Tất cả là nhờ làm vợ… A Phủ

Thứ Hai, 21/03/2005, 15:32

NSƯT Đức Hoàn được biết đến nhiều nhất qua vai Mỵ trong phim Vợ chồng A Phủ. Nhưng, bà còn là một nữ đạo diễn tài danh của điện ảnh Việt Nam qua các phim đã được công chúng yêu mến: Hà Nội mùa chim làm tổ, Khách ở quê ra, Từ một cánh rừng, Tình yêu và khoảng cách, Ám ảnh… Ở lĩnh vực nào Đức Hoàn cũng ghi lại dấu ấn.

Con đường sự nghiệp của bà cũng nhiều điều đặc biệt: Thoát ly gia đình từ 12 tuổi, học sư phạm ở Trung Quốc nhưng về nước lại làm phiên dịch trong quân đội. Về Hãng phim truyện Việt Nam để lồng tiếng cho phim nước ngoài, nhưng lại làm diễn viên điện ảnh, rồi sang Liên Xô học và trở thành đạo diễn.

Bộ phim đầu tiên Đức Hoàn tham gia là Vợ chồng A Phủ. Ngay khi được đạo diễn Mai Lộc mời vào vai, Đức Hoàn đã cùng các diễn viên vai A Phủ, A Sử, thống lý Pá Tra lên Tây Bắc thực tế 6 tháng liền ở một bản Mèo trên núi cao quanh năm sương phủ. Là cô gái Hà Nội chính gốc, thế mà Đức Hoàn cũng leo núi, làm nương, vừa đeo lù cở sau lưng vừa thoăn thoắt tước lanh, gùi những ống bương nước to tướng ngược núi, rồi cúi đổ nước qua vai thành thạo như những cô gái bản địa.

Đạo diễn - NSND Trần Phương (người vào vai A Phủ) nhớ lại: “Đức Hoàn rất chịu đi khó thực tế và tìm hiểu. Lên nhà Anh hùng Sùng Phai Sinh ở đỉnh Pú Nhung cao chót vót, tôi thì mệt muốn ngất, thế mà Đức Hoàn leo thoăn thoắt!”. Năm ấy, Đức Hoàn đã ở lại bản vùng cao Phiêng Ban ăn tết, cùng dự hội, đi chơi bạn, để hiểu thêm tâm lý, tập tục người Mèo. Đây quả là sự hy sinh của bà cho vai diễn, bởi lẽ lúc này, bà còn cô con gái mới 2 tuổi để ở nhà, trong khi chồng bà - NSND Trần Vũ cũng là một đạo diễn thường xuyên phải đi xa. Nhưng cái được là một cô Mỵ đầy ấn tượng trong lòng khán giả và chẳng ai nghĩ rằng cô gái Mèo đặc sệt từ dáng đi, cử chỉ, nét mặt lại do một phụ nữ Hà Nội vào vai!

Ngoài Mỵ, NSƯT Đức Hoàn còn rất thành công với vai nữ nông dân trong Đi bước nữa (đạo diễn Mai Lộc), rồi Bình minh trên rẻo cao (đạo diễn Trần Đắc), vv...  Cùng với sự quan sát tỉ mỉ, bà luôn cẩn thận, chăm chút cho từng vai diễn. Đạo diễn, NSƯT Phương Hoa – con gái bà nhớ lại: “Khi đóng phim Đi bước nữa, để nhập vai, mẹ tôi đã về các vùng quê tập cày, tập cấy như nông dân thực thụ”. Sự thành công của vai diễn này từng khiến Phương Hoa có kỷ niệm thú vị: một lần, chị đến một cửa hàng HTX ở một nơi heo hút của Hà Tây và thấy một xấp ảnh đen trắng cỡ nhỏ, tô màu bày bán. Thật bất ngờ khi đó là tập ảnh của mẹ trong phim Đi bước nữa ra đời đã hơn chục năm. Chị thích thú đến nỗi đã mua tất cả số ảnh đó làm kỷ niệm.

