Phía sau nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có một người đàn bà không tên

Thứ Năm, 05/11/2009, 14:51
Đã nhiều lần tôi có mặt ở căn nhà số 71 Bùi Xương Trạch, Khương Đình, Hà Nội để trò chuyện và phỏng vấn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Lần nào cũng vậy, thấp thoáng dưới bếp, sau vườn nhà là bóng dáng tất tả của một người đàn bà lam lũ nhiều lo toan mà nếu không được giới thiệu, tôi tin rằng nhiều người sẽ không thể hình dung ra đó là vợ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Dường như hễ có khách của chồng, người đàn bà ấy lại thu cho bóng mình khuất đi, như thể bà tồn tại bên ngoài cuộc đời lắm tiếng tăm của chồng mình. Nhưng thật tình cờ, hôm nay, cuộc tiếp kiến với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không thành vì ông đi vắng. Theo lời vợ thì ông đang đi đến nhà xuất bản chuẩn bị cho việc ra mắt một cuốn sách mới, ông tâm sự với vợ mình rằng chắc có lẽ đây là cuốn sách cuối cùng để đời. Vậy là tôi có một buổi chiều trò chuyện cùng vợ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người đàn bà nhẫn nại không tên trong cuộc đời nhiều nỗi truân chuyên của nhà văn nổi tiếng, để nhìn thấy phía sau Nguyễn Huy Thiệp là những khoảng tối sáng khác.

Tôi cũng không ngờ, cuối cùng nhân vật mà tôi định viết hôm nay không phải là Nguyễn Huy Thiệp mà lại chính là vợ ông, người đàn bà không có tên trong cuộc đời Nguyễn Huy Thiệp. Sở dĩ tôi gọi vợ ông là người đàn bà không tên bởi bà chưa một lần lên báo, chưa từng bộc bạch số phận của mình khi làm vợ một nhà văn nổi tiếng, làm mẹ của họa sỹ trẻ, làm người đàn bà duy nhất trong ngôi nhà toàn là đàn ông, toàn là văn nghệ sỹ cho đến khi con trai cả của bà lập gia đình.

Bà dành cho tôi cuộc trò chuyện, những sự sẻ chia đàn bà thường tình, một người vợ nhiều hy sinh, một người mẹ nhiều yêu thương, lắm đau khổ nhọc nhằn. Trong một buồi chiều ngẫu nhiên, tôi ngồi lặng cùng bà, và để cho những câu chuyện trôi đi miên man, nhanh đến mức tôi còn chưa kịp hỏi tên bà thì đã muộn. Tôi trở về nhà với một day dứt, không kém phần hối lỗi khi suốt cả một buổi chuyện trò tôi không nhớ ra cần phải biết tên vợ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Định bụng sẽ về nhà, bật máy tính lên, vào Google gõ mấy chữ "Vợ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp" chắc chắn tôi sẽ thừa đủ những thông tin cần thiết. Thế nhưng, thật ngạc nhiên khi trong hàng ngàn kết quả tìm thấy của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì không có lấy một dòng trích ngang, một câu khái quát hay đại khái một vài thông tin cơ bản nào về người vợ của ông. Trong khi đó, các thông tin, bài viết về con trai bà và bản thân chồng bà thì nhiều vô kể.

Thế mới thấm thía một điều rằng, làm vợ của một người nổi tiếng có thể bản thân người vợ cũng sẽ được hưởng lây sự nổi tiếng từ chồng, nhưng làm người phụ nữ đằng sau cuộc đời của một nhà văn dù nổi tiếng đến đâu, thì chưa chắc đã có được một cái tên trên báo, trên đài. Tôi gọi điện cho một vài người thân của Nguyễn Huy Thiệp hỏi, mọi người giật mình ngớ ra, đến lúc này, mọi người mới nhớ ra rằng hình như chưa bao giờ họ nhớ tên của vợ ông bạn văn Nguyễn Huy Thiệp mặc dù mỗi lần tới nhà, bà là người tháo vát lo bữa cơm đãi khách, lo bữa rượu cho chồng tiếp bạn bè.

Thật ra, vợ Nguyễn Huy Thiệp tên là Trang nhưng mọi người vẫn quen gọi bà là "Vợ ông Thiệp". Có lẽ với bà một cái tên, nào có ý nghĩa gì khi một người phụ nữ như bà đã tự nguyện làm đời một người vợ không tên bên cạnh chồng mình. Vì thế, tôi gọi bà là người đàn bà không tên

Nhà Nguyễn Huy Thiệp đang như một đại công trình ngổn ngang. Vợ chồng ông vừa có một sự kiện lớn, đó là bán đi một nửa mảnh vườn khoảng 500 mét để lấy tiền xây cho hai cậu con trai hai căn nhà liền kề nhau ngay trong khuôn viên vườn.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã bước sang tuổi 60. Những bệnh tật khó tránh của tuổi già đã cùng nhau đến hỏi thăm sức khỏe của ông. Vợ ông kể rằng, năm 2008, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp phát bệnh tim, sau khi nhập Bệnh viện Bạch Mai, các bác sỹ lắc đầu trả bệnh án về và kèm theo lời khuyên: "Không nên mổ, mổ lúc này là chết, cứ về nhà chữa trị, sống thêm được năm nào tốt năm ấy". Khi nghe bác sỹ nói vợ chồng ông buồn lắm. Căn bệnh tắc nghẽn động mạch vành tim tới 6 chỗ đã trở thành một biến cố lớn trong sức khỏe cũng như đời sống tinh thần của nhà văn.

