Thầy hiệu trưởng 106 tuổi

Thứ Năm, 30/11/2006, 09:30

Có lẽ người cuối cùng trong các bạn đồng nghiệp cùng thế hệ, duy nhất hiện tại chỉ còn lại thầy. Một cuộc đời biết bao thăng trầm dài qua hai đầu thế kỷ, vẫn thanh thoát, thông tuệ; thiết tha yêu nghề, yêu cuộc sống. Đó là nét đẹp bên trong của thầy hiệu trưởng đầu tiên Trường Trung học Lê Khiết ở Quảng Ngãi - thầy Nguyễn Vỹ, một cây đại thụ của ngành Giáo dục nước ta.

Ngày 25/6/2006 tròn tuổi 105, giờ đây thầy đã sang tuổi 106. Tuy đi lại có phần liêu xiêu, chập choạng, giọng nói hơi run run hơn trước, nhưng rất mừng là thầy vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn, nhớ tên nhiều người thân quen, kể lại rành rọt những kỷ niệm xưa.

Nhớ lại cuộc gặp gỡ cách đây 6 năm, không thể nào quên những lời tâm sự đầy thú vị và thâm thúy của thầy. Lần ấy, nhận được thông báo của nhà thơ Giang Nam, anh chị em đã từng học thầy ở 5 trường: Đồng Khánh, Khải Định (Quốc học Huế), Lê Khiết (Liên khu 5), Quốc học Quy Nhơn, Võ Tánh (Nha Trang), đã hội tụ về Nha Trang khá đông vui để dự lễ mừng thầy đại thọ 100 tuổi.

Chiều hạ Nha Trang gió mát dìu dịu, nắng rây vàng trên mặt biển êm đềm sóng lặng, những con đường biệt thự cổ yên tĩnh, thanh bình. Trò chuyện với học trò cũ đến thăm trong khu vườn nhà cây cối sum suê, thầy nhã nhặn, chân thành xin lỗi: "Thông cảm cho tôi. Tôi cũng như người đưa đò. Khách sang sông nhớ người đưa đò. Còn người đưa đò không làm sao nhớ hết khách sang sông".

- Thưa thầy, thầy có thể cho chúng con biết vì sao thầy chọn nghề giáo? Thầy đã vào nghề như thế nào? Kỷ niệm nào sâu sắc nhất với thầy?
Thầy vui hẳn lên, pha chút hóm hỉnh: "Chuyện dài dòng lắm. Celà a tout l'air d'unroman. Un Roman fleuve (chuyện đó có vẻ đặc tiểu thuyết. Một tiểu thuyết trường giang). Vắn tắt là thời ông cha mình có mặt ở xã Hành Tín, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi thì những vùng đất tốt đã được chiếm cứ hết rồi, phải lên đầu nguồn suối Bùn khẩn hoang sinh cơ lập nghiệp. Mình sinh ra ở nơi thâm sơn cùng cốc nhưng làng lại có cái tên rất đẹp, làng Thanh Xuân. Hồi nhỏ mình học chữ Hán. May nhờ có ông Ngô Xuân Thọ (cha nhà thơ Xuân Diệu) được bổ nhiệm làm hương sư, mình được học thêm chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Còn nhớ mãi ông Thọ gõ đầu trẻ bọn tôi bảo: "Nhân bất học bất tri lý. Ấu bất học lão hà vi" (Người không học không biết lý lẽ. Nhỏ không học lớn không làm được việc gì). Mình dốc lòng vào đèn sách, được cấp học bổng học Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Năm 1926 được cử về dạy Trường Quốc học Quy Nhơn và năm 1937 điều ra Huế dạy Trường Khải Định và Đồng Khánh.

