Quán quân Sao Mai Đinh Thành Lê: Dòng sông chảy mãi

Thứ Bảy, 14/02/2015, 15:22
Thành Lê xuất hiện, chỉn chu nguyên bộ vest đen giữa một ngày mùa đông tưng bừng nắng, duyên dáng và nhỏ nhắn đến không ngờ so với hình dung thường thấy trên sân khấu hay màn ảnh nhỏ truyền hình.

15 năm kể từ ngày cô gái quê uống nước sông La đặt dấu chân lập nghiệp tại Hà Nội, cũng dài hơn nữa khoảng thời gian đứa bé con cứ áp tai vào cái rađio của bố mẹ để nghe từng lời Lê Dung, Thu Hiền hát, Thành Lê bây giờ đã có gần như đủ đầy những cái gạch đầu dòng mà bất cứ nghệ sỹ trẻ nào cũng ao ước: Một nghệ danh không lẫn vào số đông, một chỗ đứng vững vàng trong làng nhạc dân gian truyền thống và cuộc sống tiện nghi không thua kém các ngôi sao giải trí đương thời...

1. Thành Lê vừa làm cuộc ra mắt album mới nhất của cô, vol. 7 Tình em bên sông dài... Cũng không gian hạng sang, khách mời nổi tiếng, các paparazi đua nhau chụp ảnh rồi post lên báo mạng, cũng ầm ào lăng xê dè xẻn tiết lộ chuyện hậu trường gây tò mò háo hức, rốt cục chỉ để sản phẩm âm nhạc của mình được truyền thông quảng bá tới thật nhiều người nghe.

Vén sang bên lớp vỏ ngoài diêm dúa hào nhoáng kiểu thị trường, Tình em bên sông dài thực sự là một nỗ lực đáng giá của Thành Lê khi đã thời thượng hóa, hiện đại hóa được một số ca khúc trữ tình vốn quen tai quen giai điệu, quen cả cách nghe cách tiếp nhận với nhiều lớp thính giả qua nhiều tháng năm, nhiều thế hệ... Kiểu của cô là vậy, hát nhạc đồng quê nhưng thừa khôn ngoan và văn minh để giúp mình không bị già, bị mặc định vào những giá trị đã tạc thành nếp gấp yên ổn, lười biếng.

Làm MV tặng kèm theo album, quy tụ một êkíp chỉn chu sáng giá, Tình em bên sông dài đúng là đã được biết đến nhiều hơn, nhiều thính giả tìm đến hơn để thấu hiểu hơn những tâm tư mà cô chia sẻ. Lê khôn ngoan để không tiếp tục chuội theo những tiết tấu dân ca thường tình, cô chấp nhận dấn thân, chấp nhận cuộc chơi của những người trẻ thời công nghệ bao trùm, hát nhạc nhẹ âm hưởng dân ca theo hòa âm phối khí hiện đại, cũng để tương thích hơn với tai nghe nhạc của giới trẻ vốn chạy theo trào lưu, luôn tìm đến sự thay đổi.

Không đại khái giống nhiều đồng nghiệp nổi danh khác, đã có chỗ đứng rồi là mang tâm lý buông xuôi dễ dãi, đơn thuần nghĩ hát dòng nhạc dân gian thì ăn mặc phục trang thế nào cũng được, cứ bận vào người bộ áo dài là có thể yên tâm bước lên sân khấu, hay ca khúc này, bài hát kia đã quá tiếng tăm đâu cần thiết phải bày trò thêm nữa, Thành Lê điệu đàng và kỹ lưỡng ở tất cả mọi chi tiết nhỏ nhặt nhất của nghề.

Lúc nào cũng gìn giữ hình ảnh, đầu tóc áo quần cứ như vừa bước từ cửa hiệu thời trang ra, làm đẹp mình cũng là cách Thành Lê bày tỏ sự trọng thị với khán giả, những tri âm tri kỉ đã đồng hành cùng cô suốt hành trình xấp xỉ 10 năm qua...

