“Sói trắng” vào chính trường?

Thứ Ba, 16/09/2014, 08:00

Trương Vĩnh Lạc - thủ lĩnh Đảng Thúc đẩy sự thống nhất Trung Quốc đang cố thể hiện là một nhà chính trị đáng kính ở Đài Loan và có quan hệ với các tổ chức chính quyền ở Trung Quốc đại lục. Theo lời ông Trương, ông sẽ được Đảng của mình giới thiệu là ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan năm 2016 và việc này đã nhận được sự tán thành của ban lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên, những luồng ý kiến trái chiều đang gay gắt, bởi con người ông Trương từng được biết đến như một ông trùm có biệt danh “Sói trắng” với quá khứ “lẫy lừng” liên quan đến xã hội đen.

“Sói trắng” - ông trùm có nhiều bằng cấp

Theo thông tin của các cơ quan bảo vệ pháp luật Đài Loan, Trương Vĩnh Lạc đã từng là cánh tay phải của Trần Khải Lễ - ông trùm trong nhiều năm của bang Trúc Liên. Ngay từ khi mới hình thành, bang Trúc Liên đã nhanh chóng nổi tiếng do được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật khắc nghiệt và học được cách kinh doanh quen thuộc của hội Tam Hoàng châu Á: trộm xe ôtô, xiết nợ, giết người theo hợp đồng, bảo kê kinh doanh mại dâm và sòng bạc bất hợp pháp… 

Vụ bê bối nổi tiếng nhất liên quan đến bang Trúc Liên xảy ra vào năm 1984. Nhà văn người Mỹ gốc Hoa Henry Lưu đã bị giết chết tại nhà riêng ở California. Ông Lưu đã bị sát hại sau khi xuất bản cuốn sách có nội dung rất xấu về Tổng thống Đài Loan khi đó là Tưởng Kinh Quốc, con trai của Tưởng Giới Thạch. Trần Khải Lễ là người tổ chức vụ giết hại này.

Dưới sức ép của Mỹ, trùm bang Trúc Liên đã bị đưa ra tòa, nhưng không bị dẫn độ về Mỹ. Theo lời khai của ông trùm họ Trần, các quan chức Quốc dân đảng đã hứa trả 20 nghìn USD để thanh toán Henry Lưu. Nhưng, ông ta đã từ chối nhận tiền và cho rằng mình đã thực hiện công việc vì lòng yêu nước. Nhưng ngay sau đó, Trần Khải Lễ đã phản cung và khẳng định rằng tình báo Đài Loan không có liên quan gì đến vụ án. Trần Khải Lễ bị kết án tù chung thân và được trả tự do vào năm 1991 sau khi đã ngồi tù 6 năm. Để tránh lại bị truy tố sau khi ra tù được 5 năm về tội danh mới, Trần Khải Lễ chạy sang Campuchia và sau đó ông ta đã chết tại một bệnh viện ở Hồng Công vào năm 2007 do bị bệnh hiểm nghèo.

Trương Vĩnh Lạc phát biểu trước người biểu tình.

Trong thời gian xảy ra vụ án Henry Lưu, Trương Vĩnh Lạc cũng đang ở Mỹ, nhưng không trực tiếp liên quan. Về hình thức, Trương đi học, nhưng thực chất, là một trong những ông trùm của hội Tam Hoàng ở Mỹ và có biệt danh là “Sói trắng”. Đối với giới chính trị Đài Loan, việc học tại một trong các trường đại học ở Mỹ có vẻ như là yếu tố buộc phải có trong tiểu sử. Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại Đại học Harvard, còn trước đó đã có bằng thạc sĩ ngành luật tại Đại học New York. Trương Vĩnh Lạc cũng có 5 bằng tốt nghiệp của Mỹ, nhưng bên cạnh đó cũng đã từng có thời gian dài… ngồi trong nhà tù Mỹ! Sau vụ án Henry Lưu, cảnh sát Mỹ đã tăng cường các chiến dịch chống hội Tam Hoàng châu Á. Kết cục, Trương Vĩnh Lạc bị tòa án Mỹ kết án 15 năm tù về tội buôn bán ma túy.

Sau khi thụ án được 10 năm, ông ta được trả tự do và ngay lập tức bị trục xuất về Đài Loan, nơi ông ta còn phải bị giam thêm 14 tháng. Sau khi ra tù, Trương Vĩnh Lạc tham gia vào hoạt động kinh doanh xây dựng, nhưng thời gian “ẩn dật” của ông ta kéo dài không được lâu, chính quyền lại có lệnh bắt giữ về một tội mới đối với ông trùm xã hội đen có học nhất Đài Loan này. Thế nhưng “Sói trắng” đã kịp thời trốn thoát. Và, miền đất mới mà Trương Vĩnh Lạc đến lại chính là Trung Quốc đại lục.

Ở đại lục, những điều thú vị nhất đối với “Sói trắng” mới được bắt đầu. Trương Vĩnh Lạc đã trải qua 17 năm yên tĩnh nhất của đời mình. Chính quyền Bắc Kinh dứt khoát không trao trả ông ta cho Đài Loan, ngay cả khi hai bên đã ký thỏa thuận về dẫn độ tội phạm. Cho đến mùa hè năm ngoái, ông ta vẫn sống lặng lẽ ở Thâm Quyến, một trong các thành phố thịnh vượng nhất Trung Quốc. Cùng với thời gian, Trương Vĩnh Lạc đã có các tuyên bố rất đúng với đường lối chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông ta cho rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là người ly giáo và Đài Loan cần thống nhất với Trung Quốc đại lục theo mô hình Hồng Công càng sớm càng tốt…

Đám tang của Trần Khải Lễ - trùm bang Trúc Liên.

