở lại. Thế nhưng, họ đã không đồng ý. Mà họ đã tốn quá nhiều tiền cho việc ăn học của anh… Anh hiểu rằng, anh cần phải trả nghĩa cho họ.

"Trả nghĩa! - Jane thầm làu bàu. - Thật là một tình yêu kỳ lạ!".

Chopin tới Paris như chim chích lạc rừng. Ai cần anh ở đây? Anh sẽ làm gì ở đây? Trong túi anh chỉ có lá thư giới thiệu của ông thầy Elsner, một giảng viên âm nhạc vô danh của xứ Slavơ xa xôi. Cha anh đã hồn nhiên nghĩ rằng tại Paris cậu con trai cũng được đón tiếp niềm nở như trong giới quý tộc Ba Lan. Thế nhưng, tới Paris, Chopin đã sớm hiểu ra rằng, thật khó trở nên nổi bật ở "kinh đô ánh sáng", nơi tụ họp của rất nhiều tinh hoa âm nhạc khi đó đã nổi tiếng hơn anh rất nhiều lần.

Danh cầm Friederich Kalkbenner đồng ý nghe Chopin chơi đàn tại nhà.

- Cậu chơi khẽ quá, anh bạn trẻ ạ. Ở Paris người ta lãng tai lắm, đặc biệt là các quý bà.

Một lần trong buổi biểu diễn của một tay đàn tầm tầm tên là Pierre Luindgiron, Chopin đã phải chứng kiến một cảnh tức cười. Giữa chương trình, tiếng đàn bỗng bặt đi và Luindgiron ôm lấy ngực và ngã ra khỏi ghế. Trong bầu im lặng vừa ập tới bất thình lình vang lên một giọng nữ thất thanh:

- Đồ bịp bợm! Hãy nhìn ông ta kìa! Ông ta trả cho tôi năm quan để tôi giả vờ ngất đúng đoạn này nhưng tôi không làm thế nên ông ta đã ngất đi. "Danh cầm" này đâu đã thuộc bản nhạc!

Ngay ngày hôm sau báo chí nhất loạt bóc mẽ kẻ bịp bợm giả danh nghệ sĩ đó. Hóa ra là trong buổi biểu diễn nào của Luindgiron cũng có một khán giả nữ ngất đi giữa chừng để sau đó, khi trật tự đã được khôi phục lại, ông ta đắc chí chơi nốt bản nhạc…

Cũng ngay ngày hôm sau, Chopin bấm chuông cửa nhà Luindgiron. Tay đàn dương cầm phục phịch ngạc nhiên nhìn chàng trai gày gò.

- Tôi là Chopin, tới từ Ba Lan! - anh nâng mũ lên tự giới thiệu.

- Tôi có thể giúp gì được cho cậu? - Luindgiron hỏi vẻ lạnh nhạt.

- Tôi tới để bày tỏ sự cảm thông đối với ông và tôi phải nói với ông rằng, ông là người chơi đàn khá nhất trong số những người tôi đã được nghe ở Paris. Tôi rất thạo việc này. Chính tôi cũng nhiều lúc muốn bỏ sàn diễn đi để khỏi phải chơi đoạn nhạc khó. Nhưng tôi tin rằng mọi lời đồn đại chỉ là nhảm nhí.

Luindgiron tò mò nhìn chàng trai đang lịch sự diễn giải ý mình bằng thứ tiếng Pháp khá chuẩn mực, hầu như không có chút gì ngọng nghịu. Anh ta là người Ba Lan? Có lẽ đó là đất nước của những người kỳ lạ, ít ra thì trong đời mình Luindgiron chưa từng gặp những người như thế.

- Này, từ nay tới cuối tháng tôi có thể vay 50 quan của cậu không? - bỗng nhiên Luidgiron ngắt lời Chopin.

50 quan? Chopin đỏ mặt. Trong túi của anh thực ra chỉ còn đúng 50 quan cuối cùng. Lưỡng lự một giây, anh cũng rút hết tiền ra đưa cho Luindgiron.

