Sau 30/4/1975, họ đã sống như thế

Thứ Năm, 12/06/2008, 10:00
Nhà văn, có những người bước vào tuổi 70 vẫn tiếp tục cuộc sống của một người lính. Sống, nghĩ và viết! Có những người mãi đeo đuổi những đề tài chiến tranh cách mạng. Nhưng có những người tiệm cận gần hơn với đời sống hôm nay...

Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn

Đã có một thế hệ những người lính bước vào cuộc chiến ngay sau khi rời ghế trường phổ thông. Họ ra đi từ những ngôi làng nhỏ. Họ viết văn bằng những cảm nhận thành thật, những trang viết khét mùi thuốc súng. Một thế hệ những người viết gian khổ nhưng hồn nhiên. Họ đã tạo nên những tác phẩm có giá trị lớn trong việc động viên đồng đội mình tiếp tục tiến lên trong cuộc chiến ngày càng trở nên thác lũ và khốc liệt. Họ đã viết bằng một bản năng ngọt ngào nhất. Những trang viết không vụ lợi, đếm đong...

Họ là những người lính. Và họ viết về những người lính, viết về chính mình. Chiến tranh trong những trang viết ấy có phần bi tráng.

Họ là những người lính của một thế hệ mà cả xã hội cùng hướng ra tiền tuyến. Họ được đào luyện để vượt qua những bức tường lửa, trở thành những con người kiên cường hơn bình thường, mãnh liệt hơn bình thường để đáp ứng những trận chiến ác liệt hơn bình thường. Họ là những người tinh nhuệ nhất. Điều ấy đã được miêu tả nhiều trong những trang viết về người lính, trong bề dày văn học cách mạng suốt nửa thế kỷ.

Từ trái sang: Các nhà văn Nguyễn Khải, Nguyễn Khắc Trường, Trịnh Đình Khôi, Trần Đăng Khoa, tại Đại hội Nhà văn lần thứ 5/1995.

Họ được đào luyện như người ta đào luyện những quả tên lửa. Cả xã hội mong chờ họ như mong chờ những quả tên lửa bay cao nhất, trúng đích nhất. Trong trái tim của họ cũng mang khao khát của những quả tên lửa, bay cao và bay hết mình. Không ai dự liệu được những quả tên lửa ấy sẽ phóng ra sao. Rồi chúng sẽ tiếp đất thế nào...

Những người lính đã chỉ có một mục tiêu phía trước, đã không dự liệu được ngày trở về. Họ không nghĩ được những chuyến tiếp đất. Và có những người đã bị từ trường của chiến tranh vây bủa khi cuộc chiến đã kết thúc. Những ngỡ ngàng, những bi kịch, những nỗi đau ngày hậu chiến là có thật. Không phải ai cũng có thể "hạ cánh" để hoà nhập với đời thường.

Như nhân vật trong "Mùa lá rụng trong vườn" của Ma Văn Kháng, như hàng loạt những người lính trong "Phố", "Ăn mày dĩ vãng"... của Chu Lai... rất nhiều người lính cừ khôi trên chiến trường bỗng ngơ ngác trong đời thường. Họ đem cuộc sống trong quân ngũ, kỷ luật của người lính vào trong cuộc sống mới. Nhưng lạc lõng. Và những đổ vỡ trong cuộc sống đã diễn ra. Người lính cầm bút cảm nhận rõ điều ấy. Họ đã viết, trong cả đau đớn, ngậm ngùi và thấu hiểu. Không phải ai cũng rời khỏi ký ức ấy để tiếp tục hành trình của những ngày sau dấu mốc chiến thắng 30/4/1975.

Nhà văn cũng vậy. Có những người bước vào tuổi 70 vẫn tiếp tục cuộc sống của một người lính. Sống, nghĩ và viết! Có những người mãi đeo đuổi những đề tài chiến tranh cách mạng. Nhưng có những người tiệm cận gần hơn với đời sống hôm nay. Cuộc sống đang diễn ra, đổi thay liên tục, những giá trị riết róng được nhận định và các thế hệ đi tìm giá trị của riêng mình. Dù viết ở đâu và viết về điều gì, có thể không trực diện về chiến tranh, nhưng chất lính vẫn phả rất mạnh trên từng con chữ mà họ đang viết...

