Sao Khuê lặng lẽ khiêm nhường

Thứ Tư, 13/12/2006, 14:00

Cố Thiếu tướng tình báo Nguyễn Đình Ngọc vừa được Hiệp hội các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) tôn vinh danh hiệu cao quý: Sao Khuê đất Việt. Ông đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng những khắc họa trong cuộc đời cách mạng của ông về một tình báo viên Công an xuất sắc, một nhà khoa học tài năng, một đảng viên Công an cần kiệm liêm chính... thì mãi mãi không bao giờ phai mờ.

Nguyễn Đình Ngọc sinh ngày 13/8/1932, tại một làng quê thuộc tỉnh Hà Tây, trong một gia đình có truyền thống cách mạng và hiếu học, bố ông đã bị giặc Pháp bắn chết trong một trận càn. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết định, cả nước tập trung sức người sức của cho tiền tuyến. Tháng 4/1953, ông tình nguyện gia nhập lực lượng Công an, công tác tại Điệp báo Công an liên khu IV.

Tướng tình báo

Người thanh niên thông minh, trẻ tuổi, có khuôn mặt hiền lành, đôi mắt sáng đã sớm được Giám đốc Nguyễn Hữu Khiếu phát hiện, đề xuất và Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đồng ý tiến hành huấn luyện cấp tốc và giao cho nhiệm vụ quan trọng, cơ mật: Hoạt động bí mật, hợp pháp trong lòng địch. Nhiệm vụ của anh là tìm đường đi học, tập trung học tập, học thật giỏi, trở thành nhà khoa học có uy tín, tạo vỏ bọc hoạt động lâu dài trong lòng đối phương. Người thanh niên Nguyễn Đình Ngọc có biệt danh là Nguyễn Diệp Sơn, đã chiến đấu và chiến thắng vẻ vang.

Cuối 1953, ông khăn gói vào Sài Gòn chữa bệnh. Gần hai năm sau, khi cuộc xâm lược lần thứ 2 của thực dân Pháp ở Đông Dương gần chấm dứt, đất nước xuất hiện kẻ thù mới, cũng là lúc ông thi đỗ điểm cao, được sang du học tại Pháp.

Nhờ vào bộ óc thông minh sẵn có, lòng trung thành và tận tụy của một điệp viên Công an, ông thực sự xứng đáng với sự tin cậy, gửi gắm của Đảng và lực lượng Công an. Ông đã học xong 3 bằng kỹ sư, bảo vệ thành công 2 bằng Tiến sỹ khoa học: Toán và Địa lý học đều tại trường Sorbonne nổi tiếng. Như vậy là tính chung cả bằng tiến sỹ lẫn bằng kỹ sư, thời gian trung bình mà ông cần để đạt được mỗi bằng là 26 tháng. Một con số khiến bất kỳ một ai có hiểu biết về hệ thống đào tạo tại Pháp những năm giữa thế kỷ XX đều thán phục.

Ông trực tiếp giảng tại Đại học Sorbonne, Đại học Viễn thông và Đại học Hải công của Pháp; thiết lập được nhiều quan hệ bạn bè quen biết trong giới trí thức Pháp và một số nước khác, trong Việt kiều... Bằng tiến sỹ khoa học của ông về Đại số, hướng nghiên cứu chính của ông về khí tượng học động lực và cơ lý khí quyển. Nhưng sau đó ông lại tập trung về kỹ thuật điện tử viễn thông, bảo vệ thông tin... bởi vì ông cho rằng "muốn thắng được Mỹ thì phải nắm được kỹ thuật và phá được phương tiện kỹ thuật của Mỹ". Trong tâm trí ông thời gian này, luôn luôn nghĩ về đất nước, về ngành, về nhiệm vụ được giao...

Lần gặp gỡ bí mật đồng chí Chín Huỳnh (nguyên Phó Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Công an, nguyên Ủy viên An ninh Trung ương Cục, nguyên Giám đốc An ninh Khu VI, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận. Năm 1962 được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cử đi công tác công khai và đã bí mật gặp tình báo viên Nguyễn Đình Ngọc tại một làng biên giới Pháp - Thụy Sỹ để truyền đạt chỉ thị công tác), cũng như mấy lần nhận chỉ thị qua các đồng chí khác, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và các đồng chí lãnh đạo đều nhắc ông tập trung cho nhiệm vụ học tập và nghiên cứu khoa học.