Sau 4 năm học ở Liên Xô, Đức Hoàn trở thành nữ đạo diễn được khán giả ái mộ. Phim Tình yêu và khoảng cách của bà được chiếu nhiều lần tại Nga, Angiêri... Phim Hà Nội mùa chim làm tổ có mặt ở mọi điểm chiếu lúc bấy giờ, vv... Mỗi phim của Đức Hoàn đều chứa đựng dấu ấn tư duy riêng với hình tượng nhân vật có số phận đa chiều. Người xem không thể quên được người lính trong Tình yêu và khoảng cách: khi gương mặt bị biến dạng do vết thương ở mặt, anh bị vợ phản bội. Nhưng khi vợ chết, anh đã mở lòng đón đứa con của chị về nuôi. Đề cao sự cao thượng của đàn ông, Đức Hoàn gửi vào đó ước muốn và lòng tin của phụ nữ về một tình yêu lớn trong đời.

Trong phim Ám ảnh, một người lính vì quá sợ hãi đã chạy sang hàng ngũ địch, để rồi, suốt cuộc đời bị ám ảnh về tội lỗi của mình. Đức Hoàn muốn nói với khán giả rằng, con người ta ai cũng ẩn chứa cái anh hùng và cái thấp hèn, nếu để cho sự thấp hèn chi phối thì cuộc đời sẽ bị dằn vặt không yên. Phía sau mỗi cuộc chiến cũng là những thân phận đầy nỗi niềm…

Tính nhân ái là nét đặc sắc trong các phim của NSƯT Đức Hoàn. Bà là đạo diễn vững tay trong khai thác tâm lý phụ nữ giữa muôn mặt đời sống. Những vấn đề rất con người đã được bà đặt ra. Chuyện tình bên dòng sông được đánh giá cao chính bởi đã phản ánh cuộc sống thật gần gũi: Tâm lý người vợ trẻ (do Lê Khanh đóng) đã thay đổi sau một thời gian, khi chị không còn thích người chồng (do Trần Lực đóng) - một người buôn bè nữa, mà ước vọng một người chồng đàn giỏi hát hay cũng là lẽ thường. Đức Hoàn đã đưa vấn đề những người phụ nữ có cá tính, muốn bứt phá trong cuộc sống lên phim bằng cái nhìn độ lượng. Với một góc nhìn riêng, rất phụ nữ vào điện ảnh, Đức Hoàn tạo nên dấu ấn thời đại trong các phim của bà. Với phim này, NSND Lê Khanh đã đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc.

Phim nào của Đức Hoàn cũng đi vào lòng người xem. Tài năng thiên bẩm đã đành, nhưng chính sự lao động nghệ thuật hết mình cộng với tư duy sắc nhạy của một phụ nữ dám hy sinh đã cộng hưởng nên thành công cho bà. Chưa nói tới áp lực tinh thần, thì công việc đạo diễn là vô cùng vất vả với phụ nữ, đòi hỏi sức khỏe tốt mới đảm đương nổi.

NSƯT Phương Hoa nhớ lại: Khi mẹ tôi làm phim Ám ảnh, tôi cũng được đi theo vài lần. Còn nhớ ở một đại cảnh tiễn bộ đội ra chiến trường, mẹ tôi cầm cái loa tôn, khi đó chưa có loa điện như giờ, để chỉ đạo mấy ngàn người từ bên này sông sang bên kia sông. Lúc ấy, tôi đã thấy mình không đủ sức làm đạo diễn phim truyện như mẹ tôi vì cần quá nhiều cả sức lực lẫn trí tuệ!