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Vẫn miệt mài "đối chiến"

Đến giờ nghe giọng Khuất Quang Thụy vẫn nhận rõ anh là người của xứ Đoài. Anh là một người nhà quê chính hiệu. Nên không lạ khi mảng đề tài mà anh thành công là người lính và nông thôn. Bước vào năm thứ tám của thế kỷ XXI, nhà văn khoác áo lính này vẫn thủy chung với đề tài chiến tranh cách mạng. Anh đang viết tiếp một cuốn tiểu thuyết nói về cuộc đối đầu giữa đơn vị anh và một sư đoàn không lực của Việt Nam cộng hoà. Anh đặt tên cho cuốn tiểu thuyết của mình có tên "Đối chiến".

- Các nhà phê bình đã làm một công việc, đó là nhận định về hai giai đoạn sáng tác của anh. Nhưng nếu lấy mốc dấu là ngày 30/4/1975 thì trước đó và sau này, anh thấy văn của mình có gì là đồng nhất và có gì đổi thay?

- Trước năm 1975, tôi viết truyện ngắn, ký và phóng sự, một số tác phẩm được nhớ đến như "Lửa và thép". Tôi vào bộ đội năm 1967, gắn bó với Sư đoàn Đồng Bằng đến ngày giải phóng. Chúng tôi có mặt ở những nơi chiến trường ác liệt nhất. Từ đường 9 - Nam Lào cho đến Tây Nguyên, Đông Nam Bộ...

Trước năm 1975, không chỉ riêng tôi mà các nhà văn phải hy sinh rất nhiều điều, hy sinh sự khám phá của mình, không nói nhiều đến những góc khuất của cuộc chiến. Hy sinh cả quyền suy ngẫm kỹ càng về cuộc chiến, suy ngẫm thấu đáo kiệt cùng về mối quan hệ giữa con người và chiến tranh. Phần công dân được đề cao, phần nghệ sỹ bị kìm nén. Chính vì thế sau này người ta đã chỉ rõ, văn học thời đó bị hạn chế sự đa dạng, hạn chế miêu tả bi kịch, ít nói đến con người cá nhân.

Ngày 30/4/1975, đó là mốc dấu trong cuộc đời của cả một dân tộc, chúng ta chuyển từ trạng thái chiến tranh sang hòa bình. Ngày hòa bình đến là cái đích lớn nhất của người lính, sau đó là cái gì thì không quan trọng nữa. Khi ấy, tôi chỉ khao khát được về nhà và đi học Tổng hợp Văn. 

Sau năm 1975, tôi vẫn ở lại sư đoàn, làm trợ lý văn hoá, chép sử của sư đoàn. Đó vừa là nhiệm vụ nhưng cũng là một món nợ tôi muốn thực hiện. Biết bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống. Biết bao nhiêu người đã không còn được sống dù họ đã đến cửa ngõ Sài Gòn, đã đếm được từng phút trước giờ độc lập. Tôi muốn viết lại những điều đó cho trung đoàn.

Đến tháng 10/1976, tôi được điều động về Tổng cục Chính trị quản lý và dự trại sáng tác dài hạn của quân đội, sau này các trại viên của trại sáng tác ấy hầu hết đều trở thành học viên khoá I, Trường Viết văn Nguyễn Du. Mấy năm sau năm 1976, tôi hoàn thành cuốn sách sử của sư đoàn. Nhưng không chỉ có vậy, tôi đã viết những cuốn sách khác, lấy nguyên mẫu từ những chiến công của đơn vị mình.

Như "Trong cơn gió lốc" lấy trận truy kích địch ở Phú Bổn, hay "Trước ngưỡng cửa bình minh" là trận Đồng Dù. Một cuốn tiểu thuyết khác là "Không phải trò đùa", tôi viết về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Cuốn sách này nói về một dân tộc đang ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhưng đồng thời lại phải bước vào cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc mới. Đó là hai quá trình rất đau đớn. Có những người lính chưa kịp về tới nhà lại quay lại mặt trận. Biết bao là mất mát hy sinh. Tôi đã viết trong trạng thái xúc động như thế. Những cuốn sách ấy được viết bằng đầy ắp những dòng văn chương tả trận, nhưng người ta thích nó bởi nó được viết bằng con mắt quan sát của những người lính thật.

Quay trở lại việc nói về viết sau 1975, thì tất nhiên, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp gắn bó với đề tài chiến tranh, chúng tôi đã có được một khoảng lùi về thời gian, để có cái khám phá về cuộc chiến toàn diện hơn, nhất là cái khám phá về xã hội học chiến tranh, về con người,về sự hình thành của cái xã hội "tất cả cho tiền tuyến" những năm tháng ấy, mối quan hệ giữa các cá nhân, những hy sinh vì lợi ích của cộng đồng.

