Sóng biển Đông giữa lòng Hà Nội và chuyện một người nhạc sĩ dị thường

Thứ Hai, 30/06/2014, 09:00

Trở lại với không khí rực lửa trên sân tượng đài Lý Thái Tổ của chương trình Khát vọng biển Đông, không khó để tôi nhận ra một người nghệ sĩ cao gầy đeo cây Fender Guitar, môi nở nụ cười và đôi mắt rực sáng. Đó chính là Nhị Độ, tác giả của ca khúc Khát vọng biển Đông – ca khúc là linh hồn của cả chương trình mang cùng tên gọi.

Rừng người – Biển sóng

“Nghe âm vang từ trong lòng biển sâu, những khát vọng ngàn đời. Bao anh linh hùng anh đang thức dậy tay trong tay. Hôm nay nghe biển Đông gầm vang con sóng lớn...”.

Trên nền nhạc hào hùng, cả một rừng người với màu áo cờ đỏ sao vàng trước chân tượng đài Lý Thái Tổ bắt đầu thực hiện những động tác vũ đạo Flashmob sôi nổi, nồng nhiệt. Những cánh tay giơ cao, những tiếng hát cùng cất lên mạnh mẽ. Tất cả hàng trăm hàng ngàn con người đang đứng trên sân như những làn sóng cùng hòa nhịp với muôn ngàn con sóng của biển Đông, của Trường Sa, Hoàng Sa, cùng nhịp đập những huyết cầu Tổ quốc.

Sáng ngày 17 tháng 5 năm 2014, ngày thứ 8 khép lại chặng đường thứ nhất của chương trình Khát vọng biển Đông, có lẽ chưa bao giờ sân tượng đài Lý Thái Tổ lại ngập tràn màu áo đỏ sao vàng đến thế. Không chỉ những người dân trên khu vực cùng tham dự mà còn hàng trăm bạn trẻ từ khắp nơi đổ về, họ là sinh viên của nhiều trường đại học và cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội như Đại học KHXH&NV, Đại học Thương mại, Đại học Công đoàn, Đại học Công nghiệp HN, Cao đẳng truyền hình, Đại học Văn hóa... Không chỉ có thanh niên mà còn rất nhiều người cao tuổi, thuộc nhiều CLB dưỡng sinh khác nhau cùng tụ họp về đây để hòa chung những màn vũ điệu. Có những bà mẹ trẻ địu con, có những người phụ nữ mang bầu, có những người vì lí do sức khỏe không thể nhảy được thì đều đứng bên cạnh sân tượng đài dõi theo chăm chú, cất vang tiếng hát hòa nhịp. Tôi thấy trong mắt họ niềm hân hoan, sáng bừng ngọn lửa một khát vọng biển Đông. Nhiều nhân vật đặc biệt đang có mặt trên sân tập, họ tham dự chương trình từ những ngày đầu tiên chứ không phải hôm nay mới xuất hiện. Đó là Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan, Hoa hậu dân tộc Việt Nam 2013 Lò Thị Minh, Người đẹp Cao nguyên đá 2014 Lưu Thị Hòa...

Sự thành công của chương trình Khát vọng biển Đông diễn ra trong hơn một tuần có thể nói đã trọn vẹn hơn cả mong đợi. Không chỉ diễn ra trên sân tượng đài Lý Thái Tổ cùng một số địa điểm khác trong nội thành như vườn hoa Lê Nin, sân cột cờ Hà Nội..., chương trình còn vươn cánh về những nơi xa hơn như Trường Cao đẳng phát thanh truyền hình tại Thường Tín với sự tham gia của hàng trăm sinh viên, chương trình còn đến với Công ty Phamico Việt Nam tại Hưng Yên với sự tham gia của hàng trăm công nhân. Dù đến bất kỳ đâu, Khát vọng biển Đông với vũ điệu Flashmob sôi động khỏe khoắn, giai điệu và lời ca đầy ắp hùng tráng tự hào đã làm xích lại gần nhau muôn vàn con người, muôn vàn trái tim thắp lửa. Bạn Trần Thị Len, công nhân công ty Phamico Việt Nam phát biểu: “Em sẽ không lấy chồng nữa để đi bộ đội”. Đã có tới trên 30 cơ quan báo đài cùng hàng chục trang blog nổi tiếng đưa tin về hoạt động Flashmob Khát vọng biển Đông những ngày qua.

Các bạn trẻ Việt Nam tham gia chương trình “Khát vọng biển Đông”.

Trở lại với không khí rực lửa trên sân tượng đài, không khó để tôi nhận ra một người nghệ sĩ cao gầy đeo cây Fender Guitar, môi nở nụ cười và đôi mắt rực sáng. Đó chính là Nhị Độ, tác giả của ca khúc Khát vọng biển Đông – ca khúc là linh hồn của cả chương trình mang cùng tên gọi.