Thời gian, chớp mắt đã là cả một khoảng dằng dặc dài, những vui buồn âu lo khổ đau hạnh phúc không phép màu nào khiến chúng quay trở lại, chỉ những cảm giác là còn xuôi theo ám ảnh mãi. Giờ khi đã phần nào ổn thỏa trong cuộc đời, cô gái trẻ cũng khó mường tượng và gắn kết được mình của ngày xưa với một quán quân Sao Mai được rất rất nhiều người biết tới hiện nay.

Tuổi thơ êm đềm trôi trong một nếp nhà bình dị ở Hà Tĩnh, giữa những giấc mơ lạc quan hưng phấn nhất, cả bố mẹ Thành Lê cũng không bao giờ dám nghĩ cô con gái rượu của mình sẽ thành ca sỹ, sẽ là ngôi sao, thành tâm điểm của sự chú ý, sẽ ngược xuôi với những chuyến biểu diễn không dứt cả trong và ngoài nước. Chỉ Lê là hiểu những giấc mơ chưa hé lộ của mình, những ấp ủ thầm kín và cả khát vọng luôn chực chờ cơ hội để bung tỏa bùng phát.

Ngày bé trong những khoảng lặng thời gian chờ bố mẹ đi làm về, khi bài vở đã xong, Lê hay áp tai bên chiếc đài bán dẫn nhỏ xíu của cả nhà để lắng nghe chương trình ca nhạc trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Tâm trí non nớt của cô bé con ít thông tin ở tỉnh lẻ chưa thể hình dung được thế nào là nhạc nhẹ, thế nào là nhạc dân gian, chỉ biết đắm đuối nuốt trọn từng lời cô Lê Dung, cô Thu Hiền hát. Bạn trong những ngày dài lặng thầm ấy của Thành Lê chính là chiếc đài nhỏ và những nghệ sỹ, những giọng ca tuyệt đẹp mà cô chỉ dám gặp trong mơ, chỉ biết trò chuyện trong tâm tưởng.

Sau này khi đã có riêng chỗ đứng cho mình, mỗi lúc được ai nhắc nhớ, Lê vẫn tự nhủ người thầy đầu tiên trong âm nhạc chính là cô Lê Dung, cô Thu Hiền, là những bài hát mà những nghệ sĩ của mọi nhà ấy đã không mệt mỏi lan tỏa qua làn sóng phát thanh, mặc dù trên thực tế họ chưa bao giờ đứng trên bục giảng giảng dạy cho Lê ngoài đời thường...

2. Con đường dường như trải đầy hoa hồng của Thành Lê những ngày này không tự dưng mà có, thậm chí với cô từng bước đầu tiên chập chững trong đời lại rình rập đầy chông gai trở ngại. Đã tưởng an phận thủ thường với ngày thường của một công chức đút chân gầm bàn ở thành phố quê hương, nhưng giấc mơ âm nhạc ám ảnh chỉ chờ dịp là lấn lướt tất cả, Lê tuổi bén đôi mươi lặng lẽ hành trang khăn áo ra Hà Nội thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia.

Cú sốc trời giáng ập xuống làm tắt lịm đi sự hưng phấn và niềm hân hoan chưa kịp nguội lạnh, cô bị đánh trượt ngay những vòng thi đầu. Lụi cụi về lại quê, lụi cụi đi làm, nuôi dưỡng tinh thần lạc quan để tiếp tục sống, tiếp tục đắp bồi ước mơ, hy vọng. Lần thứ 2 đi thi, trúng tuyển, cô coi đó là sự đương nhiên, món quà tặng xứng đáng cho người biết kiên nhẫn đợi chờ.

15 năm đã qua từ khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc cô thực sự bước vào nghiệp ca sỹ, thực sự được Hà Nội mở rộng vòng tay bao dung đón nhận. Cô gái quê bước vào thế giới của những phù hoa nghệ thuật, chạm mặt với những nghệ sĩ tên tuổi chỉ dám ngắm nhìn trên tivi và ngóng thông tin trên báo, rồi khẽ khàng mơ, rụt rè ước khi nào mình được như họ.

