Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Ngô Trần Ái:

Thành danh từ giấc mơ nghèo

Thứ Hai, 04/02/2013, 14:00
Có những con người, nếu chúng ta không có cơ hộp tiếp xúc, chuyện trò và lắng nghe vài câu chuyện về cuộc đời của họ, thì họ mãi là một ẩn số. Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái là một điển hình cho những ẩn số khó có lời giải đáp. Có lẽ cảm giác ấy nằm ở vẻ ngoài của ông, ở gương mặt ông, ánh mắt ông, giọng nói ông, cả sự cương nghị và dứt khoát trong lời thăm hỏi của ông cho dù rất ân cần, chu đáo.

Tôi tự hỏi, phải chăng, ngay cả trong những câu nói bình thường của vị Tổng Giám đốc này, cũng mang đậm dấu ấn những trải nghiệm mà ông đã tích cóp được trong đời sống, cũng như trong cả một chặng đường dài phấn đấu lập nghiệp, chống chọi với những thử thách khi chấp nhận làm người cầm cân nảy mực cho một ngành nghề rất chuyên biệt và khá nhạy cảm: làm sách cho ngành giáo dục.

Ông sinh ra và lớn lên trên rẻo đất miền Trung, nơi mà cái nắng cái gió của thiên nhiên quanh năm khắc nghiệt, nơi mà những cuộc chiến tranh dài dặc của đất nước đã khiến bao nhiêu cảnh cha mất con, vợ lìa chồng, để lại bao vết thương lòng trong nhiều thế hệ. Ngô Trần Ái là một người con đã mất cha trong cuộc chiến tranh chống lại giặc thù ấy. Năm Ngô Trần Ái lên 4 tuổi thì cha ông, một nhà giáo tham gia kháng chiến chống Pháp, đã vĩnh viễn nằm lại vùng địch chiếm khi đang trên đường đi cơ sở, để lại hai con nhỏ và cái thai trong bụng người vợ tảo tần sắp đến ngày chào đời.

Những tháng năm tuổi thơ cơ cực đã hằn rõ trong từng nếp nghĩ của người con xứ Quảng. Nhà nghèo, Ngô Trần Ái lớn lên như củ khoai củ sắn ở miền quê nhiều thương khó ấy. Mẹ ông chạy lo từng bữa cho các con nhưng vẫn quyết tâm cho mấy anh em ông học hành đến nơi đến chốn. Nhà giáo Ngô Trần Ái kể lại rằng, mẹ ông chạy vạy, chắt bóp mãi mua được bộ sách giáo khoa cho con đi học. Bộ sách giáo khoa ấy được xem như một vật “gia bảo” được lưu truyền từ đời anh sang đời em.

Đến lượt đứa em út của ông học, thì bộ sách đó đã quá cũ kỹ và nhàu nát. Vậy mà rồi lần lượt, mỗi anh em ông cũng đã trưởng thành để có một ngày khi trở về bên ngôi nhà của mẹ, ngồi ôn lại những kỷ niệm như chuyện cổ tích ấy, mà ứa nước mắt bởi những gian khổ, vất vả chỉ cần nghĩ lại đã cảm thấy như một giấc mơ buồn trong kiếp sống quá rộng lớn này.


Cả một quãng đời tuổi trẻ, niềm mơ ước của ông giản dị chỉ là được ngồi trên ghế nhà trường làm một ông giáo trường làng, được gần gũi bên mẹ, để được mang con chữ và niềm tin gửi gắm cho các thế hệ học sinh trên mảnh đất mà cả một đời ông gắn bó. Rồi những ước mơ cũng đã thành hiện thực, ông trở thành một thầy giáo đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức cho các em học sinh.

Trong nhiều năm liền, ông là giáo viên dạy giỏi của trường, rồi được tín nhiệm bầu làm Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng của Trường PTTH Hòa Vang, Đà Nẵng. Đôi lúc ông nghĩ, có lẽ mình sẽ chung thủy với nghề giáo suốt đời, nếu không có một ngày, ông nhận được lời mời làm sách giáo khoa. Với thế hệ của ông, sách giáo khoa là rất đáng quý. Ông luôn nâng niu, trân trọng nó như những ngày tuổi thơ ông và các em ông đã luôn nâng niu cuốn SGK cũ nát. Ông được cử làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Công ty Sách và Thiết bị trường học Quảng Nam - Đà Nẵng.

