Đồng chí Nguyễn Văn Linh:

Tấm gương ngời sáng

Chủ Nhật, 29/09/2013, 11:01
Ngày 15/12/1986, trong bài diễn văn đọc tại phiên khai mạc Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nêu rõ: “Phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta…”.

Thực tế cho thấy, chính trong nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư Đảng của đồng chí Nguyễn Văn Linh (từ tháng 12/1986 tới tháng 6/1991), đất nước ta đã có rất nhiều đổi mới tạo đà cho quá trình đi lên không thể đảo ngược được trong cả đời sống chính trị lẫn kinh tế. Không những thế, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại trong lòng đồng bào đồng chí tấm gương sáng ngời không thể mờ phai của một nhà lãnh đạo giàu tinh thần đổi mới, trung thực và nhất quán trong mọi công to việc nhớn và luôn bám sát thực tiễn để hành động và sáng tạo.

Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, cựu Tư lệnh Binh đoàn 559 huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng, đã nhận xét: “Anh Nguyễn Văn Linh là một tấm gương mẫu mực về trung thực, tận tụy... Anh sống và làm việc trung thực, giản dị, liêm khiết, không ưa danh lợi, địa vị, ghét xu nịnh, phô trương, xa hoa, lãng phí, tham nhũng; gương mẫu trong chống tiêu cực, thường lên án tình trạng “nhà dột từ nóc”...

Đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho tới hôm nay vẫn còn đinh ninh ghi nhớ trong lòng ấn tượng về “chú Mười” (Mười Cúc là tên gọi thân mật của đồng chí Nguyễn Văn Linh) từ những cuộc gặp diễn ra nhiều năm trước: “Ngay trong buổi đầu gặp gỡ chú Mười, sự “thần tượng” vốn có ở trong tôi đối với các nhà lãnh đạo cách mạng nước ta đã được ghi nhận bằng những ấn tượng sâu đậm. Năm đó chú Mười sắp bước sang tuổi “ngũ tuần”, nhưng quy luật khắc nghiệt của thời gian và sự gian khổ của chiến trường vẫn còn chưa điểm bạc mái tóc rậm của chú. Nụ cười đôn hậu luôn luôn mở rộng đối với người đối thoại qua nội dung những câu chuyện hàm chứa sự thông tuệ trong những lĩnh vực hoạt động. Với nước da nhuộm màu dầu dãi nắng mưa, trước mắt tôi, trong bộ quần áo bà ba giản dị của người bình dân Nam Bộ và khuôn mặt hiền từ, chú Mười trông giống cốt cách của một nhà giáo hơn là vị Chính uỷ trong Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam với vóc dáng oai phong - như tôi đã hình dung những phút giây gặp gỡ. Đó là những hình ảnh đẹp lưu giữ mãi nơi tâm trí tôi khi bước chân vào “tuyến lửa” giữa tuổi thanh xuân tràn đầy khát vọng đấu tranh trong những năm tháng không thể nào quên...”.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh gặp gỡ các đại biểu tại Đại hội VI, 1986.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh là người luôn “định vị” hành động của mình không chỉ trên những luận thuyết mà trước hết và hơn hết là từ thực tế đời sống. Chính vì thế nên trong nhiều thời điểm bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh hay là “người được chọn” để đưa ra những ý tưởng và thực hiện những quyết sách quan trọng giúp tình hình trở nên thuận lợi hay chí ít là cũng bớt khó khăn hơn.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, được Trung ương cử về tăng cường cho Đảng bộ Nam Bộ chính vào lúc quân dân ở đây đang mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chính đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có công đầu trong việc đề xuất và thực hiện hợp nhất hai tổ chức Việt Minh (Bộ Việt Minh Sài Gòn và Ủy ban Việt Minh Chợ Lớn) làm một, tạo dựng một trung tâm lãnh đạo thống nhất cuộc kháng chiến là Thành ủy lâm thời thành phố Sài Gòn-Gia Định... Rồi năm 1957, sau khi đồng chí Lê Duẩn ra Bắc công tác theo sự điều động của Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã làm Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầy trọng trách của mình. Trên cơ sở những trải nghiệm thực tế, đồng chí không chỉ đã đóng góp nhiều ý kiến đúng đắn vào Nghị quyết 15 mà còn tổ chức thực hiện Nghị quyết này một cách “ưu thời mẫn thế”, đưa phong trào cách mạng miền Nam nổi dậy đồng khởi...

