Kỷ niệm 65 năm ngày mất của nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng (21/4/1947-21/4/2012):

Sống để làm người

Thứ Hai, 07/05/2012, 14:45
“Cụ Huỳnh là một người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời Cụ không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm giàu sang. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập” - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết như thế về Cụ Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng khi nhà chí sĩ này qua đời ngày 21/4/1947.

Cụ Huỳnh là một nhà nho chân chính, tiết tháo, cương trực, thanh liêm và nhân hậu. Và với nhân cách như thế, Cụ đã đảm nhận trọng trách Bộ trưởng Nội vụ đầu tiên trong thành phần Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lo lắng đến nền an ninh cho nhân dân và đất nước.

Mê sách vì dân

Cụ Huỳnh thuộc lớp người quân tử hiếm hoi mà không phải thời nào cũng có và nếu có thì thời nào cũng không nhiều. Sinh ra trên mảnh đất “Quảng Nam hay cãi”, Cụ suốt đời trung trinh gìn giữ tiết tháo của một nhà nho chân chính chỉ biết lấy lợi quyền của người lao động là mục tiêu hành sự.

Nhà nghèo nhưng thông minh, lại cần cù, chăm chỉ, nên Cụ thi đỗ cao từ khá sớm: 24 tuổi đỗ đầu kỳ thi Hương; 28 tuổi đỗ đầu kỳ thi Hội. Cụ cùng với Trần Quý Cáp, Nguyễn Đình Hiến và Phạm Liệu được truyền tụng là “tứ hổ” của tỉnh “chưa mưa đã thấm” thời đó vì tài cao và học rộng...

Theo lời nhận xét của nhà văn Thiếu Sơn: “Cụ Huỳnh không bao giờ để cho mình cao hơn người, không tự tôn và cũng không tự ti, không từ chối những việc tầm thường nhưng xét ra có ích cho mình và cho người”. Tây Hồ Phan Chu Trinh từng viết tặng Cụ Huỳnh: “Khách lai vô thoại chỉ đam thư” (Khách đến không nói, chỉ mê sách). Bản thân Cụ cũng có lần thổ lộ: “Tôi, một anh học trò gốc sinh trưởng nhà nông nghèo trong thôn quê, đã là cái hoàn cảnh phác dã, thô vụng, khô khan, quê kệch, gia dĩ đặc tính trời phú ham mê về sự học, nửa đời người tôi, ngoài cái văn thơ sách vở ra, gần như không có gì gọi là “mỹ cảm”.

Cụ Huỳnh ngay từ trẻ đã nổi tiếng là người phong nhã. Hồn thơ của Cụ cũng có xu hướng trữ tình nhưng giống như những chí sĩ ở mọi thời, Cụ thường chỉ viết thơ để bộc lộ tâm sự ưu thời mẫn thế của mình. Theo quan niệm của Cụ, một sĩ phu chân chính lúc nước mất nhà tan thì không thể nào an tâm thưởng hoa vọng nguyệt được...

Học đạo làm người

Học, học nữa, học mãi - Cụ Huỳnh có lẽ cũng là người sống theo ý tưởng này. Nhưng, với Cụ, học để làm gì? Trong một bài đăng trên báo Tiếng dân mà Cụ đã lập ra, Cụ viết: “Có một câu vắn tắt mà có thể bao quát được toàn thể và công dụng của sự học là: Học để làm người!”.

Cụ lý giải: “Cái học làm người này, nói về học khóa cần thiết thì người thông thường ai cũng có thể theo sức lực cùng bản năng của mình mà làm hết phận sự; mà nói đến chỗ cao diệu thì dầu thánh hiền hào kiệt cũng không ai dám tự phụ, rằng đã làm được hoàn toàn cực điểm. Bởi vì, đã làm “người” thì ai cũng là người, mà nói đến sự làm người thì rất là mênh mông mà không có hạn lượng. Trăm năm ngắn ngủi, trẻ lớn, già chết không cái gì mới lạ. Song kẻ thì thánh hiền hào kiệt, kẻ thì ngu tiện dung phàm; người thì có công với nhân loại, muôn đời ai cũng hinh hương, người lại hại giống hại nòi, trăm miệng cũng đều thóa mạ. Không những thế mà thôi, làm một người về thời đại cổ, và làm một người ở thời đại nay khác nhau; làm người ở nước giàu mạnh với làm người ở nước hèn yếu khác nhau, suy ra đối với nước nhà mình và đối với nhân loại chung, nên làm người thế nào. Cảnh địa của người trăm chiều không đồng nhau thì cái cách làm người cho xứng đáng thích hợp cũng không phải cùng một cách. Những chuyện mấy bậc vĩ nhân đông tây xưa nay, biết bao nhiêu điều đủ làm gương cho người sau học theo mà người nào cũng có chân tướng người nấy, mỗi người dạy cho người sau một việc; bắt chước được một việc thì dầu ai đọc thuộc trăm nghìn quyển sách cũng chẳng hơn chi.