Giống như trước đây chúng tôi viết về một đám cháy. Khi ấy không có thời gian và tâm trí tĩnh lặng để suy xét căn nguyên. Còn bây giờ, thì chúng tôi hiểu đám cháy ấy xuất phát từ đâu, người ta đã làm gì, ứng xử với nhau như thế nào xung quanh đám cháy ấy. Thời gian giúp người ta làm được những việc như vậy.

- Người lính trong "Những bức tường lửa" - cuốn tiểu thuyết gần nhất của anh, đã bắt đầu có những phân rã về mặt ý thức. Những bức tường lửa như những biểu tượng của những người lính, họ đã vượt qua trong chiến tranh để chiến thắng, nhưng trong đời sống hôm nay, họ sẽ ứng xử thế nào. Đây được hiểu là một bước chuyển trong phong cách của anh?

- Nó có thể coi là như vậy. "Những bức tường lửa" đã có độ lùi thời gian để tôi nhìn lại cuộc chiến; đã có hơi hướng của sự chiêm nghiệm, bên cạnh miêu tả chiến tranh đã có suy ngẫm về nó, về quan hệ giữa người với người, giữa được và mất. Một suy ngẫm về chiến tranh tương đối toàn diện.

- Như anh vừa nói, đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại cuộc chiến một cách toàn diện hơn. Nghĩa là chúng ta dám nhìn cả vào những thất bại của mình trong những giai đoạn nhất định để nhìn nhận cuộc chiến tranh này và nhiều phận người thấu đáo hơn?

- Bây giờ viết xuôi chiều về chiến tranh sẽ rất khó thuyết phục. Những cái nhìn công bằng về cuộc chiến tranh đã có. Tất nhiên để công bằng là rất khó. Nên dễ đi từ cực này sang cực khác. Và như thế thì không đúng. Có những người viết nặng nề lắm, nhưng tôi đọc tôi hiểu rằng, trong chiến tranh mọi chuyện không phải vậy. Có những điều không lý giải được. --PageBreak--

Ví dụ như trong chiến tranh, mỗi ngày người ta cần phải vượt qua những khó khăn cao hơn, chiến đấu ác liệt hơn và vượt qua mọi bức tường lửa. Họ làm nên những việc rất thần thánh mà khi ngồi ngẫm lại không thể giải thích được. Chiến tranh là như vậy, nó làm cho mọi việc đều bất thường. Vậy nên khi viết về nó, viết về thành công hay thất bại, cũng phải đặt trong tâm thế của những ngày tháng ấy chứ không thể lấy tâm thế của thời hậu chiến để xét lại.

- Nhưng thực tế, nhà văn chúng ta vẫn bị những rào cản vô hình nào đó khi đặt bút viết về những góc khuất ấy trong chiến tranh, bằng chứng là suốt mấy chục năm qua, chúng ta có quá nhiều những cuốn sách tả trận xuôi chiều mà thiếu đi những cái nhìn thấu triệt mọi lẽ về cuộc chiến?

- Thực ra là có những người đã viết về sự thất bại. Nhưng đã miêu tả sự thất bại không đúng. Nên họ bị rơi vào lãng quên. Đến tận bây giờ Bộ Quốc phòng vẫn vận động các nhà văn viết về đề tài chiến tranh và mong muốn có được những cuốn viết đúng và trúng về những thất bại của chúng ta, chẳng hạn sự thất bại trong giáo dục con người thời chiến. Không có gì là cấm kỵ cả. Chẳng qua tài năng của nhà văn chưa tới mà thôi...

- Sau năm 1975, anh đi học để trở thành nhà văn chuyên nghiệp, cái khoá học ấy có giúp được gì cho đời văn của anh?

- Tôi nghĩ đơn giản lắm, nếu không có lớp học ấy, tôi vẫn thành nhà văn bằng một con đường nào đó. Nhưng chắc chắn không thể có được sự nghiệp như của tôi bây giờ.

- Để về lại với đời thường sau một cuộc chiến dài, cái gì cũng đầy bỡ ngỡ. Người lính trở về làng là mang cả niềm vui, nỗi buồn, cả hạnh phúc lẫn bi kịch. Hạnh phúc là bài toán mà người lính không toan tính được. Nhưng hình như, anh tính được?

