Tổng thống Nga Vladimir Putin với 60 năm cuộc đời

Quyền lực vị dân sinh

Thứ Năm, 11/10/2012, 15:50
Ngày 7/10 vừa qua Tổng thống LB Nga Vladimir Putin đã bước vào tuổi lục thập. Ông sinh ra trong một gia đình công nhân cựu chiến binh năm 1952 tại Leningrad và có lẽ lúc nhỏ không bao giờ nghĩ tới việc sẽ trở thành một nguyên thủ quốc gia. Thế nhưng, số phận đã chọn ông, nước Nga đã chọn ông.

Hơn 12 năm trước đây, tháng 2/2000, cựu Thị trưởng “kinh đô phương  Bắc” Anatoli Sochak (1937-2000), người thầy dạy ông hồi đại học và cũng là người từng đưa ông vào chính trường ở đầu những năm 90 thế kỷ trước, trước khi mất không lâu đã nhận xét: “Vladimir Putin - đó là một con người với tính cách phức tạp, một nhân cách mạnh. Có lẽ một trong những nét tuyệt vời nhất ở ông, đó là: ông không ham hố quyền lực”.

Trọng trách nặng nề

Vị Tổng thống đầu tiên của nước Nga thời hậu Xôviết, Boris Yeltsin (1931-2007), khi bắt đầu chiếm được vị trí chủ soái trên chính trường, đã từng đưa khá nhiều gương mặt chính khách, ít được quen biết nhưng lại ấp ủ rất nhiều tham vọng, vào danh sách “thái tử dự kiến”, chủ yếu theo những nhu cầu chiến thuật. Theo quan điểm của ông, không thể có sự chuyển đổi cơ chế êm ái, mà trái lại, cần những quyết định cứng rắn, thậm chí đau đớn và những “viên tướng tiên phong” sẽ phải thực hiện các nhiệm vụ không được lòng dân nhưng góp phần làm đảo ngược xu thế phát triển quen thuộc mà không mấy quan tâm tới những hệ lụy sẽ tới với tương lai chính trị của cá nhân họ. Và làm xong việc rồi, sẽ phải “ra đi không hẹn trước”.

Cũng chính vì chính sách sử dụng cán bộ kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” như thế nên tới gần cuối nhiệm kỳ thứ hai của mình, khi thời hạn diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000 tới gần, ông Yeltsin đã không còn con bài dự trữ nào sáng giá để có thể “tỉ thí” với những ứng cử viên không thuộc phe cánh của ông. Tất cả những chính khách mà B. Yeltsin từng đưa lên làm Phó Thủ tướng hay Thủ tướng như Yegor Gaidar, Victor Chernomyrdin, Sergei Stepashin, Boris Nemtxov... đều bị mất giá nặng nề trong con mắt của các cử tri Nga, vốn quá thất vọng vì vị thế đất nước và mức sống nhân dân suy giảm nặng nề trong thời “hậu Xôviết”. Điều đó cũng có nghĩa là, nước Nga cần một vị thủ lĩnh mới, có đủ trí lực và đạo đức tiến hành một đường lối chính trị mới.

Làm gì? Câu hỏi có tính kinh điển này đã làm cho vị “trưởng lão” đau đầu không chỉ một tuần hay một tháng. Tìm những chính khách kiểu khác không quá khó nhưng với họ, tương lai của B. Yeltsin sẽ chẳng mấy yên ả, thậm chí ông có thể phải ra toà để đối mặt với những lời buộc tội rất dễ tạo dựng trong thể chế mới. May mắn sao lúc đó, trong Điện Kremli lại có V. Putin, con người của sự chừng mực và tính thực tế, vốn không là đệ tử của ai trong có các “uy tín” ở Phủ Tổng thống, lại được môi trường khắc nghiệt của ngành an ninh đào luyện chu đáo về mọi mặt. Thật đúng lúc và đúng chỗ!

Theo lời ông Yeltsin kể lại, “trưởng lão” thực sự để ý tới ông Putin khi ông lãnh đạo Cục Kiểm soát của Phủ Tổng thống Liên bang Nga và đặc biệt là khi ông được cử làm Phó chánh văn phòng thứ nhất phụ trách lĩnh vực tinh tế và dễ gây bùng nổ nhất - quan hệ với các chủ thể trong Liên bang Nga. Chính trên cương vị đó mà ông Putin đã biết cách thiết lập các đầu mối công việc cần thiết với các thống đốc, các thủ lĩnh địa phương, trong những cơ hội hiếm hoi được tiếp xúc với Yeltsin, đã bộc lộ rõ tính cách khẳng khái, tự lập của mình. Và ông đã gây được ấn tượng tốt với  “trưởng lão”.