Ông luôn luôn cảm giác chạy không kịp với thời gian. Chuyện Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc sau 1975 về làm việc ở Hà Nội vẫn duy trì nếp chỉ ăn mỗi ngày một bữa cũng liên quan đến cuộc chạy đua này. Có lần tôi hỏi ông, ông vui vẻ giải thích: "Cái chính là để tiết kiệm thời gian". Hồi ở Pháp, số ngày phải ngồi lỳ trong thư viện nhiều lắm, lâu quá quen dần, thành nếp. Giữa năm 1966, cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, tổ chức quyết định điều ông trở lại Sài Gòn hoạt động. Một nhà khoa học là Việt kiều từ Sài Gòn đi học, từng thành đạt và nổi tiếng ở một nước phát triển trong phe tư bản, tình nguyện trở về làm việc ở miền Nam. Điều đó làm cho nhà đương cục Sài Gòn lúc đó nể trọng ông.

Về nước với 3 bằng kỹ sư và 2 bằng tiến sỹ khoa học, ông giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Sài Gòn. Là một chuyên gia trong ngành Toán tin và Công nghệ điện tử, ông thường được mời tham gia cộng tác xây dựng các trung tâm máy tính điện tử của quân đội và cảnh sát Sài Gòn, một đôi khi quân đội Mỹ cũng nhờ đến ông. Nhờ đó mà ông thu thập được nhiều tài liệu quan trọng báo cáo cho Bộ Công an và An ninh miền. Ông kể rằng, nhờ những thông tin này mà có lần ông đã báo được với Trung ương Cục miền Nam kịp thời đối phó với cuộc tập kích lớn của địch. Đầu năm 1975, sau Chiến thắng Tây Nguyên, Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, ông cũng đã kịp khai thác cung cấp những thông tin tin cậy, khẳng định Mỹ không quay lại trực tiếp can thiệp chiến tranh Việt Nam.

Giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp Sài Gòn, ông nghiên cứu các thuật toán để lập số tử vi bằng máy tính và nghiên cứu về tướng pháp một cách khoa học. Chính cái ứng dụng thực tế và nhạy cảm này khiến không ít vợ con các tướng lĩnh sỹ quan quân đội, cảnh sát và nhân viên chính quyền Sài Gòn tìm đến để nhờ ông chiêm nghiệm, dự đoán tương lai trong thời buổi chiến tranh loạn lạc... từ đó họ đã vô tình tiết lộ cho ông nhiều tin tức bí mật quan trọng của địch.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã nhiều lần tỏ thái độ ngưỡng mộ tài năng khoa học và biểu dương những chiến công tình báo của ông. Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an đã phong ông quân hàm Thiếu tướng An ninh nhân dân.

Sao Khuê công nghệ thông tin

Sau giải phóng miền Nam, ông được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn điều ra làm việc ở Hà Nội. Sau đó được đề bạt là Phó cục trưởng Cục Khoa học và Kỹ thuật; là Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Thông tin khoa học Công an; là Bí thư Đảng ủy kiêm Cục trưởng Cục Điện tử viễn thông - thông tin Bộ Công an, là Phó trưởng Tiểu ban chỉ đạo chương trình quốc gia về công nghệ thông tin (BCĐ 49) và là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Tiểu ban này.--PageBreak--

Ông được bạn bè và đồng nghiệp tôn vinh là một trong số ít những cây đại thụ về công nghệ thông tin ở Việt Nam. Để phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam, ông vừa tham gia lãnh đạo - chỉ đạo, nghiên cứu khoa học, thông tin khoa học và đào tạo lớp lớp cán bộ công nghệ thông tin của nước nhà. Nói đến khả năng đọc sách, tạp chí của ông, trong số những bạn bè quen biết, ai cũng cho là "siêu". Vì thế ông theo dõi được rất sát các kết quả nghiên cứu mới trên thế giới và trong nước. Ông đến các hội nghị, hội thảo, khoa học với những báo cáo đầy ắp thông tin mới, thường là ở cấp độ vĩ mô.

Nhiều người hoạt động trên lĩnh vực tin học và điện tử còn rất nhớ khá nhiều báo cáo của ông, như báo cáo ông trình bày tại Hội nghị Vô tuyến điện tử Việt Nam lần thứ tư do Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, chương trình khoa học - công nghệ - điện tử - tin học - viễn thông và Tổng cục Bưu điện Việt Nam tổ chức tháng 11/1992 ở Hà Nội, ông trình bày "Xu hướng phát triển điện tử - viễn thông - tin học qua MILIPOL 91-92 và EUROSATORY 92". Những thông tin này đối với những người làm công nghệ thông tin nhất là trong Công an và trong Quân đội rất bổ ích. Về quang điện tử, công nghệ cổ điển đã nhường bước cho công nghệ hồng ngoại và laze, nhất là những ứng dụng trên máy bay và tên lửa. Siêu vi điện - quang tử cho phép đưa trí tuệ nhân tạo vào các hệ thống vũ khí và đầu đạn dưới dạng máy tính mạng cực nhỏ hay máy tính mạng noron, với các mạch logic mờ làm cho các trận đánh có thêm sức mạnh trí tuệ...

