Thạc sỹ Mai Nguyễn Tuyết Hoa: Trở về ngôi nhà của mình

Thứ Tư, 29/10/2008, 16:30
Thoạt nhìn, Mai Nguyễn Tuyết Hoa giống một phụ nữ lai Tây với những đường nét thanh tú nhưng góc cạnh, càng tiếp xúc càng dễ chịu, ưa nhìn dù không phải là một vẻ đẹp thuần Việt Á  đông...

Có thể từ bé, cô đã sống và lớn lên ở Liên bang Nga, học ở Nga trong một quãng thời gian khá dài cho đến năm 18 tuổi mới trở về Việt Nam nên môi trường sống đã ít nhiều ảnh hưởng và tác động đến sự hình thành vóc dáng bên ngoài của Tuyết Hoa. Bởi vậy, khi gặp cô lần đầu, mọi người vẫn thường lầm tưởng mẹ hoặc bố cô là người Nga. Trong những năm gần đây, Mai Tuyết Hoa nổi lên là một bí thư Đoàn Khoa Quốc tế của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, một thạc sỹ thông minh, một cô gái sắc sảo, đa tài, một cây văn nghệ xuất sắc và một người Việt hát tiếng Nga hay không kém gì những người bản xứ hát tiếng Nga.

1. Mẹ của Tuyết Hoa chính là tiến sỹ Nguyễn Tuyết Minh, quê ở Quãng Ngãi, bà là thế hệ sinh viên đầu tiên của Việt Nam cùng thời với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, đạo diễn Đặng Nhật Minh… được cử sang Nga để học tiếng. Gần hai phần ba thời gian của cuộc đời mình, bà Tuyết Minh sống và học tập, công tác ở Nga.

Bố của Tuyết Hoa chính là học trò của mẹ cô, khi ông là thanh niên Thủ đô Hà Nội xếp bút nghiên đi kháng chiến và rời quân ngũ, ông vào học Khoa tiếng Nga Đại học Sư Phạm nơi bà Tuyết Minh đang là giáo viên giảng dạy tại đó lúc bấy giờ. Bố mẹ lấy nhau, sinh Tuyết Hoa là con gái duy nhất.

Khi Tuyết Hoa lên 6 tuổi, cả gia đình theo mẹ sang Nga công tác theo lời mời của Viện hàn lâm Liên bang Xôviết để thực hiện công trình lớn nhất từ trước đến nay trong sự hợp tác giữa hai Viện hàn lâm Liên bang Xôviết và Việt Nam. Công trình tiến hành trong suốt 10 năm liền, bởi thế 6 tuổi, Tuyết Hoa đã trở thành một công dân Xôviết khi tuổi thơ của Hoa là ở nước Nga và cô học trường Nga, sống cùng với những người dân Nga. Tuyết Hoa còn nhớ như in, cô học được một học kỳ lớp 1 rồi mới sang Nga. Ở Nga, trẻ em đủ 7 tuổi mới vào lớp 1, nên suốt một học kỳ hai, Tuyết Hoa nghỉ ở nhà. Cô rất thích thú với ngôi nhà mới của bố mẹ, và môi trường mới của một cuộc sống mới. Lần đầu tiên, cô được ở một căn hộ đầy đủ tiện nghi, có những món đồ dùng lần đầu tiên Tuyết Hoa mới được nhìn thấy như tủ lạnh, tivi, điện thoại, cầu thang máy, và đặc biệt là tuyết rơi dày đặc và trắng xóa của mùa đông nước Nga.

Những ngày đầu chuẩn bị vào lớp 1, bố mẹ cô đã rất lo lắng cho con gái bởi Tuyết Hoa biết rất ít tiếng Nga, giao thiệp đã khó khăn, việc học lại càng khó khăn gấp bội. Thế nhưng chỉ sau một tháng, dường như ngoại ngữ là gien của gia đình, là năng khiếu trời cho, Tuyết Hoa không những hòa nhập được với bạn bè, mà còn học tốt như các bạn Nga. Lớp của Tuyết Hoa không có người nước ngoài ngoại trừ trường hợp của cô là duy nhất, vì vậy các thầy cô giáo không phân biệt đối xử và việc kiểm tra học hành bài vở hết sức công bằng. Đó là những năm tháng của một tuổi thơ hạnh phúc.