Ông Yelstin kể lại: “Các bản báo cáo của Putin là mẫu mực của sự rõ ràng. Anh ấy cố gắng không “bày tỏ” như các vị phó văn phòng khác, tức là không diễn giải các quan niệm của mình về thế giới và nước Nga; dường như anh ấy đã cố gắng loại bỏ trong quan hệ giữa chúng tôi với nhau những yếu tố cá nhân. Nhưng cũng chính vì thế nên tôi lại muốn nói chuyện với anh ấy! Tôi rất kinh ngạc trước khả năng phản ứng tức thời nhanh như điện của Putin. Đôi khi các câu hỏi của tôi, ngay cả những câu giản đơn nhất, cũng có thể bắt người ta đỏ mặt và khó khăn tìm câu trả lời. Putin lại đối đáp được một cách bình tĩnh và tự nhiên tới mức, có cảm giác như chàng trai này, còn trẻ theo thước đo của tôi, sẵn sàng đón nhận tất cả mọi sự trên đời, hơn nữa, còn trả lời được một cách rõ ràng, mạch lạc”.

Ông Yeltsin từng nói rằng ông thích nhất tính không cực đoan của ông Putin và quyết định dứt khoát sẽ chọn ông làm “thái tử” mặc dù thoạt đầu, tất cả mọi cố vấn của Tổng thống đều phản đối ý tưởng này. Tuy nhiên, khác với vị “trưởng lão” dự đoán ban đầu, ông Putin đã không nhận lời ngay. Ông từ chối: “Không, việc này không hợp với tôi”. Sau hai tuần, ông Yeltsin đã phải gặp lại ông Putin để thuyết phục thêm một lần nữa... Trước khi chia tay, vị “trưởng lão” đã nói với V. Putin: “Tôi tặng cho anh một số phận nặng nề”…

Bản lĩnh tuyệt vời

Chỉ sau một hai năm làm chủ Điện Kremli, Vladimir Putin đã từ một viên chức bình thường luôn biết thân biết phận đã trở thành một chính trị gia tầm cỡ thế giới một với phong cách tự tin nhưng không ngạo nghễ, giản dị nhưng vẫn thanh lịch, biết tìm ra những mối lợi cho quốc gia mình từ những tình huống quốc tế tưởng chừng như bế tắc.

Nói một cách công bằng, việc V.Putin trở thành Tổng thống Nga không phải là một sự kiện không có tiền lệ trên chính trường thế giới. Khi một quốc gia chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang một cơ chế năng động hơn, trước các viên chức “ngoan ngoãn” của thời cũ đã mở ra những cơ hội mới giúp họ, nếu thực sự có năng lực, có thể thi thố được sở trường của mình hơn.

Hãy thử nhớ lại nước Đức sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chẳng lẽ Konrad Adenawer, người đã trở thành vị Thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Liên bang Đức khi đã bước sang tuổi 73, chẳng đã chỉ là một viên chức tầm tầm dưới thời Hitler sao? Thế nhưng, khi đã nắm được bộ máy điều hành trong tay, Adenawer đã có dịp bộc lộ tầm cỡ một nhà cải cách xuất sắc nhất thế kỷ XX. Ludvig Erhard, người được coi là cha đẻ của phép lạ kinh tế CHLB Đức sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng chỉ là một nhà nghiên cứu khiêm nhường tại Nuremberg trong chế độ Hitler. Thời đại mới đã giúp họ lên được những tầm cao mới mà trước đó chẳng mấy ai ngờ. Không ngẫu nhiên mà trong các bài trả lời phỏng vấn, chính V. Putin trước yêu cầu nêu tên những chính khách mà ông cảm thấy thú vị nhất đã nhắc tới De Gaulle và Erhard...

Dưới chế độ bao cấp, những người hoạt động chính trị, ngay cả ở thê đội đầu, cũng không cần phải quá quan tâm tới dáng vẻ bề ngoài, tuổi tác, cách ăn mặc, khả năng hùng biện, thậm chí cả năng lực trí tuệ của mình. Mọi việc thăng tiến đều do “tổ chức” lo và quan trọng là biết cách tìm lối đúng lúc lọt vào “cơ cấu”. Nhưng trong cơ chế thị trường, những yếu tố  dân túy và khả năng thực chất của các chính khách đã trở thành những đòi hỏi rất quan trọng vì chúng có ảnh hưởng rất lớn đến sự tín nhiệm của dân chúng đối với họ.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, không thể nào mở lớp đào tạo ra những chính trị gia đích thực trong các nhà trường hay học viện. Có thể đào tạo ra những kỹ sư, bác sĩ. Cũng có thể dạy dỗ nên những viên chức tốt... Tuy nhiên, không ai đào tạo được những thị trưởng, tỉnh trưởng, Thủ tướng hay Tổng thống, tức là không ai đào tạo được những người mà chức phận chủ yếu của họ là chịu trách nhiệm về mọi sự và biết tự đưa ra những quyết định cá nhân một cách đầy trách nhiệm trong những tình huống bất ngờ nhất. Khi bầu hoặc cử  ai đó vào những vị trí như vậy, lý do chính chỉ là sự hy vọng vào tài năng của người được lựa chọn, vào những tinh anh còn chưa kịp phát tiết ra ngoài của người ấy. Nếu tài năng và những tinh anh bên trong đó không được thể hiện vào thực tế thì kết cục là xã hội không được có một chính khách lớn mà chỉ được nhận thêm vào một viên chức bậc cao nữa.