Giá mà ông Nicolas Chopin biết được rằng anh con trai Frederic của ông đã phải giật gấu vá vai thế nào để khỏi chết đói cả tháng ấy và nửa tháng sau vì Luindgiron dĩ nhiên là đã không bao giờ trả lại cho anh món tiền đã vay.--PageBreak--

Tới lúc đó Chopin đã hiểu rõ, làm gì để có thể thành công ở Paris. Trước hết phải có những bộ cánh sang trọng. Phải có ngôi nhà sang trọng để tiếp khách. Lấy tiền ở đâu ra? Cứ đà này thì sẽ chẳng bao giờ anh có thể kiếm đủ tiền để nuôi chính bản thân anh, chứ chưa nói gì tới việc gửi tiền về Ba Lan giúp đỡ gia đình. Trời phú cho anh tài năng để làm gì vậy? 

Anh sẵn sàng đổi tài năng lấy việc được trở về Warszawa. Ở nhà anh sẵn sàng làm bất cứ việc gì, thậm chí chỉ là một cậu giáo dạy đàn… Nhưng như thế thì gia đình anh sẽ sống bằng gì? Cha anh bây giờ lương giáo viên dạy tiếng Pháp ba cọc ba đồng. Chị và em gái anh đã tới tuổi lấy chồng và cha anh liên tục viết trong thư, giá có tiền để chuẩn bị của hồi môn cho họ thì hay biết mấy…

Chopin đã phải dúi cho ông chủ xuất bản các ấn phẩm âm nhạc nổi tiếng Schlesinger 12 bản etude dành cho đàn dương cầm của anh nhưng ông ta chỉ trả một món tiền quá nhỏ, chỉ vừa đủ sống tằn tiện vài ba tuần ở Paris. Túng phải tính, rốt cuộc ở Paris, Chopin phải làm cái việc mà cha anh sợ nhất - đi dạy đàn. Mỗi ngày sáu buổi, từ 9 giờ sáng tới 7 giờ tối.

Học sinh chủ yếu là các quý bà giàu có, dễ nhàn cư vi bất thiện. Với cái giá 10 quan, anh phải xếp những ngón tay múp míp của các bà lớn lên phím đàn và chấp nhận bịt tai một cách vô hình khi họ gõ phím. Tới buổi học thứ năm trong ngày, anh cảm thấy chóng cả mặt và cứ mong sao cho thời gian trôi mau để khỏi phải chịu cực hình như thế… 120 quan một ngày là một khoản tiền lớn đối với Chopin và anh đều đặn trích một nửa số tiền kiếm được gửi về Ba Lan.

Có lần Jane đã hỏi:

- Cậu mợ anh có biết anh đã kiếm tiền bằng cách nào không?

Hóa ra là họ có biết: Frederic, như một đứa trẻ nhỏ, không biết cách giấu giếm họ bất cứ điều gì.

- Thế cậu anh cũng đồng tình với việc anh phải đi dạy nhạc?

- Cậu bảo: Hãy chiến đấu để nên người!

…Vào mùa thu u ám của năm 1849, hầu như tất cả các tờ báo ở Paris đều tế nhị đưa tin rằng nhà soạn nhạc vĩ đại Chopin đang sống nốt những ngày tàn sau cuối. Cô Jane Sterling có cảm giác như tất cả các quý bà của "kinh đô ánh sáng" đều muốn có một lần tới bày tỏ cảm xúc trong căn phòng mà Chopin đang nằm hấp hối. Anh đã thực hiện được lời dặn của cha mình: đã nên người!

Vào một hôm Chopin mệt nặng nhất, tới thăm anh là người bạn gái lâu năm, nữ bá tước phu nhân Delfina Potostkaya. Ở tuổi 40, nữ bá tước phu nhân vẫn rất xinh đẹp. Ít ra là trong con mắt nhìn của Jane thì là như vậy.

- Em để tang trước cho tôi ư? - Chopin nói và chỉ vào bộ váy màu đen của nàng.

- Không, chúa còn giúp anh sống lâu, đấy là em để tang bà thím của em!

Chopin biết Delfina từ hồi ở Ba Lan. Số phận đã giúp nàng, một cô con gái địa chủ, trở thành nữ bá tước phu nhân, một trong những mệnh phụ danh tiếng nhất ở "kinh đô ánh sáng". Năm 1837, Delfina đã thuê Chopin dạy đàn. Và chỉ sau vài buổi học, nàng nói:

- Anh Chopin, anh làm tình nhân của em đi!

Chopin sững người. Ở Paris ai còn không biết Delfina, một phụ nữ có chồng quyền quý, đang là tình nhân của hoàng tử con vua và không chỉ riêng người này… Với lại, nàng không hề khiến anh xúc động như một phụ nữ.