Khi Nhà xuất bản Giáo dục thành lập Chi nhánh ở Đà Nẵng, ông phụ trách việc xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa 9 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Đến năm 1997, ông được điều vào TP. HCM phụ trách Chi nhánh Nhà xuất bản Giáo dục. Đến năm 1999, một sự kiện lớn trong đời đã đến nhưng cũng đầy những thách thức, là ông được bổ nhiệm làm Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN), một chỗ dừng chân trên mảnh đất Hà Nội hào hoa, thanh lịch.

Nhà giáo Ngô Trần Ái nhớ lại: Ngày đầu tiên về cơ quan cũng là ngày khiến ông vô cùng bối rối. Bối rối bởi ông gặp phải những anh mắt đầy dò xét, nghi ngại của những người làm việc lâu năm tại NXB. Họ là những trí thức cả một đời cống hiến làm nên bộ sách giáo khoa.

Trong đầu họ là một kho kiến thức đồ sộ và Ngô Trần Ái biết rằng, để lãnh đạo, quản lý những tư tưởng lớn ấy không phải là điều dễ dàng. Nhưng đối với ông, trọng nhân tài là một điều cốt yếu, ông muốn tận dụng tối đa tri thức của các học giả, để họ sẽ cùng ông làm nên một bước tiến mới trong công cuộc cải tổ sách giáo khoa cũng nhưng trong một tương lai xa sẽ mang đến những kiến thức bổ ích nhất cho các em học sinh, những mầm non tương lai đang ngồi trên ghế nhà trường.

Nhiều đêm ròng rã, Ngô Trần Ái thức trắng, trăn trở tìm một giải pháp hiệu quả từ quy trình làm sách, đến kỹ thuật viết sách, minh họa sách… để vừa hợp lòng dân mà cũng đủ để đảm bảo đời sống cho hàng nghìn cán bộ, công nhân viên. Có thời điểm, giá giấy tăng, giá mực tăng, lương nhân công tăng nhưng giá sách lại không thể tăng, NXB đứng trước nguy cơ thua lỗ.

Ông đã trăn trở, quyết tâm, tận lực tìm giải pháp tiêu thụ, giải quyết tồn đọng sản phẩm, thu về gần 50 tỷ đồng, giúp cho doanh nghiệp dần dần ổn định sản xuất, tiếp tục phát triển. Ông mạnh dạn khảo sát, xây dựng đề án chuyển đổi tổ chức hoạt động nhằm đổi mới doanh nghiệp một cách triệt để, toàn diện theo hướng hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và cổ phần hóa (năm 2002).

Ngay thời điểm này, NXBGDVN đã tổ chức sản xuất - kinh doanh tổng hợp các xuất bản phẩm ngành giáo dục, hoạt động và tăng trưởng mạnh cả ba khâu xuất bản - in - phát hành. Cho đến nay, NXBGDVN đã có 67 công ty cổ phần và các đơn vị thành viên với số cán bộ công nhân viên lên tới gần 4.000 người.

Mặc dầu không phải là ngoại lệ trong bối cảnh khó khăn chung của các doanh nghiệp nhưng đa số đơn vị thành viên của NXBGDVN đã biết biến khó khăn thành thuận lợi, biến thách thức thành cơ hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị là không để học sinh bị thiếu SGK và kinh doanh có hiệu quả. Cũng để mọi học sinh đều có SGK đến trường, đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn, thành thị; giữa người giàu, người nghèo…

Có lẽ bởi tuổi thơ nghèo khó nhưng hiếu học đã mang lại cho ông một tương lai rộng mở, nên Ngô Trần Ái luôn đặt họat động xã hội, từ thiện đồng hành cùng hoạt động kinh doanh. Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, NXBGDVN tặng, biếu 70 ngàn bộ SGK mỗi năm cho học sinh là con liệt sĩ, thương binh, nuôi dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng 275 nhà tình nghĩa, tặng học bổng, cứu trợ thiên tai, bão lũ, tặng quà tết cho người nghèo.