Đồng thời, Trương Vĩnh Lạc còn tuyên bố sẵn sàng thành lập ở Đài Loan “lực lượng chính trị thứ ba”. Đây không chỉ là lực lượng sẽ thay thế tất yếu cho Quốc dân đảng cầm quyền và Đảng Dân chủ Tiến bộ đối lập, mà còn vận động cho các lợi ích của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Và, Trương Vĩnh Lạc đã thành lập Đảng Thúc đẩy sự thống nhất Trung Quốc. Ông ta còn hứa: “Sau khi đoạn tang mẹ, tôi sẽ trở về Đài Loan. Tôi muốn cống hiến những năm còn lại của mình để làm một điều gì đó cho Đài Loan”.

Trở về Đài Loan 

Trương Vĩnh Lạc đã giữ lời hứa và thực tế ông ta đã trở về Đài Loan. Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc, đã có hàng trăm cảnh sát chờ sẵn. Ngay sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh, Trương Vĩnh Lạc đã bị còng tay. Tuy nhiên, trước đó ông ta đã kịp có vài phút tạo dáng cho các phóng viên ghi hình và trên tay của “Sói trắng” còn có một cuốn sách mỏng - đó là bài viết thể hiện những ý tưởng của ông ta về các mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Các tay chân thân tín của Trương Vĩnh Lạc yêu cầu phóng viên không sử dụng biệt danh “Sói trắng” nữa vì nó gợi lại hình ảnh của một ông trùm tội phạm. Sau “cuộc đón tiếp nóng” tại sân bay, nhiều người dự đoán sẽ có một phiên tòa mới, các tiết lộ gây sốc... Nhưng thật bất ngờ, Viện công tố Đài Bắc ngay trong ngày hôm đó đã trả tự do cho Trương Vĩnh Lạc với số tiền bảo lãnh tượng trưng (33 nghìn USD). Đây rõ ràng là kết quả của các thỏa thuận sơ bộ, song Bắc Kinh có sự tham dự vào đây hay không, vẫn còn là một điều bí ẩn.

Trương Vĩnh Lạc với cuốn sách của mình trên tay.

Tại Đài Loan, Trương Vĩnh Lạc ngay lập tức tiến hành các hoạt động chính trị rầm rộ. Ông ta mở các văn phòng đại diện của Đảng Thúc đẩy sự thống nhất Trung Quốc. Trên truyền hình và trong các phát biểu công khai, ông ta ủng hộ sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa hai bờ eo biển Đài Loan… Khi các sinh viên tiến hành biểu tình ngồi nhiều ngày gần tòa nhà Quốc hội Đài Loan để phản đối việc ký kết các thỏa thuận với Trung Quốc về thương mại dịch vụ, Trương Vĩnh Lạc đã đến nói chuyện với họ. Cùng với các cộng sự, những người dễ dàng được nhận ra là các đại diện của thế giới ngầm, ông ta khiển trách thanh niên thiếu tinh thần yêu nước và yêu cầu họ nhanh chóng chấm dứt hoạt động phản đối. Ông ta hét to: “Các bạn không xứng đáng là người Trung Quốc”. Chính phủ Đài Loan phải ra tuyên bố đặc biệt và cố gắng thoát khỏi “người trợ lý tự nguyện này”. Trong thông cáo báo chí của Nội các nói rõ: “Chúng tôi không cho phép có sự can thiệp của những người bị tình nghi có quan hệ với thế giới tội phạm, cũng như những hành động nhằm kích động các cuộc xung đột trong xã hội”.

Trương Vĩnh Lạc hoạt động độc lập hay thường xuyên nhận được các chỉ thị từ chính quyền Trung Quốc đại lục? Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên John Garneau, ông Trương thừa nhận rằng đã quen biết  nhiều con cháu của các nhà lãnh đạo cao cấp Trung Quốc. Một trong những người đó là con trai nhà lý luận nổi tiếng, Chủ tịch đầu tiên của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc Hồ Kiều Mộc. Theo lời của “Sói trắng”, khi còn sống ở Thâm Quyến, ông ta có nhiều người quen là cán bộ cao cấp làm việc ở Văn phòng về các vấn đề Đài Loan. Còn lá cờ 5 ngôi sao của Trung Quốc được treo trong văn phòng của ông ta đã thể hiện rõ ràng rằng tiền án tiền sự hoàn toàn không phải là trở ngại khi nói đến tinh thần yêu nước Trung Quốc.

Và, cách tiếp cận này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc mà nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã đưa ra. Khi chỉ thị về công việc ở Hồng Công sau khi được trả về cho Trung Quốc, ông Đặng đã nói rằng chính quyền địa phương cần phải dựa vào những người yêu nước. “Người yêu nước là người tôn trọng dân tộc Trung Hoa, ủng hộ chân thành sự khôi phục chủ quyền đối với Hồng Công” - ông Đặng nói. “Những ai đáp ứng được các yêu cầu này là người yêu nước, dù họ tin vào chủ nghĩa tư bản, chế độ phong kiến và thậm chí cả chế độ nô lệ” - Đặng Tiểu Bình nói thêm trước sự ngạc nhiên của những người dự họp

Hoàng Tuất
.
.