Được lớn lên, được học hành ở một đất nước có một bề dày về văn hóa, lịch sử vĩ đại như ở Nga, Tuyết Hoa đã sớm được nuôi dưỡng trong một môi trường giáo dục tốt nhất thế giới lúc bấy giờ. Tuyết Hoa không thể nào quên được những kỳ nghỉ hè, những hoạt động dã ngoại, ngoại khóa. Những ngày cuối tuần, lớp tổ chức vào rừng hái nấm, lội suối, hay mùa hè thì tổ chức các trại hè cho học sinh tham gia các hoạt động văn hóa thể thao vui nhộn hấp dẫn. Mùa đông, giải khúc côn cầu, trượt băng nghệ thuật giữa các trường học. Mỗi một khu dân cư có một sân vận động lớn với đầy đủ các hoạt động thể thao văn hóa để học sinh tham gia. Mặc dù trong gia đình không ai có năng khiếu thể thao, nghệ thuật, song được nuôi dưỡng trong một môi trường giáo dục tuyệt vời, Tuyết Hoa đã khám phá ra những khả năng tốt của bản thân mình.

Tuyết Hoa rất mê trượt băng nghệ thuật và cô trượt rất giỏi. Cũng vì đam mê trượt băng nghệ thuật mà có những buổi chiều tan học, cô đi trượt băng cùng chúng bạn, mê mải đến nỗi quên cả giờ về nhà làm cho bố mẹ hoảng sợ đi tìm. Cô tham gia học múa rối vì mê nghệ thuật rối, lại có giọng hát rất hay, và chơi đàn piano rất có năng khiếu. Từ nhỏ, Tuyết Hoa đã tham gia hát trong một ban nhạc phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở Nga. Những năm học sơ cấp piano ở trường nhạc song song với việc học văn hóa ở trường phổ thông, Tuyết Hoa đã tốt nghiệp thủ khoa trường nhạc và được tuyển thẳng vào một trường trung cấp nhạc nổi tiếng ở Nga. Thế nhưng, bố mẹ của Tuyết Hoa không mong muốn Tuyết Hoa trở thành một nghệ sỹ nên đã không khuyến khích Tuyết Hoa trở thành một nhạc công, vũ công, ca sỹ hay một vận động viên trượt băng nghệ thuật.

Tốt nghiệp trung học phổ thông, Tuyết Hoa nhận được học bổng toàn phần của Liên bang Nga vào học ở một số trường đại học về kinh tế, nhưng Tuyết Hoa lại nung nấu một mơ ước trở thành luật sư nên cô đã thi vào Khoa Luật, Trường Đại học Sư phạm Lênin.

2. Dẫu gắn bó với nước Nga, yêu nước Nga bằng một tình yêu vô bờ bởi tình yêu đó được cộng hưởng thêm từ tình yêu của cha và mẹ, và Tuyết Hoa lại gắn bó với nước Nga từ ngày bé xíu, lớn lên và trưởng thành ở Nga, song Tuyết Hoa chưa bao giờ nghĩ rằng cô sẽ ở lại nơi này để sinh sống, định cư, lập nghiệp lâu dài. Suốt những năm tháng dài ở Nga, bố mẹ cô luôn đau đáu và hoài vọng một nỗi nhớ thương Tổ quốc, nhớ về quê cha đất tổ. Không có một ngày lễ, ngày Tết cổ truyền nào ở Việt Nam không được bố mẹ cô tổ chức ở Nga theo nghi lễ riêng của mình. Những cái Tết cổ truyền, bao giờ bố cũng vào rừng chặt cây về ngâm vào nước ấm theo phong tục người Việt. Mẹ và Tuyết Hoa cắt giấy màu làm nên những nụ đào nụ mai xinh xinh, gói bánh chưng làm mứt chuẩn bị cúng giao thừa.

Cuộc sống ở Nga thật thanh thản và yên bình, khí hậu ở Nga thật tuyệt, mùa thu đẹp rực rỡ, mùa đông tuyết trắng bao phủ nhưng trong nhà hay tàu điện bao giờ cũng sực nức ấm áp bởi hệ thống lò sưởi bằng hơi nước nên chưa bao giờ Tuyết Hoa cảm thấy sự khắc nghiệt ở xứ lạnh. Nhưng nỗi nhớ quê hương Tổ quốc là một nỗi nhớ thường trực.

Ngày bé, Tuyết Hoa có tên nước ngoài là Maria, nhưng khi lớn lên đến lớp 3, cô đã đổi để mình có một cái tên thuần Việt, có họ cha và tên lót của mẹ: Mai Nguyễn Tuyết Hoa. Càng lớn, ý thức mình là người con của Việt Nam xa xứ càng rõ nét. Và Tuyết Hoa đã quyết tâm nung nấu một quyết định sẽ trở về Việt Nam học đại học và công tác ở Việt Nam, cống hiến tuổi trẻ, sự sáng tạo của bản thân cho quê hương mình. Với quyết định này, Tuyết Hoa nghĩ rằng cô không thể không biết tiếng Việt và để hổng quá nhiều những kiến thức phông nền về văn hóa, lịch sử, kinh tế…Việt so với các bạn trong nước.

