Phẩm chất của một gián quan

Thứ Năm, 13/11/2008, 13:30
Không hiểu sao mỗi khi có một phát hiện mới của các nhà khảo cổ hay mỗi khi giới khoa học có một tranh luận về lịch sử và văn hóa, người đầu tiên tôi nghĩ nên tới hỏi ý kiến luôn là ông. Cũng không hiểu sao mỗi khi nghĩ về ông, tôi luôn liên hệ tới hình ảnh cái vạt áo của quan Ngự sử Phan Đình Phùng trong cuốn tiểu thuyết Huế 1885.

Không khí của buổi triều chính đã nặng nề tới mức không một viên quan nào dám lên tiếng nữa rồi, thế mà quan Ngự sử vẫn nhấp nhổm, mặc người bạn bên cạnh túm vạt áo kéo lại, người ta nghe thấy tiếng vạt áo bị kéo lại rách xoạt một cái rồi quan Ngự sử đứng phắt dậy, bất chấp việc có thể rơi đầu...

Lần đầu tiên, tôi tới hỏi ý kiến P.GS Ninh là vì "vụ Ủng thành". Lúc ấy, người ta đang nạo vét sông Tô Lịch đoạn qua đường Bưởi. Lúc ấy, người ta cũng đang định mở một con đường bắc qua sông Tô Lịch đoạn qua đường Bưởi. Như thế có nghĩa là con đường xuyên qua đúng vị trí Ủng thành. Cả Hà Nội chỉ còn lại mỗi cái Ủng thành của Đoài Môn - cổng thành phía Tây của Hà Nội xưa.

Và ngay lần đầu tiên ấy, tôi đã bị thuyết phục không phải vì kiến thức sử học của P.GS Ninh, mà còn vì sự thẳng thắn, cương trực, quyết liệt cần thiết của một nhà sử học.

Hồi ấy, cuối cùng thì con đường cũng được nắn để tránh Ủng thành. Nhưng đến tận bây giờ nếu nhắc lại chuyện này, ông vẫn đau đáu vì Ủng thành sau khi được đào khảo cổ, bây giờ trở thành một cái gò đống cao ngất chứa rác thải. Thực ra lúc ấy, nếu là một người thích tiếng tăm để dư luận chú ý thì ông cùng báo chí đáng lẽ phải "xông" vào cái vụ nạo vét sông Tô Lịch có bùa yểm của Cao Biền mà vài năm sau có tờ báo đã khai thác như là một phát hiện về yểm bùa và ma quái để câu khách.

Ở Việt Nam, cho đến giờ có lẽ ông Ninh vẫn là chuyên gia hàng đầu về thành cổ, tiền cổ và mộ cổ. Ít người đi vào nghiên cứu các lĩnh vực này như ông. Khi khu vực khai quật khảo cổ ở 18 Hoàng Diệu mới chỉ có những phát hiện đầu tiên, ông đã vào xem xét rất kỹ.

Tôi còn nhớ là sau khi nài nỉ TS Bùi Minh Trí ở Viện Khảo cổ cho vào xem khu khai quật từ lúc chưa có tờ báo nào đưa tin, tôi lại tìm đến nhà ông Ninh để hỏi lại. Vì ông luôn là người thận trọng chỉ căn cứ vào các chứng cứ khoa học chứ ít khi kết luận vội vã.

Khi có ý định viết bài về ông, tôi đã đến thăm ông không phải để "khai thác", tôi muốn viết đúng những gì mình cảm nhận về ông trong suốt những năm qua, mà chỉ muốn gặp ông xin phép được viết bài, ban đầu ông từ chối, nhưng khi tôi nhắc lại "vụ" nọ, "vụ" kia thì ông lại hào hứng đồng ý. Trong giới sử học, ông Ninh không thuộc vào hàng "người của công chúng" bởi vì không xuất hiện thường xuyên trên ti vi, không đưa đẩy ngôn từ hoa mỹ, lại quá thẳng thắn và cực đoan trong tranh luận khoa học.