Sự trăn trở, cẩn trọng của Đức Hoàn in đậm trong từng thước phim. Bà được đánh giá là đạo diễn kỹ tính từ việc chọn diễn viên đến nhạc sĩ. Với bà, yếu tố đầu tiên là diễn viên phải đẹp, vì thế, diễn viên trong phim của bà rất ưa nhìn. NSND Trần Phương nhớ về người đồng nghiệp nữ với sự trân trọng: “Phong cách của Đức Hoàn là luôn tìm cho mình một điều gì thật nhất của cuộc đời đưa vào nghệ thuật. Đức Hoàn làm phim rất kỹ lưỡng, chỉn chu và đặc biệt chú ý đến diễn xuất của diễn viên, đặt diễn viên lên hàng đầu, coi đó là thành quả chủ yếu của bộ phim”. Vốn là diễn viên nên việc trao đổi và thị phạm của bà với diễn viên cũng thuận lợi, vì thế, bà đã giúp diễn viên diễn mà như không diễn. Điều này có thể thấy rõ qua diễn xuất của Lê Khanh (Tình yêu và khoảng cách) và Việt Trinh (Khách ở quê ra).

Thường người ta cho rằng, phụ nữ đạo diễn phim không “nét”, nhưng ở các bộ phim của Đức Hoàn, đều hằn rõ sự chắc chắn về nghề nghiệp dù thẳm sâu vẫn đầy nữ tính. Càng làm, bà càng chắc tay nghề. Bất cứ lúc nào, Đức Hoàn cũng đều tận tụy với công việc. Ngày còn là diễn viên, có lần lồng tiếng cho phim hoạt hình Đáng đời thằng cáo, buổi trưa chỉ được nghỉ 2 tiếng thế mà bà tranh thủ vừa nấu cơm, vừa cho con ăn, vừa tập để buổi chiều thu âm. Khi làm đạo diễn, đúng lúc phim dang dở thì bị bệnh phải mổ, nhưng bà nhất quyết làm xong phim mới chịu vào bệnh viện.

Tài năng và sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, NSƯT Đức Hoàn còn là người phụ nữ đầy cá tính! NSƯT Mai Châu – bạn thân của NSƯT Đức Hoàn kể: Lần ấy, NSƯT Đức Hoàn làm phó đạo diễn cho đạo diễn Phạm Văn Khoa trong phim Chị Dậu, còn anh thanh niên Lương Anh mới ngoài 20 tuổi làm trợ lý. Do yêu cầu công việc, họ thường gặp nhau. Một hôm, NSƯT Đức Hoàn đưa cho NSƯT Mai Châu xem một mảnh giấy của Lương Anh: “Em muốn làm tù binh của chị!”. (Lúc này, Đức Hoàn đã là người độc thân ở tuổi 38). Cảm động trước tình yêu chân thành và mãnh liệt của chàng trai, cuối cùng, NSƯT Đức Hoàn đã “ngã lòng”. Dũng cảm vượt lên bao lời dị nghị, họ đã sống cho tình yêu đích thực của mình và có cuộc hôn nhân hạnh phúc gần 30 năm, cho tới ngày NSƯT Đức Hoàn mất vì bạo bệnh.

Nói về mẹ mình, NSƯT Phương Hoa cho rằng, dù sao, bà cũng mãn nguyện vì đã sống hết mình cho hạnh phúc mà nhiều người không dám. Hơn nữa, ông Lương Anh cũng là một người tử tế và tận tụy hiếm thấy. Ông ngưỡng mộ sự nghiệp của vợ, luôn quan tâm đặc biệt tới công việc của bà.

Cho đến khi tìm về cõi hạc, NSƯT Đức Hoàn có thể hoàn toàn bằng lòng vì bà đã có được một sự nghiệp và hạnh phúc riêng như ý. Đóng góp của bà cho điện ảnh Việt Nam là điều rất đáng được ghi nhận! Và những khao khát về một tình yêu lớn trong đời mà Đức Hoàn gửi gắm qua các phim đã thành hiện thực với bà… Có điều đó, chính bởi bà đã luôn dám vươn lên, sống hết mình cho những khát khao chính đáng 

Dạ Miên
.
.