Ông là người cùng với Giáo sư Hoàng Xuân Sính (một bạn học ở Pháp trước đây) sáng lập Trường Đại học Dân lập Thăng Long - Trường Đại học ngoài công lập đầu tiên được Chính phủ cho phép thành lập vào đầu thời kỳ đổi mới (1989). Đó luôn luôn là trường dẫn đầu cả nước về chất lượng đào tạo công nghệ thông tin. Những thế hệ học sinh do trường này đào tạo hiện đang giữ các trọng trách trong ngành Công nghệ thông tin khắp cả nước. Ông cũng là người say sưa với hoạt động của các hội nghề nghiệp: Sáng lập Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam và Hội Tin học Việt Nam; ông đã được bầu làm Phó Chủ tịch cả hai tổ chức này và tham gia Ban chấp hành nhiều khóa. Ông cũng là người tham gia vận động thành lập Hội Thông tin tư liệu khoa học Việt Nam.

Là một chuyên gia đầu ngành về công nghệ thông tin, ông đã dành trọn đời mình cho những hoạt động khoa học vô cùng phong phú và sáng tạo. Ông không chỉ là nhà nghiên cứu xuất sắc; một nhà thông tin khoa học có tri thức uyên thâm, cập nhật mà còn là một nhà đào tạo. Ông là một Sao Khuê công nghệ thông tin luôn khát khao, tâm huyết, miệt mài, lặng lẽ.

Đảng viên biết khổ trước sướng sau

Trong bài phát biểu gần đây nhất, trước khi ông lâm bệnh qua đời, tại lễ kỷ niệm Ngày thành lập Cục Khoa học điện tử viễn thông tin học Bộ Công an, sau khi đề cập bối cảnh chính trị "Thế giới sau Irak", bối cảnh khoa học công nghệ chuyển từ "chiến tranh điện tử - chiến thuật quy mô nhỏ" sang "chiến tranh Internet toàn cầu" qua toàn bộ hệ thống vệ tinh tầm thấp (LEO), tầm vừa (MEO) và tầm cao - địa tĩnh (GEO)... các hệ siêu máy tính 64 bít và hơn thế nữa... Ông cho rằng, trong bối cảnh đó, phải tâm niệm câu châm ngôn của cha ông ta "khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống". Ông nói gắn với cái biết là tri và trí (trong nhân - nghĩa - trí - dũng - liêm mà Hồ Chủ tịch đã dạy chúng ta).

Ông nhắc đi nhắc lại Công an càng cần phải biết, phải khoa học và cũng phải biết noi gương Bác Hồ thực hiện "Tiền thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc như lạc". Chắc lẽ đó cũng là những tâm sự sâu sắc nhất của ông và lẽ sống của cuộc đời ông. Là một Thiếu tướng An ninh, một giáo sư đầu ngành có uy tín với đồng nghiệp trong nước và quốc tế, từng giữ nhiều trọng trách trong bộ máy Nhà nước... những người khác như ông hoặc còn kém ông thì lên xe xuống xe là chuyện bình thường. Riêng ông, chỉ với chiếc xe đạp đã cũ đi lại đều đặn và làm việc đúng hẹn. Ngày ngày chúng ta vẫn gặp ông ở hội nghị, ở cơ quan, trên đường phố với bộ áo quần bộ đội đã bạc màu, cái mũ bông biên phòng, cái ba lô sau vai đã sờn quai đeo và đôi giày bộ đội cao cổ. Ông không bao giờ nhận quà cáp, biếu xén của bất kỳ ai. Không ai nghĩ có thể biếu xén, hối lộ Nguyễn Đình Ngọc để "chạy chọt" việc gì. Đôi lúc bạn bè, đồng nghiệp, cấp dưới gặp khó khăn, ông còn giúp đỡ về vật chất.

Thời gian bệnh nặng, các Bệnh viện 108 Quân đội và 19-8 Bộ Công an dành cho ông những ưu ái cần thiết, nhưng thường thì ông cho là chưa cần thiết. Trường Đại học Thăng Long cử người đến giúp gia đình chăm sóc ông, nhưng ông không chấp nhận, buộc họ phải sắm vai các y tá, hộ lý bệnh viện... để ở cạnh ông.

Bất kỳ ai khi gặp đều nể trọng về trình độ uyên thâm và thái độ khiêm nhường của ông; cũng đều cảm thấy gần gũi và thân thiện với cái bắt tay thật chặt và hơi khom người về phía trước, với nụ cười tươi tắn, hồn hậu và đôi mắt sáng luôn nhìn thẳng.

Cuộc đời của Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Đình Ngọc để lại cho chúng ta những chiêm nghiệm về một cán bộ tình báo Công an biết chiến thắng kẻ thù trên cơ sở tầm cao học thức; một nhà khoa học khát khao hiểu biết, khát khao cống hiến; một con người biết sống "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc", một Sao Khuê lặng lẽ khiêm nhường

.
.