Những ai từng có mặt tại các cuộc hội thảo về "đền Cẩu nhi" mới thấy hết được sự quyết liệt của ông. Thuộc vào "phe" chứng minh không hề có "đền Cẩu nhi", rằng Tây Hồ chí là một văn bản không đáng tin cậy, P.GS Ninh quyết tâm bảo vệ đến cùng quan điểm của mình.

Có lúc ngồi nhà nghĩ lại, ông bảo đúng là ông đáng ra không nên dùng những lời lẽ quá đáng thế với các quan chức chính quyền và một vài nhà khoa học khác. Ông bảo giữa ông và "các ông ấy" là bạn, có vấn đề gì mắc mớ đâu, nhưng ông không chịu được cái thói làm khoa học cốt để vừa lòng người khác. Còn sống được ngày nào còn làm khoa học được thì làm, đừng có nói dối.

Là một trong những nhà báo đầu tiên viết bài về "dự án" dựng lại "đền Cẩu nhi" khi dự án còn đang nằm trên bàn Phòng Văn hóa quận Ba Đình, rồi sau mới thành những cuộc bàn cãi lên xuống ở cấp thành phố, ở đây, tôi không muốn nói đến sự đúng sai, có hay không có "Cẩu nhi", nhưng có một điều tôi dám khẳng định là sự vô tư, là tinh thần thuần túy khoa học của P.GS Ninh.

Ông tranh luận nảy lửa, ông nói những lời thậm tệ, ông viết thư ngỏ gửi các cấp lãnh đạo đều không vì mục đích vụ lợi nào. Ông bảo ông già rồi người ta muốn xây gì thì xây, nhưng miễn là đừng gọi nó là "Cẩu nhi", nếu gọi là "Thủy trung tiên từ" như nó vốn có thì xây thế nào ông cũng không có ý kiến.

Ông không phải là người cứ thấy người ta định làm gì thì ngăn cản. Ông chỉ bảo vệ quan điểm khoa học của mình. Ông muốn mọi việc phải được chứng minh bằng khoa học chứ không phải cứ nói bừa. Bằng chứng là vì khoa học ở dự án "đền Cẩu nhi" ông làm chính quyền khó chịu như một người ngáng trở dự án nhưng chỉ ít lâu sau sang một vụ việc khác không tiện nêu tên ở đây, ông lại ủng hộ thành phố khi chủ trương không nắn đường lệch đi để bảo tồn một di tích như lời đề nghị của nhiều nhà khoa học khác.

Chỉ vì ông thấy cái di tích ấy không có bằng chứng để chứng minh là nó có giá trị lớn như mọi người đang nghĩ. Ông bảo còn hàng loạt câu hỏi đặt ra cho di tích mới tìm thấy chưa trả lời được thì làm sao đủ chứng cứ khoa học để chứng minh nó là cái nọ cái kia.

Chính vì thế mà một quan chức ngành văn hóa của Hà Nội vì vụ trước đã có lần phàn nàn là P.GS Ninh cực đoan và tại sao cứ cho ông là duy nhất đúng thế thì đến vụ sau lại khen ông là một người cương trực!

Ở tuổi ngoài 70, P.GS Ninh vẫn tràn đầy nhiệt huyết của một nhà khoa học suốt đời đi điền dã và khai quật khảo cổ. Lần ấy, Viện Khảo cổ tổ chức một hội thảo "đầu bờ" ngay bên hố khai quật ở đền Cổ Loa. Dưới các tầng đất sâu, các nhà khoa học tìm thấy một hố nước cho phép có thể nghĩ tới vị trí "Mắt rồng".