Thực tế không hẳn toàn màu hồng, nghiệm lại cuộc đời mình Thành Lê tự nhủ, cô luôn phải làm đến lần thứ hai những gì người khác thường rất hanh thông thuận lợi. Gái ngoan rồi sẽ có quà, thần may mắn luôn độ lượng với những người không chấp nhận thua cuộc, nản chí, giải Nhất Sao Mai dòng nhạc dân gian năm 2007 cho thí sinh đến từ Học viện Âm nhạc quốc gia Đinh Thành Lê chính là sự hào phóng của số phận mà cô xứng đáng được đắp đền, tận hưởng.

Giải thưởng như một cơ duyên, một cơ may khai sáng nghệ danh Thành Lê, đưa Thành Lê vào hàng ngũ những ca sỹ được công chúng và thị trường lựa chọn. Trở thành “sao” chỉ sau một đêm, được tung hoa và truyền thông săn đón, nhưng bằng sự trải nghiệm của người đã hơn một lần nếm dư vị thất bại đắng cay, Thành Lê không “sốc”, không bị cuốn vào những cuồng vọng hào nhoáng, không để mình mụ mị đi bởi những hư danh ảo ảo thực thực. Cô buộc mình lấy lại sự điềm tĩnh, dặn lòng mình phải chín chắn và thực tế, tự hiểu con đường của mình còn dài, còn cả một quãng mênh mông xa chưa biết tới điểm dừng...

15 năm sau ngày lập nghiệp tại Hà Nội, 8 năm sau giải thưởng danh giá đầu lòng, Thành Lê đã sắp đặt ổn thỏa cuộc đời mình. Rời Học viện Âm nhạc quốc gia, cô đầu quân cho Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, lại một sự chọn lựa mà cô cho rằng quá chuẩn xác. Môi trường của những nghệ sỹ công chức tài năng, thừa thãi trách nhiệm và sự sẻ chia đã giúp Lê nhanh chóng hòa nhập, và tung tẩy thoải mái hơn trong mỗi nhịp bước của nghề.

Xung phong ra Trường Sa, hát cho các chiến sỹ giữa màn mưa dày đặc mà không một ai đứng dậy bỏ về, tận mắt chứng kiến những gương mặt trẻ măng đầy thanh tân háo hức nhiệt thành đón chào những nghệ sỹ từ Hà Nội ra, những trải nghiệm vô giá đó giúp Lê thêm ý thức về nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ nghệ sỹ của mình để không thoái thác bổn phận và tận tâm tận tình hơn với khán giả, với xã hội và cuộc đời mình.

Tuổi ngoài 30, đang giai đoạn mặn mà nhan sắc lẫn độ nóng tên tuổi tròn đầy, Thành Lê đang làm không hết việc. Cô chạy “sô” đều, vừa mừng sinh nhật một doanh nghiệp lớn ở Hà Nội đã thấy xuất hiện tại Quảng Bình trong chương trình được truyền hình trực tiếp, căn hộ sang trọng tại khu Royal City thường vắng bóng nữ chủ nhân nhỏ bé.

Tự lái xe sang, tự trau chuốt cho từng lọn tóc vạt áo, đủ đầy thành đạt cho mình, cô cũng hãnh diện vì đã giúp được gia đình, bố mẹ, lo chu toàn các anh chị em đến nơi đến chốn. Đảm đang khéo thu vén, điều duy nhất thiếu với Thành Lê, cô ca sỹ đang ở độ rực rỡ nhất của nghề chính là tổ ấm của riêng mình, một “ngôi nhà và những đứa trẻ” ăm ắp tiếng cười, một sự chính danh công khai với người đàn ông mà cô lựa chọn...

Ngô Hương Sen
.
.