- Tôi tính được là nhờ may mắn. Rất nhiều người trở về từ chiến trường có ý thức lấy vợ, sinh con và có người chăm sóc cha mẹ. Và rất nhiều bi kịch xảy ra từ đó. Tôi cũng làm theo "công thức" ấy. Tôi lấy vợ để chăm sóc mẹ già, mẹ ốm 8 năm rồi. Nhưng sau thì mọi chuyện yên hàn.

- Nhà văn rời cuộc chiến nhưng sẽ không ngừng nghĩ về nó, bởi chúng ta ai cũng sẽ phải viết bằng chiêm nghiệm từ ký ức mà thôi. Vậy anh có phải cố gắng thoát ra khỏi những trang viết ấy, để quay lại với đời thường mỗi khi rời công việc để về nhà?

- Tôi có một khả năng giãn cách rất nhanh, nghĩa là xong việc này là có thể bắt tay vào ngay việc khác. Nên nhiều năm làm biên tập văn xuôi, rồi Trưởng ban, giờ làm Phó Tổng biên tập  phụ trách nội dung tờ Văn nghệ Quân đội, tôi vẫn dành được cho mình những khoảng lặng cần thiết cho việc viết lách.

Công việc bây giờ cũng thuận tiện. Có máy tính rồi, bài vở anh em email đến mình duyệt cũng nhanh. Nick chat của tôi sáng cả ngày. Nó là kênh rất tốt để trao đổi, tâm sự với đồng nghiệp và các con tôi. Giờ thì tôi đang viết cái tiểu thuyết "Đối chiến", viết cũng nhọc nhằn lắm, tôi viết về hai trận thắng giòn giã của sư đoàn khi đối mặt với sư đoàn dù tinh nhuệ nhất của không lực Việt Nam cộng hoà. Nhưng tôi cũng không bị nó làm cho quên mất lịch buổi chiều về chơi với cháu nội.

- Xin cảm ơn anh!

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường: Viết văn là tìm lại chính mình

Có truyện ngắn in báo Văn nghệ Việt Bắc từ năm 14 tuổi, trước khi vào lính và trở thành nhà văn, Nguyễn Khắc Trường là xã viên chính của hợp tác xã tại Thái Nguyên. Người nông dân này đã đi qua cuộc chiến, viết về cuộc chiến trong tâm thế giản dị, không lên gân. Sau chiến tranh, sau khoá học tại Trường Viết văn Nguyễn Du, Nguyễn Khắc Trường đã đi thực tế khắp miền Bắc để viết về nông thôn.

"Mảnh đất lắm người nhiều ma" vẫn là một trong những tác phẩm nhiều dư ba nhất của văn học thời kỳ đổi mới. Anh nói, dù gần cả đời làm lính, nhưng bộ đội Việt Nam ai cũng ra đi từ một mái làng nào đó. Anh viết về nông thôn là đi tìm lại chính mình, đi vào cái gốc rễ tâm hồn mình mà thôi...

- Các nhà văn của khoá I Trường Viết văn Nguyễn Du có rất nhiều điểm chung, hầu hết đều tham gia bộ đội và cùng viết trong chiến trường. Còn trong mắt anh, các anh có điểm gì chung?

- Nhiều lắm. Tôi nói riêng trong lứa quân đội chúng tôi khoá ấy thôi. Hầu hết chúng tôi đều được kéo về từ các đơn vị chiến đấu, cùng được dự trại sáng tác dài hạn của quân đội và đều có quân hàm rất thấp vì chúng tôi chưa có bằng đại học. Điều này lý giải vì sao sau khi tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du, chúng tôi lên hàm rất nhanh.

Và hầu hết chúng tôi đều đã có vợ, con ở quê rồi. Mỗi người mỗi cảnh, nhưng đều khó khăn cả. Khóa ấy 45 người, đến giờ kiểm lại có người đậm người nhạt, nhưng hầu hết đã thành tác giả, như Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy, Hữu Thỉnh, Nguyễn Hoa, Phạm Hoa, Dương Duy Ngữ... Nhưng đến nay, chúng tôi đều trên dưới 60 tuổi rồi, có người thành quan chức văn nghệ, có thể coi đã hoàn thành nhiệm vụ của thế hệ mình rồi.