Ngoài bệnh tim ra, ông bị bệnh tiểu đường, và vi rút áctơ suốt mấy năm nay. Hễ cứ giở giời, là miệng ông lại mọc lên những cái mụn nhọt đau nhức, không ăn uống được. Sống chung với 3 loại bệnh như vậy, nếu nhà văn không có được một người vợ tảo tần, chăm sóc ông những lúc ốm đau, động viên ông chiến đấu với bệnh tật, bên cạnh ông mọi nỗi vui buồn, có lẽ Nguyễn Huy Thiệp không thể có được như ngày hôm nay.

Vợ ông, từng là một cô giáo dạy bộ môn lịch sử, cùng nghề nghiệp với chồng. Khi hai người cưới nhau, vợ ông còn dạy học ở Bắc Ninh, ông thì vẫn đang ở tít tận miền rừng núi của Sơn La. Con trai đầu lòng lên 3 tuổi, Nguyễn Huy Thiệp từ rừng núi trở về, ông bỏ nghề dạy học, phiêu bạt cùng số phận với nhiều công việc khác nhau như làm công chức ở Cục xuất bản Bộ Giáo dục, Công ty Sách và Thiết bị Giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục... Sau này vợ ông chuyển từ Bắc Ninh về Nhà xuất bản Giáo dục công tác để hợp lý hóa gia đình.--PageBreak--

Vợ ông kể rằng, khi lấy nhau bà không lấy một nhà văn làm chồng bởi lúc đó Nguyễn Huy Thiệp chưa viết văn, chưa nổi tiếng. Khi có với nhau 2 mặt con rồi, con trai đầu đã hơn 10 tuổi, Nguyễn Huy Thiệp mới trình làng văn chương tác phẩm đầu tiên vào năm ông 37 tuổi. Càng viết, càng nổi tiếng, càng được bạn đọc chú ý, và ngay lập tức những thập kỷ 80, 90 hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp nổi lên thu hút giới văn chương và các nhà phê bình văn học. Càng nổi tiếng, ông càng đi nhiều, càng vắng nhà liên miên. Những năm tháng đó, bà và hai con trai ông sống bên lề vầng hào quang của bố, lặng lẽ tất bật lo cho các con, lo cho một người chồng nổi tiếng, có những lúc bà đã phải thốt lên với ông trong cay đắng: "Biết ông là nhà văn, tôi thèm vào lấy ông". Rồi bà kể, thằng Khoa con trai thứ hai của bà có hôm hỏi mẹ: "Mẹ ơi, nhà mình không có bố à, con sang nhà hàng xóm toàn thấy các bạn chơi cùng bố mẹ, bố nhà mình đi đâu hả mẹ".

Với người phụ nữ, danh vọng của một ông chồng nhà văn mang lại cho họ có lẽ cũng không nhiều nhặn gì ngoài việc chồng mình có cái tên trên văn đàn. Người phụ nữ cần một người chồng sẻ chia việc gia đình, nhà cửa; con cái, cần một người đàn ông có mặt bên cạnh khi con ốm con đau. Lúc nổi tiếng, Nguyễn Huy Thiệp là tâm điểm của báo chí, của bạn bè, giới phê bình học thuật. Thậm chí sự nổi tiếng của ông có những lúc không phải không đem lại sự phiền toái cho mẹ con bà, gia đình bà bị rơi vào thế cô lập, đồng nghiệp nhìn bà với ánh mắt nghi ngại vì là vợ của Nguyễn Huy Thiệp, hàng xóm láng giềng không dám sang nhà, chỉ sợ liên lụy vì nghe nói cái ông Nguyễn Huy Thiệp trông vẻ ngoài thì nông dân là vậy nhưng hình như lập trường chính trị tư tưởng có vấn đề.

Đó là những chuyện của quá khứ, của một thời ấu trĩ, nhắc lại chỉ thêm buồn cười nhưng cũng đã gieo vào cuộc sống của một người vợ cả nghĩ và tảo tần như bà biết bao muộn phiền. Giờ đây cũng vậy thôi, ngay cả khi sự nổi tiếng của chồng mình đã đi qua, mọi giá trị đã được định hình, thì bà vẫn chỉ là một người vợ lo cho chồng cho con như bao người phụ nữ khổ hạnh khác.