Năm 1945, người ta phái mình về phụ trách Nha Học vụ Quảng Ngãi. Cách mạng Tháng 8 đã nổ ra. Đang lo sợ bị bỏ rơi, số phận không biết sẽ ra sao thì lại được Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu 5 mời gặp, đề nghị giúp cách mạng khai sáng và làm hiệu trưởng một trường trung học của chế độ mới ở vùng tự do Liên khu, nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho trước mắt và lâu dài. Mình vô cùng phấn chấn, bắt tay ngay vào việc. Ngày ấy, thị xã Quảng Ngãi đã tiêu thổ kháng chiến. Với hai bàn tay trắng, chân lội bộ về huyện nhà tìm địa điểm xây dựng và chọn tên một nhà yêu nước - cụ Lê Khiết, một trí thức nổi tiếng đã lãnh đạo phong trào nhân dân nổi dậy chống sưu thuế của thực dân Pháp để đặt tên trường. Được tin mở trường Lê Khiết, nhiều thầy cô giáo có tên tuổi đã tìm đến tự nguyện giảng dạy. Không chỉ vùng tự do mà cả học sinh vùng địch chiếm như Quảng Nam - Đà Nẵng và Bình Thuận… cũng về học. Trường Lê Khiết dần phát triển nhanh, vượt cả quy mô Trường Quốc học Quy Nhơn thời Pháp.

Còn về những kỷ niệm sâu sắc, đó cũng chính là quãng thời gian 1945 - 1955 ở Trường Lê Khiết. Nói đến Trường Lê Khiết là nhớ đến những mái trường tranh vách đất mà ở đó tất cả thầy trò gái và trai đã chịu đựng biết bao thiếu thốn, khổ cực, vẫn quấn quýt bên nhau, sớm hôm cần mẫn, một lòng chăm lo dạy và học tốt. Song điều tôi muốn nói với các bạn là đừng bao giờ lãng quên quá khứ. Chỉ có quá khứ đã thu về cho ta những nguồn lợi vô giá. Có những thiên đường đích thực là những thiên đường người ta đánh mất. Nhưng có vĩnh viễn mất đi không? Không, ký ức sẽ làm nó hồi sinh. Dĩ vãng có hương vị ngọt ngào làm cho cuộc sống hiện tại tỏa mùa thơm và ý nghĩa. Tình đời, tình người ngày ấy mới đẹp đẽ làm sao! Nhà thơ Pouchkine đã viết: Bạn, cuộc sống là một sự thoảng qua/ Tất cả sẽ trôi theo thời gian/ Tình yêu như một người thay lòng đổi dạ/ Một cánh chim mùa xuân của chúng ta.

Thầy ngồi im như một pho tượng cổ, ngước mắt nhìn vào không gian thăm thẳm như dõi về miền ký ức xa xưa, sống lại với những kỷ niệm đẹp không thể nào quên…--PageBreak--

Lễ mừng thọ thầy được tổ chức trọng thể, thân tình. Ông Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa trân trọng gắn lên ngực thầy tấm Huân chương Kháng chiến hạng 3 của Nhà nước ta tặng thưởng. Trong không khí đầm ấm của một gia đình lớn, thầy tâm sự: Khi tôi tròn 70, 80 rồi 90, con cháu cứ xin làm lễ chúc thọ. Nghĩ đời mình không còn ích lợi gì nữa nên tôi không chấp nhận. Giờ thì đã trăm tuổi, cái tuổi mà thi sỹ Tản Đà cũng đã phải thốt lên: "Người xưa đã mấy ai người trăm năm". Cái tuổi quý hiếm như vậy, lại được chính quyền, học trò quan tâm tổ chức, Nhà nước trao tặng Huân chương, tôi thấy không thể từ chối. Trước hết, tôi cũng muốn chúc các bạn sống lâu trăm tuổi. Đã là người, ai cũng muốn sống lâu, sống đến đại thọ. Rủi mà phải bệnh tật nan y hay gặp cảnh cơ hàn cùng cực, người ta vẫn muốn sống. Gã tiều phu của thi sỹ ngụ ngôn La Fontaine khom lưng, rên rỉ dưới gánh nặng của tháng năm chồng chất, lê tấm thân tàn từng bước trở về túp lều cỏ. Gã than thở: "Có lẽ chết đi là hạnh phúc nhất". Thần chết lướt tới để giúp gã thực hiện ý định. Vậy mà lão vội trả lời ngay: "Không, có lẽ ngài hiểu nhầm ý tôi rồi! Nhờ ngài giúp đưa hộ bó củi lên vai tôi". Và La Fontaine kết thúc câu chuyện như sau: Thà khổ còn hơn là chết, đó là phương châm của con người.