Cái trường học để “làm người” đó tức là cái cõi đời ta vậy. Bao nhiêu sự khốn khó ở đời, bao nhiêu sự kinh nghiệm người trước để lại đều là những bài dạy cho ta. “Làm người” ở đời đã khó như trên đã nói, thì “học làm người” chắc không phải chuyện dễ”.

Quan niệm như thế nên đỗ đạt rồi, Cụ lại không chịu ra làm quan với triều đình phong kiến hay chính quyền thực dân mà chỉ thích giao du với các sĩ phu cùng tâm sự để cùng hun đúc cái tinh thần yêu nước thương nòi trong cái thời đại quá nhiều tai ương lúc đó. Nói và làm lúc nào cũng nhất quán, Cụ Huỳnh đã đi từ tư tưởng đấu tranh ôn hòa tới mấp mé bạo động. Và thế là năm 1908, Cụ bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo sau khi cuộc cự sưu ở các tỉnh miền Trung bùng nổ rầm rộ. 13 năm đi đày là 13 năm Cụ rèn thêm những suy tư về vận mệnh đất nước và dân tộc. Cụ sống cũng như viết, luôn trung trinh và son sắt, không chịu để cho những nhục hình cực khổ bẻ gãy ý chí sĩ phu của mình:

Dù đến lúc núi sập, biển lồi, trời nghiêng đất ngả;
Tấm lòng vàng tạc đá vẫn chưa mòn.
Trăng kia khuyết đó lại tròn!”.
(Bài hát lưu biệt).

Năm 1921, ra khỏi tù, Cụ Huỳnh vẫn giữ nguyên tiết tháo nhà nho và không nhận bất cứ lời mời làm quan chức nào. Chỉ khi Viện Dân biểu Trung Kỳ được lập ra, Cụ mới chịu ra ứng cử ở huyện Tam Kỳ (Quảng Nam) để có thể đấu tranh hợp pháp vì quyền lợi của nhân dân trên diễn đàn mà chế độ thực dân buộc phải để cho tồn tại. Tất nhiên, cách suy nghĩ có phần ảo tưởng này đối với chủ nghĩa thực dân cũ về sau đã được chính Cụ Huỳnh hiểu ra và cụ đã xin từ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ năm 1928 sau khi thẳng thắn tố cáo chính quyền thực dân chỉ dân chủ giả hiệu chứ không thực tâm muốn làm điều tốt lành cho người Việt. Và Cụ đã lập ra tờ báo Tiếng dân, tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Trung Kỳ, để tiếp tục cái chí vì dân vì nước của mình. Những tư tưởng tuy chưa phải là tiên tiến của thời đại nhưng luôn thấm nhuần tinh thần tiến bộ trên tờ Tiếng dân đã làm cho chính quyền thực dân đau đầu. Và rốt cuộc, chúng đã bắt đóng cửa tờ báo, làm mất vũ khí hoạt động “cách mạng công khai” cuối cùng của Cụ Huỳnh.

Từ đó cho tới khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Cụ Huỳnh đã buộc phải án binh bất động trong tâm sự nhiều khi bất đắc chí của mình.

Tri nhân, tri kỷ

Nói về cống hiến, Cụ Huỳnh thực ra đã làm được rất nhiều việc cho sự nghiệp củng cố tinh thần ái quốc thương dân trong xã hội nước ta những thập niên đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, Cụ không bao giờ “lấy đó làm điều”. Cụ sống như Cụ thấy là đúng. Có thể hình dung được tâm trạng hân hoan của Cụ khi Cách mạng Tháng Tám thành công: “Sướng ơi là sướng! Thoát thân nô mà làm chủ nhân ông. Vui thật là vui! Đổi quyền vua làm dân quốc mới” - đó là tâm sự của Cụ Huỳnh trong mùa thu 60 năm trước. Mặc dù biết mình không hẳn đã nhận thức được hết những tư tưởng mà những người cộng sản truyền bá ở Việt Nam nhưng Cụ Huỳnh đã hiểu rõ ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám. Trong lễ kỷ niệm lần thứ 5 ngày Cụ Phan Bội Châu tạ thế (29/10/1945) ở Huế, Cụ Huỳnh nói:

“Ất Dậu trước đến Ất Dậu này thực khác xa. Trước là kinh thành thất thủ, là mất nước; nay là cách mạng, là giải phóng...”.