Tôi còn nhớ hôm ấy trời mưa, lớp đất đào lại khá trơn, hố khai quật sâu ngập một cái thang tre. Thế mà P.GS Ninh xăm xăm trèo từng bậc thang xuống tận nơi, trong khi tất cả những người trẻ chỉ đứng trên bờ nhìn xuống. Đứng ở trên, GS Trần Quốc Vượng gọi giật lại: "Anh Ninh, cẩn thận không ngã đấy, ngã thì khổ!". Ở đây cũng phải mở ngoặc nói thêm là đây có thể là lần cuối cùng GS Vượng đến tận một hố khai quật. Lúc ấy bệnh ông đã nặng lắm rồi, sau lần ấy, chỉ độ 2 tháng sau là ông mất.

Hôm ấy, ông đã gầy lắm, sắc mặt kém lắm rồi. Khi ông rút một điếu thuốc ngậm vào chưa kịp châm lửa thì một học trò đã ra lấy điếu thuốc của ông vất đi, bảo ông là bác sĩ dặn không được hút nữa. Ông nhìn theo điếu thuốc, lặng lẽ, chẳng nói câu gì. Trưa ấy, cả GS Vượng và P.GS Ninh đều ngồi phệt xuống chiếu, ăn món bún xào cần của vùng Cổ Loa.

P.GS Ninh sinh con muộn. Ở tuổi 75, con trai đầu ông mới tốt nghiệp đại học vài năm, con thứ 2 mới đang học đại học. Ông bảo lúc con ông xin việc, món quà mà ông biếu cho "sếp" của con trai chính là cuốn sách ông viết: Thành cổ Việt Nam. Lần này, ông có vẻ vui vì căn nhà ở tầng 2 tập thể Viện Khoa học xã hội của ông đã cơi nới được thêm phần diện tích gấp đôi.

Ông bảo ông cũng may vì gia đình ông và gia đình hàng xóm, tức là nhà ở tầng 1, hòa thuận nên mới có thể cơi nới thêm được thế này. Nghe ông nói tôi tin là ông may thật vì tôi biết chỉ cách nhà ông có mấy nhà, cùng là 2 giáo sư cả mà không thể nào thỏa thuận được để xây thêm nên cuối cùng một người phải bán nhà chuyển đi chỗ khác.

Ông đang bị bệnh gút hành hạ, chân đau tới mức chỉ xoay quanh được trong căn phòng nhỏ. Thế mà trong lòng ông tôi biết vẫn đang ấm ức, đang đau đáu vì nhiều vấn đề khoa học chưa được làm sáng tỏ. Ông bảo ông không còn ham hố gì nhưng ông muốn sự thật lịch sử phải được tôn trọng. Ông làm khoa học trước hết là trung thực với lương tâm mình.

Cả đời, ông là tác giả của 57 cuốn sách. Bây giờ nhà ông toàn sách, đồ đạc thì tềnh toàng. Cả 2 cậu con trai đều không theo ngành khoa học xã hội, ông bảo vì nó sợ nghèo như ông. Ông dặn các con là bao giờ ông không còn thích thì để sách lại mà không thích thì xem ai người ta cần thì mang hết sách cho người ta.

Tôi biết ông còn nhiều băn khoăn về Hoàng thành Thăng Long, về thành Cổ Loa. Ví dụ như một vấn đề lớn là thành Cổ Loa, ông cho rằng có thật một Loa thành độc đáo của An Dương Vương xây đắp vào thế kỉ III trước Công nguyên, nhưng lại có một Kiển thành, trị sở huyện Phong Khê của Mã Viện xây dựng vào thế kỉ I sau Công nguyên. Cho nên không thể qui hết mọi di tích, di vật ở Cổ Loa đều là niềm tự hào của Việt Nam. Cho nên ứng xử thế nào với Cổ Loa không phải là sự tùy tiện được!

P.GS Ninh nhờ vợ ông mở cửa tiễn khách về. Rồi ông nói vọng từ trên xuống là ông xin lỗi vì chân đau nên không tiễn được nhé. Rồi ông lại dặn lần nữa là những tài liệu ông đã cho mượn phải nhớ đem trả ông đấy nhé!

Cẩm Thúy
.
.