Được đưa lên mạng mp3.zing.vn sáng ngày mùng 9 tháng 5 năm 2014, ca khúc nhanh chóng nhận được hàng ngàn lượt like, bình luận và chia sẻ cũng như được chọn ngay làm ca khúc nhạc nền cho những màn vũ điệu Flashmob sôi động diễn ra lần đầu tiên ngay chiều ngày hôm sau – mùng 10 tháng 5. Cũng đã có khá nhiều ca khúc hay về biển đảo như Nơi đảo xa (1979) của Thế Song, Gần lắm Trường Sa (1982) của Huỳnh Phước Long, hoặc với giai điệu tươi vui rộn ràng hơn như Nếu em tới thăm đảo của Trọng Loan, Lướt sóng ra khơi của Thế Dương, hiếm có những ca khúc biển đảo viết trên thể loại Dance pha trộn rock và thành công. Khát vọng biển Đông của Nhị Độ vì thế có thể nói đã xác lập được một kỷ lục. Không chỉ thành công với một giai điệu đẹp, hào hùng, ca khúc còn có những phần ca từ đẹp như một bài thơ: “Cùng nhau ra khơi, đi về phía mặt trời. Biển Đông đang vẫy gọi tự ngàn năm. Bầu trời mờ xa, nghe biển hát hiền hòa, và nổi sóng chập trùng khi giông bão. Hải đảo xa xôi, bao giông bão qua rồi. Biển xanh biếc mắt huyền ru dịu êm. Trời mây bao la, trăng neo giữ con tàu yêu thương bên đảo xa...”. Đến lúc này, nhiều người chắc sẽ băn khoăn tự hỏi, vậy tác giả Nhị Độ là ai mà bỗng dưng công bố một ca khúc hay như thế, làm nức lòng và lôi cuốn hàng trăm hàng ngàn con người...

Dị thường Nhị Độ

Xin thưa, gã tên thật là Dương Trọng Nghĩa, sinh ra và lớn lên trong làng cổ Vĩnh Tuy giữa lòng Hà Nội. Bắt đầu học nhạc ở Cung thiếu nhi lúc 9, 10 tuổi. 11, 12 tuổi đã ôm cây guitar đến thọ giáo nhiều ông thầy như thầy Nguyễn Đức (phố Bạch Mai), thầy Trọng Loan dạy sáng tác (Nhạc viện Hà Nội)… Nhưng ông thầy đầu tiên truyền tình yêu âm nhạc và những phím guitar cho gã là người cậu ruột – nghệ sĩ Mạnh Trung. Thứ âm nhạc đầu tiên gã được nghe khi bắt đầu chơi nhạc là âm nhạc của The Beatles, Rolling Stone, Pink Floyd… hay ABBA. Bảo sao gã đặc biệt yêu thể loại Rock và viết được nhiều bản Rock hay, trong đó có Khát vọng biển Đông. Sự thực thì Khát vọng biển Đông được gã viết từ lâu. Bản nhạc được viết xong chỉ trong vòng hơn 10 phút vào một đêm hè. Viết thì nhanh nhưng nghĩ thì lâu, những trăn trở về một ca khúc biển đảo, theo lời tâm sự của gã, đã ngấm vào máu vào hồn từ biết bao tháng năm trước đó.

Tính đến lúc này, Nhị Độ đã viết ra rất nhiều – trên dưới trăm ca khúc thuộc đủ mọi thể loại, từ nhạc thiếu nhi tới rock clasique, rock ballad, từ pop đến những bản mang âm hưởng ngũ cung dân gian, từ những tình ca tha thiết sâu lắng đến những bản nhạc sôi động bốc lửa. Từ những bản đầu tay như: Tình xuân; Tình hồng; Ngày nay không còn bé; Cúi xuống thật gần; Mộng… cho đến Viết cho mùa đông; Rock yêu; Đêm quái ác; Guitar khóc… không thể kể hết. Nhưng gã chẳng thèm công bố với showbiz, với ca sĩ, cũng chẳng mang bản nào đến phòng thu âm. Nhạc của Nhị Độ từ trước đến nay chỉ để hát cho anh em bằng hữu nghe, và để mang theo những bước chân vân du của gã khắp trong Nam ngoài Bắc. Đến và đi khắp nơi, gặp những người bạn nghệ sĩ hay trong đời, giao lưu uống và hát...