Năm 1997, mặc dù đã vào học Khoa Luật tại Đại học Sư phạm Lênin được một năm, bản thân bố mẹ cũng khuyên Tuyết Hoa nên học xong đại học ở Nga rồi tiếp tục về nước học tiếp nhưng Tuyết Hoa khát khao được trở về Tổ quốc sớm hơn. Trong khi bố mẹ đang tiếp tục làm việc ở Nga, Tuyết Hoa đã một mình trở về nước và bắt đầu học đại học lại từ đầu. Chỉ tiếc là Trường Đại học Luật không tiếp nhận hồ sơ của Tuyết Hoa vì lý do Hoa nói tiếng Việt còn chưa sõi thì khó lòng theo chương trình đại học ngành Luật được. Tuyết Hoa chuyển về học Khoa tiếng Anh Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQG) Hà Nội.

Những ngày đầu tiên trên giảng đường đại học, vốn tiếng Việt ít ỏi, lại lớn lên ở Nga, việc tiếp cận kiến thức của Tuyết Hoa khá vất vả. Thật may mắn, vốn thông minh sắc sảo, cùng với sự kiên trì rèn luyện và học hỏi, Tuyết Hoa đã học tốt để đủ tiêu chuẩn giữ lại trường. Trong những năm tháng là sinh viên, Tuyết Hoa đã may mắn được chị Thảo Vân phát hiện có những tố chất để làm một cán bộ đoàn giàu năng lực, Tuyết Hoa đã được chị Thảo Vân đưa vào đội văn nghệ của trường và dìu dắt vào công tác đoàn. Vậy là vừa di học, vừa đi hát, đi diễn, làm MC của trường của các chương trình hoạt động đoàn. Với vẻ đẹp góc cạnh của mình, Tuyết Hoa trở thành một hạt nhân cán bộ đoàn nổi trội của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Khoa Quốc tế ĐHQGHN được thành lập sau khi Tổng thống Putin sang thăm Việt Nam và thăm trường.

Là một khoa mới mẻ, mọi cái mới là những bước thử nghiệm ban đầu, Tuyết Hoa được giao trọng trách làm Bí thư Đoàn Khoa Quốc tế. Đây là một khoa đặc thù, là nơi tổ chức các chương trình liên kết đào tạo đại học, mô hình các lớp học thường xuyên biến động, đòi hỏi chất lượng của các chương trình hoạt động đoàn cũng phải chất lượng tầm cao hơn ở các trường khác. Năm 2008, Khoa Quốc tế đã có một hoạt động bề nổi thành công vang dội, đó là tổ chức cuộc thi Nữ sinh thanh lịch của ĐHQGHN và phối hợp cùng với Trung tâm văn hóa Việt - Nga để tổ chức thành công hàng loạt các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ khác.

3. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn của Tuyết Hoa, tình yêu đối với nước Nga và ngôn ngữ Nga mà cô may mắn được học từ rất sớm vẫn là một tình yêu thường trực. Tuyết Hoa đang thi nghiên cứu sinh ngành tiếng Nga của Đại học Hà Nội. Mơ ước của Tuyết Hoa là sẽ được đứng trên bục giảng, sẽ nối nghiệp truyền thống gia đình, sẽ kế tục sự nghiệp của mẹ và bố giảng dạy môn tiếng Nga, truyền tình yêu về đất nước Nga và con người Nga hiền lành, tốt bụng và nhân hậu cho những thế hệ trẻ sau này.

Lâu nay, có một thực tế là tiếng Nga đang bị mai một dần trong xã hội. Sinh viên bây giờ không mấy yêu thích tiếng Nga, không tìm đến tiếng Nga như thứ tiếng thứ hai sau tiếng mẹ đẻ như thuở nào. Thời thế thay đổi, xu hướng tiếng Anh, ngôn ngữ giao tiếp quốc tế đang được lựa chọn của nhiều quốc gia hiện nay là lẽ tự nhiên. Nhưng dẫu sao có ít người Việt yêu tiếng Nga thì với Tuyết Hoa đó cũng là một nỗi buồn.

Mang tình yêu nước Nga, và truyền tình yêu đó cho những thế hệ mai sau chính là hoài bão lớn nhất của Tuyết Hoa lúc này, và bởi vậy dù đã học xong đại học Anh văn, đủ để làm việc và hoà nhập với thế giới song tiếng Nga vẫn là khát vọng không dứt trong trái tim cô. Tuyết Hoa cố gắng để học tốt, học hơn nữa không chỉ để cho mình mà đó chính là món quà tri ân lớn đối với bố mẹ, những người đã cống hiến một đời cho ngành tiếng Nga và cũng là để tri ân với quê hương thứ hai là nước Nga, nơi Tuyết Hoa đã gắn bó một thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành. Thời gian vẫn còn nhiều, và chúng tôi tin rằng, cô sẽ đạt được ước nguyện của mình

Khánh Thy
.
.