- Có bao giờ anh tự hỏi, tại sao mình lại không viết về quân đội nữa mà lại "đào xới" các làng quê để có "Mảnh đất lắm người nhiều ma"?

- Tôi viết văn khi 14 tuổi. Rồi vào bộ đội phòng không vẫn viết bút ký đều đặn trong giờ nghỉ, ngay dưới hầm ở đường băng, gửi đăng Văn nghệ quân đội. Về sau, năm 1971, tôi đi Quảng Trị, tôi viết về lính cao xạ, cũng gửi in ở Văn nghệ quân đội. Học năm thứ 3 Trường Viết văn Nguyễn Du thì được kết nạp vào Hội Nhà văn, thành nhà văn chuyên nghiệp.

Khi về Văn nghệ Quân đội, thực chất tôi viết về bộ đội cũng nhiều. Tôi đặc biệt thích viết về các anh hùng, vì họ là những nhân vật có sức hấp dẫn lớn. Khi tôi trở lại Tây Nguyên, Anh hùng Núp gần như đã bị quên đi trong đời sống tinh thần, kể từ sau tác phẩm "Đất nước đứng lên". Nhưng Anh hùng Núp chưa bao giờ nghỉ hưu. Tôi muốn viết tiếp một đoạn trong đời người anh hùng này. Nhiều người đọc bảo, cũng khó có thể viết hay hơn như thế. Tôi cũng nghĩ, về một mặt nào đó, đây là một bút ký thành công.

Nhưng tôi về Văn nghệ Quân đội, tôi chơi thân với anh Nguyễn Khải và anh Nguyễn Minh Châu. Họ là hai người không phải gốc gác nông thôn nhưng viết về nông thôn rất hay. Tôi nghĩ, tôi là một người nông dân, trước khi đi lính tôi đã là xã viên chính, cày bừa cấy hái quanh năm, không gì không làm được. Tôi tin mình có thể viết về nông thôn khác họ, vì tôi viết như một thứ đánh động tâm hồn mình.

Tôi đi thực tế mấy tháng ở Thanh Hóa, Hải Dương, rồi về quê Thái Nguyên. Sau đó, mọi thứ hiện dần. Và tôi viết. Khi "Mảnh đất lắm người nhiều ma" in thì anh Nguyễn Minh Châu không còn nữa, nhưng anh Nguyễn Khải bảo, chỉ có tôi viết được về nông thôn đúng chất đến thế này. Những chuyện ma chay, những thói tục... mình ở quê mình chứng kiến từ bé, có gì xa lạ đâu. Cái quan trọng là đưa nó vào tác phẩm như thế nào mà thôi. Tôi nghĩ tôi viết về nông thôn như tìm lại chính con người mình.

- Anh tham gia bộ đội khá dài, rồi đi học xong lại triền miên trong những chuyến đi thực tế công tác. Anh có nghĩ rằng, người phụ nữ của mình đã thua thiệt lắm và hy sinh cũng nhiều?

- Thì đúng rồi, hy sinh nhiều. Nhưng thực ra ngày đó nó là vất vả chung, ai cũng như ai, nên mọi người cũng quen đi, không nghĩ là thua thiệt hay hy sinh gì nữa.--PageBreak--

- Đến giờ nhiều người vẫn thắc mắc, quân đội là nơi anh gắn bó rồi trưởng thành, nhưng sao anh không ở lại?

- Khi ấy Báo Văn nghệ rất cần người, tôi thì muốn có một cái nhà để gia đình đoàn tụ. Khi ấy tôi cũng lớn tuổi rồi, mà bên quân đội chưa có chế độ nhà, nghĩa là tôi còn phải chờ lâu đấy. Bên này thì lại có ngay, họ lại cử người lo việc hộ khẩu với giấy tờ thủ tục. Thế là tôi về. Tôi không tham đất tham nhà, mà chỉ cần có một cái gian nhỏ để cả nhà gần nhau.

Về bên này rồi, năm thứ nhất thằng con tôi từ Thái Nguyên về học đại học ở Hà Nội, hai bố con vẫn phải ở chung trong phòng làm việc của tôi ở Báo Văn nghệ. Gia đình cũng mới ổn định được khoảng 10 năm nay. Giờ thì tôi làm ở NXB Hội Nhà văn, cũng làm nốt năm nay, sang năm nghỉ hưu rồi. Thấy đời mình nó đi cũng nhanh ra phết...