Bà văn sỹ nổi tiếng Sevigné nghe con gái hỏi: "Mẹ, mẹ! Mẹ có yêu đời không?". Bà trả lời: "Đời mẹ đã trải biết bao cay đắng và thất vọng. Nhưng nếu phải từ giã cuộc đời này thì điều đó sẽ làm mẹ vô cùng đau khổ". Người đời ai cũng nghĩ và yêu cuộc sống đến như vậy. Nhưng với chúng ta, còn hơn thế nữa. Sống không phải là sự tồn tại. Sống là cống hiến. Sống lâu để cống hiến cho đời nhiều hơn nữa. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất. Được gặp đông đảo các bạn hôm nay làm tôi nhớ lại năm 1997, 97 tuổi, được các học trò ở Hà Nội mời ra chơi. Tôi gặp rất nhiều người. Có người bước xuống từ một chiếc xe hơi sang trọng. Có người gặp phải qua thư ký. Tôi không quan tâm những điều đó. Bởi, cái quan trọng không phải anh là ai, mà anh phải là một con người, một con người theo đúng nghĩa của nó. Anh học trò Nguyễn Tăng Hích (tức nhạc sỹ Trần Hoàn, nguyên Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin) nói với tôi: "Thưa thầy, cách đây hơn 50 năm, con vào học năm đầu của ban trung học Trường Quốc học Huế. Thầy là giáo sư chánh lớp đó. Được gặp lại thầy, dẫu là gì thì thầy cũng là thầy của con và con vẫn là trò của thầy". Rất nhiều anh chị em gặp tôi, yêu kính tay bắt mặt mừng như tình cảm của anh Hích. Đó là cái đạo làm người đối với người lái đò qua sông.

- Thưa thầy, để sống được trăm tuổi, chắc là thầy phải có những bí quyết? Và ở tuổi 100, nếu được ước mơ, thầy sẽ ước điều gì?
- Không biết có nên gọi là bí quyết hay không? Nhưng có lẽ là: Cả tâm hồn và thân thể, đời sống tinh thần và vật chất đều phải trong sạch lành mạnh. Có lẽ tôi còn sống đến hôm nay là may mắn nhờ cuộc đời đã đưa tôi đến với nghề giáo. Với đồng lương "khiêm tốn", thầy giáo phải biết sống điều độ, không "rượu sớm trà trưa". Nghề giáo buộc phải năng cập nhật kiến thức để không lạc hậu, thời gian trong ngày còn lại chỉ đủ để luyện tập thể dục thể thao. Do vậy, tinh thần luôn sảng khoái. Vả lại, đã làm nghề sư phạm buộc phải sống mô phạm. Ai bon chen chạy theo đồng tiền để có một đời sống giàu sang tột bậc thì nên làm các nghề khác. Còn đã làm nghề giáo thì chủ yếu và trước hết tập trung đầu tư cho sự giàu sang về tri thức, lòng nhân ái và sự nghiệp trồng người, vui vẻ chấp nhận một cuộc sống "vật chất giàu sang vừa phải".

Tôi nghĩ, có lẽ cuộc sống thanh tao, tâm hồn sảng khoái, giàu lòng nhân ái, lương tâm không bị cắn rứt, lại biết kết hợp với rèn luyện thể lực, nhờ đó mà mạnh khỏe, sống lâu là vậy. Riêng tôi, tôi rất siêng đi bộ và tập thở sâu. Những chiều hiu quạnh, nhớ các con đang ở các phương trời xa và bà nhà tôi đã ra đi sớm, tôi thường rời nhà hòa mình vào đàn con trẻ ríu rít tan trường hoặc xem cảnh những người lao động làm việc tấp nập, cũng xua tan được bao nỗi cô đơn, phiền muộn. Còn ước mơ điều gì, nếu quay ngược được bánh xe thời gian thì tôi lại xin được làm thầy giáo. Thầy giáo là thầy của thầy, là người trồng người để nên người, đập mạnh trái tim người để từ đó những thiên thần bé nhỏ bay lên thành những nhân tài...

Không biết trong nước ta và trên thế giới có còn thầy hiệu trưởng một trường trung học nào đến hôm nay vẫn còn sống đến tuổi 106. Tôi không nghĩ về một kỷ lục guinness. Nghĩ về thầy Nguyễn Vỹ kính yêu của chúng tôi, trước mắt cứ hiện lên một cụ ông tóc bạc phơ, đang bước từng bước thầm lặng trên đường phố biển Nha Trang. Thỉnh thoảng, ông dừng lại ở đâu đó, đẹp như bóng một cây cổ thụ giữa buổi hoàng hôn của cuộc đời

Hồ Ngọc Sơn
.
.