Thân gái dặm trường

Thứ Năm, 26/06/2014, 10:30

Vào đầu những năm 40 thế kỷ XVIII, cái tên Mikhail Lomonosov bắt đầu được mọi người nhắc tới tại Viện Hàn lâm khoa học Peterburg. Mặc dầu danh tiếng trên quy mô thế giới đang còn chờ đợi nhà khoa học Nga trẻ tuổi này ở phía trước, nhưng ngay từ hồi đó mọi người đã dự đoán rằng đây là một con người xuất chúng. Trong kinh thành, thiên hạ đã kháo nhau về sự xuất hiện của một viện sĩ mới: Một chàng trai vui vẻ, hóm hỉnh, có dáng oai vệ. Các tiểu thư bắt đầu để ý đến chàng.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Lomonosov đã có trên đầu ba mươi cái xuân xanh, nhưng dường như chàng không nghĩ đến việc thay đổi cuộc sống độc thân của mình. Đùng một cái, vào mùa xuân năm 1743, một bức thư từ thành phố Marburg xa xôi của nước Đức gửi đến Viện Hàn lâm khoa học Peterburg cho Lomonosov. Té ra đó là thư của... vợ chàng. Sự kiện này đã khiến cho mọi người sửng sốt vì không ai nghĩ rằng Lomonosov đã có vợ.

Thì ra đầu đuôi câu chuyện như sau:

Tháng 11 năm 1736 có ba sinh viên Nga ưu tú được cử sang học tại Trường Đại học Marburg ở Đức. Một trong những người đó là Lomonosov. Chàng thuê một căn phòng trong ngôi nhà bà quả phụ Ekaterina Sin trên đường phố Barfustrass. Chàng trai Nga mới dọn đến được cả gia đình chủ nhà quí mến và đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của cô con gái 16 tuổi của nữ gia chủ tên là Kristina. Về phía mình, ngay từ ngày đầu tiên, Lomonosov đã có thiện cảm với cô gái, tình cảm này càng ngày càng trở nên thắm thiết và trở thành tình yêu bền vững. Ngày 26/5/1740, hai người đã làm lễ thành hôn tại giáo đường của trường đại học, và văn bản này còn được lưu giữ trong sổ đăng ký kết hôn của nhà thờ.

Việc cô gái Đức chấp nhận cuộc hôn nhân này là một hành động dũng cảm phi thường. Cô quyết định xây dựng gia đình với chàng sinh viên Nga Lomonosov mà chưa hình dung được cuộc sống của ý trung nhân của cô sẽ ra sao bởi lẽ chàng là một người ngoại quốc với tương lai còn rất mơ hồ.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Lomonosov rời khỏi nước Đức sớm hơn thời hạn với những ý đồ táo bạo và với tâm trạng băn khoăn lo lắng: Peterburg sẽ đón tiếp chàng ra sao và có nên mang theo vợ mới cưới về không. Tại một cuộc họp gia đình, mọi người đã quyết định: Kristina sẽ ở lại và chờ cho đến khi nào chàng thu xếp ổn thỏa ở quê nhà và sẽ báo tin sang.

Việc Lomonosov trở về kinh đô Peterburg đã diễn ra vào thời điểm không mấy thuận lợi. Do bị lôi cuốn vào những vụ tranh chấp trong cung đình nên những người có trách nhiệm trong Viện Hàn lâm chẳng mảy may quan tâm đến công việc của nhà khoa học trẻ tuổi. Suốt bảy tháng trời Lomonosov không được bố trí công tác và không có lương cố định. Và chỉ sau khi Elizaveta Petrovna lên ngôi nữ hoàng, chàng mới được bổ nhiệm làm phó giáo sư. Bây giờ mới có thể nghĩ đến việc đưa vợ đến Peterburg. Song lại nảy sinh những phức tạp mới: sự xung đột với viên Chánh văn phòng Viện Hàn lâm, với các giáo sư ngoại quốc, việc Lomonosov bị bắt giữ kéo dài gần tám tháng trời...

Vì chờ đợi lâu quá đâm sốt ruột, cuối cùng Kristina đánh bạo viết thư cho chồng. Và bức thư đó, như mọi người đã biết, được gửi đến Viện Hàn lâm Peterburg.