- Thôi được, nếu anh không thích thân xác em thì anh cũng đừng từ chối làm ra vẻ như anh là nhân tình của em. Vì chỉ như thế thì anh mới có cửa lên các sàn diễn lớn ở Paris

Mọi chuyện đã diễn ra đúng như thế. Ở Paris, người ta đánh giá nhau qua các bà nhân tình, một người đàn ông tầm cỡ lớn phải có những nhân tình tầm cỡ lớn… Chẳng bao lâu sau, công việc của Chopin trở nên tốt hơn hẳn. Tất nhiên, với tài năng của mình, kiểu gì thì Chopin cũng làm chủ được các sàn diễn ở Paris nhưng rõ ràng là, Delfina đã đẩy nhanh tiến trình chinh phục "kinh đô ánh sáng" của anh một cách rất đáng kể…

Và cha mẹ của anh cảm thấy thỏa mãn. Cậu con trai Frederic đã không chỉ có danh tiếng lừng lẫy mà còn kiếm được nhiều tiền, đủ để chu cấp cho họ cũng như gia đình của các chị em gái…

Jane cứ băn khoăn, tại sao trong bao nhiêu năm Frederic không hề có ý định lấy vợ? Sống trong hôn nhân, anh sẽ đỡ cô quạnh. Chẳng lẽ anh đã không phải lòng ai một cách thực sự? Thiên hạ đồn rằng, ở Warszawa anh bị hôn thê lừa dối nên từ đó, anh đã thất vọng về phụ nữ. Với những ai biết rõ Chopin thì không lấy điều này làm lạ: Chopin là người yêu hết lòng, đã yêu ai là yêu trọn vẹn…

Có lẽ chính vì thế những người phụ nữ gặp anh sau đó chỉ khiến anh đau đớn. Những người anh yêu thì không yêu anh, những người yêu anh thì anh hững hờ… Khi gặp nữ tiểu thuyết George Sand, anh gần như là một thương binh tinh thần trầm trọng… Ngay cả Jane, với sự tận tụy hết lòng với Chopin, cũng không khiến anh thay đổi cách nhìn về phụ nữ…

Paris, anh nhớ Ba Lan khôn nguôi. Đã nhiều lần anh muốn về lại tổ quốc nhưng gia đình anh cứ cản trở bằng đủ mọi cách, dường như ông bố không muốn anh rời bỏ những công việc quá phát đạt ở "kinh đô ánh sáng". Và thế là gần hai chục năm trời, Chopin không có dịp nào được nhìn thấy những người thân mà anh vô cùng yêu quý. Anh đã viết rất nhiều thư van nài người thân tới thăm anh ở Paris nhưng họ cứ khất lần, có thể vì những khó khăn vật chất…

Chỉ vài ngày trước khi Chopin qua đời, người chị gái Ludwika từ Ba Lan mới sang thăm anh… Sau cuộc gặp riêng tư với chị, Chopin có dấu hiệu ốm nặng hơn. Anh vật vã trong cơn sốt, kêu gào đòi mang giấy bút lại để viết rồi lại xé đi. Anh bắt phải thiêu bản sonata và bản mazurka cuối cùng của anh. Việc đó xảy ra vào ngày 18-10-1949, ngày cuối cùng của nhà soạn nhạc vĩ đại. Trong nhà của Chopin vẫn đầy khách và Jane không có cách nào để xua họ đi bớt. Giữa trưa, Delfina Potostskaya lao như gió vào nhà: nàng có một linh cảm xấu gì đó nên vội vã tới. Chopin nhận ra nàng và bảo:

- Hát cho anh nghe đi, Delfina!

Delfina là một trong những học trò giỏi nhất của Chopin. Nếu không phải là mệnh phụ phu nhân hẳn nàng đã  trở thành một nữ danh ca vào loại hàng đầu thế giới…

Và Delfina đã quỳ gối xuống cạnh giường Chopin và hát khúc tụng ca Đức Mẹ.

Chopin không rời mắt khỏi nàng và bỗng nấc lên:

- Mợ ơi!

Jane vội vã tới nắm lấy tay Ludwika và  giục:

- Tôi xin bà đấy, hãy tới với anh ấy đi và nói là bà yêu anh ấy. Đấy chính là điều duy nhất mà anh ấy đang cần…

Người chị ruột của Chopin hoảng hốt nhìn gương mặt méo đi vì đau đớn của Jane và từ từ cúi xuống người em trai đang trút hơi thở cuối cùng…

Huyền Anh
.
.