Trước sau như một, Cụ Huỳnh vẫn chủ trương đại đoàn kết quốc dân cho sự nghiệp bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc. Hiểu rõ tâm sự của Cụ Huỳnh, trong giai đoạn đất nước phải đối mặt với nguy cơ ngoại xâm mới, Bác Hồ đã đại diện cho Chính phủ liên hiệp gửi điện mời Cụ Huỳnh ra Hà Nội tham gia chính quyền mới. Vốn mến mộ danh tiếng nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, Cụ Huỳnh dù tuổi đã cao nhưng vẫn đồng ý ra Bắc, dù chỉ để gặp mặt người yêu nước tri kỷ mà mình đã mến mộ từ lâu chứ chưa định ngồi vào vị trí nào trong chính quyền mới. Và nhận rõ thời điểm “quốc gia hữu sự”, Cụ Huỳnh đã đồng ý làm người lãnh đạo chính thức của Bộ Nội vụ (tiền thân của Bộ Công an) trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Theo lời tường thuật của Báo Sự thật trong số ra ngày 7/3/1946, lễ ra mắt Hội đồng Chính phủ cách mạng khi ấy đã diễn ra như sau:

“Lần đầu tiên Cụ Huỳnh Thúc Kháng ra mắt quốc dân trước tiếng hoan hô vang dội của hàng vạn đồng bào ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Lần đầu tiên quần chúng được mắt thấy tai nghe nhà chí sĩ lão thành vẫn hằng ngưỡng mộ. Cụ già yếu quá, nhưng giọng nói sang sảng ấy, điệu bộ hăng hái ấy là của thanh niên. Lòng nhà chí sĩ đã bị xúc động quá mạnh trước cảnh đồng bào sum họp đoàn kết thân mật, trước vận hội mới của nước nhà. Khi Cụ nói lên cái chí căm thù giặc Pháp suốt đời nung nấu tâm can Cụ, mọi người thấy truyền vào tất cả sĩ khí trầm hùng của thời xuân. Ai quên được buổi ấy, hình ảnh Hồ Chủ tịch cảm động ôm chầm lấy Cụ, hình ảnh hai người bạn già tương ái”.

Được lời như cởi tấm lòng, tri ân Nguyễn Ái Quốc, Cụ Huỳnh đã thực hiện tận tâm phận sự của một Bộ trưởng Nội vụ chế độ mới. Cụ đã không ngần ngại thẳng thắn vạch mặt những thế lực phản động vì lợi riêng, ích kỷ mà cố tình “chọc gậy bánh xe”, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Cụ đích thân đứng ra làm sáng lập viên và Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, tức Mặt trận Liên Việt. Tháng 6/1946, khi Bác Hồ đi thăm nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp, Bác đã cử Cụ Huỳnh làm Quyền Chủ tịch nước và nói: “Tôi có việc phải đi, mọi việc ở nhà đều có Cụ” rồi trao cho Cụ tấm thiếp có ghi sáu chữ “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Nhà nho khi làm công tác an ninh và trị quốc đã hành xử rất nghiêm ngắn và kiên quyết. Chính Cụ là người khi hiểu rõ bộ mặt thật của bọn Quốc dân đảng phản động đã chỉ thị cho cấp dưới xử trí nghiêm khắc những kẻ mạo danh thừa kế sự nghiệp của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học nhưng thực ra lại toàn làm những việc phản dân hại nước. Cụ cũng đã xử trí kiên quyết và khôn khéo mọi việc quốc gia đại sự khác trong lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đi công tác xa.

Khi kháng chiến bùng nổ, Cụ Huỳnh lại với tư cách Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam thân chinh đi xuống các địa phương làm công tác vận động quần chúng “tin tưởng vào Cụ Hồ Chí Minh, bậc yêu nước đại chí sĩ, nhà lịch nghiệm cách mạng đại chuyên gia” để “quyết sống mái với kẻ thù” cho Tổ quốc “độc lập quang vinh muôn năm”. Năm 1947, tới Quảng Ngãi, không may Cụ bị ốm và qua đời tại đó. Trước phút lâm chung, Cụ đã gửi điện cho Bác Hồ với những lời gan ruột:

“Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã được độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân lên đường vinh quang hạnh phúc. Chào vĩnh quyết”...

Hôm ấy là ngày 21/4/1947

Chính Nhân
.
.