Trong những năm không ít khó khăn sau khi đất nước thống nhất, cũng nhờ bám sát đời sống nhân dân và thực tế bộn bề của đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh là người “lại có sự đóng góp đáng kể vào bước ngoặt lịch sử mới, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội đầy thách thức nguy hiểm”, như đánh giá của  Đại tướng Mai Chí Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đại tướng Mai Chí Thọ nhớ lại: “Sau giải phóng, do cơ chế tập trung bao cấp, quan liêu, do sai lầm trong cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, tình hình của chúng ta cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 vô cùng khó khăn. Tình trạng thiếu đói, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội hết sức phức tạp. Trước tình hình ấy, nhiều địa phương, cơ sở đã cố xoay xở để tháo gỡ khó khăn. Đã có những sáng tạo, những thành công bước đầu rất đáng khích lệ, đáng học tập. Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh do anh Nguyễn Văn Linh làm Bí thư đã đi sát cơ sở tìm hiểu và “đỡ đầu” cho những sáng kiến đó. Cuộc đấu tranh giữa đổi mới và bảo thủ, trì trệ diễn ra khá gay gắt. Để giải quyết một cách có tính thuyết phục trong tình hình lúc đó, anh đề nghị lãnh đạo Trung ương, trong đó có anh Trường Chinh, anh Phạm Văn Đồng trực tiếp nghe báo cáo của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh Thành phố Hồ Chí Minh, nhân dịp các anh vào nghỉ hè ở Đà Lạt, sau đó đề nghị các anh đi thăm cơ sở, trực tiếp kiểm tra báo cáo của cơ sở. Qua thời gian tiếp xúc với thực tế, với cơ sở, các anh lãnh đạo chủ chốt của Trung ương đã nhất trí với quan điểm đổi mới...”.

Trên cương vị Tổng Bí thư trong những năm từ tháng 12/1986 tới tháng 6/1991 và sau đó, trong vai trò Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng tới khi từ trần, đồng chí Nguyễn Văn Linh thực sự đã để lại những bài học không thể mờ phai của một nhân cách cộng sản Việt Nam đích thực. Đó là một nhà lãnh đạo thực sự “lấy dân làm gốc”,  nhạy bén cảm nhận những việc mà cuộc sống đòi hỏi phải làm ngay, nói đi đôi với làm và đã làm thì bao giờ cũng làm đến nơi đến chốn... Một trong những điều từng canh cánh trong lòng đồng chí Nguyễn Văn Linh là làm sao để thực hiện dân chủ hóa xã hội một cách thực chất và có hiệu quả nhất. Và theo đồng chí, muốn thực hiện dân chủ hóa xã hội thì “trước hết phải dân chủ trong Đảng. Từ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho đến các tổ chức Đảng ở cơ sở phải gương mẫu trong việc thực hiện dân chủ. Mọi cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ đảng viên có chức vụ cao đều phải sống và làm theo pháp luật như mọi công dân bình thường, không có ngoại lệ”.

Trong lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta, đọc trong lễ tang đồng chí Nguyễn Văn Linh ngày 29/4/1998, đã nhấn mạnh: “Chúng ta luôn ghi nhớ những bài học quý báu về lãnh đạo và chỉ đạo của đồng chí - giữ vững nguyên tắc trong quan điểm, đồng thời linh hoạt trong sách lược, luôn luôn gắn bó với thực tiễn đất nước, đồng cảm với đồng bào, chiến sĩ”. Đó thực sự là những điểm nổi bật trong phong cách của người cộng sản Nguyễn Văn Linh

Nhượng Anh
.
.