Ông Putin là một trường hợp may mắn vì ở ông đã có kho dự trữ năng lực cá nhân rất lớn của một thủ lĩnh quốc gia mà trước đó, ở những vị trí thấp hơn, ông đã khôn khéo không bộc lộ ra ngoài để khỏi rơi vào tình trạng “cầm đèn chạy trước ô tô”. Hay hơn nữa là khi đã trở thành một nhà chính trị lớn, ông Putin vẫn không bị “quan liêu hóa” và vẫn giữ được những phẩm chất của một viên chức kiểu mẫu. Chính điều này đã xác định một phong cách Putin trong công việc chuyên môn và những mối quan hệ với thuộc hạ, với các cộng sự và với các công dân Nga theo yêu cầu nhìn nhận Tổng thống không phải như một vị cứu thế mà như một người được xã hội “thuê” làm nhà điều hành cao cấp.

V. Putin như thực tế nước Nga trong hơn một thập niên qua cho thấy, không thích hứa nhiều nhưng luôn giữ lời đã hứa. Ông biết cách làm mọi việc tới cùng kể cả những việc khó chịu nhất. Là cấp trưởng nhưng không dưa cho cấp phó làm những việc cần làm nhưng bản thân ông cảm thấy khó chịu. Ông biết cách xử sự cứng rắn và cương quyết để đạt được mục đích của mình nhưng không phải là người thích bẻ hành bẻ tỏi và không thích những cuộc cãi cọ ầm ĩ. Ông thích đạt được mục đích đã đặt ra không phải bằng đối đầu mà bằng con đường điều hòa các lợi ích.

Vốn từng là một vận động viên chuyên nghiệp, một võ sĩ judo có hạng, lại hơn hai mươi năm phục vụ trong cơ quan an ninh, ông Putin đã rèn luyện được một bộ thần kinh thép ngay từ thời thơ ấu. Người ta kể lại rằng, khi còn học phổ thông, để đánh cuộc với bạn bè, cậu bé Volodia đã bám vào song sắt  ban công tầng bốn để treo mình ra ngoài... Ông Putin cũng là một nhà tổ chức tốt, có tinh thần kỷ luật cao. Ông luôn tỏ ra thận trọng và không thích những quyết định nhanh chóng và ngẫu hứng. Vì thế chơi xỏ ông là việc hầu như không thể. Nhưng khi cần, ông cũng có thể đưa ra những quyết định tức thì lắm khi trái ngược với sự trông đợi của đa số.

Người ta kể lại rằng, mùa thu năm 1999, khi V. Putin còn là Thủ tướng, tới dự lễ kỷ niệm Nhà hát châm biếm nổi tiếng do NSND Arkadi Raikin rất lừng danh lập ra 60 năm trước, bất ngờ ngoài hành lang gặp ngay diễn viên nam ăn khách Shirvindt đang chân đăm đá chân chiêu. Anh diễn viên ngà ngà say nên coi trời bằng vung, chìa ngay tay cho V. Putin và tự giới thiệu một cách suồng sã: “Tôi là Shura!”. “Còn tôi là Vôva!”- V. Putin trả lời ngay không khách khí. “Có lẽ, ta đi làm một ly mừng ngày làm quen nhỉ?”- Shirvindt hỏi. “Ừ, sao lại không nhỉ?”- ông Putin điềm nhiên trả lời rồi cùng Shirvindt rẽ vào quầy ăn trước sự ngạc nhiên đến nín thở của đông đảo người chứng kiến hành động có vẻ như phạm thượng này của anh nghệ sĩ say đối với Thủ tướng...

Cách ứng xử linh hoạt và không trịch thượng này đối với văn nghệ sĩ chỉ càng giúp ông chiếm thêm được cảm tình của xã hội. Trước họ, ông là một chính khách vừa dân chủ, khiêm nhường nhưng cũng đầy tự trọng, không xun xoe trước người trên nhưng không hống hách với kẻ dưới.

Vị thế và tiềm lực của nước Nga hiện nay cho thấy đương kim Tổng thống Nga đang đi đúng hướng, bất luận một số giới ở phương Tây có nghĩ về ông tiêu cực như thế nào. Ông làm toàn những việc mà những người đi trước ông có thể đã nghĩ tới nhưng “lực bất tòng tâm”

Nguyễn Trung Tín
.
.