Tuy giá trị vật chất chưa phải là nhiều nhưng những món quà đó gửi gắm nhiều mong ước của anh chị em trong đại gia đình NXBGDVN là các cháu có thêm niềm tin và nghị lực vượt qua những khó khăn đời thường, học tập tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi, lớn lên thành người công dân có ích, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Giáo sư Phan Trọng Luận, một người đã có trên 50 năm gắn bó với NXB GD từ thời bao cấp cho đến thời buổi cơ chế thị trường, khi hỏi về Tổng Giám đốc Ngô Trần Ái đã tâm sự: “Suốt hơn 8 năm làm Tổng chủ biên bộ sách giáo khoa Ngữ văn THPT, tôi biết kỹ hơn về anh. Cơ chế thị trường đòi hỏi người quản lý phải tính toán lời lỗ, được mất, phải năng động, xông xáo, phải táo bạo, dám nghĩ dám làm. Ngô Trần Ái đã đưa NXB GD cũ của thời bao cấp thành một mô hình mới ở tầm cao mới với cả một hệ thống các đơn vị thành viên rộng mở bám sát nhu cầu thị trường sách các tỉnh thành trong cả nước.

Qua công việc, tôi cảm nhận được một nét đẹp đáng quý trong tâm hồn nhà quản lý này. Rất lịch lãm, rất trí tuệ trong việc đưa ra những quyết sách quan trọng, nhưng cũng rất chu đáo tính toán, cân nhắc từng xu từng đồng cho giá sách. Ông Ngô Trần Ái luôn kết hợp hài hoà đầu óc quản lý khoa học chặt chẽ nghiêm túc với tình cảm của một con người từng trải nghiệm nhiều đau thương mất mát của người đời. Nếu nói gọn một câu, tôi xin được nói rằng đây là một nhà lãnh đạo quản lý tài ba và là một con người có trái tim nhân hậu”.

Ngày 20/1 vừa qua, NXBGDVN tròn 55 tuổi (1957 - 2012) và đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Đảng và Nhà nước trao tặng, bên cạnh những phần thưởng cao quý là Huân chương Hồ Chí Minh mà đơn vị đã được trao tặng dịp 50 năm.

Khi được hỏi về cảm giác của mình trong ngày lễ trọng đại này, Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái đã trầm ngâm chia sẻ: Hạnh phúc của ông là đã đi xa hơn những ước mơ thuở nhỏ của mình. Cả cuộc đời ông quyết chí học giỏi để vượt khỏi cái nghèo của một cậu học trò yêu sách, nhưng có sự góp sức của bao nhiêu cộng sự và đồng nghiệp, ông đã phần nào làm được những điều có ích cho xã hội như ước nguyện thuở nào.

Ông cũng tin rằng người cha đã khuất, ở một chân trời xa có lẽ sẽ mát lòng bởi người con trai của mình đã làm được những điều có ích trong cuộc đời còn nhiều cam go, thử thách này. Trong mỗi bước đi thành công của ông còn có bóng dáng của hai người đàn bà quan trọng nhất trong cuộc đời ông, đó là người mẹ tảo tần khuya sớm vẫn dõi theo từng bước đi của con trai, dù cụ sống ở miền quê xa xôi, nơi tuổi thơ nhọc nhằn của Ngô Trần Ái một thời vẫn còn in dấu.

Để mỗi khi sau những thành bại của đời người, ông lại chạy về bên mẹ như đứa con trai bé bỏng thuở nào được nâng niu, săn sóc. Và người đàn bà thứ hai, chính là người vợ đảm đang, hiền hậu, một cô giáo trường trung học phổ thông gắn bó từ thuở xưa đã cùng ông chia ngọt sẻ bùi chăm lo cho chồng khuya sớm.

Tôi luôn nghĩ rằng, mỗi con người luôn có những ẩn số của cuộc đời mình, dù có nhiều con người đi mãi đến cuối đường vẫn chưa tìm ra được lời giải cho những ẩn số ấy. Với nhà giáo Ngô Trần Ái ẩn số của ông được giải mã bằng niềm tin, bằng lòng trắc ẩn được giấu đằng sau vẻ lạnh lùng của một con người đã trải qua quá nhiều chông gai, thử thách trong cuộc đời khi bắt đầu đi lên từ hai bàn tay trắng để có một ngày rạng danh…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.