- Có phải anh muốn nghỉ hưu để có thời gian hoàn thành "Trang trại", bộ tiểu thuyết về người nông dân hôm nay?

- Cũng không hẳn vậy. Tôi vốn viết chậm. Và sống không bon chen, ghen tỵ, hoàn toàn thoải mái với sự chậm rãi và chắc chắn của mình. Nhưng bây giờ mình nghĩ cũng chậm hơn xưa. "Trang trại" vẫn viết về nông thôn, nhưng là nông thôn khác, người nông dân bây giờ cũng khác xưa nhiều. Đời sống bây giờ đổi thay liên tục, mọi thứ khó nắm bắt hơn, nên mình phải tĩnh tâm hơn...

- Sau năm 1975, thế hệ của anh là thế hệ vàng son nhất, thành công nhất. Còn thế hệ sau anh, họ gánh những trách nhiệm nặng nề hơn trong nghiệp viết. Bởi như anh nói, đời sống bây giờ đổi thay nhiều quá mà các nhà văn trẻ lại bận sống, bận lo toan đủ điều. Anh có nghĩ như vậy không?

- Tôi nghĩ thế này, văn chương là nó phải hay. Một tác phẩm hay trước hết văn nó phải hay. Vì nó là tác phẩm văn học mà. Nếu văn không hay thì người ta quên nhanh lắm. Tôi làm ở đây, mỗi năm NXB in vài trăm cuốn sách văn học, nhưng thực sự ít thấy người có tài. Ngày trước, có thể yếu mặt này mặt khác, nhưng nó có đời sống lắm, còn bây giờ có những nhà văn trẻ tài thì ít mà tật thì nhiều, văn chương xa lạ không phải người Việt Nam. Chắc chắn nếu anh sống thật thì cái đời sống này, người Việt Nam sẽ không sống thế, không nghĩ thế và không hành xử như thế. Nhưng nó lại là cái đang diễn ra đối với chúng ta...

- Xin cảm ơn anh!

Nhà thơ Lê Văn Vọng: Chưa bao giờ ngừng viết

Lê Văn Vọng thiệt thòi hơn bạn bè khoá I Trường Viết văn Nguyễn Du bởi anh không làm việc tại các cơ quan văn học và báo chí như hầu hết các nhà văn khác. Tốt nghiệp khoá học, anh được phân về Điện ảnh quân đội, làm biên kịch. Anh đã viết gần 40 kịch bản phim tài liệu và 4 kịch bản phim truyện nhựa. Còn văn chương, anh lặng lẽ hơn. Nhưng vẫn có một mạch chảy liền lạc từ trước và sau năm 1975 trong văn chương của Lê Văn Vọng. Người lính này vừa nhận sổ hưu tháng 3/2008, nhưng suốt 40 năm qua, chưa khi nào anh ngừng viết.

Năm 1968, Lê Văn Vọng có bài thơ "Chiều sân ga" ám ảnh người đọc đến tận bây giờ. "Về đi em/ Cho con tàu lăn bánh/ Sân ga chiều giá lạnh/ Em... Con tàu đi/ Lại lao đi trong đêm/ Những người lính bước vào trận mới/Những chiến sĩ mười tám, đôi mươi/ Bàn tay chưa có chai/ Đẹp như bàn tay con gái/ Những chiến sĩ trẻ như ban mai... Những cánh đồng quanh năm nước nổi/ Mặt trời lên/ Mặt trời chìm/ Mồ hôi cha thành muối/ Mồ hôi em vở học trò sớm, tối/... Mẹ một mình tần tảo sớm khuya/ Thời gian chuốt mòn hai đầu đòn gánh"... Thơ Lê Văn Vọng có dư vang bởi sự chân thành. Như ngày ấy, nhà phê bình Hoài Thanh và nhà thơ Chế Lan Viên đánh giá, đây là một trong những bài thơ xúc động nhất. Và sau này nó trở thành bài "đinh" trong tập "Người của hôm nay" được tặng giải nhất cuộc thi sáng tác Văn học TP Hồ Chí Minh (1976-1977).

Lê Văn Vọng đã đi qua những biến cố to lớn của dân tộc. Anh nhớ lại, những ngày tháng 4 ấy, anh và các nhà văn Hảo Vũ, Trùng Khánh, Nguyễn Ngọc Mộc... đang tập trung viết tại khu B của Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng ở rừng Lộc Ninh. Nhưng tin thắng trận đã khiến không ai có thể tĩnh tâm ngồi viết, ai cũng nhanh chóng thu xếp trở về vùng đất quen thuộc của mình. Anh theo xe về hướng Sài Gòn.