Nhận được thư vợ, Lomonosov vò đầu bứt tai nói với những người bạn thân: “Trời ơi, thật lòng mà nói, mình không bao giờ bỏ rơi cô ấy, có điều hoàn cảnh của mình đã cản trở mình viết thư cho cô ấy và mời cô ấy sang đây. Nhưng nếu cô ấy muốn thì cô ấy cứ việc đến. Ngày mai mình sẽ gửi thư cho cô ấy và nhờ chuyển cho cô ấy 100 rúp”.

Ít lâu sau, chẳng quản thân gái dặm trường, Kristina một thân một mình đã lặn lội từ Marburg đến với chồng ở tận Peterburg. Và nữ tín đồ Thiên chúa giáo Elizaveta Kristina đã theo đạo Chính thống và trở thành một phụ nữ Nga với cái tên Elizaveta Andreevna Lomonosov. Nàng kém chồng hơn tám tuổi.

Hai vợ chồng Lomonosov thường xuyên sống trong cảnh túng thiếu. Cả nhà chỉ trông cậy vào đồng lương ít ỏi của ông, mặc dầu Lomonosov đã được phong hàm giáo sư. Elizaveta Andreevna phải thắt lưng buộc bụng, chi tiêu tằn tiện trong sinh hoạt. Lomonosov đã hơn một lần phải làm đơn xin ứng trước một phần lương tháng để có tiền tiêu dùng và mua thuốc men chạy chữa cho vợ vốn thường xuyên bị đau yếu. Còn nàng thì tuy liễu yếu đào tơ, nhưng vẫn cố gánh lấy mọi công việc bề bộn trong gia đình để dành thời gian cho chồng tập trung vào công việc nghiên cứu khoa học.

Mặt khác, là một người nội trợ đảm đang, Elizaveta Andreevna không hề thờ ơ với công việc của chồng - nàng vui mừng trước những thành công của Lomonosov và chia sẻ cùng chàng những thất bại; nàng thường là độc giả đầu tiên, thính giả đầu tiên và cố vấn đầu tiên của chồng. Nàng thường lui tới phòng thí nghiệm hóa học và thiên văn học của ông, hay đến thăm xưởng tranh ghép hình, nhìn bầu trời sao qua ống viễn vọng, tham dự các buổi quan sát điện khí quyển...

Hoạt động của nàng cũng không giới hạn trong bốn bức tường của ngôi nhà thân thiết ở phố Moika. Hai vợ chồng Lomonosov thỉnh thoảng cũng tham dự các dạ hội, các buổi tiếp tân của giới quý tộc ở kinh thành. Trong một buổi vũ hội ở Hoàng cung, nữ hoàng Elizaveta Petrovna đã ban tặng nàng một chiếc quạt xinh đẹp mà cho đến nay vẫn còn lưu giữ được. Có lần nữ hoàng đã đến thăm gia đình Lomonosov. Nữ hoàng đã thích thú xem những bức tranh ghép do Lomonosov sáng tạo, những dụng cụ thí nghiệm vật lý, các thành phần hóa học và, khi chia tay, đã mời hai vợ chồng nhà bác học đến dự tiệc ở Hoàng cung.

Năm 1749, hai vợ chồng Lomonosov sinh được một mụn con gái đặt tên là Elena. Bà mẹ không tiếc thời gian và công sức để chăm sóc và giáo dục cô con gái rượu. Elena đã lớn lên và trở thành một thiếu nữ có học vấn và có tâm hồn phong phú.

Gần ba mươi năm hai vợ chồng Lomonosov sống hạnh phúc bên nhau. Một giáo sư người Ý đã viết trong Kỷ yếu Florence: “Tôi đã đến thăm Lomonosov tại nhà ông ta. Đó là một hòn đảo của những cặp uyên ương. Khắp Peterburg tôi nhìn không đâu thấy một gia đình lành mạnh như thế!”.

Lomonosov qua đời ngày 4/4/1765. Một năm rưỡi sau, sau khi gả chồng cho cô con gái Elena, Elizaveta Andreevna cũng ra đi theo chồng ở tuổi 46. Nàng đã sống một cuộc sống ngắn ngủi đầy vất vả nhưng chính trực và xứng đáng được nhắc tới với tấm lòng kính trọng trong lịch sử hai nước Nga và Đức

Lê Sơn
.
.