Simon Weisenthal - người săn tìm tội phạm chiến tranh

Thứ Tư, 08/02/2006, 09:08

Nói theo cách nói phổ biến đời thường, Weisenthal đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ông vừa vĩnh viễn ra đi ở tuổi 97, để lại cho đời cả một "di sản" đồ sộ là thành tích của những cuộc đấu tranh âm thầm nhằm đưa ra ánh sáng công lý những kẻ chuyên gieo rắc tội ác lên đầu nhân loại.

Trong những ngày vừa qua, hàng ngàn người đã tham dự lễ an táng Simon Weisenthal diễn ra ở thành phố Herzliya của Israel. Sau lễ tang tổ chức tại thủ đô Vienna của nước Áo, thi hài ông được đưa sang Israel để an táng cạnh ngôi mộ của vợ ông là bà Cyla Mueller. Nhiều viên chức đại diện các chính phủ Đức, Nga, Ba Lan và Liên minh châu Âu (EU) đã đến tận nơi để tiễn đưa một trong những con người vĩ đại của thế giới. Thành tích của Weisenthal trong gần 60 năm qua thật phi thường: ông đã âm thầm săn tìm và đưa hơn 1.100 tên tội phạm chiến tranh ra trước công lý, trong đó khó có ai quên được tên đồ tể Quốc xã Adolf Eichmann, một trong những cánh tay đắc lực nhất của trùm phát xít Hitler trong chiến dịch diệt chủng đối với người Do Thái.

Cuộc đời Weisenthal cũng giống như bao nhiêu số phận trầm luân khác trong những biến động lịch sử vào nửa đầu thế kỷ XX. Ông sinh ngày 31/12/1908 tại Buczacz (Ukraina). Năm 1928, ông được thu nhận vào Trường đại học Kỹ thuật Prague (Tiệp Khắc) và tốt nghiệp ngành kiến trúc  năm 1932. Năm 1936, ông lập gia đình với Cyla Mueller và làm việc tại Phòng Kiến trúc ở Lvov (Ukraina).

Cuộc sống hạnh phúc của họ chỉ kéo dài đến năm 1939 và sau đó đi vào một lối rẽ đầy bi kịch khi Thế chiến II bùng nổ. Weisenthal và vợ bị bắt giữ, sau đó cả hai bị đưa vào trại lao động khổ sai. Năm 1942, khi chính sách diệt chủng được Đức Quốc xã (ĐQX) áp dụng triệt để, mẹ ông bị đưa vào trại tử thần Belzec và đến tháng 9 năm đó, phần lớn thân nhân của vợ chồng Weisenthal đều bỏ mạng trong các trại tập trung. Nhờ có mái tóc vàng, bà Cyla dễ dàng tự nhận mình là người Aryen và thoát khỏi cảnh lao động khổ sai và về sống ở Ba Lan suốt 2 năm sau đó.

Về phần Weisenthal, nhờ sự giúp đỡ của một lãnh đạo trại tập trung Ostbahn, ông trốn thoát khỏi nơi đây vào tháng 10/1943, ngay trước khi ĐQX tàn sát hầu hết những người có mặt tại lò sát sinh này. Tháng 6/1944, ông bị ĐQX bắt lại và giải tới trại Janwska, và khi sắp sửa bị hành hình cùng các tù nhân khác thì mặt trận phía Đông của phát xít Đức bị sụp đổ trước sức tấn công vũ bão của Hồng quân Liên Xô. Cuối cùng thì ông và một số ít tù nhân còn sống sót được giải thoát khi lực lượng Đồng minh giải phóng vùng Mauthausen vào ngày 5/5/1945.

Sau chiến tranh, vợ chồng Weisenthal tái hợp. Từ đó, Weisenthal bước vào một cuộc đời mới, cuộc đời của một người quyết tâm đòi công lý cho hàng triệu sinh linh ngã xuống dưới bàn tay tàn bạo của bọn ĐQX. Ông thu thập nhiều chứng cứ, tài liệu liên quan đến hành vi của chúng và cùng 13 người tình nguyện thiết lập Trung tâm Tư liệu lịch sử về người Do Thái trụ sở đặt tại Linz (Áo). Đáng tiếc là không bao lâu sau đó, cuộc Chiến tranh lạnh bùng phát nên hoạt động của trung tâm chưa phát huy được hết năng lực của họ. Năm 1954, Trung tâm Tư liệu của Weisenthal đóng cửa, hồ sơ được ông giao lại văn khố Yad Vashem ở Israel, ngoại trừ tập hồ sơ liên quan đến tên đồ tể Eichmann.

Trong thời gian kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau, ông không bao giờ xao nhãng việc tìm kiếm tên đồ tể Eichmann, tên này đã biến mất từ sau khi Thế chiến II kết thúc. Không lâu sau, ông được tin Eichmann đang lẩn trốn ở Argentina nên vội vàng thông báo cho Sứ quán Israel ở Vienna, đồng thời thông báo cho Cục Điều tra liên bang Mỹ ở Washington. Lúc đó, người Mỹ lại có tin Eichmann đang ở Damascus, Syrie, nên không quan tâm đến nguồn tin trên. Mãi đến năm 1959, khi Israel được chính quyền Đức chính thức thông báo Eichmann đang ở Buenos Aires (Argentina) dưới cái tên giả Ricardo Klement, họ mới ra tay bắt cóc y, đưa từ thủ đô Argentina về xét xử tại Israel.

Lúc này, Weisenthal mở lại Trung tâm Tư liệu lịch sử về người Do Thái, trụ sở đặt tại Vienna và tập trung mọi công sức cho việc săn tìm bọn tội phạm chiến tranh. Từ đó đến nay, ông đã đưa hàng ngàn đối tượng ra trước tòa án, trong đó, ngoài Eichmann, còn có Karl Silberbauer, tên sĩ quan Gestapo đã bắt giữ cô bé Anne Frank 14 tuổi, tác giả quyển nhật ký nổi tiếng thế giới. Năm 1967, Weisenthal xuất bản tập hồi ký “The Murderers among us” (Bọn sát nhân ở giữa chúng ta). Nhân dịp qua Mỹ để giới thiệu sách, ông công bố việc phát hiện được một phụ nữ tên Hermine Ryan, đang sống ở New York, từng sát hại hàng trăm trẻ em ở Majdanek. Bà này về sau bị dẫn độ về Đức và lãnh bản án tù chung thân.

Những thành tích đặc biệt đã mang đến cho Weisenthal nhiều huân chương cao quý của nước Áo, của phong trào kháng chiến Pháp, Huân chương Tự do của Hà Lan, Huân chương Tự do Luxembourg, Huy chương Vàng của Quốc hội Hoa Kỳ và Bắc Đẩu bội tinh của Chính phủ Pháp. So với số tội phạm ĐQX đông đảo (90.000 tên chưa bị bắt giữ), thành tích của Weisenthal không nhiều, song đó là cả một công trạng khó ai sánh kịp. Trong lễ tang ông, nhiều chính khách đã viết lên những lời trang trọng tôn vinh một con người đã dành cả đời mình cho một mục tiêu cao thượng. Trong số những cảm nghĩ về ông, có những dòng của Tổng thống Mỹ George W. Bush: “Simon Weisenthal đã tranh đấu vì công lý và lịch sử sẽ mãi mãi nhắc đến ông”

Lê Nguyễn (tổng hợp)
.
.