Năng khiếu âm nhạc thiên bẩm và sự tài hoa của Nhị Độ là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng điều kỳ dị nhất tôi muốn nói ở đây là gã có khả năng viết nhạc cực nhanh, khả năng nói được và làm được, để từ đó tạo nên những kỳ tích mà chỉ những người anh em thân tình mới biết rõ. Ai có thơ đưa gã xem mà gã thấy hay thì chỉ mấy hôm sau là trong bao đàn của gã sẽ có ngay bản nhạc mới cho anh em thưởng thức. Chẳng hạn, sau hai lần gặp và hai lời hứa với Trần Ngũ Châu, người em ruột của cố thi sĩ Trần Hòa Bình, tức thì hai bản phổ nhạc tuyệt hay đã hình thành. Đó là bản Bài hát viết trên cánh anh đào và đặc biệt là bản Khau Vai đã được cất lên ở nhiều nơi. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm tâm đắc bản Khau Vai đến mức muốn sử dụng ngay vào bộ phim của anh. Ai đọc bài Khau Vai cũng thấy đó là một bài thơ quá hay nhưng nó là một vách núi dựng đứng khó vượt qua cho nhiều nhạc sĩ định phổ nhạc. Một lần khác, tại Bảo tàng không gian văn hóa Mường tại thành phố Hòa Bình, trước sự chứng kiến của Giám đốc Vũ Đức Hiếu và nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, Nhị Độ phổ nhạc ngay tại chỗ bài thơ Rặng mai của người bạn đồng hành là thi sĩ Khánh Văn Trần Nhật Minh, nét bút phóng khoáng như mây bay gió lượn khiến  Phan Cẩm Thượng vô cùng khâm phục. Bản nhạc cất lên mang đậm âm hưởng của núi rừng, giám đốc Vũ Đức Hiếu  rất thích.

Nhiều bản nhạc khác gã viết trong khoảng thời gian cực nhanh như bản Guitar khóc (thơ Garcia Lorca, bản dịch Hồng Thanh Quang). Buổi sáng, báo ANTG cuối tháng vừa ra số, một lát sau đã thấy gã nhắn tin cho tôi trên mạng: bản nhạc đã xong rồi, tổ chức ngồi đâu nghe đi. Và kể từ đó, gần như không một cuộc gặp gỡ nào nhà thơ Hồng Thanh Quang lại không yêu cầu ca khúc này, được cất lên bởi giọng hát một người bạn lâu năm trong nhóm mà thi sĩ Hồng Thanh Quang cho rằng tựa như tiếng hát Khánh Ly những năm 60 của thế kỷ trước... Một “điển tích” nữa không kém phần kinh ngạc của Nhị Độ là việc phổ nhạc trực tiếp trên văn bản tiếng Anh không qua dịch bài thơ The Bridge Builder (Người bắc cầu) của nữ thi sĩ lừng danh Will Allen Dromgoole. Theo yêu cầu của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm phải viết trên điệu Punk Rock để làm nhạc phim, Nhị Độ đã làm nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và anh em rất bất ngờ khi chơi Guitar và hát bản tiếng Anh rồi bản tiếng Việt sau đó cho tất cả nghe thử. Hát xong gã giải thích là phải phổ trên văn bản tiếng Anh trước, sau đó mới dịch lời Việt ra sau để cho ca sĩ Việt hát. Và gã đã làm xong một cách mỹ mãn sau 3 ngày. Bản nhạc được hát tại Tòa nhà công vụ Đại sứ quán Mỹ trước toàn thể đoàn làm phim và khiến tất cả mọi người Mỹ - Anh liên quan có mặt ở đó nhiệt liệt hửng ứng vì hát bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Tất nhiên bản dịch Người bắc cầu bằng tiếng Việt sau đó cũng được cử tọa Việt - Anh - Mỹ vỗ tay không ngớt. Bản nhạc và kịch bản phim cùng tên của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã được bảo hộ tác quyền tại Mỹ và chờ ngày bấm máy.

Với bản tính không chịu sự gò bó và mãi mãi là một lãng tử ngao du, dễ hiểu vì sao Nhị Độ đã xin rời khỏi cơ quan danh giá Ban âm nhạc Đài tiếng nói Việt Nam sau ba năm gắn bó (2004-2007). Với vai trò biên tập viên, gã cũng đã viết và thu âm một số bản nhạc trong thời kỳ ở đây mà đặc biệt là bản Viết cho mùa đông với tiếng hát NSƯT Đức Long. Với ca khúc này, điều Nhị Độ băn khoăn day dứt nhất là vẫn chưa tìm được manh mối nào về tác giả bài thơ – Trần Thị Bích Thủy, bài thơ mà một lần gã vô tình đọc được trên một tờ báo Hà Nội Mới năm 1998.

Và điều anh em bằng hữu mong muốn và chờ đợi nhất là Nhị Độ sẽ ra CD riêng trong một ngày sớm nhất, có lẽ là năm nay. Đĩa CD đầu tiên là một Album rock, cũng có thể sẽ là những bài trữ tình tâm đắc nhất. Nhưng dù là thế nào thì những bài hát ấy, tôi cho rằng đã đến lúc gã không thể giữ mãi cho riêng mình được nữa...

Hà Nội những ngày tháng 5

Trầm Ngư
.
.