Bà Trang nói với tôi: "Chị bảo, làm vợ của một văn nghệ sỹ đã đủ khổ rồi, trong nhà tôi toàn là nghệ sỹ, hỏi làm sao tôi sướng được". Giờ đây, căn bệnh tắc nghẽn động mạch vành tim tới 6 chỗ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không thể mổ được nữa, bà đã chạy thầy chạy thuốc cho ông không biết bao nhiêu mà kể. Nghe ai mách có thuốc gì hay, bà đều lặn lội đi đến nơi tìm mua bằng được. Riêng việc bà tìm mua mấy chục cái đầu rắn hổ mang đất về và nướng trên than hoa, cạo cái phần da thịt rắn cháy vàng và hòa vào rượu để cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp uống đã là một kỳ công mà không phải người vợ nào cũng làm được. Mỗi một cái đầu rắn nướng lên, cạo ra phải mất vài ba tiếng đồng hồ. Mỗi một lần nướng khoảng 5 cái đầu rắn hổ mang đất, bà ngồi bên cạnh lò than từ trưa cho đến tận tối mịt. Nhiều lúc thương vợ, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lại ra làm thuốc giùm vợ. Nhưng đàn ông, đang bệnh tật, mấy ai chịu nổi than lửa và ngồi miết cả mấy tiếng đồng hồ như phụ nữ được. Xót xa vợ, ông lại bảo vợ bỏ thuốc đi, đừng cố nữa. Mỗi lần vậy bà lại mắng ông dở hơi.

Từ sau khi uống đầu rắn, căn bệnh của ông thuyên giảm, vì thế có cực nhọc vất vả tới đâu bà cũng không nản. Đến giờ này, lẽ ra bà đã có thể nhàn thân vì các con trai đã lớn, nhưng hình như kiếp sống nhọc nhằn của người phụ nữ suốt đời lo cho chồng, cho con vẫn trĩu nặng trên đôi vai, không biết đến lúc nào bà mới có thể nhàn thân vui hưởng tuổi già.

Bà Trang kể rằng, vừa rồi, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đi vắng, ông vừa đi lễ ở đền Chợ Củi, thờ ông Hoàng Mười ở Hà Tĩnh ra. Từ ngày ông Thiệp bệnh, ông năng đi lễ, chủ yếu là cầu an, cầu sức khỏe, cầu sự tĩnh tại trong cuộc sống quá nhiều mệt mỏi này. Cũng vì trận ốm vừa qua mà ông mới ngớ ra, suốt 20 năm qua, ông đã sống lãng tử, không bận tâm, không để ý là ông bỏ phí mất quãng thời gian 21 năm công tác mà không được hưởng một chế độ lương bổng, hay bảo hiểm nào. Đến lúc đi viện, nhìn thấy khoản viện phí chi trả lên đến hàng chục triệu đồng ông mới tá hỏa đi xin xác nhận làm chế độ lương và cũng chỉ mới đây, sau khi nhờ các phương tiện báo chí, ông đã được hưởng truy lĩnh lương hưu với số tiền 1 tháng hơn 1 triệu đồng.

Cũng chỉ đến lúc bệnh tật ập tới, lần đầu tiên nhà văn mới biết tới cái thẻ bảo hiểm y tế cầm tay. Do sức khỏe giảm sút nhiều, hai vợ chồng ông đã tính chuyện bán bớt đất vườn để lo cho hai con trai hai căn nhà khang trang. Đàn ông có hai việc lớn là làm nhà và cưới vợ. Vợ chồng nhà văn cố gắng đỡ cho hai con trai của mình một việc lớn mà có khi người đàn ông phải mất cả đời để lo nổi việc ấy. Lo cho hai con được việc lớn này, vợ chồng ông bớt đi được một gánh nặng. Dẫu có bệnh tật, tuổi già mong manh, thì từng ngày, nhìn thấy các con có một mái ấm riêng tư để an cư lạc nghiệp, có lẽ đó mới là hạnh phúc quan trọng nhất đối với vợ chồng ông.

Chiều muộn, tôi trở về nhà mang theo nỗi buồn sâu thẳm trên gương mặt của người đàn bà có nhiều nỗi niềm riêng trong cuộc đời riêng không dễ gì chia sẻ. Mấy hôm nay, con dâu bà mang con gái về nhà ngoại, căn nhà đã quen tiếng trẻ thơ khóc cười của ông bà giờ trở nên rộng rãi và trống trải hơn. Bà Trang bảo, ông Thiệp nhà tôi cưng cháu lắm, từ ngày lọt lòng mẹ, ông bà nội bên cạnh chăm bẵm, yêu quý. Vắng con bé mấy bữa mà ông Thiệp nhà tôi ốm hơn vì nhớ cháu đấy. Khổ, mỗi lần nhớ cháu, lại lóc cóc đạp xe sang bà ngoại thăm cháu, lần nào về ông cũng khóc. Bà nói và giấu vội đi giọt nước mắt chợt trào ra. Rồi bà tong tả chạy xuống bếp xem ấm thuốc đang sắc dở cho chồng, tong tả chạy lên nhà lo cắm cơm nước để chờ chồng và các con về ăn tối. Tôi có cảm tưởng như sự vất vả khó nhọc luôn đeo đẳng người phụ nữ này như số phận đã định

Lan Tường
.
.