"Càng tới gần Sài Gòn, thời gian càng được rút ngắn. Không đủ chỗ ngồi trong xe, các chiến sỹ đứng bám bên ngoài, không ai muốn mình sẽ là người đến chậm, không ai muốn giờ phút lịch sử thiêng liêng của trận cuối cùng vào sào huyệt giặc lại vắng mặt mình"... Và từ đoàn quân ấy, anh tiến về Sài Gòn, sống trong không khí của những ngày đầu giải phóng sôi động nhất. Có lẽ trong ký ức anh, những ngày tháng ấy vẫn luôn là những ngày sống động.

Khi ấy, trong chiến trường, anh thường nghe trên radio về miền Bắc đổi thay. Nhưng trên chuyến tàu trở lại miền Bắc, điều anh cảm thấy buồn chính là cuộc sống của bà con nghèo quá. Cả miền Bắc vừa dốc sức cho tiền tuyến và vẫn đang trong những ngày vật lộn với đói nghèo sau chiến tranh. Và anh, như hầu hết những người lính khác, cũng phải tìm cách vật lộn với cảnh sống của mình để dần ổn định.

 Anh nhớ chuyến đi Quảng Trị, anh và nhà văn Nguyễn Khắc Trường cùng một nhà văn nữa xách ba lô vào quê của nhà văn Xuân Đức, mỗi người mua một balo hạt tiêu mang ra Hà Nội bán. Dọc chuyến đi, họ gần như đứng tim mỗi khi thấy thuế vụ xuất hiện. Chuyến hàng trót lọt, nhưng mang về tới nơi thì hạt tiêu đã khô quá và hao hụt nhiều.

Vậy là các nhà văn lại hì hục trải xuống nền nhà, dưới gậm giường cho có ẩm, để hạt căng mẩy trở lại. Nhưng đến khi đem đi bán thì họ mới chợt hiểu rằng, họ chỉ có thể viết văn chứ không thể đi buôn được. Chuyến hàng đó lỗ vốn trầm trọng, và từ đó không ai có ý định kiếm tiền như vậy nữa. Đã có một thời các nhà văn quân đội sống như thế, tất cả đều giống nhau bởi cái nghèo, chỉ có tài năng trong văn chương là khác nhau mà thôi.

Trở lại chuyện văn chương, Lê Văn Vọng nói, từ khi về Điện ảnh Quân đội, anh viết văn xuôi chậm, còn thơ thì anh vẫn làm đều đặn, dẫu có khó nhọc hơn. Trước khi đi học Trường Viết văn Nguyễn Du, anh viết hồn nhiên và bản năng. Còn sau khi học, những sáng tác của anh có tư tưởng rõ ràng. Chính vì thế, nó như một sự đánh đổi, được cái này thì mất cái kia. Dù làm điện ảnh, nhưng đến tận cùng, Lê Văn Vọng vẫn coi mình là người của văn chương. Chính điều đó khiến công việc sáng tác của anh không bị ngắt quãng.

Bài thơ mới nhất Lê Văn Vọng làm là viết về Lê Viên Hải Nguyên, con trai nhà văn Lê Hải Triều. Cậu bé ấy đã không còn nữa vì bệnh tật. Lê Văn Vọng nói, đến tuổi này, anh thường viết về những số phận và chiêm nghiệm về cuộc đời. Dẫu rằng, anh biết, rất nhiều người vẫn chỉ thích những bài thơ tình yêu anh làm cách nay đã bốn chục năm, như "Chiếc áo màu xanh", "Chiều sân ga".

Đời văn của Lê Văn Vọng không bề thế giải thưởng cũng như tác phẩm như của nhiều nhà văn thời chống Mỹ. Như một sự thiệt thòi trong sự nghiệp, nhưng bù lại anh là người có gia đình hạnh phúc, họ sống cùng nhau đã nhiều năm trong căn nhà đẹp trên phố Phùng Hưng, Hà Nội. Lê Văn Vọng đang tiếp tục viết tiểu thuyết và vẫn làm thơ, anh đang có bản thảo nộp bên NXB Quân đội. Có thể nói anh đã nghỉ hưu trong quân đội. Nhưng trên trang giấy, anh chưa bao giờ ngừng viết...

Toàn Nguyễn(thực hiện)
.
.